Đế chế công nghệ cao Huawei

Thứ Ba, 31/07/2018, 11:40
Cho dù, đang bị phương Tây buộc tội hoạt động gián điệp cho Chính phủ Trung Quốc cùng một số cáo buộc khác, Tập đoàn Công nghệ Huawei vẫn duy trì được vị trí cạnh tranh hàng đầu của mình, vừa vượt mặt những nhà khổng lồ như Samsung hay Apple tại một số thị trường quan trọng. Một câu hỏi đặt ra là Tập đoàn này có phải là bộ máy do thám của chính quyền hay không?


Từ 5.000 USD đến “Huawei”

Cựu kỹ sư quân đội Trung Quốc Ren Zhengfei thành lập ra Huawei vào năm 1987 ở độ tuổi 42. Công ty có nguồn vốn ban đầu vỏn vẹn 5.000 USD cùng với 3 nhân viên. Để so sánh, nhà khổng lồ trong lĩnh vực thương mại điện tử Alibaba Group bắt đầu con đường kinh doanh của mình với số vốn 60 ngàn USD.

Cái tên Huawei mà Zhengfei đặt cho công ty của mình có 2 ý nghĩa. Phần đầu của từ này phiên từ tiếng Hoa có nghĩa là “vĩ đại” hay “tuyệt vời”, phần còn lại có nghĩa là “hành động” hay “thành tựu” – tóm lại có nghĩa là “thành tựu vĩ đại”. 

Ren Zhengfei – người sáng lập ra Huawei.

Huawei là một trong những công ty đầu tiên của Trung Quốc được thành lập ngay khi chính sách mở cửa được thực thi vào năm 1978, thực tế này đã đóng một vai trò quan trọng đáng kể trong quá trình phát triển của tập đoàn.

Trong gian đoạn đầu, Huawei chỉ có một văn phòng nhỏ, vừa đóng vai trò làm bếp và nơi tạm trú, chuyên buôn bán các trang thiết bị điện thoại nhập khẩu từ Hồng Công, khi đó còn đang thuộc Anh. Nhưng Zhengfei chưa bao giờ coi việc mua đi bán lại này là hình mẫu kinh doanh cố định của mình, ông ta mơ ước xây dựng một tập đoàn là một đối thủ cạnh tranh thực sự với các công ty nổi tiếng của nước ngoài trong lĩnh vực viễn thông.

Với khát vọng đó, Zhengfei tung hết số lợi nhuận mình có được vào hoạt động nghiên cứu phát triển, đến năm 1990 đã thành lập được một trung tâm nghiên cứu khoa học quy mô với 500 nhân viên.

Năm 1993, Huawei hoàn tất bước đột phá công nghệ lớn đầu tiên với việc thiết kế được hệ thống chuyển mạch số C&C08, được đánh giá là tốt nhất Trung Quốc vào thời điểm đó. Công ty ngay lập tức thu hút sự chú ý của Chính phủ Trung Quốc, nhận được nhiều hợp đồng lớn đảm bảo thông tin liên lạc chất lượng cao cho quân đội. Đó là bước tạo đà quan trọng cho những đột phá tiếp theo của thương hiệu Huawei. Đến năm 1995, doanh số của Huawei đã đạt mốc 1,5 tỉ nhân dân tệ (tương đương 225 triệu USD thời điểm đó).

Năm 1996 còn diễn ra một sự kiện có lợi nữa cho Huawei, khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố ủng hộ toàn diện cho các nhà sản xuất bản địa trong lĩnh vực viễn thông, hạn chế sự tiếp cận của các nhà cung cấp nước ngoài vào thị trường nội địa. Cần nói thêm khi có một số nguồn tin khẳng định, Huawei đã có bước nhảy vọt ấn tượng như vậy là nhờ Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư cho họ gần 8,5 triệu USD, dù Zhengfei luôn bác bỏ tin đồn này.

