Khi tác phẩm nghệ thuật hóa tiền ảo
- Góc tối thị trường đấu giá tác phẩm nghệ thuật (bài cuối)
- Khi những tên trộm... hoàn trả tác phẩm nghệ thuật
Loại hình tài sản này thực sự khởi sắc trong năm 2021 với những thương vụ như việc MetaKovan, sáng lập viên sàn giao dịch tiền ảo MetaPurse, mua khối lượng NFT trị giá 69 triệu USD. Nhiều nhà quan sát đang tự hỏi liệu NFT có đi theo vết xe đổ của Bitcoin và tạo ra một "bong bóng" tài chính mới? Câu trả lời nhiều khả năng sẽ là: "Có!" Nhưng đây có phải là câu hỏi chúng ta nên đưa ra?
Cái gì cũng bán được
Kể từ khi tiền ảo ra đời người ta đã sử dụng nó để mua bán tác phẩm nghệ thuật. Với NFT, tác phẩm nghệ thuật là tiền ảo. Lấy ví dụ một bức tranh được vẽ trên máy tính. Nó cũng chỉ là một khối dữ liệu giống như bất kỳ đồng tiền ảo nào khác mà thôi. Để biến bức tranh thành NFT, tác giả cần mã hoá rồi đưa nó lên dãy blockchain nhằm trao đổi, mua bán.
Trong thương vụ MetaKovan kể trên, người này đã mua NFT từ họa sỹ đồ họa máy tính Mike Winkelmann (nghệ danh Beeple). Trong hơn 13 năm liền, mỗi ngày Mike lại sáng tác một bức tranh mới giữa giờ giải lao. Đến khi bộ sưu tập đã đủ 5.000 tác phẩm, họa sỹ mới NFT hoá toàn bộ số tranh để đem rao bán.
NFT khác với Bitcoin, Ethereum,… ở chỗ không NFT nào giống NFT nào. Đồng Bitcoin nào cũng giống nhau cho dù ở trong tay ai đi nữa. Trái lại mỗi NFT lại được tạo nên từ một tác phẩm nghệ thuật độc nhất. MetaKovan mua NFT từ Mike Winkelmann đồng nghĩa với việc Mike và dãy blockchain công nhận MetaKovan là người duy nhất sở hữu 5.000 bức tranh.
Mà cũng không chỉ một mình hội họa mới trở thành NFT được. Đã có rất nhiều mặt hàng mang tính sưu tầm được trao đổi dưới dạng NFT như tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, bất động sản ảo, tên miền,… Tập đoàn Yahoo mới đây đã ký một thoả thuận hợp tác với NBA (Hiệp hội Bóng rổ nhà nghề Mỹ). Theo thoả thuận này, Yahoo sẽ cung cấp nền tảng công nghệ cho sàn giao dịch NBA Top Shop. NBA sẽ bán trên sàn giao dịch những đoạn video ghi lại các pha bóng ấn tượng nhất. Kỷ lục trên NBA Top Shop là một đoạn video ghi lại cú ghi điểm của danh thủ Stephen Curry được bán với giá 266.760 USD.
Mỗi ngày có hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật trao tay đổi chủ dưới dạng NFT. |
Mờ ảo… như sương khói
Bất kỳ ai cũng có thể tải về một bức tranh điện tử của Mike Winkelmann chỉ sau vài cú nhấp chuột. Và cũng bất kỳ ai cũng có thể lên Youtube và xem đoạn video Stepheb Curry đưa bóng vào rổ đối thủ. Vậy thử hỏi tại sao những NFT này lại được bán với mức giá cao ngất ngưởng như thế?
Để hóa giải điều trên lại phải quay về vấn đề tính độc nhất của NFT. Bên bán sẽ trao cho bên mua một loại chữ ký điện tử để công nhận rằng chỉ có phiên bản này của dữ liệu là độc nhất, tất cả những bản khác đều là copy. Khi chủ sở hữu hiện tại muốn bán lại NFT, chữ ký điện tử này cũng sẽ đổi sang tay người khác. Vì cơ chế này mà những người ủng hộ NFT cho rằng nó cũng không khác gì thị trường đấu giá tranh thật.
Mọi chuyện không đơn giản đến vậy. Bản thân bức tranh quý giá phần vì nó chỉ có một cuộc đời nhất định. Theo thời gian nước sơn rồi cũng sẽ mờ, vải vẽ cũng sẽ trở nên sờn cũ, và cuối cùng khung tranh sẽ mủn. Khi khán giả thưởng thức tác phẩm hội họa, họ ngầm hiểu rằng, một ngày nào đó tính cách của bức tranh cũng sẽ thay đổi, hay thậm chí nó còn có thể "chết" đi nữa. Khi nhà sưu tầm mua tranh, họ mua luôn cả quyền quyết định sinh mạng bức tranh đó.
