Cuộc chạy đua mới trong không gian

Chủ Nhật, 15/12/2019, 12:56
Mỹ, NATO, Nga và một số cường quốc mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ... đang có cuộc chạy đua khốc liệt để khẳng định sức mạnh quốc phòng, trình độ công nghệ, các loại vũ khí, trang thiết bị tiên tiến nhất để đè bẹp đối thủ và... làm chủ không gian. Ai cũng muốn làm chủ không gian, vì như thế sẽ điều khiển được thế giới.

Những tính toán nguy hiểm

Các chuyên gia phân tích, có một lĩnh vực mới mà NATO, Mỹ và Nga nhiều khả năng đang cạnh tranh và xung đột với nhau, đó là lĩnh vực không gian. Cách đây một tuần, ngày 4-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng cảnh báo rằng Mỹ coi không gian là một “sân khấu của các hoạt động quân sự” và rằng sự phát triển Lực lượng Không gian Mỹ là một mối đe dọa đối với Nga.

Hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời ông Putin phát biểu trong một cuộc họp với các quan chức quốc phòng nước này ở Sochi cho rằng các nước hàng đầu thế giới đang nhanh chóng xúc tiến việc phát triển các hệ thống không gian quân sự hiện đại cùng các vệ tinh 2 chức năng và Nga cần phải làm điều tương tự.

Mỗi người lính trên chiến trường đều được thiết bị vệ tinh kiểm soát. Ảnh: fifthdomain.

Những tuyên bố của ông Putin ngày 4-12 gợi nhớ những gì ông từng nói hồi cuối tháng 11 vừa qua trước Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, trong đó ông bày tỏ “quan ngại sâu sắc về những nỗ lực của NATO trong việc quân sự hóa không gian vũ trụ”. Bình luận này được đưa ra sau khi NATO tuyên bố không gian là “lĩnh vực hoạt động” thứ 5 đối với liên minh quân sự này, bên cạnh hàng không, đất liền, biển và mạng.

NATO cho biết khối này đang ráo riết thực hiện chiến lược không gian đầu tiên của mình trong bối cảnh liên minh quân sự lớn nhất thế giới nhắm đến lĩnh vực không gian để phòng thủ trước các đối thủ Trung Quốc và Nga. Trong bối cảnh mối quan ngại về khả năng quân sự hóa không gian gia tăng, các bộ trưởng quốc phòng của NATO muốn biến không gian trở thành một lĩnh vực hoạt động đầy đủ, cùng với hoạt động trên mặt đất, trên biển, không gian và mạng. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg lý giải rằng không gian có thể được sử dụng cho các mục đích hòa bình, song cũng có thể bị lợi dụng để gây hấn.

Trước đây, NATO từng vạch ra một chính sách (về không gian) song thất bại. Nỗ lực gần đây nhất là hồi năm 2011-2012. Thế nhưng, giới chức NATO không bỏ cuộc khi viện dẫn không gian đang trở nên cạnh tranh hơn và đã trở thành một động lực mới cho chiến lược không gian của họ. Một quan chức NATO nói rằng mặc dù cho đến thời điểm này không có hoạt động triển khai vũ khí không gian nào được biết đến song xuất hiện mối quan ngại gia tăng về “hành vi gây hấn hơn” từ các cường quốc trên thế giới.

Giống như Mỹ, Trung Quốc cũng có khả năng phá hủy vệ tinh đối thủ bằng cách phóng tên lửa từ mặt đất hoặc bằng cách gây ra các vụ đụng độ có chủ ý. Các nước này hiện có thể cũng đang phát triển kỹ thuật laser để vô hiệu hóa hoặc phá hủy vệ tinh.

Tấn công, làm nghẽn, quấy rối hệ thống và đường truyền liên lạc cũng như vệ tinh do thám đang trở thành những chiến thuật ngày càng quan trọng trong không gian. Chính sách mới của NATO sẽ trao cho liên minh này một khuôn khổ để thảo luận những vấn đề nói trên, cách thức đối phó trước những vấn đề này và cách thức duy trì lợi thế hiện có của NATO trong lĩnh vực không gian. Ban đầu, chính sách mới của NATO sẽ tìm cách tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có của các nước thành viên có sẵn nguồn lực dạng này, thay vì phát triển các năng lực mới cho liên minh.

Trong dài hạn, có thể có một vai trò nào đó cho một vài yếu tố của hệ thống không gian do NATO điều hành, ví dụ thay thế hệ thống giám sát các máy bay có hệ thống chỉ huy và cảnh báo trên không (AWACS) của liên minh khi hệ thống này hết hạn trong những năm 2030.

