Lão hóa dân số đã trở thành vấn đề toàn cầu

Thứ Ba, 16/04/2019, 16:59
Tình trạng lão hóa dân số theo đánh giá đang trở thành một vấn đề chính của kinh tế thế giới. Ước tính đến năm 2035, số lượng người từ 65 tuổi trở lên sẽ vượt quá mốc 1 tỉ. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ thiếu hụt người lao động.

Để giải quyết vấn đề trên, nhiều quốc gia đã phải nâng cao độ tuổi nghỉ hưu, còn giới thương gia lại tập trung đầu tư nâng cao tỉ lệ tự động hóa sản xuất. Chưa hết, tình trạng lão hóa dân số còn kéo theo nhiều biến đổi căn bản khác trong xã hội chỉ trong vài thập niên nữa…

Thế giới đang già đi nhanh chóng. Theo các số liệu dự báo của Liên Hiệp Quốc (LHQ), đến năm 2035 sẽ có tới 13% số người trên khắp hành tinh (tức là khoảng 1,1 tỉ người) có độ tuổi từ 65 trở lên. Trước đó trong một thời gian khá dài, tỉ lệ trên đã không thay đổi nhiều.

Tự động hóa sản xuất một mặt là giải pháp khắc phục tình trạng lão hóa dân số nhưng mặt khác lại khiến không ít người bị mất việc làm.

Như vào các thời điểm năm 1980 và 2010, trên thế giới cứ có 100 người trong độ tuổi từ 25 đến 60 thì sẽ có khoảng 16 người trong độ tuổi từ 65 trở lên. Đến năm 2035, theo đánh giá của LHQ, chỉ số tương đương này sẽ tăng nhanh thành 26 người. Tỉ lệ người già đặc biệt tăng nhanh tại các quốc gia giàu có.

Như đối với quốc gia dẫn đầu chỉ số này là Nhật Bản, đến năm 2035 sẽ có tới 69 người cao tuổi so với 100 người ở độ tuổi lao động (trong khi vào năm 2010 con số này chỉ là 43), còn tại Đức là 66 người. Tại Mỹ, bất chấp là quốc gia có tỉ lệ sinh tương đối cao, số lượng người cao tuổi cũng tăng lên 44 so với 100 người ở độ tuổi lao động. Tại Trung Quốc, con số này sẽ tăng từ 15 thành 36, còn châu Mỹ Latinh là 14 lên 27.

Ngay từ năm 1938, nhà kinh tế học Mỹ là Alvin Hansen đã dự đoán, việc giảm tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động sẽ dẫn tới nguy cơ làm giảm sút tỉ lệ đầu tư và tiếp theo là tình trạng trì trệ của nền kinh tế. Kịch bản trên đang dần trở thành hiện thực. Nhà kinh tế học Amlan Roy từ Credit Suisse đã tính toán rằng, do tình trạng gia tăng tỉ lệ cư dân cao tuổi, tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2013 đã giảm tốc trung bình 0,6 điểm mỗi năm. Tỉ lệ tương tự là 0,5 điểm tại Đức. 

Để giải quyết vấn đề trên, chính quyền nhiều nước trên thế giới bắt đầu nâng tỉ lệ tuổi nghỉ hưu. Ngay từ năm 2010, Ủy ban Châu Âu (EC) đã đề xuất các nước thành viên cần nâng độ tuổi về hưu lên 65 để số lượng người về hưu không vượt quá 1/3 người đang lao động. Cũng cần nói thêm, đang ngày càng có nhiều người vẫn tiếp tục lao động khi đã qua tuổi nghỉ hưu.

Thực trạng này một phần liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 khiến nhiều người không còn tiền dành dụm, chưa kể nhiều tập đoàn còn bãi bỏ chế độ lương hưu. Như tại Mỹ vào năm 2014 có có 20% số người trên 65 tuổi vẫn tiếp tục lao động (vào năm 2000 con số này chỉ là 13%). Còn tại Đức, con số này là gần 50% số người trên 60 tuổi so với 25% thời điểm cuối thế kỷ trước.

Để giải quyết vấn đề theo một xu hướng khác, các nước phát triển có chính sách nhằm giữ lại những người có trình độ cao dù đủ tuổi về hưu ở lại, kèm theo đó là tích cực thuê mướn nhân công nữ và người nhập cư. Đó chính là lý do khiến tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi lao động đang trực tiếp tham gia vào nền kinh tế đã tăng gần 50% chỉ trong vòng 2 thập niên qua.

Tự động hóa sản xuất cũng là một biện pháp giải quyết vấn đề lão hóa dân số. Chẳng hạn theo kế hoạch có tên “Made in China” của Chính phủ Trung Quốc, số lượng robot công nghiệp tại quốc gia này cần phải tăng lên gấp 10 lần, đạt mốc 1,8 triệu robot vào năm 2025.

Biểu tình phản đối tình trạng phân biệt đối xử liên quan đến tuổi tác trong lao động của giới người mẫu.

Còn tại Mỹ, theo tính toán của Công ty tư vấn Bain & Company, tổng giá trị vốn đầu tư vào việc tự động hóa sản xuất sẽ đạt mức 8 ngàn tỉ đôla vào năm 2030. Chính sách tự động hóa sản xuất tuy nhiên cũng có những ảnh hưởng hai mặt, chẳng hạn như nó sẽ làm giảm bớt cơ hội việc làm đối với những cá nhân không có trình độ chuyên môn cao.

Tại những nước như Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan được dự báo sẽ có đà sụt giảm đáng kể những nhân công có tuổi vì tiến trình tự động hóa sản xuất. Còn tại châu Âu hiện nay đã ghi nhận chỉ số thất nghiệp cao ngay trong tầng lớp thanh niên có trình độ học vấn thấp. Bức tranh tương tự cũng xảy ra tại Mỹ, khi theo đánh giá của Bain & Company, sẽ có từ 20-25% người lao động mất việc làm vì tự động hóa, trong đó chịu tác động trước tiên là tầng lớp có thu nhập thấp và trung bình.

Tại một quốc gia có tỉ lệ lão hóa cao như Nhật Bản, 66% người dân được hỏi đều muốn tiếp tục làm việc khi đã bước qua tuổi 65. Các công ty tại đất nước này cũng có nhiều phương pháp tận dụng thành phần lao động này. Như nhà sản xuất thực phẩm Kagome và nhà điều hành hệ thống bách hóa tổng hợp Takashimaya cho phép các nhân viên độ tuổi từ 60 đến 62 có thể làm việc đủ thời gian hay bán thời gian. Tiền lương của họ sẽ căn cứ vào năng suất lao động thực tế nhằm không gây ra những chi phí bổ sung cho công ty.

Nhưng không phải tất cả những ông chủ đều có những giải pháp mang tính nhân văn như vậy. Trên thực tế, tình trạng phân biệt đối xử liên quan đến lứa tuổi vẫn đang là một vấn đề nghiêm trọng. Theo số liệu của tổ chức phi lợi nhuận Urban Institute, phần lớn người lao động từ ngoài 50 tuổi đều phải đối đầu với nguy cơ mất việc – hoặc là đơn giản bị sa thải, hoặc buộc phải làm việc với mức lương, phụ cấp hay các điều kiện lao động bị giảm bớt.

Điển hình như Hãng IBM trong 5 năm gần đây đã sa thải 20 ngàn nhân viên ở độ tuổi từ 40 trở lên để thay bằng những người trẻ tuổi hơn, bất chấp việc họ đã bị nhiều nhân viên cũ nộp đơn kiện vì chuyện này.

Kim Lai (tổng hợp)
.
.