Công nghệ giúp nông dân Ấn Độ nuôi sống hơn 1 tỉ người

Thứ Năm, 31/10/2019, 09:00
Hàng trăm triệu người ở Ấn Độ đang kiếm sống nhờ nông nghiệp. Song nhiều người trong số họ phải vật lộn với việc mất mùa do dịch bệnh, hay khó khăn khi tiêu thụ hoặc nông sản mất giá. Một số công ty khởi nghiệp đang cố gắng thay đổi điều đó.


Lĩnh vực thu hút tài chính và nhân tài

Với sự bùng nổ của điện thoại di động ở Ấn Độ, các công ty này đang tận dụng điện thoại thông minh và internet để giúp nông dân trồng trọt, thu hoạch và bán nông sản hiệu quả hơn. Ấn Độ là nước tự túc về lương thực nhưng phải đối mặt với thách thức không ngừng để nuôi sống được 1,3 tỉ người và dân số vẫn tiếp tục tăng. Đất nước này chiếm đến 1/4 lượng người nghèo đói trên thế giới và có 190 triệu người suy dinh dưỡng, theo ước tính mới nhất của Liên Hợp Quốc.

Digital Green bắt đầu bằng các cơ sở dữ liệu video để nông dân chia sẻ các kinh nghiệm thực tế hữu ích.

"Lĩnh vực này đang thu hút rất nhiều tài chính và nhân tài" - Rikin Gandhi, đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của Digital Green, một công ty khởi nghiệp bắt đầu với một dự án nghiên cứu của Microsoft Ấn Ðộ (MSFT) có mục tiêu giúp đỡ nông dân nhỏ ở các nước đang phát triển gia tăng năng suất bằng biện pháp trao đổi thông tin với chi phí thấp, nói. 

Rikin Gandhi, thạc sĩ công nghệ hàng không ở Mỹ, là một đại diện cho làn sóng di cư ngược về Ấn Độ để giúp đỡ những người dân bình thường.

Công ty bắt đầu bằng cách giúp nông dân sản xuất video về những mẹo hay, kinh nghiệm thực tế tốt nhất cũng như những sáng kiến, cải tiến nông nghiệp rồi tải chúng lên YouTube, cũng như để xây dựng cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm để chia sẻ cho cộng đồng. 

Tại Digital Green, các chuyên gia trình độ cao và nông dân cùng chia sẻ lợi ích khi làm việc chung. Hiện hơn 1 triệu nông dân trên khắp Ấn Độ đang truy cập các video này, Gandhi ước tính.

Gandhi mô tả Loop như "một ứng dụng Uber Pool (đi chung xe-PV) cho nông dân để đưa sản phẩm rau quả tươi của họ ra thị trường". Nông dân nhập địa điểm của họ cũng như chủng loại, số lượng sản phẩm, sau đó chọn loại xe tải và nông sản được vận chuyển đến chợ hay cửa hàng tạp hóa gần nhất. Kisan Diary, theo tiếng Hindi có nghĩa là "nông dân", là một ứng dụng giúp nông dân theo dõi sản xuất, việc bán hàng và lợi nhuận của họ tại một địa điểm. Cả hai ứng dụng này đã đạt được khoảng 10.000 người dùng trong vài tháng qua, theo Gandhi.

"Bác sĩ" trồng trọt trực tuyến

Trong khi Digital Green đang giúp nông dân trồng, bán và vận chuyển nông sản, Plantix đang tập trung vào việc cứu nông sản. Ứng dụng này do Công ty PEAT của Đức tạo ra vào năm 2015, đã có 1,1 triệu người dùng ở Ấn Độ và 80% số người dùng này hoạt động hàng tháng.

Plantix sử dụng trí thông minh nhân tạo để giúp định bệnh trên cây trồng. Nông dân có thể tải các hình ảnh lên bằng điện thoại di động thông minh để được giúp chẩn đoán và điều trị bệnh. Nó cũng cung cấp hướng dẫn trực tuyến về cách sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng. Akshat Mittal, người đứng đầu bộ phận tăng trưởng người dùng quốc tế của Plantix, cho CNN Business hay.