Hội họa máy tính thì không như vậy. Mỗi bức tranh điện tử luôn bất biến, nằm ngoài thời gian lẫn không gian. Cho dù là hôm nay hay nghìn năm về sau đi chăng nữa, tác phẩm hội họa trên máy tính vẫn chỉ là nó cho dù nó có nằm ở bất kỳ vị trí nào. Giá trị duy nhất mà nhà sưu tầm mua NFT nhận được là giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Tạp chí The New Yorker (Mỹ) đã mời một nhóm chuyên gia đánh giá tác phẩm hội họa xem xét các sản phẩm NFT "nóng" nhất trên thị trường hiện nay. Theo ý kiến chung của nhóm chuyên gia, các tác phẩm hội họa đều có giá trị nghệ thuật cao nhưng không cao đến mức bằng với mức giá rao bán cao "ngất ngưởng". Phóng viên tờ The New Yorker kết luận bài viết với lời cảnh báo: NFT đang gây ra một "bong bóng" mới trên thị trường tài chính Mỹ!
Ai được lợi?
Nhưng quả "bong bóng" không tự nhiên sinh ra. Vậy rốt cuộc ai là người đang góp phần thổi phồng NFT lên? Đối với các nghệ sỹ, NFT đã giúp nâng giá trị tác phẩm của họ lên gấp trăm lần. Trước đây nhiều họa sỹ còn không dám mơ đến khả năng bán được tranh do việc sao chép trên máy tính quá dễ dàng. Một trường hợp thành công nhờ NFT là họa sỹ Ben Mauro. Ben là một cái tên lão làng trong ngành công nghiệp giải trí Mỹ. Các tác phẩm của anh xuất hiện trong nhiều series trò chơi điện tử danh tiếng như Halo hay Call of Duty. Vậy nhưng 20 năm làm việc liên tục cũng không giúp Ben kiếm được nhiều tiền bằng NFT. Ben đã thu được hai triệu USD sau khi bán một số tác phẩm của mình dưới dạng NFT.
Nhiều nhà thiết kế đồ họa khác đang đổ xô làm theo Ben Mauro. Họ thường là nhân viên làm cho các tập đoàn lớn nên nguồn thu nhập chính là tiền lương. Trong bối cảnh các công ty phải đóng cửa vì đại dịch COVID-19, nhiều họa sỹ chỉ còn cách tìm đến NFT để chu cấp cho cuộc sống. Họ nhận được hai khoản thu nhập khác nhau. Khoản thứ nhất từ người mua NFT trực tiếp. Khoản thứ hai là số tiền tác quyền mà tác phẩm đem lại khi NFT được sang tay đổi chủ. Đối với các họa sỹ đang "chết đói", NFT chẳng khác gì như cái phao cứu sinh vậy.
Vậy nhưng không thiếu nghệ sỹ phản đối NFT. Họ thẳng thắn chỉ ra rằng, tất cả những người tham gia thị trường NFT hiện nay đều là đối tượng đầu cơ. Họ mua tranh không phải vì coi trọng giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Mà người ta mua vì mong "cơn sốt" NFT sẽ kéo dài đến lúc họ có thể bán tranh thu lời. Không họa sỹ có danh dự nào lại muốn tác phẩm của mình trở thành vật đầu cơ cả.
Thời gian qua nhiều nghệ sỹ phương Tây thường xuyên nhắc lại một đoạn phỏng vấn của cố danh ca David Bowie: "Cách nhanh nhất để giết chết bất kỳ phong trào nghệ thuật nào là tìm những kẻ cơ hội mang danh nghệ sỹ. Vì mục đích lợi nhuận, họ sẽ lan truyền ý tưởng rằng tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm của những trí tuệ xuất chúng… Nghệ thuật từ trước đến nay vẫn sống trong mỗi chúng ta. Thật đáng tiếc người ta lại sẵn sàng "giết chết" sự thật này để kiếm tiền!"
"Cơn sốt" NFT đã lên đến mức lố bịch. Jack Dorsey là nhà sáng lập kiêm CEO của mạng xã hội Twitter. Mới đây Jack đã tuyên bố sẽ NFT hoá dòng tweet đầu tiên của mình trên Twitter. Đã có bên ra mức giá 2,5 triệu USD cho dòng tin nhắn này là Sina Estavi, CEO Công ty fintech Bridge Oracle và là một nhà đầu cơ có tiếng. Một dòng tin nhắn chỉ vỏn vẹn năm từ có thể sẽ được bán với giá 2,5 triệu USD. Nhiều người không khỏi có cảm tưởng rằng NFT đang khiến rất nhiều cá nhân mất hết cả lý trí.
