Những đường băng ma quái ở La Mosquitia

Thứ Bảy, 19/12/2020, 09:16
Nếu từ máy bay nhìn xuống khu rừng La Mosquitia trên bờ biển Caribe của Honduras, không ai có thể nghĩ rằng cái dải đất nâu sẫm méo mó nằm lọt thỏm giữa màu xanh trùng điệp lại là nơi cất hạ cánh cho những chiếc máy bay du lịch mà mỗi chiếc có thể chở từ 500 đến 800kg cocain. Theo Cục phòng chống ma túy quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, chỉ riêng Honduras, 4% lượng cocain thẩm lậu vào Mỹ là nhờ những đường băng ma quái này…


1. Giữa trưa ngày 29-8-2020, 4 trực thăng UH-1B của không quân Honduras thả xuống một dải đất nằm giữa khu rừng La Mosquitia trên bờ biển Caribe 48 người lính đặc nhiệm thuộc Cục bài trừ ma túy quốc gia. Trên dải đất ấy có một chiếc máy bay du lịch hiệu Cessna 1 động cơ cánh quạt còn xung quanh nó là khoảng 10 người đang hối hả chất những kiện hàng bọc trong túi nylon màu đen lên khoang máy bay.

Bất ngờ trước sự xuất hiện của 4 trực thăng, nhóm người nói trên bỏ chạy tán loạn vào rừng. Đại úy Ricardo, chỉ huy đội đặc nhiệm nói: “Tổng cộng có 600kg cocain cả trên mặt đất lẫn trong máy bay. Đây là một trong những đường băng bất hợp pháp của tổ chức buôn bán ma túy Barrio 18. Theo kế hoạch thì sau khi chất hàng, phi công cất cánh hướng về vùng biển ngoài khơi bang Florida, Mỹ. Đến điểm hẹn, chúng thả hàng xuống biển, nơi tàu cao tốc của đồng bọn đã đợi sẵn. Sau khi vớt lên, chúng luồn lách vào bờ rồi lợi dụng hệ thống sông rạch chằng chịt, đưa cocain vào Mỹ”.

Chiếc Cessna 208 đã được nhân bản với số hiệu HK4669G.

3 ngày sau, Lực lượng đặc nhiệm - Cục bài trừ ma túy quốc gia Honduras lại khám phá thêm một đường băng ma quái ở khu vực Brus Laguna thuộc tỉnh Gracias a Dios nhưng không có chiếc máy bay nào ở đó. Nếu như tại đường băng nằm giữa khu rừng La Mosquitia, lính đặc nhiệm sau khi phá hủy máy bay, họ đánh chất nổ tạo thành 6 hố lớn đường kính 2m, sâu 4m thì ở đường băng Brus Laguna, họ cũng dùng chất nổ để cắt đường băng thành 3 mảnh. 

Vẫn đại úy Ricardo cho biết “chắc chắn băng nhóm Barrio 18 sẽ không sửa lại 2 đường băng này bởi lẽ ngoài việc phải đưa máy ủi, máy xúc đến - và đó là điều không thể - thì những kẻ cầm đầu thừa hiểu rằng chúng tôi sẽ liên tục giám sát cả 2 đường băng bằng máy bay không người lái. Bất cứ một sự thay đổi hiện trạng nào dù nhỏ nhất, chúng tôi có mặt ngay”.

Đường băng La Mosquitia và đường băng Brus Laguna chỉ là 2 trong số 31 đường băng bị Honduras phá hủy trong năm nay kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ ở Mỹ Latin với tổng số 2.830 kg cocain bị tịch thu cùng 20 máy bay. Trước đó, năm 2019, đã có 36 đường băng bị phá hủy, phần lớn đều nằm ở tỉnh Gracias a Dios với 2.218kg cocain nhưng có đến 40 máy bay, phần lớn là máy bay du lịch 1 động cơ hoặc 2 động cơ cánh quạt. Marat, một phi công bị bắt đã khai: “Barrio 18 thuê “máy bay khô” (nghĩa là không thuê tổ lái) của một công ty vận chuyển hàng không tư nhân hợp pháp. Tiếp theo họ thuê tôi bay cho họ”.  Khi được hỏi anh ta có biết máy bay vận chuyển ma túy không? Marat im lặng.

Tại Guatemala, một báo cáo của cảnh sát cho thấy những băng nhóm buôn bán ma túy, chẳng hạn như Los Pochos ngày càng ưa chuộng phương tiện vận chuyển “hàng” là máy bay. Theo báo cáo này, 15 trong số 20 máy bay bị bắt từ đầu năm đến nay là máy bay phản lực du lịch, bay nhanh hơn và chở được nhiều “hàng” hơn - từ 3 đến 5 tấn. Nó khác với năm 2019, chỉ có 9 máy bay phản lực trong số 36 chiếc bị bắt nhưng với 9 chiếc phản lực ấy, số cocain thu được đã là 7 tấn.

