Kỳ tích y học - Bệnh nhân đàn hát khi đang mổ não

Thứ Tư, 08/07/2020, 11:10
Bệnh nhân trải qua cuộc phẫu thuật thần kinh - mổ sọ não trong khi hoàn toàn tỉnh táo, có thể giao tiếp với bác sĩ, thậm chí trong mổ não "tỉnh", bệnh nhân vẫn có thể... đàn, hát. Không phải bác sĩ muốn "chơi trội"!

Bệnh nhân đàn, hát được là để cùng bác sĩ kiểm soát trên thực tế, cùng với hướng dẫn của hệ thống Robot trong cuộc mổ mô phỏng đã làm trước đó, đảm bảo chuẩn xác nhất các "vùng chức năng" trong não người bệnh không bị tổn thương.

10 năm đi tìm "bác sĩ Robot cứu người"

Tháng 2/2019, Bệnh viện Nhân dân 115 TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công ca phẫu thuật u não đầu tiên bằng robot, mở ra bước đi lịch sử cho bệnh viện và ngành y tế Việt Nam vì là trường hợp đầu tiên thực hiện thành công ở châu Á. Tháng 1/2020, bệnh viện tiếp tục triển khai phẫu thuật ca xuất huyết não đầu tiên bằng mổ tỉnh với hỗ trợ của robot. Đến nay, bệnh viện đã phẫu thuật thành công 26 ca bằng robot, trong đó có 4 ca xuất huyết não mổ tỉnh.

Bác sĩ Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa ngoại thần kinh (người đứng giữa) được mệnh danh là "bàn tay vàng" phẫu thuật thần kinh - nhận chứng nhận kỷ lục châu Á.

Riêng với ca phẫu thuật u não đầu tiên cho bệnh nhân 67 tuổi bằng việc ứng dụng Robot Modus V Synative, Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhân Dân 115, TP Hồ Chí Minh đang được đồng nghiệp gọi một cách nể phục bằng cái tên "Ngôi sao phẫu thuật thần kinh" hay người có "đôi bàn tay vàng" về Ngoại thần kinh.

Ca này, nữ bệnh nhân bị khối u chèn ép trong não rất nguy kịch, nếu không được lấy ra nhanh chóng sẽ tử vong. Ca phẫu thuật tiến hành đúng vào dịp Tết Nguyên đán (tháng 2-2019). Ban Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 mời TS A.Kassam từ Viện - Trường Aurora Medical Center (Hoa Kỳ), tác giả của hệ thống Robot được ứng dụng trong ca mổ qua tham dự.

BS Sĩ và ê-kip đã trải qua rất nhiều áp lực trong ca mổ này vì vừa là một người học trò được đào tạo, chuyển giao công nghệ từ hệ thống robot, vừa là một phẫu thuật viên thao tác trên máy trước sự chứng kiến của chính tác giả hệ thống và của người có nhiều kinh nghiệm Quốc tế về Ngoại thần kinh. Khi học bên Viện - Trường Aurora Medical Center, suốt một  thời gian dài, BS Sĩ cũng chỉ được mổ trên xác, lần này mới thực sự mổ trên người sống.

Trong ca mổ, BS Sĩ chỉ tập trung cao độ vào công việc, không hề để ý người thầy A. Kassam của mình đứng ngay sau lưng. Ê-kip cũng không biết Ban giám đốc ngồi trên hội trường xem qua màn hình trực tiếp từ phòng mổ. Bệnh nhân mang khối u đính bên phải. Đường kính khoảng 3,5cm.

Dự kiến ca mổ trong 2 tiếng. Thời điểm tiếp cận tới được khối u và lấy ra trọn vẹn cũng chính TS A.Kassam là người chứng kiến. Ngay lập tức ông là người vỗ tay đầu tiên chúc mừng BS Sĩ. Toàn thể phòng mổ cũng như trên Hội trường cũng cùng vỗ tay chúc mừng. Ca mổ đã thực hiện xong sớm hơn 30 phút. Để có thành công ấy, BS Sĩ và các cộng sự trong khoa đã trăn trở suốt 10 năm không ngừng tìm tòi, học hỏi, tìm giải pháp tốt hơn cho bệnh nhân.

1 trong 22 ca phẫu thuật lấy u não bằng robot do Bác sĩ Chu Tấn Sĩ và ê-kip Ngoại thần kinh thực hiện thành công.

