Chuyện người thợ cơ khí Campuchia chế tạo máy bay

Thứ Bảy, 05/08/2017, 07:00
Mặc dù sinh ra, lớn lên ở đất Prey Veng, Campuchia, nhưng phải mất hơn 2 tiếng, bác sĩ Sarieng mới giúp tôi tìm ra nơi ở của anh thợ cơ khí Paen Long, người đã chế tạo chiếc máy bay 1 động cơ cánh quạt bằng những phụ tùng, linh kiện chắp vá, và đã bay được.

Theo Paen Long, niềm đam mê bay bổng của anh bắt đầu từ năm lên 6 tuổi, khi anh chứng kiến một chiếc trực thăng quân sự hạ cánh xuống sân vận động gần nhà…

Sau hơn 2 tiếng rong ruổi trên chiếc xe gắn máy, hỏi thăm 5, 6 lượt, bác sĩ Sarieng và tôi mới tìm ra nhà của anh thợ cơ khí Paen Long. Đó là một gara sửa chữa ô tô nằm cạnh một con đường đất ở phum Rô, tỉnh Prey Veng, Campuchia. Khi biết tôi muốn tìm hiểu về nguyên nhân và quá trình chế tạo chiếc máy bay 1 động cơ cánh quạt, Paen Long dẫn tôi ra phía sau, nơi chiếc máy bay của anh đang trong giai đoạn cải tạo để có thể hạ cánh trên mặt nước.

Anh kể: "24 năm trước, mặc dù lúc ấy tôi mới 6 tuổi nhưng từ khi nhìn thấy chiếc trực thăng, tôi cứ bị ám ảnh bởi giấc mơ bay bổng. Đất nước Campuchia khi đó với sự giúp đỡ của bộ đội tình nguyện Việt Nam, vừa mới quét sạch những đám tàn quân Pol Pot cuối cùng. Cuộc sống còn nhiều khó khăn lắm nên mơ ước vẫn chỉ là mơ ước…".

Paen Long bên chiếc máy bay do anh chế tạo.

Học hết lớp 9, thay vì làm nông theo truyền thống gia đình thì Paen Long chuyển sang học nghề cơ khí. Anh kể: "Thời điểm ấy, thợ sửa chữa ô tô ở Prey Veng rất ít trong lúc xe hơi xuất hiện ngày càng nhiều. Những nhà có xe mỗi khi hư hỏng đều phải mang lên Phnom Penh". Học xong, thoạt đầu Long làm thuê cho một số gara rồi dần dà, với số vốn dành dụm được, anh mở một xưởng sửa chữa ô tô ngay tại nhà.

Chị Hing Muoyheng, vợ của Paen Long cho biết: "Nhờ khéo tay, cần cù, giá cả cũng phải chăng nên chồng tôi làm không hết việc. Nhưng đêm nào cũng vậy, cứ hễ tôi đi ngủ là anh ấy lại vào mạng Internet. Thoạt đầu, tôi không biết ảnh coi cái gì nên tôi tò mò rình thử. Ai dè ảnh chỉ toàn coi về máy bay…".

Paen Long cười: "Suốt 3 năm, đêm nào tôi cũng coi những clip video về cách chế tạo máy bay trên You Tube. Theo các đường link hướng dẫn, tôi tải về các bản vẽ thiết kế, các thông số kỹ thuật cần thiết cho việc chế tạo. Bên cạnh đó, tôi tự học tiếng Anh - chủ yếu là tiếng Anh kỹ thuật để có thể hiểu được những tài liệu này, đồng thời học cất, hạ cánh trên các phần mềm thực tế ảo…".

Năm 2016, khi vừa tròn 30 tuổi và đã để dành được một số tiền, Paen Long quyết định thực hiện giấc mơ của mình. Anh cho biết vì e ngại bị người trong phum chế nhạo nên anh hoàn toàn bí mật về việc chế tạo máy bay. Một số bộ phận anh phải làm vào ban đêm. Anh kể: "Sau khi tham khảo một số mẫu, tôi chọn loại máy bay 1 động cơ cánh quạt do người Nhật sản xuất hồi chiến tranh thế giới thứ 2 vì cấu trúc của nó không quá phức tạp".

Sau khi bị rơi, chiếc máy bay đang được Paen Long cải tạo lại.

Hing Muoyheng, vợ anh nói: "Tôi tự hỏi làm sao nó có thể bay vì chẳng có bất kỳ một người nào am hiểu về lĩnh vực ấy để giúp đỡ chồng tôi. Nhiều lần tôi khuyên anh ấy dừng lại vì tôi sợ nguy hiểm nhưng anh vẫn muốn chứng minh rằng anh bay được…".