Mở rộng thị trường khắp thế giới

Đạt được thành công lớn tại Trung Quốc, giới lãnh đạo Huawei quyết định mở rộng ra thị trường toàn cầu. Những hợp đồng tại nước ngoài đầu tiên được Huawei ký kết với Hồng Công và Nga. Bước tiếp theo của Huawei là xây dựng các trung tâm nghiên cứu ở nước ngoài – đầu tiên tại Bangalore (Ấn Độ) và sau đó là Stockholm (Thụy Điển).

Huawei liệu có phải là bình phong cho hoạt động do thám công nghệ cao của Trung Quốc?

Đến năm 2001, công ty bắt đầu đặt chân vào thị trường Mỹ, mở tại đây 4 trung tâm nghiên cứu về phát triển công nghệ viễn thông và phần mềm. Nếu như năm 2002, doanh số trên thị trường quốc tế của Huawei mới có 550 triệu USD thì chỉ sau một năm họ đã đạt được mốc kỷ lục là 3,83 tỉ USD.

Huawei bắt đầu đầu tư nghiên cứu sản xuất điện thoại, và sau đó là smartphone vào năm 2003 với việc thành lập chi nhánh Huawei Device chuyên sản xuất hàng điện tử tiêu dùng. Chỉ hai năm sau, thị trường xuất hiện mẫu điện thoại đáng chú ý U626 có hỗ trợ 3G với giải thưởng mẫu điện thoại tốt nhất trong phân khúc này.

Nếu như mẫu smartphone đầu tiên với màn hình cảm ứng  3,5 inch và camera 3,2 megapixel mang nhãn hiệu Huawei ra mắt thị trường vào năm 2009, thì chỉ hai năm sau đến lượt các máy tính bảng MediaPad đến tay người tiêu dùng. Với những bước phát triển đặc biệt ấn tượng như vậy, doanh thu từ sản phẩm điện tử tiêu dùng của Huawei đã lên tới 9 tỉ USD vào năm 2012.

Sun Yafang - Chủ tịch hội đồng thành viên của Huawei.

Một loạt các hợp đồng và thỏa thuận lớn được ký kết trên bình diện quốc tế đã đưa Huawei vào diện “tay chơi mới nổi”. Năm 2004, họ giành được hợp đồng với Tập đoàn Telfort của Hà Lan nhằm xây dựng hệ thống mạng viễn thông thế hệ thứ ba. Cũng trong năm đó, họ thành lập một liên doanh có vốn đầu tư 100 triệu USD với Tập đoàn Siemens chuyên về thiết kế và cải thiện chuẩn thông tin TD-SCDMA.

Một năm sau, nhờ những thương vụ quan trọng với Tập đoàn viễn thông quốc tế Vodafone và British Telecom, doanh thu trên thị trường quốc tế của Huawei lần đầu tiên đã vượt qua thị trường nội địa. Công ty Trung Quốc chính thức được xếp vào danh sách những nhà sản xuất trang bị viễn thông lớn nhất thế giới với tổng số doanh thu trên 11 tỉ USD. Huawei cũng có tăng trưởng đáng kể trong lĩnh vực thông tin di động với thỏa thuận hợp tác với 31 nhà cung cấp dịch vụ trên toàn thế giới cùng gần 70 hợp đồng về xây dựng hệ thống mạng 3G.

Một xu hướng quan trọng nữa là Huawei rất tích cực lợi dụng các hình thức liên đoanh, liên kết để thúc đẩy công nghệ của mình, đồng thời củng cố vị thế của mình trên thị trường quốc tế, sẵn sàng mở rộng sang bất kỳ lĩnh vực nào họ nhận thấy có khả năng.

Điển hình là việc liên kết với Hãng bảo mật nổi tiếng Symantec để thành lập ra Công ty Huawei-Symantec chuyên về bảo mật dữ liệu (cho tới nay riêng công ty này đã có 300 bằng sáng chế khác nhau trong lĩnh vực an toàn thông tin, 30 trong số đó được đánh giá trở thành các tiêu chuẩn). Chưa kể vào năm 2007, họ còn có được thỏa thuận với Global Marine Systems về phối hợp nghiên cứu các giải pháp triển khai các mạng cáp dưới biển.