Nếu không gian trở thành một lĩnh vực hoạt động, nó sẽ cho phép các nhà lập kế hoạch của NATO đặt ra mục tiêu cho các đồng minh khác nhau để cung cấp năng lực như số giờ liên lạc vệ tinh hoặc lượng dữ liệu nhất định về hình ảnh tình báo. Tuy nhiên, một câu hỏi thiết yếu đối với NATO là liệu và trong những tình huống nào thì Điều 5 của Hiệp ước Phòng vệ chung của liên minh có thể được áp dụng.

Theo Điều 5, một cuộc tấn công nhằm vào một đồng minh là một cuộc tấn công đối với toàn bộ thành viên. Stoltenberg nói rằng còn quá sớm để đánh giá cách thức áp dụng Điều 5 này trong lĩnh vực không gian, song đây sẽ là vấn đề quan trọng trong cuộc thảo luận tới đây giữa các đồng minh.

Mô phỏng một vụ tấn công vệ tinh. Ảnh: theweek.co.uk.

Manh nha cuộc chiến giữa các vì sao

Quân đội Mỹ cũng đã kịp thiết lập Lực lượng Không gian theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump để đối trọng với các cường quốc khác. Lực lượng mới này có tầm quan trọng ngang với lục quân, hải quân và không quân cũng như lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Và như vậy, nước Mỹ không hề bỏ cuộc khi cách đây 40 năm nước này đã làm dấy lên lo ngại toàn cầu bằng chương trình "Chiến tranh giữa các vì sao".

Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. “Sáng kiến phòng thủ chiến lược” (SDI) là một chương trình được khởi xướng lần đầu tiên vào năm 1983 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Mục tiêu của chương trình này là phát triển hệ thống chống tên lửa đạn đạo được thiết kế nhằm bắn rơi các tên lửa hạt nhân trong không gian, đặc biệt để đối phó với mối đe dọa tấn công tên lửa tiềm tàng từ Liên Xô.

Chương trình này được đặt tên là “Chiến tranh giữa các vì sao” bởi nó dự kiến sẽ sử dụng các công nghệ có nền tảng không gian như tia lazer, tia X trong hệ thống phòng thủ. Tuy nhiên, thiếu chi phí và sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 đồng nghĩa với việc SDI đã không bao giờ được xây dựng. Ý tưởng thống trị và phòng vệ không gian cũng dần "nguội" đi. Chỉ tới khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm quyền, chương trính lại "nóng" trở lại và thu hút sự chú ý của toàn thế giới trong những năm gần đây khi nước Mỹ có những bước đi thực sự.

Cụ thể đó là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump xây dựng Lực lượng Không gian. Các chuyên gia quân sự Mỹ nhận định “không gian là một lĩnh vực đấu tranh mới và với Lực lượng Không gian chỉ huy, điều đó đảm bảo sự thống trị của Mỹ trong không gian”.

Cùng với những tuyên bố của Nga, Mỹ, NATO hay các cường quốc mới nối như Trung Quốc hay Ấn Độ, dường như cuộc chạy đua vũ trang trong không gian đã bắt đầu âm thầm từ vài năm nay rồi. Về phần mình, Nga cho rằng chương trình này của Mỹ giống như việc tái phát động chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao” thời Chiến tranh Lạnh.

Và để cạnh trạnh với Mỹ, NATO hay các cường quốc mới nổi khác, Tổng thống Putin nói Nga cần nâng cấp mạnh mẽ ngành công nghiệp không gian. Ông phát biểu trước Hội đồng An ninh Quốc gia rằng “rõ ràng, việc hiện đại hóa một cách triệt để ngành công nghiệp không gian và tên lửa là rất quan trọng”.

Christopher Granville, Giám đốc điều hành EMEA và Hãng Nghiên cứu chính trị toàn cầu tại TS Lombard, nói với CNBC rằng trong vài thập kỷ qua, Nga đã dành thời gian đáng kể để phát triển các công nghệ phòng vệ trước “bất kỳ năng lực chiến lược hay năng lực phòng vệ tên lửa của Mỹ” và nếu Mỹ phát triển hệ thống vũ khí trong không gian vũ trụ, Nga cũng sẽ đáp trả bằng cách củng cố hệ thống vũ khí như lời Tổng thống Putin "khoe" là "không thể đánh bại”.

Các hoạt động nghiên cứu không gian đang được NATO thúc đẩy mạnh mẽ. Ảnh: acenews.pk.

Cuộc đua không điểm dừng

Có thể thấy rõ, không gian, tất nhiên, là một lĩnh vực quan trọng đối với quân đội, cơ quan tình báo và nền kinh tế của bất kỳ cường quốc nào, không riêng gì Mỹ, NATO hay Nga hoặc Trung Quốc... Quân đội Mỹ sử dụng các tài sản trên không gian cho các hoạt động liên lạc, chỉ huy và kiểm soát.