Chiếc máy bay của Paen Long có chiều dài 4,3m, sải cánh mỗi bên 4m, động cơ dung tích 750cc đã cải tạo lại hộp số, cánh quạt là 2 thanh thép. Bảng đồng hồ điều khiển cũng lấy từ ô tô. Khung máy bay được hàn từ những ống thép còn thân bọc bằng một lớp tôn mỏng. Ghế lái là một chiếc ghế nhựa đã cưa hết 4 chân, bánh xe tận dụng từ bánh của xe gắn máy. Chỉ vào chiếc bình gaz loại 12kg, Long cho biết nó là chỗ đựng nhiên liệu.

Anh nói: "Khó nhất là hệ thống điều khiển các cánh tà để máy bay có thể bay lên, hạ xuống, lượn trái, lượn phải. Với những loại máy bay hiện đại, họ sử dụng thủy lực còn máy bay của tôi dùng dây cáp. Tôi phải làm đi làm lại rất nhiều lần mới thành công".

Suốt 1 năm, chiếc máy bay đã ngốn của Paen Long 10.000USD, một số tiền không nhỏ nếu so với mức thu nhập của nhiều người dân Campuchia ở Prey Veng. 2 giờ 30 phút chiều ngày 8-3-2017, Paen Long kéo chiếc máy bay ra khỏi xưởng cơ khí ô tô trước những cặp mắt kinh ngạc lẫn tò mò của người dân phum Rô. Dẫn tôi đến con đường đất gần nhà anh, nơi anh chọn làm "đường băng" để cất cánh, Long  nói: "Nó khá bằng phẳng và chiều dài của nó đủ cho tôi chạy lấy đà. Lúc ấy, tôi dự định sẽ bay khoảng 2km rồi vòng lại, đáp xuống, đánh giá những ưu, khuyết điểm để cải tiến".

Theo quan sát của tôi, hai bên "đường băng" hoàn toàn trống trải. Trước mặt cách đó chừng 2km là quốc lộ còn sau lưng là những cánh đồng lúa. Ông Sok Pha, hàng xóm của Paen Long kể: "Có gần 300 người chứng kiến Paen Long trèo vào máy bay, đội chiếc mũ bảo hiểm - loại dùng cho xe gắn máy - lên đầu. Sau đó anh ấy bật công tắc. Giây lát, cánh quạt quay tít rồi chiếc máy bay từ từ chạy trên con đường đất, càng lúc càng nhanh dần".

Paen Long kể tiếp: "Khi thấy nó đã đủ tốc độ để cất cánh, tôi kéo cần lái. Nó bốc lên cao được 50m, bay xa khoảng 300m thì bất ngờ mất lực nâng mà nguyên nhân theo tôi là do trọng lượng của nó quá nặng - hơn 500kg - dẫn đến hiện tượng động cơ thất tốc". Chiếc máy bay cắm đầu xuống đất nhưng may mắn là Paen Long không hề hấn gì trong lúc rất nhiều người chứng kiến đều cùng cười ồ, chế nhạo anh.

Theo lời vợ anh thì lúc nhìn thấy chiếc máy bay rơi như hòn đá, chị không còn hồn vía nào nữa. Chị kể: "Chồng tôi leo ra khỏi máy bay rồi đứng sững ở đó. Nghe người ta cười trêu chọc, anh mắc cở lắm, anh khóc, nước mắt chảy dài trên mặt".

Thất bại không làm Paen Long nản lòng. Anh cho biết anh đang chế tạo một chiếc máy bay khác nhưng lần này là loại hạ, cất cánh trên mặt nước. Anh nói: "Rút kinh nghiệm từ lần bay thử đầu tiên, tôi sẽ giảm bớt trọng lượng của chiếc thứ hai. Bên cạnh đó, tôi cũng cần phải học thêm về khí động học để có thể tính toán các thông số phục vụ cho việc lên, xuống".

Khi tôi hỏi chiếc máy bay thứ hai dự kiến sẽ tốn hết bao nhiêu tiền và chừng nào thì bay thử, Long đáp: "Hiện tại, tôi đã đổ vào đó 3.000USD và có lẽ phải cần thêm 7 hoặc 8 nghìn nữa. Tôi định trong tháng 8 sẽ bay, đường cất, hạ cánh sẽ là con sông Waiko vì nếu có rơi như chiếc thứ nhất, nó sẽ rơi trên mặt nước, giảm thiểu thiệt hại cho người khác".

Theo chị Hing Muoyheng, vợ anh Long thì ngoài chuyện mua sắm các vật tư, thiết bị để làm máy bay, chồng chị không hề tiêu xài gì khác: “Anh ấy mê máy bay đến mức quên cả bản thân mình".

Lúc nghe tôi kể ở tỉnh Tây Ninh, Việt Nam, có anh nông dân "hai lúa" Trần Quốc Hải chế ra chiếc trực thăng dùng động cơ ô tô, và cũng đã bay lên được thì Paen Long tròn mắt: "Tôi thích trực thăng lắm nhưng cấu trúc truyền động của nó rất phức tạp, trình độ tôi chưa làm nổi. Trước mắt, mục tiêu của tôi là bay lên, đáp xuống an toàn. Sau này dùng nó vào việc gì thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố…".

Vũ Cao
.
.