Công nghệ internet phương Tây “nối giáo” cho IS

Thứ Ba, 15/12/2015, 12:15
Một cuộc điều tra của tạp chí Der Spiegel (Đức) tiết lộ có lẽ chính các công ty châu Âu tạo điều kiện cho IS sử dụng Internet thông qua những ăngten đĩa thu phát tín hiệu từ vệ tinh.

Tổ chức khủng bố IS cho đến nay được xem là bậc thầy về sử dụng công nghệ Intenet để mở rộng chiến dịch tuyên truyền, trao đổi thông tin và thậm chí sắp đặt những kế hoạch tấn công khủng bố. Nhưng làm thế nào mà IS sử dụng được Internet khi mà tổ chức này hoạt động trong những vùng có cơ sở hạ tầng yếu kém và phần lớn đã bị phá hủy?

Đây thật sự là câu hỏi hóc búa cho các chính quyền phương Tây. Tuy nhiên, các tài liệu mà tờ Der Spiegel có được cho thấy các công ty Internet biết rất rõ những gì đang diễn ra và nếu nuốn, họ sẽ dễ dàng chặn đứng ngay lập tức quyền truy cập của những tên khủng bố sành sỏi công nghệ thông tin.

Một vệ tinh internet của Eutelsat.

Đừng tưởng nơi "khỉ ho cò gáy" không biết đến Internet!

Nếu muốn sử dụng Internet tại Syria hay Iraq, người ta có thể tìm mua các thiết bị truyền dẫn ở tỉnh Hatay - một góc ở Thổ Nhĩ Kỳ nằm giữa Địa Trung Hải và biên giới Syria. Đến khu chợ huyện Antakya của Hatay, người ta dễ dàng tìm mua được mọi thứ từ hàng hóa thông dụng cho đến đủ loại thiết bị điện tử. Hàng ngàn ăngten đĩa vệ tinh được lắp đặt trong khu vực cho phép người dùng dễ dàng truy cập Internet.

Trong những năm gần đây, mọi người có xu hướng sử dụng dịch vụ cung cấp Internet qua vệ tinh. Thay cho kết nối thông thường qua hệ thống cáp truyền trên mặt đất, người dùng chỉ cần đĩa vệ tinh với ăngten thu-phát và một modem là đủ để truy cập Internet. Kết quả là truy cập Internet tốc độ cao - download ở mức 22 Megabit/giây và upload là 6 Megabit/giây.

Mặc dù dễ sử dụng Internet bằng vệ tinh song dịch vụ công nghệ này chẳng hề rẻ tiền chút nào. Hiện nay, trang thiết bị cần thiết có giá chừng 500 USD ở Syria, với giá của nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng vào khoảng 500 USD cho 6 tháng sử dụng.

Công nghệ Internet vệ tinh rất hữu ích cho người dân sống trong những vùng nông thôn thiếu thốn cơ sở hạ tầng. Công nghệ giúp người dùng sử dụng email, Facebook hay Instagram để duy trì kết nối với bạn bè, gia đình và phần còn lại của thế giới. Nó cũng cung cấp các dịch vụ thông tin và giải trí. Vấn đề là, các tổ chức khủng bố biết lợi dụng công nghệ để kết nối với những vùng hẻo lánh, đưa lên Internet thông điệp tuyên truyền.

Ở Antakya, nhu cầu công nghệ vệ tinh ở hai bên biên giới dẫn đến sự hình thành một thị trường kinh doanh béo bở. Hai trong số nhiều nhà buôn ở Antakya cho biết, họ có khoảng 2.500 người dùng ở Syria; mang về cho họ thu nhập hàng tháng trên dưới 100.000 USD! Khi được hỏi các thiết bị và dịch vụ được bán cho những ai thì họ khẳng định đó là những "đối tác thương mại". Câu trả lời này xem ra thật đáng ngờ.

Về lý thuyết, bất cứ ai có tiền đều có thể mua và lắp đặt đĩa vệ tinh để vào Internet. Nhưng trong những vùng đất nằm dưới sự kiểm soát của IS, quyền truy cập Internet bị kiểm soát rất gắt gao. Tại các thành phố như Raqqa hay Seir-al-Zor, chỉ có những kỹ thuật viên làm việc cho IS mới được bọn chúng cấp phép lắp đặt. Giới thủ lĩnh IS địa phương (gọi là các emir) quyết định xem những cá nhân nào được phép sử dụng Internet. Ở một số khu vực, IS cắt hoàn toàn Internet.

Đĩa vệ tinh trên một nóc nhà khu Old City ở thủ đô Damascus, Syria.

Theo các nhà hoạt động Syria, đĩa vệ tinh có mặt tràn lan trên nóc các trung tâm truyền thông của IS và trên mái nhà những thành viên thánh chiến. Nếu không có đĩa vệ tinh, IS sẽ bị cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên  ngoài.

