Người đưa gạc Nano bạc về Việt Nam

Thứ Tư, 06/12/2017, 07:56
Băng điều trị vết thương có thành phần Nano bạc đã được ứng dụng ở nhiều nước, nhưng giá thành rất cao. Nghiên cứu ra loại băng Nano bạc "Made in Việt Nam" có chất lượng cao với giá thành phù hợp, để người bệnh nghèo cũng được sử dụng là mong muốn cháy bỏng của TS. Trần Thị Ngọc Dung.

Sau hơn 3 năm được chữa trị tại Bệnh viện (BV) Quân y 108, bà Nguyễn Thị H. (Thanh Hóa) đã hoàn toàn khỏe mạnh. Bà bảo, ngày ấy bà không biết cuộc sống rồi sẽ ra sao khi vết thương cứ ngày một hoại tử, loét rộng thêm nếu không có sự kỳ diệu như cổ tích của những tấm gạc nano bạc từ công trình nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Những tấm gạc đã cứu bà vào đúng thời điểm bà tuyệt vọng nhất, chẳng những giúp bà thoát khỏi cơn đau hành hạ nhiều tháng ròng, mà còn đưa bà trở về với vòng tay gia đình sau nhiều tháng dài nằm viện…

Cứu tinh cho vết thương khó lành

Chỉ từ một vết xước nhỏ, không ngờ vết thương cứ ngày càng loét rộng sau lưng. Bà H. đã được điều trị tại BV tỉnh với đủ mọi loại kháng sinh nhưng không tác dụng. Bó tay trước vết loét lạ lùng này, các bác sĩ chuyển bà ra Bệnh viện 108. Nhưng sau nhiều tháng điều trị bằng các loại kháng sinh hiện đại nhất, vết thương vẫn ngày càng bị nhiễm trùng, loét rộng khiến người bệnh vô cùng đau đớn. Hàng ngày, bác sĩ phải lọc bỏ những phần hoại tử của vết thương.

TS. Trần Thị Ngọc Dung trong phòng thí nghiệm tại Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Lúc này, TS. Trần Thị Ngọc Dung - Trưởng phòng Công nghệ thân môi trường - Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đang thực nghiệm đề tài "Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chế tạo băng gạc chứa nano bạc để điều trị các vết thương và vết loét khó lành trên người" tại Viện Bỏng Quốc gia, Viện 103, BV Việt Đức và BV 108… Vì thế, bác sĩ Khoa Chấn thương-Chỉnh hình của Bệnh viện 108  đã đề nghị TS. Dung phối hợp điều trị cho người bệnh.

Nhìn vết thương đã nhiễm trùng nặng suốt nhiều tháng, miệng rộng hoác và sâu hoắm, TS. Dung không khỏi đắn đo vì bệnh nhân bị kháng thuốc kháng sinh, nhất là còn có thể bị nhiễm loại virus nào đó, không rõ có hiệu quả với băng gạc chứa nano bạc hay không? Nếu thử nghiệm không thành, có thể ảnh hưởng đến đề tài… Nhưng không lẽ bỏ mặc người bệnh? Hình ảnh người phụ nữ nhiều tháng liền chỉ có thể nằm sấp, vật vã trong đau đớn cứ ám ảnh đến day dứt, đã trở thành động lực để nhà khoa học trẻ quyết định hợp tác điều trị cho bệnh nhân.

Chị theo dõi chặt chẽ diễn biến của người bệnh từng phút. Hồi hộp và căng thẳng. Có lúc, chị rón rén đứng bên cạnh giường bệnh, lặng nhìn vết thương, vừa xót xa cho người bệnh, vừa chờ mong một phép màu từ tấm gạc Nano bạc mà chị chế tạo…

Thật bất ngờ khi niềm vui ùa đến chỉ sau 4 ngày điều trị. Nhìn vết loét từ tình trạng viêm nhiễm rất nặng bắt đầu lên da non, tôi thật sự muốn khóc. Mừng cho bệnh nhân không còn phải chịu cảnh đau đớn vật vã nhiều tháng qua. Mừng vì nghiên cứu thành công ngoài tưởng tượng… Đến ngày thứ 8 thì các mảng hoại tử sạch hoàn toàn.

