Hệ thống nhận diện gương mặt đang đe dọa quyền riêng tư công dân Mỹ

Thứ Tư, 02/11/2016, 21:45
Hôm 18-10 vừa qua, một liên minh rộng lớn bao gồm 50 nhóm nhân quyền đệ trình một bức thư lên bộ phận phụ trách nhân quyền thuộc Bộ Tư pháp Mỹ kêu gọi mở cuộc điều tra về lực lượng cảnh sát nước này sử dụng lan rộng công nghệ nhận diện gương mặt.

Bức thư nêu rõ: "Những biện pháp bảo vệ nhằm bảo đảm cho sự sử dụng công nghệ này được công bằng và có trách nhiệm có lẽ gần như không tồn tại".

Liên minh nhân quyền khẳng định hệ thống nhận diện gương mặt đang đe dọa quyền riêng tư công dân của hàng triệu người - đặc biệt là những đối tượng nhập cư và người da màu. Liên minh còn cung cấp bản sao báo cáo chi tiết dài 150 trang về những sự cố liên quan đến công nghệ.

Báo cáo công bố ngày 18-10 bởi Trung tâm Georgetown về Quyền riêng tư và Công nghệ (thuộc Công ty Luật Georgetown) tiết lộ lực lượng cảnh sát Mỹ triển khai công nghệ một cách ngày càng bừa bãi, không được kiểm soát.

Công nghệ nhận diện gương mặt đe dọa quyền riêng tư công dân.

Clare Garvie, một trong những đồng tác giả báo cáo, nhận định: "Nhận diện gương mặt là công nghệ mạnh mẽ đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ. Nhưng nói chung thì sự kiểm soát hiện nay không tồn tại. Với chỉ một vài ngoại lệ, còn ngoài ra thì không có luật nào quản lý việc cảnh sát sử dụng công nghệ, không có chuẩn mực nào bảo đảm độ chính xác, và cũng không có hệ thống nào kiểm tra tính công bằng. Thực sự giống như câu chuyện về miền Tây hoang dã".

Theo nhóm tác giả báo cáo, chỉ có một vụ việc là có được lệnh tòa án trước khi hành động. Một số báo cáo chính quyền từ lâu đã khẳng định hàng triệu hình ảnh công dân Mỹ được thu thập và lưu trữ trong các cơ sở dữ liệu liên bang về nhận diện gương mặt.

Ít nhất từ năm 2002, các nhóm nhân quyền cùng bày tỏ mối lo ngại ảnh chụp giấy phép lái xe công dân Mỹ được lưu trữ trong khi họ không hề vi phạm pháp luật. Báo cáo của Trung tâm Georgetown cũng nhấn mạnh công nghệ được sử dụng một cách không công bằng đối với cộng  đồng  người Mỹ  gốc Phi - nghĩa là số người này có ảnh nhận diện được thu thập và lưu trữ nhiều hơn so với người da trắng.

Các thuật toán nhận diện gương mặt cũng gặp lỗi dẫn đến bất lợi cho người Mỹ gốc Phi với tỷ lệ cao. Một nghiên cứu năm 2012 do nhóm chuyên gia Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) thực hiện cho thấy 3 thuật toán được thử nghiệm đối với những gương mặt da đen cho ra kết quả sai lệch trong khoảng 5 và 10% so với gương mặt người da trắng. Thậm chí, độ chính xác càng giảm khi cơ sở dữ liệu được mở rộng thêm.

Lần đầu tiên, báo cáo của Trung tâm Georgetown tiết lộ có ít nhất 5 sở cảnh sát lớn của nước Mỹ sử dụng hệ thống camera trên đường phố để nhận diện gương mặt. Alvaro Bedoya, Giám đốc điều hành Trung tâm Georgetown và đồng tác giả báo cáo, đánh giá: "Đây là khả năng tiến hành chương trình săn người kỹ thuật số trong thời gian thực ngay trên đường phố để đưa vào danh sách theo dõi. Do đó, hiện nay mọi người đều là nghi phạm".

Ngay cả cơ sở dữ liệu liên bang của FBI cũng bao gồm hình ảnh chụp những công dân không phải là tội phạm hay nghi phạm. Điều đáng lo ngại là không có cơ sở dữ liệu quốc gia về những cơ quan cảnh sát nào đang sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt cũng như những chính sách nào quản lý họ, những ai có quyền sử dụng thông tin và thông tin được thu thập như thế nào. Thực tế cho thấy rõ ràng có sự thiếu minh bạch trong sử dụng công nghệ tiên tiến của các cơ quan hành pháp. Cụ thể là trong số 51 cơ quan được nêu trong báo cáo của Trung tâm Georgetown, có ít nhất 24 cơ quan không cung cấp được chính sách về sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt.

Không có nguyên tắc chỉ đạo quốc gia, không có luật định hay chính sách quản lý sự sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt của cơ quan hành pháp. Để khắc phục lỗ hổng nghiêm trọng này, báo cáo của Trung tâm Georgetown đề nghị một dự luật bảo vệ quyền công dân, giới hạn về số lượng và loại dữ liệu lưu trữ, đồng thời thúc đẩy cơ chế giám sát độc lập cũng như công khai với người dân.

Ví dụ như ở Seattle, nơi mà chương trình nhận diện gương mặt nhận được khoản tiền tài trợ lên đến 1,64 triệu USD từ Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS), một số nguyên tắc chỉ đạo đã được triển khai. Theo đó, chỉ có những sĩ quan cảnh sát được huấn luyện đặc biệt mới có quyền sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt. Thêm vào đó, sự sử dụng trong thời gian thực bị cấm và công nghệ chỉ được phép sử dụng giới hạn đối với những đối tượng tình nghi mà thôi.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.