2. Sự gia tăng vận chuyển ma túy bằng đường hàng không từ Honduras và Guatemala đến Mỹ đã làm sáng tỏ một vấn đề: Guatemala từ lâu đã trở thành viên ngọc quý trong mạng lưới buôn bán ma túy bởi quốc gia này giáp với Mexico đồng thời dễ dàng tiếp cận với các bờ biển ở Caribe và Thái Bình Dương, thuận tiện cho việc thả “hàng”. Những cánh rừng nhiệt đới rậm rạp ở vùng Peten, Guatemala, là nơi cung cấp lý tưởng những điểm cất, hạ cánh mà lực lượng chống ma túy của chính phủ rất khó tiếp cận bằng đường bộ. 

Máy bay chở ma túy ở đường băng trong rừng La Mosquitia bị đặc nhiệm Honduras phá hủy.

Ortiz Loper, thành viên của băng nhóm Los Pochos khi bị bắt đã khai với cảnh sát: “Chính phủ chủ yếu dùng trực thăng hoặc máy bay trinh sát để kiểm tra. Ngay cả khi máy bay chở cocain của chúng tôi bị phát hiện, phải mất 1 tiếng hoặc 1 tiếng rưỡi thì lính đặc nhiệm mới đến, đủ thời gian để chúng tôi tẩu tán hết số cocain rồi cho máy bay cất cánh. Dĩ nhiên sau đó đường băng này sẽ chẳng bao giờ còn được sử dụng. nhưng hề gì, chúng tôi sẽ mở thêm nhiều đường băng mới”.

Để mở đường băng mới, Los Ponchos thường huy động 200 hoặc 300 thổ dân sống ở những bộ lạc cách đó vài chục km. Với số tiền công hậu hĩnh - khoảng 10USD/ngày trong lúc thu nhập bình quân ở vùng này chỉ là 1 đến 2USD/ngày nên số người tham gia lắm khi “gạt ra không hết”. 

Với những công cụ thô sơ như cưa, cuốc, xẻng, xà beng, chày vồ… họ chặt hạ cây rừng, đào hết rễ, san lấp rồi dùng chày vồ nện cho đất cứng lại. Nhằm tránh cặp mắt soi mói của trực thăng tuần tra, sân bay không bao giờ vuông vắn như thường thấy mà là cong quẹo, méo mó, chỗ lồi ra, chỗ thụt vào nên từ trên cao nhìn xuống, nó chẳng khác gì những mảnh đất thổ dân khai hoang để trồng ngô. Riêng đường băng thì với máy bay cánh quạt, nó chỉ cần dài 800m, được đánh dấu bằng những cụm cây rừng tự nhiên. Rordiguez, phi công của Chính phủ Guatemala nói: “Khi hạ cánh, người lái căn cứ vào những cụm cây này để tính điểm tiếp đất. Phải thừa nhận rằng họ là những tay bay lão luyện vì chỉ cần nhanh hay chậm 1 giây là máy bay sẽ lao vào rừng”.

Tại Costa Rica, ngày 21-9 Tổng thống Carlos Alvarado đã ký luật 9902, cho phép lực lượng vũ trang được quyền xâm nhập các khu đất tư nhân để tìm kiếm, phá hủy các đường băng ma quái. Trước khi có luật này, quân đội không được phép tiếp cận các khu vực thuộc sở hữu tư nhân dù họ biết ở đó có sân bay. Năm ngoái, Bộ trưởng An ninh Michael Soto nói ông đã biết về 105 đường băng bất hợp pháp nhưng không thể phá hủy. 

Đến tháng 3-2020, con số đó tăng lên 141. Hoan Joaquin, sĩ quan quân đội Costa Rica nói: “Chỉ 1 tuần sau khi luật có hiệu lực, chúng tôi đã kiểm tra 30 sân bay tư nhân xây dựng không giấy phép và phát hiện 6 trong số này có dấu hiệu vận chuyển ma túy. Hiện tại, chúng tôi đang củng cố chứng cứ để quyết định có nên phá hủy đường băng hay không”.

Vẫn theo sĩ quan Joaquin, kể từ khi Luật 9902 được áp dụng đến nay, gần 100 sân bay trong tổng số 141 sân bay tư nhân ngừng hoạt động mặc dù trước tháng 8, các mật báo viên của quân đội ghi nhận trung bình mỗi sân bay thường có 1 hoặc 2 chuyến hạ, cất cánh mỗi tháng. Sĩ quan Joaquin nói: “Đó là điều đáng ngờ”.

3. Và không chỉ sử dụng các đường băng ma quái, những băng nhóm ma túy ở Colombia còn phát triển hình thức “máy bay nhân bản”. 11 giờ trưa ngày 22-9-2020, chiếc máy bay 1 động cơ cánh quạt hiệu Cessna 208 sau khi cất cánh từ sân bay Guaymaral, phía bắc thủ đô Bogota, Colombia, được khoảng 15 phút thì bị rơi do hỏng máy. Những người trên máy bay bỏ trốn trước khi cảnh sát xuất hiện.

Cảnh sát Guatemala bắt giữ  máy bay chở cocain tại một đường băng ma quái.

