Nến thơm có thể giết chết bạn!

Thứ Ba, 08/03/2016, 22:00
“Nến thơm có thể giết chết bạn…”, đó là tuyên bố của Giáo sư Alastair Lewis thuộc Trung tâm Quốc gia Khoa học khí quyển tại Đại học York của Anh sau khi ông cùng các cộng sự tiến hành một thí nghiệm kéo dài suốt 5 ngày trong 6 ngôi nhà - kiểu nhà đô thị.

Ông nói: “Hàng chục năm nay, người ta vẫn có thói quen đốt nến thơm trong những bữa tiệc sinh nhật hoặc lễ cưới hay các dịp kỷ niệm nào đó nhưng không ai nghĩ rằng hương liệu có trong nến khi đốt cháy sẽ phát sinh những chất gây ung thư”.

Nến thơm, nguồn gốc của ung thư mũi, ung thư vòm họng.

Để tạo mùi thơm cho nến khi đốt cháy, các nhà sản xuất sử dụng một chất hóa học gọi là limonene. Tùy theo hàm lượng có trong nến và các chất phụ gia, limonene sẽ cho ra mùi hoa hồng tươi, mùi rừng thông, mùi chanh, mùi cam, quýt, mùi không khí mát lạnh, mùi táo… Tuy nhiên, khi bị đốt nóng đến nhiệt độ bay hơi, limonene sẽ phản ứng với một số chất có trong không khí như ozone để cho ra formaldehyde, và đây là chất đứng đầu các nguyên nhân gây ra ung thư mũi, ung thư vòm họng…

Tiến hành thí nghiệm, Giáo sư Alastair Lewis chọn 6 căn phòng ngẫu nhiên trong 6 ngôi nhà ở thành phố York, mỗi phòng ngoài cửa ra vào đều có cửa sổ. Đầu tiên, ông cùng các cộng sự phân tích mẫu không khí có trong phòng. Kết quả là bên cạnh oxy, hydro, ozone, nitơ…, còn có chất benzen, dioxyt carbon, lưu huỳnh do khí thải từ các loại xe chạy ngoài đường bay vào nhưng không có formaldehyde hoặc nếu có thì hàm lượng rất thấp..

Tiếp theo, liên tục 5 ngày, Giáo sư Alastair Lewis cho đặt 6 lồng, mỗi lồng có 6 con chuột bạch rồi đốt nến thơm trong các căn phòng, mỗi phòng 4 cây theo điều kiện mùa hè - nghĩa là các cửa sổ đều mở. Thời gian cháy của mỗi cây nến từ lúc bắt đầu đốt đến lúc tàn là 3 giờ 30 phút  Tiến hành đo đạc, Giáo sư Alastair cùng các cộng sự nhận thấy chất formaldehyde ở trong phòng tăng lên gấp 40 lần so với mức cho phép là dưới 0,1 phần triệu (ppm).

Với điều kiện mùa đông, chủ nhà thường đóng kín tất cả cửa sổ để ngăn khí lạnh tràn vào và cũng để giữ hơi ấm từ lò sưởi thì sau 3 giờ 30 phút đốt nến thơm, lượng chất formaldehyde trong phòng tăng lên gấp 100 lần so với mức cho phép.

Giáo sư Lewis nói: “45 ngày sau, khi mổ những con chuột ở trong các căn phòng đốt nến thơm đóng kín cửa, tế bào vòm họng chúng đều có dấu hiệu biến dị - biểu hiện của bệnh ung thư. Đây là một cái bẫy rất êm ái, nhẹ nhàng vì đối với con người, phải vài ba năm - thậm chí hàng chục năm sau, các triệu chứng ung thư mũi, ung thư vòm họng mới xuất hiện. Nhưng khi đó, liệu có ai nghĩ rằng nguyên nhân gây bệnh lại xuất phát từ việc họ thường xuyên hít thở mùi nến thơm hay không?”

Là một hợp chất hữu cơ không màu, có mùi hắc khó chịu, cay nồng, công thức hóa học là CH2O, formaldehyde chủ yếu được sử dụng trong ngành sản xuất nhựa, sơn, dệt may, xe hơi, thiết bị điện, thuốc sát trùng, dung dịch bảo quản xác chết, đồ chơi trẻ em bằng nhựa... Đây là loại chất có độc tính cao, chỉ cần uống 30ml dung dịch trong đó chứa 37% formaldehyde là đã đủ để tử vong. Ở thể khí, nếu nồng độ formaldehyde lớn hơn 0,1 ppm trong không khí sẽ gây kích ứng mắt và niêm mạc, dẫn đến chảy nước mắt. Cũng với nồng độ này, nếu hít phải nó sẽ gây đau đầu, nóng rát ở cổ họng, khó thở và có thể gây ra - hoặc làm nặng thêm các triệu chứng hen suyễn.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất của formaldehyde là gây ung thư. Năm 1978, các bác sĩ ở Đại học Y khoa John Hopkins, Mỹ lần đầu tiên công bố một công trình nghiên cứu về vấn đề này. Năm 1987, Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA), Mỹ, đã  phân loại nó như là một chất gây ung thư. Nghiên cứu sâu hơn, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư (IARC) cũng xác định nó là chất gây ung thư mũi xoang, ung thư vòm họng, bệnh bạch cầu, đặc biệt là bệnh bạch cầu dòng tủy. Chính vì thế, formaldehyde đã bị cấm sử dụng làm chất bảo quản trong ngành sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm, vải vóc, đồ chơi trẻ em bằng nhựa.

