Có cả ngàn hộ dân… “đói nước”

Thứ Sáu, 16/01/2015, 10:15
Không riêng gì câu chuyện di dời mồ mả, trong quá trình bặm mình bám nghĩa địa lớn và phức tạp nhất đất Sài thành được hình thành từ trước năm 1975, chúng tôi phát hiện nhiều bất cập khác, đặc biệt là nạn ô nhiễm môi trường cùng bi kịch khát nước của nhiều hộ dân sống quanh nghĩa địa. Những bức xúc, trăn trở trên đã được phản ánh trên Chuyên đề ANTG.

Sau khi phản ánh, Chuyên đề ANTG nhận được công văn số 4627/TCT-KHĐT ngày 25/12/2014 của ông Bạch Vũ Hải là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn. Công văn này có nội dung đề nghị "Hỗ trợ xác định địa điểm khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa để có giải pháp cung cấp nước sạch". Hộ dân mà phía Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đề nghị "giúp hỗ trợ xác định địa điểm và danh tính" là hộ gia đình của bà Đỗ Thị Nở, ngụ địa chỉ 12/40 A khu phố 19, phường Bình Hưng Hòa A.

Theo công văn của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, sau bài viết "Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, Công ty Cổ phần Cấp nước Chợ Lớn và Công ty TNHH MTV CN Tân Hòa đã rà soát kiểm tra lại các khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa nhưng không thấy các địa chỉ và danh tánh đã nêu trong bài báo".

Địa chỉ cụ thể của bà Đỗ Thị Nở là 12/40A đường số 17, tổ 85, khu phố 19, phường Bình Hưng Hòa A. Cần nói rõ rằng không riêng gì một số trường hợp điển hình được được đề cập ở ANTG số 1429, những ngày đi tìm hiểu thực tế ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa, chúng tôi phát hiện sự thật chấn động rằng ở quanh nghĩa trang này nói riêng, toàn phường Bình Hưng Hòa A nói chung, có đến cả ngàn hộ dân đến nay vẫn đau đáu với giấc mơ… nước sạch!

Đường vào nhà bà Đỗ Thị Nở.

1. "Hơn 20 năm trước, vì hoàn cảnh khó khăn tôi đến khu vực này mua đất nghĩa địa làm nhà. Đất tôi mua giá 10 triệu đồng nhưng để khoan được giếng nước tôi phải trả đến gần 2 triệu đồng, thời đó một chỉ vàng khoảng 500.000 đồng. Ở đây chỉ cần khoan ngoài 20m đã có nước rồi nhưng muốn được dùng nước sạch, tôi phải nhờ người ta khoan sâu gần gấp 4 lần... Chuyện bà con dùng nước như thế, ủy ban phường rất quan tâm. Gần 2 năm trước, phường phát động chủ trương, kêu gọi người dân đăng ký bắc nước thủy cục đợt một. Đến lượt hộ dân vùng lõi như tôi đăng ký thì phía công ty cấp nước cho ngưng. Lý do nghe đâu là họ nói bị lỗ gì đó. Giờ thì họ cho nộp đăng ký lại. Tuần trước tôi nộp hồ sơ rồi. Nộp cho ông tổ trưởng là Nguyễn Văn Lượm. Nộp thì nộp thôi chứ chưa biết đến khi nào được dùng nước thủy cục".

Trên đây là trích lược nội dung cuộc trò chuyện giữa PV Chuyên đề ANTG với bà Đỗ Thị Nở, nhà chỉ cách rừng mồ mả chỉ chục bước chân (ngụ địa chỉ 12/40A, khu phố 19, phường Bình Hưng Hòa A.). Như đã nói, gia đình bà Nở không phải là trường hợp duy nhất ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa đói nước sạch, "thèm" nước sạch, "khát" nước sạch... và khao khát có được nước sạch đến cháy bỏng.

Cũng cần nói rõ rằng cơn khát hơn 20 năm của gia đình bà Nở chẳng là gì so với cơn khát kéo dài hàng chục năm, có khi kéo dài hơn nửa thế kỷ của nhiều hộ dân khác quanh nghĩa địa vốn dĩ có quá nhiều hỗn danh mà mỗi khi nhắc đến sẽ khiến người ta nghĩ ngay đến các loại tệ nạn. Đến bây giờ chúng tôi vẫn nhớ như in tiếng thở dài và ánh mắt trĩu nặng ưu tư của ông Lê Văn Hải - thương binh hạng 2/4 (ông bị thương tại chiến trường Campuchia-PV). Ông Hải là ông từ trông coi đình Bình Khánh tọa lạc ở giữa rừng mồ mả Bình Hưng Hòa.

Khi được hỏi chuyện dùng nước sạch và đói nước, ông Hải sau chút trầm ngâm thổ lộ rằng nhà ông ở khu phố 19, cách đình Bình Khánh vài trăm bước chân. Hai năm trước, sau hàng chục năm chờ đợi, rồi gia đình ông Hải cũng vỡ òa niềm vui khi đường ống nước thủy cục của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn kéo về đến tận nhà.

