Những ứng dụng smartphone cấp cứu tai nạn

Thứ Sáu, 08/07/2016, 08:30
Trong tình huống nếu bạn bất ngờ bị tai nạn giao thông nghiêm trọng trong một khu vực hẻo lánh, tính mạng có thể bị đe dọa nếu không được cấp cứu kịp thời thì thời gian lúc này được tính bằng giây. Đó là kịch bản mà không ai trong số chúng ta dám nghĩ đến.

Tuy nhiên, may mắn là một công nghệ mang tính đột phá được phát triển ở Nam Phi sẽ giúp giải quyết vấn đề này: thông tin về tình huống cần cấp cứu được gửi đi thậm chí không cần phải tác động đến một nút bấm.

Ứng dụng smartphone giúp người dùng trong trường hợp cấp cứu.

Ứng dụng smartphone này gọi là CrashDetech tự động giám sát hành trình của bạn với chức năng độc đáo - "Dò tìm xe thông minh". Nó có thể dò thấy một tai nạn đụng xe nghiêm trọng nhờ sử dụng bộ cảm biến gia tốc kế nằm trong điện thoại đo lường trọng lực của một tác động. Lúc đó, ứng dụng bắt đầu định vị chiếc xe của bạn và tự động gửi thông tin đến trung tâm cấp cứu gần nhất mà không cần người dùng tác động đến nút bấm nào cả.

Giám đốc điều hành ứng dụng Jaco Gerrits phân tích: "Thời gian là yếu tố cực kỳ quan trọng trong tình huống khẩn cấp cho nên sự chậm trễ sẽ đe dọa tính mạng nạn nhân. CrashDetech tự động dò thấy một tai nạn đụng xe nghiêm trọng và ngay lập tức biến smartphone của người dùng thành thiết bị cứu tinh". Dĩ nhiên, tất cả còn tùy thuộc vào việc người dùng có ở trong khu vực tín hiệu wifi mạnh hay không.

Hiện nay, những chiếc hộp telematics (hệ thống điện tử kết nối xe người dùng với mạng viễn thông) nằm trong xe có thể hoạt động như CrashDetech và Liên minh châu Âu (EU) đang có kế hoạch giới thiệu công nghệ "eCall" trong những chiếc ôtô từ tháng 4-2018. Với tình hình sử dụng smartphone phổ biến trên thế giới như hiện nay cho phép các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ báo động cấp cứu dựa trên ứng dụng.

Thuật toán cảnh báo đụng xe của SOSmart sử dụng dữ liệu test.

Ví dụ, ứng dụng SOSmart của Chile gửi cảnh báo đến những điểm cấp cứu nằm trong danh sách được người dùng chọn lựa sẵn phòng trường hợp tai nạn xảy ra. Mauritz Venter, nhà phân tích làm việc cho Công ty nghiên cứu Frost & Sullivan đặt trụ sở tại thành phố San Antonio bang Texas (Mỹ), nhận định những ứng dụng di động như thế đang tăng nhanh và những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất là Ấn Độ và Nam Phi - những nơi mà tình trạng tội phạm và mất an toàn giao thông rất phổ biến.

Mauritz Venter đánh giá: "Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là các nguồn có liên quan phải khả dụng để bảo đảm chức năng cấp cứu của ứng dụng điện thoại đạt hiệu quả trong những tình huống khẩn cấp. Ví dụ, khả năng kết nối di động cũng như tính chuyên nghiệp của trung tâm cấp cứu có thể phản ứng nhanh".

Nói cách khác, nếu người dùng gặp tai nạn tại khu vực không có tín hiệu wifi cũng như trung tâm cấp cứu thì các ứng dụng trên trở nên vô dụng. Bất chấp sự giới hạn tại các quốc gia mà khả năng kết nối wifi rất kém cũng như hệ thống y tế nghèo nàn, Mauritz Venter tin rằng các công ty bảo hiểm đang bắt đầu tích hợp những ứng dụng cấp cứu vào trong sản phẩm của họ.

Các hệ thống cảnh báo bằng smartphone cũng được sử dụng cho mục đích bảo vệ an ninh cá nhân. Ví dụ ở Ấn Độ, công ty cung cấp dịch vụ an ninh cá nhân One Touch Response (OTR) cho phép người dùng phát đi cảnh báo nguy hiểm đến bộ phận giám sát sự cố trong trung tâm kiểm soát của công ty. Sau đó, đội hỗ trợ phản ứng nhanh của OTR sẽ có mặt tại nơi người dùng gặp nguy hiểm chỉ trong vài phút.

Manoj Chandra, giám đốc điều hành ứng dụng OTR, đánh giá: "Trước tỷ lệ tội phạm và tai nạn giao thông tăng cao tại các thành phố, phản ứng nhanh và chuyên nghiệp là vô cùng cần thiết. Chúng tôi chú ý thấy rằng sự tin cậy vào các cơ quan phản ứng nhanh của nhà nước là không đủ bởi vì có quá nhiều loại tai nạn xảy ra cần cấp cứu. Chúng ta cũng không mong một người phải ghi nhớ quá nhiều con số giữa tình huống khẩn cấp".

Manoj Chandra, Giám đốc điều hành OTR.

Hệ thống tiếp xúc "chỉ một nút bấm" của OTR - hoạt động tính phí trên các thiết bị di động nền tảng Android, iOS và Windows - tương tự như số khẩn cấp 911 ở Mỹ. Ứng dụng OTR cũng cung cấp dịch vụ "Track Me" cho phép bạn bè và gia đình theo dõi hành trình của người dùng và nhận được cảnh báo nếu có gì bất thường xảy ra.

Tương tự như dịch vụ bSafe ở Mỹ và WatchOverMe ở Malaysia. OTR đã ký hợp đồng với 50.000 gia đình và con số đang tăng lên từng ngày. Arvind Khanna, người sáng lập OTR, cho biết nhu cầu cao về an ninh cá nhân và gia đình tại Ấn Độ giúp tạo nên thị trường trị giá 5 tỷ USD và đang phát triển ở mức 20%/năm.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.