Charlotte Schumann, người đồng sáng lập PEAT cho hay sau nhiều tháng, nhóm nghiên cứu kết luận rằng, một ứng dụng chẩn đoán có tính năng nhận dạng hình ảnh sẽ giúp người nông dân hiệu quả nhất, đặc biệt là khi giá điện thoại thông minh giảm xuống và ngày càng phổ thông. Ngoài 5 ngôn ngữ quốc tế, Plantix còn có cả tiếng Hindi, tiếng Telugu và tiếng Anh ở Ấn Độ để người nông dân dễ sử dụng.

Ứng dụng hiện có thể xác định được hơn 450 bệnh đối với khoảng 50 loại cây trồng khác nhau và số lượng này đang tăng lên nhanh chóng. Ứng dụng nông nghiệp trên smartphone này đem lại sự cải thiện đáng kể cho năng suất và cuộc sống của người nông dân.

Làm nông bằng điện thoại thông minh

Cả hai công ty trên đều tin rằng, sự bùng nổ của điện thoại di động thông minh ở Ấn Độ giúp cho ứng dụng của họ thành công. Năm 2011 có dưới 50 triệu người dùng điện thoại thông minh, thì bây giờ đã là hơn 400 triệu người. Và hầu hết dân số nước này vẫn chưa kết nối mạng Internet, nghĩa là số người dùng tiềm năng của ứng dụng sẽ tiếp tục tăng lên, theo Mittal.

Việc giảm chi phí truy cập Internet cũng là một điều hữu ích. Giá cước truy cập internet trên di động đã giảm từ 3 USD mỗi gigabyte vào năm 2016 đã giảm xuống còn dưới 20 cents (xu), chủ yếu nhờ vào mạng Reliance Jio - người giàu nhất Ấn Độ tạo ra - cho phép người dùng truy cập mạng 4G với giá rẻ.

Gandhi cho hay, kênh YouTube của Digital Green có khoảng 50 triệu lượt người xem, nhưng cho đến năm 2017, "gần như không có ai xem những video này". "48 triệu lượt xem xuất hiện trong 2-3 năm qua là nhờ Jio và sự thâm nhập của điện thoại thông minh vào cuộc sống" - Gandhi nói.

Dự án mới nhất của Gandhi và Digital Green là xây dựng một cơ sở dữ liệu về nông dân, gọi là FarmStack, để các công ty mới khởi nghiệp khác sử dụng. Ấn Độ hiện có hơn 450 công ty khởi nghiệp về nông nghiệp thông minh, theo báo cáo từ Hiệp hội các công ty dịch vụ và phần mềm quốc gia NASSCOM. Gandhi cho biết thêm rằng, cơ sở dữ liệu sẽ cung cấp cho nông dân quyền kiểm soát các dịch vụ và công ty mà họ muốn sử dụng.

Ra toàn cầu

Digital Green đã gặt hái thành công ở Ấn Độ và sẽ mở rộng sang các thị trường khác như Ethiopia, Ghana và thậm chí cả Mỹ. Plantix thì đang hiện diện ở 150 quốc gia, nhưng hầu hết người dùng là ở Ấn Độ. Cả về nông nghiệp và công nghệ, Ấn Độ đóng vai trò là hình mẫu cho sự phát triển trong tương lai, theo hai công ty này. 

"Ấn Độ là một thị trường tuyệt vời đối với chúng tôi vì lượng người dùng tiềm năng cao ở đất nước này" - Gandhi nói và cho biết thêm, cơ sở hạ tầng công nghệ ở các khu vực khác nhau của Ấn Độ đang bắt chước các thị trường phát triển như Mỹ hay thị trường mới nổi Châu Phi.

Mittal so sánh chiến lược của Plantix với các công ty như Facebook và Google - đã đi vào hoạt động sau khi bổ sung các dịch vụ ở "Ấn Độ trước" trong những năm gần đây, sau đó mới tung ra toàn cầu. "Nếu bạn có thể hiểu được thị trường Ấn Độ, sự đa dạng và các vấn đề, thì đó là khuôn mẫu rất tốt để mở rộng ra thị trường quốc tế. Đất nước này đang trở thành một phòng thí nghiệm cho các thị trường mới nổi" - Mittal cho hay.

Gia Minh
.
.