Cộng đồng tình báo Mỹ thu thập các tín hiệu và thông tin tình báo địa lý từ không gian. Còn nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào không gian cho các ứng dụng quan trọng trong hầu hết đời sống hằng ngày của người dân Mỹ, chẳng hạn như Hệ thống định vị toàn cầu (GPS).

Các đối thủ của Mỹ là Nga, Trung Quốc hay thậm chí là cả Ấn Độ cũng đã quân sự hóa và tranh chấp không gian đến nỗi Mỹ phải hành động để bảo vệ lợi ích và giảm thiểu mối đe dọa tiềm tàng trong lĩnh vực quan trọng này. Nhật báo The Australian cho rằng, nếu như những dự án nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) được lồng vào các chương trình vũ khí không gian thì thế giới sẽ thực sự rơi vào vòng nguy hiểm.

Trong cuộc chạy đua vũ trụ đang ngày càng kịch tích, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt mục tiêu đưa người Mỹ lên Mặt trăng vào trước năm 2024. Trong khi đó, Nga hiện đang theo đuổi mục tiêu xây trạm không gian quốc gia đầu tiên của Nga trên quỹ đạo Mặt trăng vào năm 2025. Đặc biệt, trong lần trở lại cuộc đua vũ trụ hiện nay, các nhà khoa học Nga đang nỗ lực khám phá các công nghệ mới giúp con người di chuyển nhanh hơn trong vũ trụ bao la, như xây dựng phòng thí nghiệm nhằm khai thác sức mạnh của plasma nhiệt hạch để sử dụng làm động cơ đẩy.

Các thí nghiệm với động cơ plasma được Nga bắt đầu vào cuối năm 2019. Các nhà khoa học tin rằng động cơ plasma sẽ đạt tốc độ nhanh hơn so với động cơ tên lửa, giúp rút ngắn thời gian đến các hành tinh trong Hệ Mặt trời và xa hơn.

Trong cuộc đua vào không gian hiện nay, Trung Quốc cũng đang nổi lên là một đối thủ đáng gờm của Mỹ và Nga. Tuy đi sau nhiều thập kỷ, song bước tiến của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian được coi là một sự kỳ diệu mà gần như chưa có quốc gia nào làm được. Trung Quốc ngày nay phóng tên lửa và tàu vũ trụ lên không gian nhiều hơn bất cứ nước nào khác.

Năm 2018, nước này thực hiện 39 vụ phóng, trong khi Mỹ chỉ có 31 vụ, Nga 20 vụ và cả châu Âu hợp lực cũng chỉ có 8 vụ. Không những thế, Trung Quốc còn có một bước tiến dài và tiên phong trước nhiều quốc gia khi mở đầu năm 2019, vào ngày 3-1, tàu thăm dò vũ trụ Hằng Nga 4 của Trung Quốc đã đáp thành công xuống “phần tối” của Mặt Trăng, đánh dấu lần đầu tiên con người xác lập sự hiện diện ở đây.

Ngoài Mỹ, Nga, Trung Quốc, cuộc đua vũ trụ hiện nay cũng đang nổi lên những đối thủ mới như Ấn Độ. Dù xuất phát khá muộn so với các cường quốc vũ trụ khác nhưng chương trình không gian của Ấn Độ phát triển rất nhanh. Tháng 10-2008, Ấn Độ phóng thành công tàu thăm dò Chandrayaan-1 lên quỹ đạo Mặt trăng. Sau đó, Chandrayaan-1 phóng một tàu thăm dò xuống Mặt trăng, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới cắm cờ trên vệ tinh của Trái đất. Ấn Độ thậm chí còn vượt cả Trung Quốc khi trở thành quốc gia châu Á đầu tiên và thứ 4 trên thế giới phóng thành công tàu thăm dò lên quỹ đạo của sao Hỏa vào ngày 24-9-2014.

Mới đây nhất, ngày 27-3-2019, Ấn Độ tuyên bố đã có thể bắn hạ một vệ tinh bay ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp trong một cuộc thử nghiệm tên lửa. Thành công này được đánh giá là bước tiến lớn đưa Ấn Độ vào danh sách các cường quốc về không gian, trở thành quốc gia thứ 4 sau Mỹ, Nga và Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào một vật thể bay trong quỹ đạo Trái đất.

Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ châu Âu cũng đang nỗ lực phát triển các robot tự hành với phầm mềm tiên tiến có thể tự hoạt động mà không cần sự can thiệp từ Trái đất. Cơ quan Vũ trụ Anh đang thử nghiệm robot tự động được áp dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo, cho phép nó tự đưa ra quyết định về nơi và cách nó sẽ di chuyển.

Công nghệ này giúp robot tự động có thể khám phá vài kilomet mỗi ngày trên bề mặt sao Hỏa, thay vì chỉ vài chục mét như hiện tại... Có thế thấy, cuộc đua vào vũ trụ giữa các cường quốc được dự báo đang ngày càng gay cấn.

Hoa Huyền
.
.