Gián điệp kinh tế và những độc chiêu

Thứ Ba, 27/11/2018, 13:04
Để mở rộng và chiếm lĩnh thêm được các “lãnh thổ kinh tế”- các thị trường mới, các công ty, các tập đoàn, thậm chí là các quốc gia không chỉ sử dụng các biện pháp thuần túy kinh tế mà còn sử dụng cả biện pháp “phi kinh tế” nhằm làm suy yếu và đánh bật các đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường họ đang muốn chiếm lĩnh. Những biện pháp “phi kinh tế” đó chủ yếu dựa trên những hoạt động đa dạng của các điệp viên kinh tế.


Đánh cắp bí mật công nghệ

Li-Li bước bị bắt vào tháng 4 năm 2005 khi cô vừa 22 tuổi. Tận dụng thời gian thực tập tại nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô của Pháp tại Valeo, cô sinh viên Trung Quốc này đã đánh cắp hàng trăm tệp dữ liệu các bí mật công nghệ. Tại chỗ ở của cô người ta tìm thấy các thông điệp đã mã hóa gửi đến từ Trung Quốc, 6 chiếc máy tính và hàng chục ổ cứng di động dung lượng lớn.

Trường hợp Li-Li không phải là cá biệt. Đó chỉ là một ví dụ của hiện tượng về các “thực tập sinh”, một phương thức gián điệp công nghiệp cổ điển. Edward M.Roche, một nhà nghiên cứu đã từng viết nhiều cuốn sách về gián điệp công nghiệp nhấn mạnh: “Những vị khách thăm viếng công ty rất có khả năng là những gián điệp công nghiệp. Họ có thể đo chính xác nhiệt độ, lực ép của các cỗ máy sản xuất các con rệp điện tử mà không cần lại gần những chiếc máy đó”. Một xí nghiệp của Pháp đã bị đánh cắp một công thức hóa chất có bằng sáng chế khi một vị khách thăm quan đã “vô tình” nhúng cà vạt của mình vào đó.

Thu thập thông tin của đối thủ cạnh tranh luôn được các doanh nghiệp quan tâm.

Nhiều công ty cũng không ngần ngại khi thuê các thám tử tư làm gián điệp cho mình. Vào cuối những năm 1990, Nestlé đã thuê văn phòng thám tử Beckett Brown tìm kiếm cho mình các thông tin về các sản phẩm mới và tình trạng tài chính của Mars. Một thám tử của Beckett Brown đã đến làm ở Mars dưới danh nghĩa một nhân viên dọn dẹp vệ sinh. 

Chỉ một thời gian ngắn sau đó,  Nestlé đã có đầy đủ các danh sách các cuộc gọi điện thoại, sao kê tài khoản ngân hàng, bảng lương và những chi tiết về việc điều chuyển các nhân viên của Mars. Năm 2001, Procter et Gamble cũng đã cho người bí mật lục lọi các thùng rác của đối thủ Unilever để tìm hiểu thông tin về các chất liệu để sản xuất dầu gội đầu. Từ các thùng rác đó họ cũng đã lượm được 80 trang tài liệu tối quan trọng.

Phương pháp đánh cắp thông tin hiện đại được các nhà chuyên môn xếp vào dạng APT (Advanced Persistent Theat – Mối đe dọa không ngừng tăng lên). “Một APT luôn đòi hỏi một khả năng che giấu siêu đẳng trong một thời gian dài” - Pascal Junob, chuyên gia về mật mã, Giáo sư Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Quản lý Vaud (HEIG-VD) đã nhấn mạnh. 

“Mục đích của một cuộc tấn công như vậy là cài đặt phần mềm gián điệp được ngụy trang khéo léo vào một hay nhiều máy tính trong hệ thống”. Nếu thành công, việc đánh cắp dữ liệu sẽ diễn ra trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. “Thông thường phải sau 260 ngày một vụ xâm nhập máy tính của tin tặc mới bị phát hiện”. Đó là khẳng định của Alexandre Vautravers, một chuyên gia về an toàn thông tin, làm việc tại Đại học Genève - Thụy Sĩ.

Đó cũng là những gì đã xảy ra với Hãng Ruag, người khổng lồ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Thụy Sĩ. Năm 2016, bản báo cáo của hãng đã xác nhận có những phần mềm gián điệp cài vào trong hệ thống máy tính của hãng. Chúng chỉ được phát hiện sớm nhất là vào tháng 9 năm 2014. Những phần mềm này hiển nhiên có mục đích đánh cắp những thông tin nhạy cảm. Vậy đó là những thông tìn gì? “Chúng tôi chưa rõ đó là những thông tin gì” - người phát ngôn của Ruag cho biết “Chúng tôi chỉ biết rằng đã có 20 gigabyte dữ liệu bị xâm nhập, nhưng đó không phải là những dữ liệu có thể đe dọa đến an ninh quốc gia”.