Có những ca phẫu thuật không thể nào quên. Có trường hợp nam bệnh nhân được đưa vào trong tình trạng bị một lưỡi dao to bản và dài chém sâu làm tách hẳn phần đầu  bệnh nhân làm đôi. Lưỡi dao chạy từ trên đỉnh đầu xuống tới "khẩu cái" của miệng. Dao nằm một phần ở bên trên sọ, một phần dưới nền sọ. Không có thiết bị gì dẫn đường tìm tổn thương trong ca đặc biệt này.

BS Sĩ đã chỉnh "nhá" đèn soi vào vết thương, nhìn vào tia phản chiếu lại tác động vào lưỡi dao nằm bên trong mà tìm cách lấy lưỡi dao ra. Khi lần sâu bàn tay xuống dưới và kẹp được cái đốc dao, kéo lên từ từ ra ngoài thật hồi hộp. Nếu dao trúng mạch máu lớn thì không có cách gì cầm máu. Rất may, chuyện rủi ro đó không xảy ra. Bệnh nhân được cứu sống ngoạn mục.

Ông nói: "Khi ấy trong lòng chúng tôi chỉ trào lên một niềm thương xót bệnh nhân và quyết tâm tìm giải pháp gì để chữa trị tốt nhất cho bệnh nhân mà thôi".

Trường hợp khác, một cô giáo Anh Văn bị triệu chứng đau nhiều năm mỗi khi mở miệng. Bệnh viện 115 kiểm tra đã phát hiện một xung đột về mạch máu thần kinh. BS Sĩ đã tiến hành ca mổ tách thành công dây thần kinh ra khỏi mạch máu gây tổn thương. Ngay sau mổ, cô giáo đã hết căn bệnh quái ác và trở lại công việc giáo viên trước đây.

Còn vào thời điểm những năm 80-90, khi ngành y tế còn nhiều khó khăn, chuyên khoa phẫu thuật thần kinh là những người trong cuộc khi phải đứng nhiều giờ liền xử trí một ca mổ sọ não, không chỉ gây căng thẳng mà còn cảm thấy "tổn thương" trong lòng. Để tạo phẫu trường cho một ca sọ não, BS phải dùng cơ bắp tay và một dụng cụ làm rất thủ công là "cắt" dần từng tí một trên vùng sọ bệnh nhân, lấy xong phần nắp xương sọ hình vòng cung, đường kính khoảng 10cm thì mỏi nhừ tay.

Mổ xong, bệnh nhân lại khuyết mất vùng xương sọ đó. Khi họ tới tái khám, BS nhìn và đều xót xa cho bệnh nhân. Còn nay mổ Robot, vết xâm lấn chỉ là những hố mổ rất nhỏ trên vùng đầu bệnh nhân.

Từ năm  2017 tới 2019, Bệnh viện 115 cũng đã thường xuyên cử các bác sĩ trong khoa Ngoại thần kinh đến các trung tâm thần kinh lớn của thế giới tập huấn, học hỏi kinh nghiệm. Vào tháng 2/2019, các bác sỹ tiến hành ca mổ đầu tiên bằng robot trong mổ sọ não lấy khối u, chính thức xác lập kỷ lục châu Á.

Mổ não tỉnh: Đỉnh cao của ngành phẫu thuật ngoại thần kinh

Trong 26 ca phẫu thuật thần kinh thành công, riêng có 4 ca là mổ xuất huyết não bằng phương pháp mổ tỉnh. Việt Nam trở thành nước thứ 3 trên thế giới (sau Mỹ và Thuỵ Sỹ) làm chủ hoàn toàn kỹ thuật mổ não tỉnh bằng hệ thống robot Modus V Synaptive.

Mổ tỉnh khắc phục những di chứng để lại thường khi áp dụng mổ thần kinh truyền thống (gây liệt, yếu nửa người, mất chức năng nói). Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận 1 năm từ 3.000 tới 5.000 trường hợp đột quỵ gây xuất huyết não cần can thiệp. Một số lượng bệnh nhân đông đảo. Tử vong do xuất huyết não lại rất cao nếu không được kịp thời can thiệp. Đây là lý do khiến Ban giám đốc bệnh viện và các bác sĩ ưu tiên việc đưa phương pháp mổ tỉnh vào mổ xuất huyết não.

Bác sĩ Chu Tấn Sĩ cùng các cộng sự dưới sự hỗ trợ của giáo sư Amin Kassam - Phó Chủ tịch Viện phát triển thần kinh Aurora (Mỹ) trong một ca mổ thực hành trên xác ứng dụng Robot vào mổ u não.