Chỉ vài ngày sau, bệnh nhân đã được đưa đi phẫu thuật chỉnh hình, làm đầy vết thương đã bị hoại tử sâu và rộng. Chừng một tuần nữa thì bệnh nhân được ra  viện.

"Cuộc đời tôi đã thật sự thay đổi sau nhiều tháng trời nằm trên giường bệnh. Tại sao tôi không được gặp cô sớm hơn để đời tôi đỡ khổ…" - Bà Nguyễn Thị H. nghẹn ngào nói với TS. Dung trong ngày chia tay BV trở về nhà. Nhưng bà chỉ là một trong rất nhiều bệnh nhân đã được điều trị thành công từ công trình nghiên cứu băng gạc chứa Nano bạc của TS. Trần Thị Ngọc Dung.

Mong ước cháy bỏng

Nhiễm khuẩn BV, các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh luôn là những vấn đề luôn làm đau đầu các thầy thuốc. Nhiều ca mổ thành công nhưng vẫn không cứu nổi bệnh nhân chỉ vì nhiễm khuẩn ở khâu hậu phẫu. Từng chứng kiến nhiều hoàn cảnh đau lòng ở các BV, trong đó không ít bạn bè, người quen, nên đó chính là động lực để TS. Dung bắt tay nghiên cứu về băng gạc chứa Nano bạc từ nhiều năm trước.

Băng điều trị vết thương có thành phần Nano bạc đã được ứng dụng ở nhiều nước, nhưng giá thành rất cao, nên người dân Việt Nam hầu như không được tiếp cận. Băng Nano bạc của Canada giá khoảng 50 USD, của Trung Quốc khoảng 14 USD.  Nghiên cứu ra loại băng Nano bạc "Made in Việt Nam" có chất lượng cao với giá thành phù hợp, để người bệnh nghèo cũng được sử dụng là mong muốn cháy bỏng của TS. Trần Thị Ngọc Dung.

Do Nano bạc còn rất mới ở Việt Nam nên việc nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu các thiết bị chuyên dụng, rồi làm sao để các BV phối hợp trong đánh giá chất lượng và thử nghiệm lâm sàng. Nhưng với quyết tâm và niềm say mê mãnh liệt, TS. Dung đã vượt qua những thách thức không hề nhỏ trên con đường khoa học của mình.

Chị tiến hành hàng loạt nghiên cứu để khắc phục các nhược điểm vốn có của băng gạc Nano bạc là khả năng thấm hút dịch vết thương kém, băng nhanh khô trên vết thương, gây đau đớn khi thay băng.

TS. Dung cũng chế tạo ra băng Nano bạc hai lớp trên nền vải không dệt polyeste cùng polycaproamid, thay vì một lớp vải không dệt, đồng thời, chế tạo ra loại băng màng Nano bạc trên nền polyuretan dạng bọt. Từ đó, chị nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chế tạo băng gạc Nano bạc mới có khả năng thấm hút dịch tiết tốt trên vết thương bỏng, kể cả bỏng độ III và đặt tên là Silviet 11.

TS. Trần Thị Ngọc Dung báo cáo tại hội thảo khoa học quốc tế.

Kết quả nghiên cứu tại Viện bỏng Quốc gia và BV 108 đều cho thấy băng gạc Silviet 11 rất hiệu quả trong việc điều trị các tổn thương ngoài da, đặc biệt là các vết mổ và vết loét nhiễm trùng lâu ngày, khó lành.

Hơn nữa, việc điều trị các vết thương bằng băng Nano bạc không chỉ có tác dụng giảm nhiễm trùng, làm sạch bề mặt tổn thương giúp giảm số lần thay băng, mà còn giảm đau cho bệnh nhân khi thay băng. Thời gian điều trị rút ngắn từ 10-50%, bệnh nhân sớm ra viện, chi phí điều trị giảm nhiều.

