Hành trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất

Thứ Ba, 11/12/2018, 13:32
Mặc dù các bằng chứng cụ thể về sự sống ngoài hành tinh vẫn còn khá mơ hồ và chưa được khẳng định nhưng con người vẫn luôn kỳ vọng và chưa từng từ bỏ hành trình khám phá bí ẩn trong vũ trụ.

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, giới khoa học đang đau đầu tìm cách giải mã sự gia tăng đột biến những tín hiệu vô tuyến phát đi từ vũ trụ hướng đến Trái Đất. Hiện tượng này làm dấy lên những đồn đoán về khả năng người ngoài hành tinh đang cố liên lạc với con người.

Những chớp sóng bí ẩn

Giới nghiên cứu từ lâu đã cho rằng chớp sóng vô tuyến (FRB) là một trong những hiện tượng bí ẩn nhất vũ trụ. Đó là những đợt phát sóng vô tuyến cực mạnh trong thời gian ngắn, có thể nhận biết từ Trái Đất nhưng hoàn toàn không rõ nguyên nhân gây ra FRB là gì, hay chúng phát ra như thế nào. FSB được phát hiện lần đầu tiên năm 1967, khi nhà thiên văn học người Anh Jocelyn Bell Burnell vô cùng kinh ngạc quan sát thấy các tín hiệu xung bí ẩn đến từ bên ngoài hệ Mặt Trời. Dẫu vậy, chúng sau đó được chứng minh là các ngôi sao xoay nhanh chóng, hay còn gọi là ẩn tinh.

Nhiều dự án sẽ sử dụng các kính thiên văn mạnh nhất thế giới để phát hiện các tín hiệu của sự sống ngoài Trái đất.

Tuy nhiên, một loạt tín hiệu FRB mới từ năm 2007 lại tiếp tục khiến các nhà thiên văn học bối rối. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, các số đo phân tán của 10 chớp FRB gần đây đều là bội số của 187,5. Theo ước tính, xác suất để sự xuất hiện của các tín hiệu như trên chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên rơi vào khoảng 5/10.000.

Nếu tất cả các xung lạ đều tuân theo một dạng mẫu thì hiện tượng quả thật rất khó giải thích, vì điều này ám chỉ các nguồn phát ra các xung nằm cách đều Trái Đất. Bởi vì FRB là các bức xạ điện tử vô tuyến xuất hiện ngẫu nhiên và nhất thời, thế nên việc phát hiện và nghiên cứu chúng gặp rất nhiều khó khăn.

Đầu năm nay, các nhà thiên văn học lần đầu tiên xác định được vị trí của FRB trong một thiên hà lùn cách Trái Đất 3 tỷ năm ánh sáng. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), giới khoa học đã tiếp tục phát hiện thấy 72 chớp sóng vô tuyến (FRB) bị bỏ sót trước đây, phát ra từ một ngân hà xa xôi khác trong vũ trụ.

Ngoài ra, các dữ liệu thu được mới nhất của kính viễn vọng vô tuyến Parkes ở Australia và đĩa vô tuyến khổng lồ ở Puerto Rico đều xác nhận sự tồn tại của những tín hiệu FRB. Tuy nhiên FRB vẫn còn là một bí ẩn dẫn đến những đồn đoán về nguồn gốc của chúng từ những sự kiện bất ổn như vật chất bị bắn khỏi siêu lỗ đen, vụ nổ của các siêu tân linh có độ sáng cao...

Thế nhưng, nhiều quan điểm tin rằng FRB không phải hiện tượng tự nhiên, mà tới từ một công trình của người ngoài Trái Đất, nhằm mục đích cung cấp năng lượng cho phi thuyền không gian. Theo đó, chớp sóng vô tuyến cực kỳ sáng nếu xét theo khoảng thời gian tồn tại ngắn ngủi và khoảng cách xa. Hiện nay, khoa học chưa tìm thấy một nguồn tự nhiên nào thực hiện được điều này, vì vậy nguồn gốc nhân tạo là yếu tố đáng xem xét.

Giả thuyết này cho rằng FRB phát ra từ nguồn năng lượng cực lớn của người ngoài hành tinh, được dùng để đẩy các tàu du hành trang bị buồm ánh sáng - loại công nghệ có nguyên lý cơ bản là một tia sáng mạnh có thể đẩy bề mặt phản chiếu trong không gian.