Phương pháp mổ mê hay còn gọi là mổ kinh điển để xử trí các tổn thương trong não bộ của con người dù có được sự hỗ trợ bằng kính vi phẫu, có "địa thế gợi" trong trường mổ, nhưng mọi sự còn rất hạn chế. Khi thực hiện những đường dao "vén não" tìm tới nơi tổn thương nếu "chạm" vùng ngôn ngữ, bệnh nhân sẽ bị câm, chạm vùng thị giác, mắt có thể mù, chạm vùng "cảm giác" là tê tay chân, yếu liệt.

Bác sỹ cũng không thể thấy rõ ràng hình hài thực sự của bó dẫn truyền thần kinh. Tất cả chỉ là lý thuyết. Vì trước mắt họ, bộ não người chỉ là một khối trắng đục. Mọi nhận định vị trí vùng chức năng hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm, phán đoán khi đưa đường dao mổ đi ngang, dọc để tới đúng vị trí khối u cần xử lý.

Các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh của Bệnh viện Nhân dân 115 đã tìm tòi, đọc tài liệu về mổ não tỉnh. Trong lần BS Sĩ trở lại Viện - Trường phát triển thần kinh Aurora (Mỹ), ông cùng BS gây mê là Lưu Kính Khương trong khoa đã đặt quyết tâm cao là phải học cho được kỹ thuật này. Trong đó, nhiệm vụ BS Lưu Kính Khương là phải nắm thật nhuần nhuyễn về kỹ thuật gây tê trong mổ tỉnh.

Mổ tỉnh trong phẫu thuật thần kinh theo phân tích của BS Chu Tấn Sĩ có nhiều cái lợi cho bệnh nhân. Mổ tỉnh thì ngoài có robot dẫn đường nay còn có thêm kiểm soát thực tế từ việc trả lời các y lệnh của bệnh nhân trong cuộc mổ. Đó cũng là dẫn chứng thực tế nhất chứng tỏ, phẫu thuật viên đã đi đúng đường, không gây tổn thương vùng chức năng trong não.

 Thứ nữa, xuất huyết não được mổ tỉnh, thời gian rút ngắn chỉ còn 30 phút. Thay vì trước đây, xuất huyết não mổ mê phải mò mẫm qua kính vi phẫu, mò mẫm trong phẫu trường có khi mất đến 2-3 tiếng; mổ tỉnh cùng hỗ trợ bằng robot giúp có được thiết bị cầm máu hiệu nghiệm đó là đốt bằng "nhíp lưỡng cực".

Đốt cầm máu truyền thống bằng điện, tia laser, sức nóng sẽ làm "chết" luôn tế bào não nơi đốt; phẫu trường trong mổ robot rất sâu. "Tay" của robot vào sâu bên trong não tới hơn 10cm. Đồng thời, ngay khi đưa ra phòng hồi sức, bệnh nhân đã có thể  giao tiếp với bác sĩ gần như bình thường, không phải hậu phẫu với nhiều nguy cơ nhiễm trùng bệnh hay thở máy lâu dễ bị viêm phổi.

"Mổ tỉnh có thể được coi là đỉnh cao của mổ thần kinh, có thể kiểm chứng chính xác nhất các vùng chức năng của não không bị tổn thương. Được chứng kiến cuộc sống vui vẻ, phấn chấn trở lại của bệnh nhân sau mổ thành công, đó là niềm vui nhất, hạnh phúc nhất mà người làm nghề Y được hưởng" - BS Sĩ nói.

Được biết, trong 4 ca mổ não tỉnh lấy xuất huyết não, qua chụp C-Scan lại cho thấy các tổn thương trong não của các bệnh nhân không còn máu tụ. Cả 4 bệnh nhân có thời gian nằm viện chỉ 4 ngày. Đây thực sự là kỳ tích bởi, trước đây mổ kinh điển (gây mê) thì  bệnh nhân có thể nằm cả tháng, phải đối mặt nhiều biến chứng do nằm lâu.

Riêng ca bệnh thứ 4 mổ tỉnh là bà Đặng Thị Yến (50 tuổi, ngụ Phú Quốc, Kiên Giang), 3 tháng sau được phẫu thuật đã có thể tự sinh hoạt như một người bình thường. Bà còn nhờ con trai quay một đoạn clip gửi các BS cảnh bà đi lại khoẻ khoắn và tự nấu ăn trong bếp. Với bệnh như bà Yến, trước đây việc phẫu thuật kinh điển chỉ nhắm tới mục tiêu giữ mạng sống cho bệnh nhân là chính...

Huyền Nga
.
.