Phần lớn đĩa vệ tinh và modem ở Thổ Nhĩ Kỳ được cung cấp từ Rotterdam của Hà Lan, thành phố cảng lớn thứ 3 thế giới. Còn phần lớn các nhà sản xuất nằm ở vùng Viễn Đông; với khách hàng ở Paris (Pháp), London (Anh) hay Luxembourg. Các công ty khai thác vệ tinh lớn ở châu Âu bao gồm Eutelsat của Pháp, Avanti Communications của Anh và SES của Luxembourg.

Các vệ tinh Internet phổ biến nhất là Hughes của Avanti và nhất là Tooway của Eutelsat. Mạng lưới vệ tinh Internet của Eutelsat gần như bao phủ toàn cầu trong những năm qua. Victor Kuhne, Giám đốc điều hành Công ty Sat Internet Services đặt trụ sở tại thành phố Neustadt am Rubenberge miền Bắc nước Đức cho biết, việc kinh doanh vệ tinh Internet tại Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhiều khó khăn do kết nối vệ tinh ở nước này đắt hơn đường truyền DSL rất nhiều.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, những người dùng Internet sử dụng đĩa vệ tinh phải đăng ký với Cơ quan quản lý viễn thông BTK của nước này. Theo số liệu mới nhất của BTK, 11.000 người dùng Internet vệ tinh ở Thổ Nhĩ Kỳ đăng ký mới trong 3 tháng đầu năm 2015, trong khi năm trước đó chỉ 500 người. Chỉ riêng 2 năm 2013 và 2014, Sat Internet Services đã xuất khẩu hơn 6.000 đĩa vệ tinh đến Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng phần lớn số đĩa vệ tinh này không nằm lại Thổ Nhĩ Kỳ mà nhiều khả năng được vận chuyển đến Syria. Thị trường tiêu thụ đĩa vệ tinh Internet ở Syria rất lớn cho nên giá lắp đặt cũng rất cao.

Tại sao IS dễ dàng sử dụng dịch vụ vệ tinh internet?

Người ta đang đặt câu hỏi liệu các công ty khai thác vệ tinh có cố tình trợ giúp IS và biết rõ những ai phân phối thiết bị hay không. Một nguồn giấu tên ở Antakya cho biết có một số người đàn ông để râu thường lui tới các cửa hàng bán đĩa vệ tinh nơi đây. Họ lấy trong túi ra hàng bó tiền và đặt mua hàng chục đĩa vệ tinh một lúc. Họ cũng mua những thiết bị liên lạc vô tuyến hoạt động trong tầm vài kilômét. Người ta nghi ngờ những người đàn ông để râu này làm trung gian mua thiết bị vệ tinh ở Thổ Nhĩ Kỳ cho IS.

Giới chức SES ở Luxembourg tuyên bố họ chỉ bán dịch vụ cho những đối tác lớn đã qua kiểm tra mà không bán cho khách hàng lẻ. Giới chức SES khẳng định, họ không biết đến người dùng trong những vùng Syria do IS kiểm soát, họ cam kết nếu phát hiện các trường hợp như thế, công ty sẽ ngưng cung cấp dịch vụ ngay lập tức. Trong khi đó, giới chức Eutelsat trả lời rằng, các thiết bị vệ tinh đầu cuối hiện đại rất nhỏ gọn và cơ động cho nên họ khó mà kiểm soát được bất cứ hành vi sử dụng bất hợp pháp nào.

Eutelsat nhấn mạnh công ty của họ không có mạng lưới cung cấp dịch vụ ở Syria và cũng không tiếp xúc trực tiếp với các khách hàng này. Nhưng nếu căn cứ theo dữ liệu GPS mà tờ Der Spiegel có được từ năm 2014 và 2015, rõ ràng các đĩa vệ tinh nằm chính xác trong những khu vực do IS kiểm soát ở Syria!

Một khu chợ ở Antakya của Thổ Nhĩ kỳ.

Nhiều đĩa vệ tinh nằm ở thành phố Aleppo lớn thứ 2 của Syria, nơi không nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của IS. Còn vị trí những đĩa vệ tinh khác nằm ở các thành phố như Raqqa (trụ sở không chính thức của IS), al-Bab, Deir al-Zor, Mosul và dọc theo sông Euphrates vào Iraq.

Mặc dù phần lớn các công ty khai thác vệ tinh không công bố những con số cụ thể, song giới phân tích công nghiệp cho biết họ đầu tư từ 400 - 500 triệu USD để xây dựng một vệ tinh và phóng nó vào quỹ đạo. Tuổi thọ trung bình của một vệ tinh chỉ trong vòng 5 năm, nghĩa là số tiền đầu tư khổng lồ phải được thu hồi càng nhanh càng tốt và bằng mọi giá!

Có lẽ đây là câu trả lời cho vấn đề tại sao những nhóm khủng bố nguy hiểm như IS dễ dàng sử dụng dịch vụ Internet vệ tinh của các công ty châu Âu cho mục đích giao tiếp, tuyên truyền, tuyển mộ chiến binh mới cũng như lập kế hoạch tấn công khủng bố.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.