Loài hải quỳ và chìa khóa trường thọ

Thứ Sáu, 20/05/2016, 10:05
Hải quỳ trông giống như thực vật nên được gọi là bông hoa của biển cả. Các nhà nghiên cứu đang tự hỏi liệu loài sinh vật biển này có thể giữ bí mật về cuộc sống tuổi xuân vĩnh cửu của con người hay không.

Năm tháng trôi qua, cơ thể dần tàn tạ do các tế bào chết đi và do đó tuổi xuân vĩnh cửu luôn là giấc mơ ám ảnh con người từ xưa đến nay. Thính giác, sự vận động, đấu óc tinh anh, khối lượng cơ và não - tất cả đều suy giảm.

Hải quỳ sống ở Vịnh Maine thuộc Đại Tây Dương đang bắt một con cua

Nhưng, có loài sinh vật tầm thường sống ở biển khơi dường như không biết đến tuổi già - đó là loài hải quỳ. Từ xưa người ta nghĩ rằng đó là một loài thực vật. Nhưng, hải quỳ là loài động vật thân mềm ăn thịt rất đáng sợ, sống bám vào đá và các dải san hô ngầm trong những vùng nước nông. Khi săn mồi, các xúc tu của hải quỳ tiêm chất độc vào cơ thể những con cá và tôm nhỏ khiến chúng tê liệt toàn thân. Miệng hải quỳ cũng có chức năng như hậu môn.

Hiện có khoảng hơn 1.000 loài hải quỳ có kích thước đa dạng từ vài cm đến hơn 1m. Chúng hiện diện ở mỗi đại dương, từ vùng nước ấm đến vùng nước lạnh lẽo nhất. Do có bề ngoài xinh đẹp như bông hoa nên hải quỳ cũng thường được nuôi trong nhà như cá cảnh. Thông thường, hải quỳ sống không lâu nhưng trong điều kiện thuận lợi thì đó là câu chuyện hoàn toàn khác.

Dan Rokhsar, Giáo sư di truyền học thuộc Đại học California (Mỹ), giải thích: "Theo như những gì chúng tôi được biết, hải quỳ là động vật bất tử. Chúng sống rất lâu - có một tài liệu cho biết chúng có thể sống đến 100 năm. Dường như chúng không có tuổi già. Chúng sống mãi và sinh sản nhanh cũng như ngày càng lớn lên. Nếu cắt đứt các xúc tu của chúng, xúc tu mới sẽ mọc lên. Thậm chí khi cắt bỏ phần miệng cũng là đầu của chúng thì đầu mới lại xuất hiện. Hải quỳ cũng không biết đến những khối u ung thư".

Các nhà khoa học đang cố gắng tìm kiếm một gene hay chuỗi phản ứng hóa sinh như thế nào đó giúp cho hải quỳ tránh xa tuổi già một cách ngoạn mục.

Đó là mục đích hiện nay của nhóm nghiên cứu do Giáo sư Rokhsar lãnh đạo. Ông cho biết: "Hải quỳ là loài động vật đơn giản nhất mà chúng ta biết rằng có hệ thần kinh - mặc dù không có tổ chức giống như con người chúng ta, song nó vẫn có mạng lưới tế bào thần kinh cho phép phản ứng với tác nhân kích thích". Hải quỳ cũng có ruột để tiêu hóa thức ăn. Tất cả những yếu tố đó hợp lại khiến chúng ta nghĩ rằng hải quỳ có chung tổ tiên với con người!

Rokhsar trình bày tiếp: "Hải quỳ có điểm tương đồng với con người mà không hề nhìn thấy nơi ruồi giấm hay giun tròn". Hải quỳ cũng có sự tương đồng với con người trong tổ chức bộ gene và từ đó tiết lộ một mối liên kết mà Rokhsar mô tả là "ít nhất từ cách đây 700 triệu năm". Rokhsar đặt câu hỏi: "Liệu sự bất tử của hải quỳ so với con người có giống nhau hay không trong khi hải quỳ chỉ đơn giản sống theo bản năng tự nhiên còn con người có suy nghĩ và ký ức cũng như sự nhận thức?".

An An (tổng hợp)
.
.