Tại Việt Nam, nến thơm được giới trẻ sử dụng trong các bữa tiệc bạn bè, gia đình, đa số nhập từ Trung Quốc. Ở nhiều quán ăn, quán cà phê, để tăng thêm không khí lãng mạn, người ta thường đặt nến thơm trên bàn thay vì sử dụng ánh sáng đèn điện và điều này vô tình dẫn đến hiện tượng cơ thể phải hấp thu chất formaldehyde một cách thụ động. Chưa có một thống kê nào cho thấy mỗi năm nước ta nhập khẩu bao nhiêu nến thơm nhưng tại Anh, con số này là 225 triệu cây các loại với tổng giá tiền gần 400 triệu bảng Anh.

Vẫn theo Giáo sư Lewis, không chỉ nến thơm mà hầu hết những loại nước thơm xịt phòng, nhang thơm, lọ thơm - loại đặt trong xe hơi đều có thành phần limonene. Khi xịt hoặc đốt, limonene tác động với ozone có sẵn trong không khí sẽ sản sinh ra formaldehyde. Phòng càng kín thì nồng độ formaldehyde càng cao.

Giáo sư Lewis nói: “Với những lọ thơm đặt trong xe hơi, nó hoạt động theo nguyên tắc khi xe nổ máy, những rung động của xe sẽ khiến các phân tử limonene bốc hơi và thoát ra ngoài, tạo thành mùi thơm trong xe và đồng thời cũng tạo ra formaldehyde”. Theo quy định của Mỹ, Nhật, các nước Cộng đồng chung châu  Âu (EU), lượng formaldehyde sinh ra từ lọ thơm không được vượt quá 0,1ppm vì ở nồng độ này, cơ thể con người sẽ chuyển hóa chúng thành axit formic khiến chúng không còn có khả năng gây nguy hiểm. Tuy nhiên, với những lọ thơm sản xuất không đúng quy chuẩn, hoặc hàng nhái, hàng giả, nồng độ formaldehyde trong xe hơi đóng kín cửa lắm khi lên đến 0,60ppm.

Để ngăn chặn hiện tượng hấp thu formaldehyde quá liều lượng cho phép, theo Giáo sư Alastair Lewis, nếu cần phải đốt nến thơm thì chỉ nên đốt ở những nơi thoáng đãng, có gió nhưng không nên đốt tập trung nhiều cây ở cùng một chỗ. Nếu đốt trong phòng, cần mở hết tất cả các cửa sổ, cửa ra vào. Tuyệt đối không đốt nến thơm, nhang thơm hay xịt nước thơm trong những căn phòng đóng kín cửa, nhất là lại mở máy lạnh bởi lẽ hơi lạnh sẽ khiến formaldehyde vừa khó tan, lại vừa đậm đặc.

“Bạn không thể chết vì formaldehyde ngay tức thời đâu - Giáo sư Alastair Lewis nói - Cùng lắm là bạn cảm thấy hơi cay mắt, hơi nhức đầu nếu ngồi lâu trong phòng có nến thơm, nhang thơm hay nước thơm. Tất cả những hiện tượng này sẽ hết trong vài phút khi bạn bước ra ngoài và đó chính là điều khiến bạn xem thường. Tuy nhiên, các phân tử formaldehyde lúc ấy đã có thể gắn vào tế bào mũi, tế bào vòm họng của bạn rồi đến một lúc nào đó, nó bắt đầu gây biệt hóa”.

Ở Mỹ, Cơ quan Phòng chống dịch bệnh (CDC) khuyến cáo những người có thói quen ưa thích đốt nến thơm trong phòng thì nên đặt thêm một số loại cây như hoa phong lữ, hoa oải hương hoặc cây dương xỉ vì chúng hấp thụ formaldehyde rất nhanh. Bên cạnh đó, tạp chí Natural hướng dẫn cách tạo ra mùi thơm không nguy hiểm bằng cách đun sôi vỏ chanh, cam, quýt trong nước khoảng 5 phút rồi đổ nước này ra một cái đĩa. Sau đó đốt một cây nến bình thường cắm vào đĩa. Hơi nóng từ nến sẽ khiến các phân tử thơm trong nước bốc hơi, tạo ra mùi thơm dịu, an toàn…

V.C. (theo Telegraph)
.
.