"Nhà tôi ở phía bên kia kìa" - trong hậu liêu đình Bình Khánh, ông Hải vừa nói vừa chỉ tay về phía đường Bình Long, con đường lộ chính vắt qua nghĩa địa Bình Hưng Hòa rồi tiếp tục trò chuyện: "Nói thật sau bao năm dùng nước bơm khoan từ lòng đất nghĩa địa, nay được dùng nước sạch, sung sướng lắm chú ơi. Nhưng ở quanh đây không phải ai cũng được may mắn như tôi. Ở đây, nhiều gia đình mơ được dùng nước sạch lắm!".

Hỏi ông Hải rằng, ngoài khu phố 19, phường Bình Hưng Hòa có bao nhiêu khu phố có hộ dân sống quanh nghĩa địa Bình Hưng Hòa đói nước sạch? Ông Hải tặc lưỡi bảo nhiều lắm. Hỏi chuyện một số bậc cao niên ở vùng này, chúng tôi không khỏi sững sờ khi biết được ở Bình Hưng Hòa, có khu phố có đến hàng trăm hộ dân đói nước sạch. Và có khu phố có đến 100% hộ dân chẳng hộ nào được dùng nước của "nhà máy nước", kể cả đó là nhà của trưởng khu phố. Một cán bộ hưu trí đề nghị không nêu tên bật mí rằng theo như ông nắm được thì chỉ riêng phường Bình Hưng Hòa A thôi đã có đến cả ngàn hộ dân "khát" nước sạch.

Nếu chuyện đúng như thế thì đó quả là thông điệp buồn của đất Sài thành trong ngày đầu năm 2015 này.  Điều trớ trêu là đi sâu tìm hiểu, chúng tôi biết chuyện có cả ngàn hộ dân "khát"  nước sạch lại là chuyện... có thật.

2. Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng khu phố 4 cho biết ông ở tại Bình Hưng Hòa từ năm 1963 và từ đó đến nay, nước máy hay nước sạch với ông cùng hàng trăm hộ dân ở khu phố 4 vẫn là giấc mơ xa xỉ. Theo ông Lợi thì, hồi ông về ở tại Bình Hưng Hòa, khi ấy khu vực này chưa hình thành nghĩa địa.

Từ đó đến nay, mới đó mà nghĩa địa nhung nhúc mồ mả, phức tạp và ô nhiễm nghiêm trọng đến độ phải giải tỏa để nhường chỗ cho trung tâm thương mại cùng công viên...: "Khoảng năm 1966-1967 thì việc chôn cất ở Bình Hưng Hòa mới xuất hiện. Hồi trước không có chuyện chôn cất người chết nên giếng khoan giếng đào chỉ vài ba chục mét nước trong vắt dùng thoải mái chẳng phải lo ngại gì. Giờ nước giếng khoan ở độ sâu ấy chẳng ai dám dùng".

Ông Lê Văn Hải.

- Hiện khu phố có bao nhiêu hộ chưa có nước, thưa chú? Nhà chú có nước từ năm nào?

- Làm gì có, nhà tôi như hàng trăm hộ khác, thèm nước sạch đến cháy bỏng. Khu phố hiện có ngoài 300 hộ dân mơ có nước thủy cục, trong đó có hơn 50 hộ sống gần nghĩa địa đất làng là một trong những nghĩa địa nhỏ hợp thành "đại nghĩa địa" Bình Hưng Hòa. Vừa rồi số hộ kể trên nộp hồ sơ, phường đã nhận nhưng chưa thông báo khi nào thì phía công ty cấp nước đưa nước về. Nói chung thì vẫn cứ chờ và… đợi.

Khi chúng tôi ghé trụ sở UBND Bình Hưng Hòa A tìm gặp các cán bộ phụ trách mảng môi trường, thấy cả núi hồ sơ đăng ký được gắn đồng hồ nước - có nghĩa là được cấp nước sạch từ phía Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, của người dân địa phương được phường tập hợp lại. Hỏi rằng cả thảy đơn xin được cấp nước kia có được phía công ty cấp nước "duyệt" và nếu được "duyệt" thì khi nào bà con có nước sạch? Một cán bộ trả lời rằng: phường chỉ tập hợp hồ sơ thôi, việc còn lại thì chỉ công ty cấp nước mới trả lời được.

Cùng chung nỗi niềm, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, trưởng khu phố 5, cho biết hiện có 3 tổ trong khu phố (tổ 82, 83, 84) với khoảng 200 hộ dân đang từng ngày mong chờ nước sạch. Cũng theo ông Nghĩa, khu phố có khoảng 50 hộ sống gần nghĩa địa "khát" nước sạch: "Tôi về đây ở từ năm 1993. Những gia đình khác thì còn có cơ hội xài nước sạch chứ như gia đình tôi, chắc chẳng bao giờ. Vì nhà mình nằm giữa nghĩa địa, đường ống của công ty cấp nước chẳng bao giờ tới được" - ông Nghĩa trầm giọng.