Những vụ tin tặc trong chiến tranh kinh tế là còn quá mới mẻ và cũng rất ít khi được các nạn nhân đưa ra công khai. Khó mà có được các con số thống kê chính xác số lượng hay tần suất của các vụ tấn công kiểu này, bởi vì các doanh nghiệp thường không thấy có lợi lộc gì khi công bố với xã hội rằng mình đã là nạn nhân của một vụ tin tặc. Mọi việc thường sẽ được xử lý nội bộ trong yên lặng.

Ngàn lẻ chiêu tiếp cận “người trong cuộc”

Các chuyên gia chống gián điệp đều nhất trí rằng các nhân viên luôn là thành phần dễ tổn thương nhất trong một công ty. Thông qua các nhân viên công ty là phương pháp hiệu quả nhất để có thể thu thập được các tin tức tình báo công nghiệp. Các thủ thuật để tiếp cận hết sức đa dạng. Mua một vé máy bay ngồi cạnh nhân vật muốn tiếp cận. Xuất hiện trong cùng một cuộc hội thảo hay mời nhân vật đến diễn thuyết tại một hội thảo… 

“Có rất nhiều cách để làm cho một ai đấy thấy thoải mái và thuyết phục anh ta cởi mở”. Alain Mermoud, nhà nghiên cứu về tình báo công nghiệp, sáng lập viên trang mạng về tình báo công nghiệp Swis-intelligence.info đã nhấn mạnh. Hoàn hảo nhất là khi  “mục tiêu” không hề nhận ra rằng mình sắp phản bội lại công ty.

Bảo mật thông tin trong các công ty, tập đoàn có vai trò rất quan trọng để phòng chống gián điệp kinh tế.

“Một số nhân viên không ý thức được về các giá trị của những thông tin mình đang nắm giữ”. Nicolas Moinet, giáo sư ở Đại học Quản trị Poitier, người vừa xuất bản một cuốn sách về vấn đề này đã bình luận như vậy. “Một kỹ sư phụ trách kỹ thuật thường không để tâm đến việc giữ gìn các bí mật về tài chính của công ty còn các nhân viên kế toán lại hay để lộ các bí mật về công nghệ”. 

Một nhân viên bất mãn thường dễ dàng bán rẻ các bí mật của công ty. Hãng Gillette đã phải chịu một hậu quả cay đắng khi một kỹ sư của Wrigh Industries, bộ phận kỹ thuật đảm nhiệm việc phát triển các dao cạo râu thế hệ mới vì bất mãn với sếp của mình, đã đem toàn bộ các thiết kế dao cạo râu thế hệ mới của Gillette trao cho đối thủ của họ : Warner-Lambert, Bic và American Safety Razor.

Tiền bạc cũng là thứ làm cho người ta dễ mở miệng. Từ năm 2010 đến 2012, Yong Pang, một kỹ sư làm việc tại Hãng Dyson của Anh đã nhận 11 500 bảng của đối thủ cạnh tranh Bosch đổi lấy các thông tin về các loại động cơ siêu mạnh trang bị trong các máy sấy tóc và các máy hút bụi của Dyson. Nhiều trường hợp số tiền được trả còn cao hơn nhiều. Từ năm 1989 đến 1997, một nhân viên của Hãng Avery Dennison, chuyên sản xuất keo dán và các loại vải , giấy dính đã đem bán một số bí mật công nghệ để nhận về số tiền 150.000 đô la.

Khi các biện pháp đối xử “dịu dàng” không có kết quả, các điệp viên kinh tế sẽ chuyển qua các phương pháp bạo lực. “Họ sẽ định vị nhân viên nào là người nắm giữ các thông tin mà họ cần tới. Sau đó họ lục lọi trong quá khứ hay trong đời sống riêng tư để tìm các điểm yếu để khai thác”. Edward M.Roche mô tả chi tiết. “Tiếp đó họ sẽ đe dọa tiết lộ các bí mật cho lãnh đạo công ty hay cho những người thân cận nếu nhân viên đó từ chối hợp tác”.

Đôi khi họ tạo ra những cái bẫy để mục tiêu của họ bị “sụt hố”. Báo cáo của cơ quan phản gián Pháp năm 2010 đã nhắc đến trường hợp một nhà nghiên cứu của một công ty dược phẩm lớn được mời ăn tối và bị một cô gái trẻ người Trung Hoa quyến rũ. Sáng hôm sau, khi cô gái đưa cho anh ta xem đoạn video bí mật quay lại toàn bộ cảnh “mây mưa” của họ, nhà nghiên cứu này đã vội vã trao cho nữ điệp viên này tất cả những bí mật mà cô ta yêu cầu. “Quyến rũ bằng tình dục là phương pháp cổ điển nhưng vẫn luôn hiệu quả để có được những thông tin đáng giá”. 

Một chuyên gia tình báo Thụy Sĩ đã khẳng định như vậy. Đôi khi những biện pháp bạo liệt hơn cũng được áp dụng. Nhiều kỹ sư, nhà nghiên cứu là người nhập cư ở Mỹ đã phải chịu khuất phục và đồng ý cộng tác với các điệp viên kinh tế khi nghe tin người thân ở trong nước: bố, mẹ hay anh chị em bị đe dọa bắt cóc hay ám sát, thủ tiêu.