Tiến hành kiểm tra, cảnh sát tìm thấy 400kg cocain giấu trong máy bay. Tuy nhiên, khi truy xuất nguồn gốc của chiếc Cessna 208, cảnh sát bất ngờ nhận thấy số hiệu HK4669G của chiếc Cessna 208 lại giống hệt số hiệu của 1 máy bay khác, cũng đăng ký ở Colombia, bị hải quan Honduras bắt ở sân bay La Mosquitia, Honduras vào tháng 11-2010 với 500 kg cocaine trong khoang hành khách.

Theo quy ước của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới ICAO, mỗi máy bay dân dụng của từng quốc gia khi đăng ký sẽ được cấp một số hiệu riêng, không chiếc nào giống chiếc nào, dù đó là máy bay thương mại hay máy bay du lịch tư nhân. Vì thế, khi 2 chiếc có cùng một số hiệu thì chắc chắn 1 chiếc là “hàng nhái”!

Thoạt đầu, cảnh sát Colombia suy đoán 2 máy bay nêu trên chỉ là 1 nhưng các quan chức hàng không Honduras cho biết chiếc máy bay bị bắt năm 2010 là loại Piper Seneca 2 động cơ, trong khi máy bay gặp nạn ở Bogota là chiếc Cessna 208 một động cơ. Sau khi bị Honduras bắt, chiếc Piper Seneca vẫn nằm ở căn cứ không quân La Mosquitia, Honduras cho đến nay. Một nhân viên làm việc trong lĩnh vực hàng không Colombia xin giấu tên vì ông không được phép đề cập đến những vấn đề nhạy cảm, đã tiết lộ rằng chiếc máy bay rơi ở Colombia và chiếc bị bắt ở Honduras là hai loại khác nhau nhưng có cùng một số đăng ký. Nhân viên này nói: “Họ đã sao chép số hiệu của chiếc Piper Seneca sang chiếc Cessna 208 bằng cách sơn vẽ lại”.

Trả lời câu hỏi vì sao đài kiểm soát không lưu ở sân bay Guaymaral không phát hiện sự trùng lặp ấy, nhân viên này nói: “Đối với máy bay du lịch tư nhân, không lưu chỉ kiểm soát số hiệu máy bay khi nó xin phép cất hoặc hạ cánh chứ không kiểm soát xem số hiệu đó có trùng với 1 máy bay khác hay không, ngoại trừ cả 2 chiếc cùng xuất phát từ 1 sân bay nhưng trường hợp này hầu như không thể xảy ra. Lợi dụng điều đó, khi một máy bay của các băng nhóm ma túy bị rơi, bị bắt hoặc không còn có thể bay được vì lý do kỹ thuật, bọn chúng sẽ tìm mua một máy bay khác rồi sơn số hiệu của chiếc kia vào để tiếp tục hoạt động”.

Và không chỉ Colombia, các băng nhóm ma túy ở Bolivia và Paraguay cũng đã nhanh chóng áp dụng kỹ thuật “nhân bản”. Loại máy bay mà họ thường sử dụng là loại 1 động cơ vì nó dễ lái, dễ bảo trì, giá rẻ. Những chiếc này có thể chở được 700kg cocain, tầm hoạt động lên đến 1.000km. Cũng có băng nhóm sử dụng máy bay du lịch phản lực mà cụ thể là hồi tháng 7-2020, một chiếc Hawker 700 chở gần 1,5 tấn cocain đã hạ cánh xuống đường cao tốcở bang Quintana Roo, miền nam Mexico trong một phi vụ giao hàng. 

Không may cho chúng là 2 xe tuần tra cảnh sát xuất hiện vì họ nghĩ rằng máy bay gặp nạn. Những gì diễn ra sau đó y như phim hành động: Chiếc Hawker lập tức tăng tốc để cất cánh trong lúc 4 xe bán tải của nhóm nhận hàng cũng vừa lao đến. Để bắt chiếc Hawker, 1 xe cảnh sát đã chặn ngay trước mũi máy bay ở khoảng cách chỉ chừng 500m. Sợ tan xác vì máy bay sẽ nổ tung nếu đâm vào xe cảnh sát, gã phi công bẻ lái cho chiếc Hawker trượt sang lề đường. Kết quả là phi công cùng một gã làm nhiệm vụ thả hàng sa lưới. Cuộc điều tra sau đó cho thấy số hiệu của chiếc Hawker ấy trùng với số hiệu của một chiếc Hawker khác, nhưng đăng ký ở Panama!

Để phát hiện và ngăn chặn nạn “nhân bản”, cảnh sát các nước Trung, Nam Mỹ đã buộc tất cả mọi máy bay tư nhân phải mở hệ thống định vị ngay cả khi nó nằm trong bãi đỗ tại sân bay. Hệ thống định vị này được nối mạng với tất cả các đài kiểm soát không lưu ở Mỹ Latin. Với biện pháp ấy, họ nhanh chóng xác định một máy bay khi chuẩn bị cất, hạ cánh có phải là chiếc duy nhất, hay nó là máy bay “nhân bản”…         

Vũ Cao (Aviation Weekly)
.
.