Thành công của Huawei không chỉ được đánh giá từ hàng loạt những phát minh mới và mức tăng trưởng lợi nhuận, mà còn từ những đánh giá tích cực của giới phân tích. Năm 2008, Huawei lần đầu lọt vào danh sách các công ty có ảnh hưởng nhất thế giới của BusinessWeek, một năm sau đã giành vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng các công ty sáng tạo nhất của Fast Company.

Năm 2010, lợi nhuận ròng của Huawei đã tăng vọt lên 30% đạt mốc 23,8 tỉ nhân dân tệ, cho phép họ lọt vào danh sách các công ty lớn nhất toàn cầu Global Fortune 500. Cũng theo các nhà phân tích, thành công của Huawei có một phần quan trọng nhờ vào chính sách đầu tư trọng điểm cho nghiên cứu phát triển – ước tính giới lãnh đạo tập đoàn đã chi ít nhất hơn 1 tỉ USD cho lĩnh vực này. Không phải ngẫu nhiên mà Hiawei đang đứng hàng thứ 13 trong danh sách số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế trên thế giới.

Bộ máy do thám công nghệ cao?

Bên cạnh những bước phát triển như vũ bão cùng tham vọng xâm chiếm thị trường toàn cầu, Huawei hiện đang phải “mang danh” là một tay chơi đáng ngờ. Cụ thể họ phải hứng chịu rất nhiều cáo buộc đang bí mật hoạt động gián điệp. Năm 2008, Mỹ lần đầu tiên đưa ra những hạn chế nghiêm khắc đối với Huawei trên thị trường nước mình – ngăn chặn họ tiếp cận các mạng có thể truyền thông tin bí mật cũng như hạn chế khả năng vung tiền mua lại các công ty của Mỹ.

Tháng 10-2011, Cục Tình báo quốc gia Mỹ (CIA) sau một thời gian điều tra đã khẳng định, Huawei trong vòng 3 năm đã nhận được sự giúp đỡ gần 250 triệu USD từ Chính phủ Trung Quốc để đổi lấy việc họ được tạo mọi điều kiện thuận lợi và là nhà cung cấp thông tin mật cho Bắc Kinh. Washington cũng trong năm này đã phong tỏa thương vụ của Huawei nhằm mua lại 20% cổ phần của Công ty 3Com.

Ba năm sau, họ không cho phép nhà khổng lồ của Trung Quốc thâu tóm công ty 3Leaf Systems của mình. Cũng liên quan tới những cảnh báo này, CIA còn cho biết thêm về việc Huawei đã giúp chính quyền một số quốc gia tại châu Phi, Trung Á, Nam Mỹ và cả Trung Quốc xây dựng các mạng lưới nghe trộm và định vị bí mật.   

Năm 2012, người đứng đầu Hãng phần mềm chống virus Recurity Labs của Đức là Felix Lindner khẳng định, trong các bộ định tuyến của Huawei có tồn tại nhiều lỗ hổng có thể giúp dễ dàng kiểm soát được thiết bị từ bên ngoài. Cụ thể theo Lindner, những lỗ hổng trên giúp phía Trung Quốc có thể tiếp cận được với bất kỳ thông tin nào được truyền qua những thiết bị trên, kể cả khi chúng đã được mã hóa.

Huawei về phần mình khẳng định những cáo buộc trên là vô căn cứ, thậm chí còn kêu gọi chính quyền Mỹ cho tiến hành điều tra cụ thể. Cho dù chính quyền Mỹ chưa đưa ra được bằng chứng rõ ràng nào, Ủy ban Tình báo của Thượng viện Mỹ vào năm 2012 đã đưa ra một báo cáo trong đó khẳng định Huawei là “mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ” vì những mối liên hệ đặc biệt của công ty này với Bắc Kinh.

