Những tivi thông minh cũng vi phạm “quyền riêng tư”?

Thứ Bảy, 09/01/2016, 17:00
Thật ra, smart TV (tivi thông minh) thông minh hơn nhiều người tưởng bởi vì các nhà sản xuất tạo ra công nghệ cho phép theo dõi và lắng nghe từ xa những cuộc trò chuyện của người dùng.


Nếu sở hữu smart TV của Tập đoàn Samsung - tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc, mỗi từ người dùng phát âm đều được thiết bị ghi nhận và phát tín hiệu qua Internet đến Samsung cũng như đến bất cứ công ty nào khác cùng chia sẻ dữ liệu người dùng với nhà sản xuất này. Đó là một phần trong tính năng thông minh điều khiển bằng giọng nói cho phép người dùng tiện lợi hơn khi chuyển đổi kênh mà không cần dùng đến remote.

Nhiều dòng smart TV hiện nay có kết nối Internet và người dùng dễ dàng download những chương trình truyền hình hay phim ảnh từ một số dịch vụ như Netflix hay BBC iPlayer. Các chuyên gia cảnh báo một thực tế là nếu Internet được sử dụng để chuyển thông tin vào chiếc tivi người dùng thì công nghệ cũng có thể làm điều ngược lại.

Chú ý smart TV đang theo dõi chúng ta!

Smart TV hiện nay được tích hợp khá nhiều tính năng độc đáo, trong đó bao gồm nhận diện giọng nói người dùng. Chắc chắn, đây là tính năng được hoan nghênh nhưng mặt tối của nó được phát hiện trong thời gian gần đây cho thấy Samsung lợi dụng để vi phạm "quyền riêng tư". Cụ thể là, thông tin nhạy cảm cá nhân sẽ nằm trong số dữ liệu được thu và truyền tải đến bên thứ ba thông qua tính năng nhận diện giọng nói của smart TV. TV được lập trình để hiểu một số câu nói đơn giản như là "bật" hay "tắt" song nó cũng có thể ghi nhận được những câu từ khác được thốt ra trong căn phòng gia đình người dùng. TV không chỉ đang theo dõi người dùng mà còn cả những thiết bị gia đình thông minh khác nữa.

Tháng 2-2015, có thông tin cho rằng hàng triệu người Anh đang bị "theo dõi và lắng nghe" bởi thiết bị chơi game Xbox được kích hoạt nhận diện giọng nói của Microsoft! Trong khi đó, đại diện Microsoft thanh minh rằng thiết bị "chỉ quan tâm đến những lệnh giọng nói truyền đến Xbox mà chúng tôi thu được cùng với bất cứ âm thanh nền nào ở xung quanh". Microsoft cũng cam kết dữ liệu người dùng được an toàn. Nhưng, sự việc các hacker xâm nhập vào hệ thống máy chủ Live Platform của Xbox hồi cuối năm 2014 cho thấy dữ liệu người dùng không hề an toàn chút nào.

Nhà văn Anh George Orwell.

Hành vi gián điệp vô hình trong căn nhà gia đình như thế từng được nhà văn người Anh George Orwell (1903 - 1950) mô tả trong một tiểu thuyết "dự đoán tương lai" xuất bản năm 1949.

Orwell viết: "Dĩ nhiên, không có cách nào biết được bạn có đang bị theo dõi tại bất cứ thời điểm nào hay không". Cuốn tiểu thuyết "Nineteen Eighty-Four" (xuất bản năm 1984) của Orwell lấy bối cảnh ở miền đất gọi là Aitstrip One thuộc siêu nhà nước độc tài Oceania với hoạt động gián điệp lan tràn. Nhiều smart TV hiện nay không chỉ có "tai" mà còn có "mắt" - dưới dạng camera dùng để nhận diện gương mặt - được thiết kế chuyên biệt cho mỗi cá nhân người dùng.

Nhận diện gương mặt là công nghệ được cải tiến thường xuyên. Ví dụ, phần mềm có thể nhận diện các cá nhân bằng cách so sánh độ dài giữa các điểm đặc biệt trên gương mặt - như là khoảng cách giữa 2 tai, mắt và miệng. Với chính sách về quyền riêng tư, Samsung khẳng định những hình ảnh gương mặt người dùng không được gửi qua Internet, song liệu có đáng tin? Ngoài ra, cho dù đã tắt tính năng nhận diện giọng nói, liệu chúng ta có dám chắc tivi không tiếp tục ghi âm giọng nói. Như trường hợp được phát hiện vào đầu năm 2015, một dòng smart TV của Công ty LG của Hàn Quốc vẫn tiếp tục giám sát thói quen xem tivi của người dùng cho dù tính năng liên quan đã bị vô hiệu hóa!

LG tuyên bố công ty muốn thu thập dữ liệu về thói quen sử dụng tivi của người dùng để cải thiện sản phẩm, song ai dám chắc dữ liệu không được bán cho các nhà quảng cáo? Thực tế khó thể chối bỏ là, với công nghệ ngày càng hiện đại như ngày nay, người dùng đang vô tình mở cửa cho các công ty đa quốc gia bước vào căn nhà của mình để theo dõi thu thập dữ liệu cá nhân.

Có thể kể đến trường hợp một thiết bị nhỏ gọn gọi là Amazon Fire TV được bán với giá 100USD. Đó là một cái hộp nhỏ tạo kết nối tivi với Internet cho phép người dùng download những chương trình truyền hình cũng như phim ảnh trực tiếp từ Amazon để xem ngay lập tức. Một trong những tính năng của thiết bị vẫn là nhận diện giọng nói. Chắc chắn, thông tin cá nhân người dùng cũng được Amazon thu thập và bán cho các nhà quảng cáo để khai thác… bán hàng!

Nhờ vào smart TV mà Công ty Jawbone của Mỹ bán được thiết bị điện tử đeo cổ tay có chức năng giám sát chất lượng tập thể dục và giấc ngủ của người dùng. Đương nhiên, công ty kinh doanh nào cũng tuyên bố hành động của họ chỉ nhằm mục đích phục vụ khách hàng tốt hơn. Nhưng, làm sao biết được thông tin cá nhân nhạy cảm của chúng ta có an toàn một chỗ hay không. Đối với chính quyền, mọi loại thông tin nhạy cảm đều có giá trị khai thác.

Nếu smart TV cũng như các thiết bị gia đình khác có thể lắng nghe người dùng thì một cơ quan tình báo nào đó cũng dễ dàng giám sát mọi người từ xa nhân danh chống khủng bố! Có lẽ, tác giả George Orwell cũng không thể ngờ rằng tình hình gián điệp trong thời đại hiện nay lan tràn khủng khiếp hơn những gì ông tưởng tượng trong tác phẩm của mình!

Di An (tổng hợp)
.
.