Tung thông tin giả mạo

“Chiến tranh kinh tế” là một chiến dịch tổng lực với việc tổ hợp, nhào nặn các thông tin giả, từ nhỏ tới lớn. “Tung ra những lời mời thầu  giả mạo là một trong những thủ thuật hiệu quả để nắm bắt được thông tin về tiềm năng và giá cả của các đối thủ cạnh tranh”. Đó là nhận định của Éric Denécé, Giám đốc Trung tâm Pháp quốc về thu thập tin tức. Năm 2008, Hãng Shenzhen Zhong Zhen Tong  của Trung Quốc đã tiếp xúc với Công ty ECA Robotics của Pháp. ECA choáng váng khi biết Hãng này muốn ký một hợp đồng mua vài trăm robot Inbot của Hãng, mỗi robot khoảng 20.000 euro. 

Nhưng người Trung Quốc yêu cầu được mua thử một con robot để vận hành thử. Vẫn còn đang ngây ngất với viễn cảnh bản hợp đồng “khủng” sẽ ký kết trong tương lai, yêu cầu này dễ dàng được ECA chấp nhận. Đương nhiên sau đó không có hợp đồng nào được ký kết. Hai năm sau, Hãng Shenzhen Zhong Zhen Tong cho ra đời dòng sản phẩm riêng của mình, giống những con robot của ECA một cách kỳ lạ.

Tin tặc xâm nhập đánh cắp thông tin dữ liệu từ xa.

Tung ra các chiến dịch tuyển mộ nhân lực giả cũng là một phương pháp thường được sử dụng để thu thập các thông tin về đối thủ cạnh tranh. “Người ta tung ra những thông báo tuyển mộ cho các vị trí cấp cao. Sẽ có vài chục ứng viên có mặt. Trong cuộc phỏng vấn tuyển dụng, họ sẽ hỏi chi tiết về các dự án mà các ứng viên đang theo đuổi ở các công ty đối thủ. Sau những buổi phỏng vấn đó, không ứng viên nào được tuyển chọn”. Éric Denécé giải thích.

Trong những năm 2000, Tập đoàn khách sạn Hilton đã tuyển dụng hai nhân viên cũ của Starwood. Những người này đã mang theo 100.000 trang các tài liệu tối mật mô tả chi tiết những thiết kế mới mang phong cách mới của chuỗi khách sạn mang tên W mà Starwood đã dày công nghiên cứu. Năm 2009, Hilton đã tung ra dự án chuỗi khách sạn Denizen, thương hiệu của mình – với nhiều ý tưởng lấy từ các trang tài liệu nói trên. Nhưng Starwood đã phản công quyết liệt. Họ nộp đơn ra tòa. Kết quả Hilton đã phải dừng dự án này và nộp phạt 75 triệu đôla cho Starwood.  

Theo Éric Denécé: “Trong chiến tranh kinh tế, một biện pháp hữu hiệu để làm suy yếu đối thủ là việc tung ra những tin đồn hay những thông tin tiêu cực về đối thủ để loại họ ra khỏi một cuộc đấu thầu hay đánh bật họ ra khỏi một thị trường nào đó”.

Tháng 8-2016, Tập đoàn DCNS của Pháp đã chịu một tổn thất nghiêm trọng: 22 ngàn trang tài liệu tuyệt mật về thiết kế những chiếc tàu ngầm bán cho Ấn Độ đã bị rò rỉ trên mặt báo chí Úc. Vụ bê bối này làm nảy sinh các nghi vấn về khả năng của tập đoàn này trong việc bảo đảm an toàn cho các thiết kế của mình, làm giảm sút rõ rệt uy tín của tập đoàn này đúng vào lúc tập đoàn đang tiến hành thương thảo với chính phủ Úc một hợp đồng trị giá 50 tỷ đôla để chế tạo 12 chiếc tàu ngầm.

Việc tung tin làm mất uy tín cũng còn có mục đích làm cho các đối thủ cạnh tranh tổn thất nặng nề về tiền bạc. Những báo cáo về việc tìm ra dấu vết của benzene trong các chai nước của Hãng Perrier đã khiến hãng này phải thu hồi hàng vạn chai nước để tiêu hủy, sau vụ việc này hãng không thể gượng dậy được và phải bán lại cho Nestlé hai năm sau đó.

Các công ty không bao giờ trực tiếp đưa ra các thông tin triệt hạ đối thủ. Họ thường sử dụng một người hay một tổ chức trung gian nào đó, thường là một nhà báo hay một tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, những địa chỉ để họ gửi tài liệu tới. Trong nhiều trường hợp các công ty sẽ đứng ra tài trợ cho một dự án nghiên cứu nào đó với mục đích là để truy tìm những khiếm khuyết hay các chất độc hại có trong sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.

Dương Quốc Tuệ (tổng hợp)
.
.