3.Chuyện đói nước thê thảm nhất ở khu vực Bình Hưng Hòa là giấc mơ nước thủy cục của hàng trăm hộ dân ở khu phố 19. Ông trưởng khu phố là Nguyễn Văn Lượm năm nay 53 tuổi, nói chuyện "đói", "khát" nước sạch với giọng trầm buồn. Ông Lượm cho biết ông sinh ra và lớn lên trên đất này, sống đã quá nửa thế kỷ nhưng ông và biết bao người dân ở khu vực này chưa một lần nhìn thấy giọt nước sạch: "Nước sạch nghĩa là nước thủy cục của Nhà nước. Muốn có nước sạch phải bắc đồng hồ nước. Bà con bao năm chờ đợi nhưng đến giờ chưa thấy gì. Vừa rồi nghe có công trình nước về, bà con mừng lắm. Khu phố có trên 700 hộ dân và qua rà soát có khoảng 650 hộ đủ điều kiện bắc nước. Nhưng đến nay chúng tôi chỉ gom được khoảng 600 hồ sơ. Cả thảy hồ sơ chúng tôi đã nộp cho phường. Nghe đâu phường sẽ tổng kết rồi chuyển giao cho công ty cấp nước".

Ít ai biết được phía sau rừng mồ mả kia, có nhiều câu chuyện dân sinh cười ra nước mắt.

Khó có thể tưởng tượng được ngay giữa lòng thành phố mà có khu phố với hơn 700 hộ dân đến nay giấc mơ nước vẫn cứ là giấc mơ. Ông Lượm cho biết toàn khu phố hiện có khoảng 60 hộ sống ven nghĩa địa Bình Hưng Hòa. Số hộ dân này nằm trong tổng số hơn 700 hộ dân ở khu phố 19 "khát" nước thủy cục.

- Phía công ty cấp nước có nói khi nào nước sẽ về đến khu không không, thưa chú?

- Lúc triển khai nộp hồ sơ, họ bảo trước năm 2015. Còn bây giờ đã bước qua năm rồi nhưng…

Ông Lượm bỏ lửng câu nói với ánh nhìn xa xăm. Ông nói hồi nào giờ gia đình ông và bà con ở khu phố 19 chỉ dùng nước bơm từ giếng ngầm mà theo cách nói ví von của ông là "xài nước nghĩa địa". "Nhà nào có điều kiện thì dùng nước bình nấu ăn. Nhà khó khăn dùng nước lọc. Nghĩa là bà con lấy nước bơm từ dưới đất cho vào bình lọc để lấy đó mà ăn uống" - ông Lượm giải thích.

Giếng nhà ông Lượm sâu 70m. Ông nói giếng khoan ngoài 30m nước nhiễm phèn, đỏ loẹt chẳng thể dùng được. Bà Hoàn, một hộ dân cũng "khát" nước sạch hơn nửa thế kỷ như ông Lượm nói trước đây giếng nhà bà khoan sâu 38m, sau nước ngày một xấu nên bà gom tiền khoan sâu gấp đôi mới dám dùng…

Với hàng triệu người dân đất Sài thành chỉ một ngày bị cúp nước thôi là họ đã kêu trời, nói chi bị đói nước một tuần, 10 ngày hay một tháng. Vậy mà hàng chục năm qua, người dân ở Bình Hưng Hòa chịu cảnh "đói" nước sạch đến gần hết đời người, sự chịu đựng thật đáng nể. Nếu không bám trụ ở nghĩa địa có nhiều hỗn danh như Bình Hưng Hòa, nếu không bặm mình len lỏi giữa rừng mộ chí lạnh người, có lẽ chúng tôi sẽ không bao giờ biết được câu chuyện "thèm" nước sạch đến cháy bỏng của cả ngàn hộ dân nơi đây.

Có một điều lạ là hộ dân và một số cán bộ địa phương khi được hỏi thăm căn nguyên của chuyện đói nước, cả thảy đều có cùng câu trả lời rằng: phía công ty cấp nước nghe đâu gặp khó khăn về vốn đầu tư nên chậm triển khai. Trời ơi, nhiều năm qua, thành phố đã chi, đã đầu tư, đã đổ, đã rót hàng trăm ngàn tỉ đồng để xây dựng đủ thứ công trình, hạ tầng. Lẽ nào  lại thiếu tiền đến độ để cả ngần ấy hộ dân… khát nước đến như vậy?!

Thực tế đắng lòng là vậy, nhưng không hiểu sao Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn lại có công văn "Yêu cầu Chuyên đề ANTG chỉ giúp địa chỉ một người dân ở khu nghĩa địa Bình Hưng Hòa "đói nước" như quý báo đã nêu?".

Xuân – Thành
.
.