Bức tranh NFT này bán được với giá 700USD, con số khó tưởng đối với nhiều họa sỹ. |
Cái giá phải trả
Một lý do khác để người ta phản đối NFT là nguy cơ ô nhiễm môi trường sống. Để duy trì một dãy blockchain cần có rất, rất nhiều hệ thống máy chủ cùng lúc hoạt động 24/24. Lượng năng lượng tiêu thụ của mạng lưới máy chủ này vô cùng lớn. Ước tính để duy trì hệ thống trao đổi Bitcoin, thế giới phải tiêu tốn từ 80 đến 120 TWh, tương đương 0,45% sản lượng điện toàn cầu trong một giờ đồng hồ.
Chuyên gia thống kê độc lập Memo Akten đã tính toán ra rằng, mỗi NFT tương đương với một tấn khí thải CO2 sinh ra từ việc phát điện. Cứ năm nghệ sỹ NFT hoá tác phẩm của mình sẽ sử dụng 260 MWh và tạo ra khoảng 10 tấn CO2. Lượng khí thải này bằng 12 chuyến bay xuyên Đại Tây Dương cộng lại. Trong khi đó một gia đình châu Âu trung bình dùng điện trong thời gian kéo dài đến năm năm mới chỉ hết 260 MW. Đối với nhiều nghệ sỹ trẻ họ không thể nào chấp nhận cái giá mà NFT buộc môi trường phải trả.
Các chuyên gia tài chính còn đang lo ngại đến khả năng tội phạm rửa tiền qua NFT. Tại nhiều nước, việc trao đổi, mua bán các hàng hoá giá trị cao được một cơ quan chuyên trách giám sát, ví dụ như Cục phòng chống rửa tiền của Anh. Khi một người mua tác phẩm hội họa, đồ trang sức, du thuyền,… với số tiền vượt quá một mức nào đó, họ sẽ phải đăng ký thương vụ với cơ quan chuyên trách. Đây là cách phòng chống rửa tiền vô cùng hiệu quả.
NFT cũng như tiền ảo Bitcoin, Ethereum,… không những "ảo" mà còn là "vô danh". Bản chất của dãy blockchain là một bảng kế toán ghi lại tất cả giao dịch trên thị trường. Không riêng cảnh sát mà bất kỳ người nào biết cách cũng có thể lần ra một NFT bất kỳ đã qua tay những ai. Vấn đề là người ta trao đổi NFT dưới bí danh. Cảnh sát tìm được tiền đến đâu, nhưng không thể nào biết danh tính người nhận tiền thật sự là ai.
Đấy là chưa kể, Bitcoin từ lâu đã là công cụ trao đổi của các đối tượng tội phạm. Chỉ riêng Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã phá hơn 60 vụ án rửa tiền sử dụng Bitcoin. Đây chỉ là con số quá nhỏ so với hơn 400 vụ án rửa tiền khác đang trong quá trình điều tra hay đã đi vào bế tắc. Với những thương vụ trị giá hằng trăm, thậm chí hằng triệu USD, NFT hoàn toàn có khả năng trở thành công cụ đắc lực cho các đối tượng tội phạm rửa tiền.
Chưa có hồi kết
Hiện nay có không ít công ty đang tìm cách nhảy vào thị trường NFT, đơn cử như Artstation. Artstation là một website nơi các họa sỹ đăng tải tác phẩm của mình. Trong trường hợp tác phẩm lọt vào mắt một đạo diễn, nhà marketing,… họa sỹ sẽ trực tiếp trao đổi vấn đề tiền tác quyền đối với bên muốn sử dụng tác phẩm. Artstation quảng cáo rằng NFT sẽ giúp nghệ sỹ kiếm được một khoản thu nhập mới gấp bốn, năm lần số tiền tác quyền.
Tuy vậy, chỉ ba ngày sau khi ra tuyên bố, ban quản trị Artstation đã phải rút lại quyết định này và công khai xin lỗi người dùng. Hàng loạt họa sỹ đã đe dọa từ bỏ Artstation vì không muốn tác phẩm của mình trở thành NFT. Họ đã sáng suốt nhìn ra những hiểm hoạ tiềm tàng sau nó và vận dụng tinh thần nghệ sỹ đoàn kết để giúp tránh được vô số sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Thật đáng tiếc rằng không phải ai cũng đang giữ được sự tỉnh táo như các nghệ sỹ. Triển vọng nền kinh tế thế giới được dự báo không quá sáng sủa trong năm 2021. Khả năng sinh lời của các kênh đầu tư truyền thống hiện không cao. Các nhà đầu tư sẵn sàng rót tiền vào những loại hình sản phẩm tài chính nguy hiểm như NFT nhằm giải thoát dòng vốn.
Đối với những người thật sự yêu nghệ thuật, họ coi việc bong bóng NFT vỡ lúc nào chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi. Điều mà họ thực sự mong muốn là sau khi nó vỡ, xã hội sẽ buộc phải đối mặt với câu hỏi: Giá trị thực của một tác phẩm nghệ thuật đến từ đâu?