Nga – Trung hợp tác xây dựng "đại tường lửa" chống tin tặc phương Tây

Thứ Bảy, 10/12/2016, 15:25
Bức tường an ninh mạng ngăn tin tặc xâm nhập mạng Internet ở Trung Quốc được gọi là Đại tường lửa (Great Firewall), còn ở Nga thì được gọi là Mạng đỏ (Red Web), có nhiệm vụ chính là lọc và kiểm soát thông tin lưu truyền trên mạng Internet trong nước.

Hai nước đang có sự hợp tác chiến lược, theo đó Nga tích hợp một phần của bức Đại tường lửa vào Mạng đỏ nhằm tạo nên một hệ thống an ninh mạng mạnh chưa từng có.

Những dấu hiệu cho sự hợp tác an ninh mạng giữa Nga và Trung Quốc bao gồm trước hết là việc Nga thông qua một số luật để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm soát mạng Internet. Mùa hè năm nay, Quốc hội Nga đã thông qua đạo luật mang tên Luật Yarovaya, trong đó buộc các công ty công nghệ viễn thông và cung cấp dịch vụ Internet phải lưu trữ dữ liệu người dùng trong 6 tháng và dữ liệu đặc tả trong 3 năm.

Nikolai Patrushev, cựu lãnh đạo Cục An ninh liên bang Nga, một trong những người thúc đẩy quan hệ hợp tác an ninh mạng Nga-Trung Quốc.

Đầu tháng 11, Quốc hội Nga tiếp tục thông qua luật cho phép Điện Kremlin có quyền kiểm soát tuyệt đối đối với các điểm chia sẻ thông tin Internet, tên miền và các tuyến cáp quang xuyên biên giới. Cũng trong tháng 11, chính phủ Nga đã quyết định ngăn mạng xã hội LinkedIn hoạt động ở Nga. Đây là dấu hiệu rõ nét nhất của việc kiểm soát không gian ảo của Moskva.

Sự hợp tác chiến lược về an ninh mạng giữa Nga và Trung Quốc bắt đầu được triển khai từ cách đây vài tháng, với một loạt cuộc họp cấp cao giữa các quan chức an ninh mạng hai nước ở Bắc Kinh và Moskva. 

Một nhóm quan chức của Điện Kremlin và trong ngành an ninh Nga được giao nhiệm vụ tìm giải pháp công nghệ, kiểm soát tốt hệ thống Internet để có thể ngắt kết nối một cách hiệu quả khi xảy ra "khủng hoảng" nhằm ngăn chặn sự can thiệp từ phương Tây.

Phương Tân Hưng, cha đẻ của “Đại tường lửa” Trung Quốc.

Tháng 4-2016, các quan chức an ninh Nga và Trung Quốc đã tổ chức một diễn đàn đầu tiên để thảo luận về hợp tác an ninh mạng tại Moskva. Cuộc họp có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu Trung Quốc như Lục Vệ, người đứng đầu Cục thông tin Internet, Phương Tân Hưng, "cha đẻ" của Đại tường lửa Trung Quốc; phía Nga có Igor Shchyogolev, cựu Bộ trưởng Truyền thông, trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Putin về các vấn đề Internet.

Denis Davydov, Tổng Giám đốc Liên đoàn Internet an toàn (LSI) Nga cho biết, việc tổ chức diễn đàn là kết quả của cuộc làm việc giữa Igor Shchyogolev và Fang Binxing tại Bắc Kinh tháng 12-2015.

Vào đầu năm nay, Thư ký Hội đồng an ninh Nikolai Patrushev, từng là người đứng đầu Cục An ninh liên bang Nga giai đoạn 2000-2008, đã có hai cuộc họp với các ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc về vấn đề an ninh thông tin. Đặc biệt, vào tháng 6-2016, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin, vấn đề an ninh mạng đã được thảo luận và đưa vào trong thông cáo chung. Tháng 10-2016, một diễn đàn lớn về an ninh thông tin của Nga đã được tổ chức tại Bắc Kinh như một trong những hoạt động hợp tác cụ thể giữa hai nước.

Theo nhận định của giới chuyên gia, sự hợp tác về an ninh mạng giữa Nga và Trung Quốc là bước đi tất yếu trong tình hình Nga đang bị phương Tây cô lập, Moskva chỉ còn Trung Quốc là đồng minh duy nhất trên mọi phương diện. Nga đang thiếu công nghệ để quản lý khối lượng thông tin Internet khổng lồ theo quy định của Luật Yarovaya. 

Trong khi Trung Quốc lại đang có ưu thế về công nghệ, với nhiều công ty công nghệ đang cung cấp sản phẩm công nghệ cho toàn thế giới. Đặc biệt, tháng 8-2016, Blat, công ty viễn thông hàng đầu của Nga đã có những cuộc thương thảo với công nghệ viễn thông Huawei để mua công nghệ lưu trữ dữ liệu và sản xuất máy chủ phục vụ cho việc thực thi Luật Yarovaya.

Công ty Huawei vốn được xem là một cánh tay đắc lực của tình báo Trung Quốc trong các hoạt động xâm nhập vào các quốc gia bằng con đường công nghệ, nên đã được Bắc Kinh chọn làm con bài hợp tác chủ lực trong quan hệ đối tác an ninh mạng với Nga. Do đó, Bắc Kinh luôn tìm cách bảo đảm cho Huawei được gặp mặt trong các cuộc hội nghị quan trọng về an ninh thông tin ở Nga.

Ở Nga, việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác chiến lược với Trung Quốc được xúc tiến bởi một số quan chức cấp cao ở Điện Kremlin, trong đó bao gồm cả Patrushev, Shechyogolev và tỉ phú Konstantin Malofeev, người sáng lập kênh truyền hình Chính thống giáo Tsargrad TV. Malofeev là một trong những cá nhân nằm trong danh sách cấm vận của EU do liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraina. Ở Trung Quốc, quan hệ hợp tác an ninh mạng đã được cụ thể hóa bằng việc ban hành luật mới (ngày 7-11) về an ninh mạng, trong đó siết chặt việc kiểm duyệt thông tin trên mạng Internet. 

Cũng giống như Luật Yarovaya của Nga, luật an ninh mạng của Trung Quốc đặt ra những quy định về việc lưu trữ biệt lập dữ liệu Internet và yêu cầu các nhà quản lý cơ sở hạ tầng thông tin thiết yếu - nói cách khác là các nhà cung cấp đường truyền mạng viễn thông - lưu trữ thông tin trên máy chủ nội địa - điều các  công ty cung cấp dịch vụ Internet và mạng xã hội nước ngoài hoàn toàn không chấp nhận.

Cùng với sự hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, việc đẩy mạnh hợp tác về an ninh mạng giữa Nga và Trung Quốc sẽ góp phần vào mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước, từ đó tạo ra một liên minh hùng mạnh về công nghệ thông tin, an ninh mạng trong cuộc đối đầu dai dẳng với phương Tây.

Sự tích hợp các yếu tố của Đại tường lửa vào Mạng đỏ sẽ tạo ra một hệ thống tường lửa cực mạnh, sẽ là một thách thức lớn cho các tin tặc, lực lượng tình báo mạng phương Tây khi tìm cách đột nhập vào hệ thống Internet ở Nga để quấy phá, tạo nên những cuộc khủng hoảng giả tạo nhằm gây bất ổn về chính trị và an ninh.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.