Công nghệ robot trợ giúp người cao tuổi
- Robot truy lùng tội phạm ấu dâm trên mạng
- Nga "khoe" hàng loạt robot chiến tranh sát thủ trên chiến trường
- Tạo da thịt cho robot tương lai
Nadine là robot "thông minh" có hành vi ứng xử tự động. Đối với một cỗ máy, dáng vẻ và hành vi của Nadine tự nhiên đến mức đáng kinh ngạc. “Cô” nhận biết được con người và mọi cung bậc cảm xúc của họ nhờ vào cơ sở dữ liệu kiến thức được trang bị. Tại IMI, Nadine có được kỹ năng của nhân viên tiếp tân song chẳng bao lâu nữa "cô" sẽ trở thành y tá trợ giúp người cao tuổi. Bởi vì cuộc nghiên cứu sử dụng robot làm y tá hay người chăm sóc người cao tuổi đang tiến triển.
Dân số toàn cầu đang già hóa nhanh chóng và từ đó gây áp lực nặng nề cho hệ thống chăm sóc y tế. Rất nhiều cụ già 80 tuổi cần có người bạn bên cạnh để trò chuyện hay một người trông chừng để không bị té ngã, hoặc chăm sóc khi mắc bệnh nặng như là mất trí nhớ. Nhiều chuyên gia cho rằng đây chính là lúc thích hợp để sử dụng công nghệ robot thông minh đáp ứng các nhu cầu người cao tuổi.
Nadine (trái) sẽ trở thành trợ lý đắc lực cho người cao tuổi. |
Đó là lý do mà nhóm các nhà nghiên cứu do giáo sư Nadina Thalmann lãnh đạo tạo ra Nadine. Họ miệt mài nghiên cứu "người ảo" trong suốt nhiều năm dẫn đến sự ra đời của Nadine. Giáo sư Thalmann giải thích: "Nadine có khả năng giống người. Cô biết nhận diện con người, nhớ mặt họ và các cảm xúc của họ".
Nadine tự động thích nghi với mọi hoàn cảnh và biết cách chăm sóc người cao tuổi. Robot có thể giám sát tình trạng sức khỏe bệnh nhân, biết gọi cấp cứu khi cần thiết, biết trò chuyện thân mật hay cùng chơi game. Và, robot dạng người đặc biệt không hề biết mệt mỏi hay chán nản. Theo giáo sư Thalmann, trong vòng 10 năm nữa, đội quân robot sẽ có đủ năng lực chăm sóc người cao tuổi.
Tập đoàn công nghệ Mỹ IBM đang bận rộn hợp tác với Đại học Rice ở thành phố Houston thuộc bang Texas để tạo ra robot chăm sóc người cao tuổi có tên gọi dài: IBM Multi-Purpose Eldercare Assistant (Mera). Mera giám sát tình trạng tim và hơi thở bệnh nhân bằng cách phân tích hình ảnh gương mặt đối tượng. Mera cũng đoán biết khi nào bệnh nhân té ngã và truyền thông tin đến con người. IBM tin tưởng cuộc nghiên cứu Internet kết nối Vạn vật (IoT) sẽ có ích cho con người trong tương lai.
Phòng nghiên cứu robot của IBM. |
Susann Keohane, lãnh đạo nghiên cứu toàn cầu về chiến lược cho người cao tuổi của IBM, bình luận: "Những giải pháp sáng tạo mới được tạo ra bao gồm sử dụng công nghệ robot và IoT là cơ hội thực sự giúp con người phát huy sự độc lập và gia tăng chất lượng cuộc sống". Không chỉ có robot dạng người được nghiên cứu phát triển mà cả robot thú cưng cũng được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới ngày nay.
Được chế tạo tại Nhật Bản, Paro là con hải cẩu liệu pháp giúp giảm bớt hiệu quả những triệu chứng hành vi và tâm lý nơi bệnh nhân mất trí nhớ. Robot hải cẩu Paro được thiết kế để giao tiếp bằng mắt. Hiện có khoảng 5.000 con robot như thế được sử dụng.
Những cuộc thử nghiệm lâm sàng nơi bệnh nhân cao tuổi mất trí nhớ - được tiến hành bởi nhóm của tiến sĩ Sandra Petersen Đại học Texas ở Tyler (UT Tyler) - cho thấy Paro giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng như trầm cảm, lo lắng và stress.
Nhờ có Paro mà nhu cầu sử dụng thuốc nơi bệnh nhân giảm được một phần ba. Sandra Petersen cho biết: "Nhờ có Paro mà một số bệnh nhân không phát âm được đã bắt đầu nói chuyện bình thường trở lại. Ban đầu là nói chuyện với robot hải cẩu và sau đó đến những người khác".
Tuy nhiên, robot thú cưng cũng gặp trở ngại về giá cả - một con Paro có giá khoảng 5.000 USD! Bên cạnh đó, Petersen tin rằng Paro sẽ đóng vai trò đáng kể trong giải quyết những vấn đề liên quan đến sức khỏe và trí thông minh nhân tạo của con hải cẩu được lập trình để dễ dàng thích nghi với mọi hành vi con người.
Petersen lập luận: "Tôi cho rằng Paro sẽ có vai trò đáng kể trong chữa trị rối loạn stress hậu chấn thương (hay PTSD), giúp phục hồi nhận thức thần kinh nơi bệnh nhân đột quỵ hoặc cung cấp liệu pháp giảm đau cho bệnh nhân. Đặc biệt, những đứa trẻ tự kỷ có thể hưởng lợi nhờ tương tác với Paro".
Đương nhiên, vẫn có những ý kiến không ủng hộ đối với giải pháp sử dụng robot. Một vấn đề là sự phổ biến rộng rãi của đội quân robot dạng người chăm sóc người cao tuổi có thể dẫn đến tình trạng tăng cường sự sống biệt lập của họ - theo giáo sư Sethu Vijayakumar, giám đốc Trung tâm Robot học Đại học Edinburgh (Scotland).
Giáo sư nhấn mạnh: "Chúng ta cần đặt vấn đề: liệu rằng robot có thực sự giúp đỡ con người hay chỉ khiến cuộc sống của họ càng bị biệt lập hơn". Mặc dù vậy, giáo sư Vijayakumar vẫn thừa nhận sự tăng trưởng của robot chăm sóc người cao tuổi là điều không thể tránh khỏi bởi vì dân số già đang ngày một tăng cao.