Cần nói thêm là từ trước đó 4 năm, chính Cục Tình báo ẤËn độ cũng đã lên tiếng cảnh báo về việc Huawei có thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia của nước này. Hậu quả là tập đoàn của Trung Quốc đã không thể ký một số hợp đồng cung cấp trang thiết bị cho các tỉnh tiếp giáp với Pakistan của Ấn Độ. Sự bành trướng của Huawei cũng gặp phải sự phản đối đáng kể của chính quyền Australia.

Tháng 3-2012, chính quyền nước này với nguyên nhân “lo ngại về những cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc” đã cấm Huawei tham gia đấu thầu dự án xây dựng mạng Internet quốc gia băng thông rộng có tổng trị giá lên tới 37,49 tỉ USD.

Chưa hết, Bộ quốc phòng Canada cũng đưa ra cảnh báo “cần phải cảnh giác khi có quan hệ hợp tác với Huawei”. Trước đó, Alex Alan - Chủ tịch Ủy ban Tình báo hỗn hợp Anh – đã thẳng thắng chỉ ra rằng, Công ty Huawei nhờ các trang thiết bị viễn thông của mình đang được lắp đặt tại Anh hoàn toàn có thể gây mất điện tại quốc gia này cũng như xâm nhập được vào hệ thống phòng thủ chống tên lửa.

Còn phải nhắc tới một vụ bê bối gián điệp khác từng diễn ra vào đầu năm 2009, khi một nhân viên Huawei bị bắt quả tang đang sao chép tài liệu bí mật từ máy tính một quan chức lãnh đạo công ty điều hành viễn thông Indonesia. Sau một số thủ tục dàn xếp nội bộ và xin lỗi, tay gián điệp trên đã được chuyển về công ty mẹ ở Trung Quốc để… điều tra tiếp mà không cần công bố rộng rãi. Cần nói thêm, nhân vật quan trọng thứ hai của Huawei – nữ Chủ tịch Hội đồng thành viên Sun Yafang – cũng được cho là có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan an ninh Trung Quốc.

Được biết là sau khi tốt nghiệp đại học, bà Sun Yafang từng vào làm việc trong một bộ phận về thông tin liên lạc thuộc Bộ An ninh quốc gia. Năm 1992, bà chuyển tới làm việc tại Huawei trước khi trở thành Chủ tịch hội đồng thành viên chỉ 6 năm sau.

Cho đến năm 2014, sau vụ bê bối rò rỉ tài liệu mật của cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden, người ta mới biết được việc mật vụ Mỹ từ năm 2009 đã bí mật theo dõi Huawei, bao gồm cả việc nghe trộm điện thoại của các quan chức hàng đầu của công ty này. Các nhân viên NSA thậm chí còn xâm nhập thành công vào các máy chủ nội bộ của công ty, lấy trộm thư điện tử của các nhân viên cũng như danh sách 1.400 khách hàng của Huawei.

Hậu quả là Huawei đã quyết định rút chân khỏi thị trường Mỹ, đồng thời hạn chế hoạt động tại các thị trường Anh, Australia và Ấn Độ. Hiện chưa có bằng chứng khẳng định chắc chắn về việc Huawei cố tình cài cắm các “cửa sau” trong các sản phẩm của mình để phục vụ cho những hoạt động thu thập thông tin hay tấn công mạng từ phía Bắc Kinh.

Tuy nhiên theo các nhà phân tích, chính quyền các nước hoàn toàn có cơ sở chính đáng để lo ngại khi biết rằng, có tới 1/3 dân số trên toàn cầu đang sử dụng các sản phẩm trong lĩnh vực viễn thông của Huawei – cụ thể có 145 quốc gia và 45 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất trên thế giới đang sử dụng các sản phẩm của Huawei và một công ty lớn khác của Trung Quốc là ZTE.

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.