Đặc biệt, với sáng kiến của TS. Dung, quy trình chế tạo băng gạc Nano bạc không đòi hỏi đầu tư thiết bị đắt tiền, mà chất lượng lại cao, giá thành rẻ hơn của nước ngoài từ 8-30 lần. Điều này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội lớn, mà quan trọng là cho phép bệnh nhân nghèo được quyền tiếp cận.

Thành công của công trình này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng và đã ở mức báo động. Bởi thế, đề tài khoa học này đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc.

"Tiến sĩ Nano bạc"

Các công trình nghiên cứu về Nano bạc ở Việt Nam dường như đã gắn với tên tuổi của TS. Trần Thị Ngọc Dung. Bởi chị là một trong ít các nhà khoa học nghiên cứu Nano bạc rất sớm. Năm 2006, khi khái niệm Nano bạc còn mới mẻ ở Việt Nam, chị đã cùng đồng nghiệp ở Viện Công nghệ Môi trường tiến hành hàng loạt đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp Bộ để ứng dụng Nano bạc vào đời sống, đặc biệt trong lĩnh vực y tế.

Đến nay, TS. Dung đã có hàng loạt công trình khoa học ứng dụng trong diệt khuẩn, mang lại lợi ích hàng chục tỷ đồng, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân: Nghiên cứu khẩu trang Nano bạc trong phòng dịch bệnh truyền nhiễm, trong phòng, chống bệnh da liễu; làm sạch nước cho người dân vùng lũ… Tất cả đều nhằm mang lại lợi ích cho người dân với chi phí rẻ nhất và hiệu quả cao nhất.

Năm 2009, dịch cúm A H5N1 đã hoành hành ở 160 quốc gia với hàng trăm ngàn người mắc và hơn 1.000 người tử vong, khiến WHO phải cảnh báo dịch ở cấp độ cao nhất. Lúc này, TS. Dung đang thực hiện đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu chế tạo và phát triển ứng dụng một số vật liệu Nano bạc để khử trùng trong y tế, đời sống và sản xuất".

Trước yêu cầu cấp bách của thực tế, chị và các nhà khoa học của Viện Công nghệ Môi trường đã nhanh chóng cho ra đời một sản phẩm "cứu tinh" cho công tác phòng dịch cúm A H5N1 là khẩu trang Nano bạc kháng khuẩn. Loại khẩu trang đặc biệt này không chỉ có khả năng lọc bụi trên 90%, mà giúp tiêu diệt vi khuẩn, vius, hấp phụ các khí độc hại, khử mùi, mà giá thành rất rẻ.

Mới đây, chị còn nghiên cứu thành công ứng dụng Nano bạc trong kiểm soát vi khuẩn gây bệnh phụ khoa. Chia sẻ về lý do chọn đề tài này, TS. Dung cho biết tỷ lệ mắc bệnh phụ khoa ở phụ nữ Việt Nam tới 90%, trong đó nhóm phụ nữ có kiến thức, có thu nhập chiếm hơn 70%. Tình trạng viêm nhiễm vùng kín có thể gây ra các bệnh phụ khoa nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản, thậm chí vô sinh ở nữ giới.

Kết quả nghiên cứu này đã được một đơn vị đưa vào ứng dụng để sản xuất băng vệ sinh phụ nữ kháng khuẩn, nhằm khống chế lượng vi khuẩn, khử mùi hôi và giảm phát tán mầm bệnh ra môi trường, đồng thời nhanh chóng đạt doanh thu khoảng 500 tỷ đồng/năm.

Một thành công đáng nể của TS. Trần Thị Ngọc Dung trong nghiên cứu khoa học là chế tạo Nano bạc bằng phương pháp dung dịch nước. Chị tâm sự: Nghiên cứu chế tạo Nano bạc cho mục đích khử trùng được Viện Công nghệ môi trường đặt ra khá sớm.

