Mỹ muốn từ bỏ “lá chắn” Bầu trời mở?

Thứ Sáu, 13/12/2019, 13:54
Nhiều nguồn tin tiết lộ chính quyền Tổng thống Donald Trump đã và đang tiến hành một số động thái nhằm chuẩn bị đưa Mỹ ra khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Trong suốt gần 3 thập kỷ, hiệp ước này được coi như một lá chắn, giúp củng cố lòng tin ở châu Âu sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh kéo dài.

Giới quan sát lo ngại, động thái của Mỹ, nếu trở thành hiện thực, sẽ khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang mới đầy nguy hiểm giữa quốc gia này và Nga.

Mâu thuẫn gia tăng

Hiệp ước Bầu trời mở có hiệu lực từ năm 2002, dù được kỳ kết trước đó 10 năm tại Phần Lan. Hiện nay, Bầu trời mở phủ sóng 34 quốc gia thành viên, bao gồm Mỹ, Nga và phần lớn các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mục đích chính của Bầu trởi mở là giúp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia tham gia ký kết thông qua giám sát hoạt động quân sự và tuân thủ các hiệp ước kiểm soát vũ khí hiện có.

Bầu trời mở cho phép các bên tham gia thực hiện các chuyến bay do thám không mang theo vũ khí trên không phận của nhau không quá 96 giờ, giới hạn ở phạm vi 5,500km tính từ điểm xuất phát.

Theo các chuyên gia, hiệp ước giúp minh bạch hóa mọi quy trình giám sát, từ đó ngăn chặn nguy cơ xung đột cũng như các tình huống khủng hoảng. Ví dự, các chuyến bay do thám phải được thông báo trước 72 giờ để nước chủ nhà có thời gian phản hồi và bất cứ quyết định cấm bay nào cũng cần được giải trình lý do rõ ràng bằng văn bản trong vòng 7 ngày.

Hiệp ước Bầu trời mở cho phép các bên tham gia thực hiện các chuyến bay do thám không mang theo vũ khí trên không phận của nhau.

Với hai siêu cường như Mỹ và Nga, Bầu trời mở là cơ hội tuyệt vời để thăm dò lẫn nhau. Washington dường như nhận được nhiều lợi ích hơn cả khi có thể “soi” kĩ lưỡng hoạt động quân sự của Nga, đặc biệt là các động thái ở châu Âu hay trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Thế nhưng, Washington cho rằng Nga liên tục có những vi phạm khi sử dụng các thiết bị tình báo hiện đại bao gồm camera hồng ngoại và cảm biến để tiến hành trinh sát các cơ sở quân sự ở Mỹ. Mới đây, Washington cáo buộc Moscow ngăn cản Mỹ và Canada bay giám sát trên khu vực Nga tập trận ở miền trung nước này, bên cạnh việc cản trở các chuyến bay quan sát trên bầu trời Kaliningrad hoặc gần biên giới tranh chấp giữa Nga và Gruzia, cùng một số khu vực khác như Chechnya, Nam Ossetia và Abkhazia.

Vô cùng tức giận, Mỹ đã đưa ra lệnh cấm bay giám sát đối với Nga ở Hawaii và các địa điểm đặt hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ ở Fort Greely (Alaska), cùng hàng loạt giới hạn riêng khác để ép Moscow phải tuân thủ hiệp ước.

Từ đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tính đến việc từ bỏ hiệp ước với Nga thông qua nhiều động thái, như việc ban hành đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2019, tuyên bố không chi bất cứ khoản tiền nào để thực thi Bầu trời mở. Giới quan sát lý giải Mỹ đang rơi vào trạng thái “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với Nga, đồng thời coi Bầu trời mở đã lỗi thời và khiến nguy cơ rò rỉ thông tin quân sự không kiểm soát ngày càng rõ ràng.

Bên cạnh đó, một vài ý kiến cho rằng, Tổng thống Donald Trump, vì mục tiêu “nước Mỹ trên hết”, đang vận dụng học thuyết rút lui để đưa Washington ra khỏi hàng loạt thỏa thuận quốc tế. Điều này khiến người đứng đầu Nhà Trắng dường như đã ký các văn bản cho phép Mỹ từ bỏ Bầu trời mở nhưng không hề tham vấn giới quân sự, ngoại giao và tình báo.

Nguy cơ xung đột

Trong bối cảnh Nhà Trắng hoàn toàn không đưa ra bất cứ thông tin gì liên quan đến số phận của Mỹ và Bầu trời mở, các đồng minh Mỹ đều bày tỏ mong muốn duy trì hiệp ước, coi đây như một văn kiện quốc tế cơ bản trong lĩnh vực an ninh và kiểm soát vũ khí. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại trước khả năng Mỹ từ bỏ hiệp ước, khẳng định đây sẽ là dấu chấm hết cho một trong những biện pháp xây dựng lòng tin quan trọng tại châu Âu đã tồn tại gần 3 thập kỷ qua.

Ngoài ra, Bầu trời mở bị “hổng” đồng nghĩa với việc tiếp tục gây xói mòn cấu trúc kiểm soát vũ trang toàn cầu, vốn đang chứng kiến nhiều rạn nứt sau khi Mỹ và Nga tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Tổng thống Donald Trump, vì mục tiêu “nước Mỹ trên hết”, đang vận dụng học thuyết rút lui để đưa Washington ra khỏi hàng loạt thỏa thuận quốc tế.

Bên cạnh đó, động thái rút lui của Mỹ phản ánh một nốt trầm tiếp theo, cùng nguy cơ gia tăng rủi ro tiềm ẩn, trong quan hệ song phương vốn nhiều rạn nứt với Nga. Moscow rất quan tâm đến Bầu trời mở, khẳng định hiệp ước giúp đảm bảo an toàn cho toàn châu Âu và đang được các quốc gia thành viên duy trì một cách linh hoạt để giúp các bên tránh ngờ vực lẫn nhau, từ đó làm giảm nguy cơ xung đột.

Moscow cảnh báo sẵn sàng áp dụng các biện pháp trả đũa thích hợp nếu viễn cảnh Washington từ bỏ hiệp ước xảy ra. Điều các chuyên gia lo ngại là, khi cơ chế kiểm soát không còn, nguy cơ chạy đua vũ trang không giới hạn giữa Mỹ và Nga lại tăng lên, tiếp tục giáng một đòn mạnh vào an ninh toàn cầu. 

Giới chính khách Mỹ cũng đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Donald Trump rũ bỏ nhiều cam kết quốc tế. Việc rời bỏ hiệp ước chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng của quân đội Mỹ trong việc theo dõi Nga và các quốc gia thành viên khác. Ngoài ra, hành động liều lĩnh của người đứng đầu Nhà Trắng sẽ trở thành “món quà” cho Tổng thống Putin, giúp Nga củng cố lý lẽ rằng Mỹ là một đối tác không đáng tin cậy ở khu vực.

Một số chính khách đã viết thư yêu cầu ông Trump từ bỏ ý định rút khỏi Bầu trời mở và thay đổi chiến lược để đảm bảo Moscow tuân thủ các điều khoản của hiệp ước, cũng như không gây tổn hại đến các đồng minh. Theo họ, Mỹ cần chuẩn bị đối diện với các thách thức đến từ Nga trong bối cảnh hiện nay, chứ không nên từ bỏ các cơ chế nhiều lợi ích cho phép duy trì giám sát Nga trên không thông qua Hiệp ước Bầu trời mở...

Việt Dũng (tổng hợp)
.
.