Hiện này, buồm ánh sáng của con người sử dụng nguồn sáng từ Mặt Trời. Tuy nhiên, giới khoa học đang nghiên cứu phát triển hệ thống thiết bị laser toàn cầu, có thể đẩy thiết bị đi với vận tốc bằng 20% tốc độ ánh sáng. Sự giống nhau khi liên tưởng tới buồm ánh sáng của con người trên Trái Đất khiến giới khoa học hoài nghi nhiều khả năng một chủng tộc người ngoài hành tinh phát triển hơn con người đã sử dụng động cơ đẩy ánh sáng để vận hành tàu du hành vũ trụ kích cỡ lớn. Nếu một vật thể lớn gấp hai lần Trái Đất thu thập năng lượng Mặt Trời và chuyển nó thành tia laser đẩy tàu vũ trụ, sóng vô tuyến phát ra có thể được nhận dạng từ khoảng cách nhiều tỷ năm ánh sáng.

Thu thập dữ liệu

Trong những nỗ lực mới nhất, giới khoa học đang tập trung nghiên cứu HD 164595 vì nó tương tự Mặt Trời và có ít nhất một hành tinh "giống Trái Đất" quay quanh quỹ đạo. Nhiệt độ trung bình của HD 164595 nhỉnh hơn -261,15°C, và ngôi sao này có tuổi đời nhỏ hơn Mặt Trời gần 100 triệu năm.

Theo đó, sự gia tăng đột biến các tín hiệu vô tuyến phát đi từ ngôi sao này nhiều khả năng là kết quả của một hiện tượng tự nhiên, chẳng hạn như "thấu kính vi mô", trong đó trọng lực của ngôi sao làm tăng mạnh và hội tụ những tín hiệu từ nơi khác. Các chuyên gia nhấn mạnh phải theo dõi HD 164595 thường xuyên, yêu cầu chương trình SETI (Tìm kiếm các sinh vật thông minh ngoài Trái Đất) tìm hiểu kỹ lưỡng hơn xem liệu đây có phải là thông điệp của người ngoài hành tinh hay không.

SETI sẽ sử dụng hệ thống kính viễn vọng không gian Allen ở California (Mỹ) và đài thiên văn quang học Boquete SETI ở Panama theo dõi HD 164595. Khi tìm ra độ mạnh của tín hiệu, các nhà nghiên cứu cho biết, nếu xuất phát từ một nguồn phát đẳng hướng, nó nhiều khả năng thuộc nền văn minh Kardashev loại II. Nếu là tín hiệu chùm hẹp hội tụ vào hệ Mặt Trời, nó sẽ thuộc nền văn minh Kardashev loại I.

Thang Kardashev là một cách đo sự tiến bộ của các nền văn minh ngoài Trái Đất dựa vào mức năng lượng phát tỏa. Trong đó, nền văn minh Kardashev loại I được gán cho các loài có khả năng thu thập mọi loại năng lượng sẵn có ở một ngôi sao lân cận, quy tụ và lưu trữ nó để thỏa mãn nhu cầu của các dân cư. Nền văn minh Kardashev loại II phát triển hơn, và có thể thu gom sức mạnh từ ngôi sao của nó.

Bên cạnh đó, dự án "Breakthrough Listen" với khoản đầu tư lên tới 100 triệu USD sẽ sử dụng các kính thiên văn mạnh nhất thế giới để phát hiện các tín hiệu của sự sống từ hành tinh đá Proxima b - một hành tinh có bề mặt rắn nhiều khả năng xuất hiện đầy đủ điều kiện duy trì sự sống. Quan trọng hơn, hành tinh này có quỹ đạo xoay quanh cận tinh Proxima Centauri - ngôi sao chỉ cách 4 năm ánh sáng.

Mới đây, đội ngũ dự án đã bắt đầu tìm kiếm các tần số sóng vô tuyến khác với các âm thanh nền tự nhiên thông qua việc sử dụng thêm đài thiên văn Parkes ở Australia. Theo dự kiến, dự án này sẽ thu thập các dữ liệu trong vòng 10 năm từ các đài quan sát tối tân nhất trên thế giới, cũng như liên tục phân tích dữ liệu để lắng nghe những thông điệp của "những người bạn ngoài hành tinh" trước khi họ tới được Trái Đất.

Lê Nam (tổng hợp)
.
.