Việc hợp tác với Liên bang Nga đã cho phép chế tạo thành công Nano bạc bằng phương pháp mixen đảo. Nhưng lại hạn chế khi chỉ sản xuất được lượng Nano bạc rất nhỏ, trong khi chi phí chế tạo lại cực lớn vì phải sử dụng các hoá chất đắt tiền. Các bước tiến hành quá phức tạp, mất nhiều thời gian chế tạo. Điều này dẫn đến việc ứng dụng Nano bạc vào cuộc sống rất hạn chế. Vì thế, chị tìm cách chế tạo Nano bạc bằng phương pháp dung dịch nước, để khắc phục những vấn đề trên.

Nhưng việc tiến hành vấp phải nhiều khó khăn khi không chỉ thiếu thốn các thiết bị nghiên cứu, mà còn là thách thức về tâm lý khi nhiều đồng nghiệp của chị không giấu sự hoài nghi về việc sẽ không thể làm được vật liệu Nano trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam. Tất cả làm nên áp lực rất lớn đối với nhà khoa học trẻ mà nếu không có niềm đam mê cùng bản lĩnh vững vàng, chắc chắn không thể vượt qua.

Nhưng với sự động viên của người thân và sự nỗ lực rất lớn của bản thân, TS. Trần Thị Ngọc Dung đã có được kết quả như mong muốn khi chế tạo thành công Nano bạc bằng phương pháp dung dịch nước. Nhờ đó sản phẩm đã có chi phí thấp hơn 30 lần so với phương pháp cũ, nên có thể sản xuất số lượng lớn, ứng dụng rộng rãi vào cuộc sống.

Nano bạc của TS Dung chế tạo được đưa vào thực nghiệm và đánh giá nghiêm túc ở nhiều BV tuyến Trung ương. Tất cả các thử nghiệm đều cho thấy Nano bạc của chị có hoạt lực rất mạnh. Đặc biệt, Nano bạc này lại có độc tính rất thấp mà nghiên cứu của các nhà khoa học tại Học viện Quân y đã chứng minh: không phát hiện liều độc tính dù hàm lượng cao tới 5000mg/l trên chuột thí nghiệm.

Nhờ phương pháp này, Viện Công nghệ môi trường đã sản xuất dung dịch nano bạc để cung cấp cho rất nhiều lĩnh vực như y tế, môi trường, hạn chế nhập khẩu và tiết kiệm hàng chục tỉ đồng chi phí sản xuất.

Đặc biệt, vào những ngày này, mặc dù dịch sốt xuất huyết đã tạm lắng trên cả nước, nhưng số người mắc vẫn còn rất nhiều và nhiều địa phương vẫn phải căng mình ứng phó với dịch bệnh, tôi lại tình cờ biết một tin vui của TS. Trần Thị Ngọc Dung: Chị vừa chế tạo thành công loại dung dịch từ Nano bạc để khi bị muỗi gây bệnh sốt xuất huyết đốt, bôi vào ngay là có thể xử lý được "nọc độc" virus, đảm bảo không bị mắc bệnh tới 99%.

Hiện TS. Dung đang phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ để đánh giá hiệu quả của loại dung dịch này trên virus sốt xuất huyết. Và nếu thành công, người dân sẽ có cơ hội phòng tránh được dịch bệnh này.

Vỹ thanh

Là người luôn lặng thầm trong nghiên cứu khoa học, TS. Dung ngại chia sẻ về công việc của mình. Mất nửa năm "theo chân" chị để tìm hiểu và thuyết phục, tôi mới có được những câu chuyện về thành quả của chị -dĩ nhiên chỉ là một phần rất nhỏ trong hành trang khoa học của chị.

Thật tình cờ khi tôi đang viết những dòng này, cũng là lúc chị chuẩn bị đón nhận Giải thưởng L'Oreal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học 2017 sẽ trao vào ngày 12-12-2017. Đây là giải thưởng vinh danh các nhà khoa học nữ hàng đầu đã dành trọn thời gian cho sự tiến bộ của nghiên cứu khoa học và cho lợi ích của xã hội và nhân loại.

Trước đó, TS. Dung đã được nhận nhiều Bằng khen của các cấp, trong đó có Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thanh Hằng
.
.