Soyuz tiếp tục phát nổ, Nga vẫn chưa thể là số một

Thứ Hai, 12/12/2016, 15:25
Hôm đầu tháng 12, một tàu vũ trụ chở hàng mang tên Progress MS-04 của Nga đã nổ tung trên không phận Siberia chỉ vài phút sau khi được phóng bằng tên lửa đẩy Soyuz-M từ bãi phóng Baikonur ở Kazkhastan.

Trong bối cảnh các đối thủ tới từ Mỹ đạt được nhiều thành tựu trong việc đưa tàu của mình lên không gian, sự kiện lần này được cho là sẽ ảnh hưởng đến không chỉ tương lai của Soyuz mà sẽ tác động xấu đến ngành hàng không vũ trụ của Nga.

Theo thông tin từ Cơ quan Hàng không Nga Roscosmos, Tàu Progress M-04 đã bị mất liên lạc sau 382 giây và nổ tung khi đạt độ cao khoảng 190km trên không phận của nước Cộng hòa Tuva thuộc Nga, một vùng núi không có người ở. Cũng theo cơ quan này, vụ phóng mặc dù thất bại nhưng trước mắt sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của trạm ISS và sinh hoạt của các phi hành gia đang làm việc trên trạm. Roscosmos cũng dự định một vụ phóng tên lửa mới để tiếp tế cho ISS vào tháng 2 năm sau.

Đây là lần thứ 3 trong hai năm Nga gặp vấn đề khi cố gắng trong phóng tên lửa tiếp tế cho trạm ISS. Năm ngoái, một con tàu mang tên Progress M-27M mang theo 3 tấn nhiên liệu, khí oxy, nhu yếu phẩm và các trang thiết bị khoa học, vật dụng được phóng đi ngày 28 - 4 tại sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan đã mất liên lạc, quay ngược trở lại khí quyển và bốc cháy giữa không trung khiến Nga thiệt hại không dưới 50 triệu USD.

Một vụ phóng bằng tên lửa Soyuz của Nga (nguồn: Roscosmos).

Tháng 4 năm nay, một tên lửa Soyuz với sứ mệnh tương tự chuẩn bị phóng từ trạm không gian Vostochny ở vùng Amur - gần biên giới Trung Quốc - thì đột nhiên bị hủy bỏ chỉ 2 phút trước khi xuất phát do lỗi kĩ thuật, mặc dù tên lửa sau đó đã được phóng thành công và hoàn thành sứ mệnh thì nó vẫn khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin nổi giận và mất mặt do đã vượt hơn 5.500km từ Moscow để chứng kiến sự việc. Tổng thống Nga ngay sau đó yêu cầu một phương án giải quyết cụ thể.

Trải qua 50 năm với nhiều lần nâng cấp, niềm tự hào của Xôviết mang tên Soyuz cho đến nay vẫn là loại tên lửa đẩy được sử dụng nhiều và lâu nhất trên thế giới so với tất cả các loại thiết bị phóng khác với tổng cộng hơn 1.700 lần phóng kể từ khi bắt đầu được sử dụng vào năm 1966. Loại tên lửa này được mệnh danh là huyền thoại không chỉ bởi số lần phóng khổng lồ mà còn nhờ độ tin cậy không thua kém các loại tên lửa đẩy đắt tiền khác, mặc dù thiết kế được cho là lỗi thời hơn các đối thủ.

Thời hoàng kim của Soyuz bắt đầu từ năm 1998 khi những modul đầu tiên của Trạm ISS được ghép nối vào nhau trên quỹ đạo, bộ đôi tên lửa đẩy Soyuz và tàu vũ trụ cùng tên khi đó đã thực hiện hàng loạt sứ mệnh đưa các phi hành gia, các modul tiếp theo cùng hàng chục tấn hàng hoá lên Trạm ISS. Tới năm 2011, sau khi NASA của Mỹ quyết định kết thúc chương trình tàu con thoi quá tốn kém và thiếu an toàn, Nga với Soyuz khi đó là lựa chọn duy nhất để đưa các đoàn du hành lên ISS.

Như vậy, kể từ năm 1998 đến nay, với khoảng 50 lần đưa các phi hành đoàn và hàng trăm đợt hàng hoá từ trái đất lên ISS, với trị giá mỗi chuyến lên tới hàng chục triệu USD, Soyuz đã mang về cho nước Nga nhiều tỷ USD. Khi mà nước Nga mới vực dậy sau sự sụp đổ của Liên Xô và vướng phải cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng năm 1998, những đồng USD này được cho là đã duy trì nhịp độ cho sự phát triển của ngành hàng không vũ trụ Nga.

Trong thời gian dài chiếm lĩnh phần lớn thị trường có giá trị lên tới trăm tỷ USD, thay vì chứng minh cho thế giới về sự ổn định và an toàn của các dòng tên lửa đẩy và tàu vũ trụ, thời gian gần đây, ngành khoa học vũ trụ của Nga đã liên tiếp vấp phải thất bại trong các lần đưa vệ tinh lên quỹ đạo đã định. Theo nhận định của giới chuyên gia, chính nguồn tài trợ nghiên cứu bị cắt giảm và mạng lưới nhà thầu hoạt động không hiệu quả như mong đợi đã khiến Roscosmos thường xuyên gặp phải những vấn đề nghiêm trọng.

Mặc dù nhận thấy sự cần thiết của việc phải thay đổi, nhưng phải tới tận năm 2014, Nga mới quyết định thành lập một kế hoạch nghiên cứu và chế tạo thế hệ tên lửa mới thay thế Soyuz đã lỗi thời, kế hoạch trị giá 70 tỷ USD này được cho là sẽ bao gồm cả việc phóng những con tàu vũ trụ không người lái lên mặt trăng và những khu vực xa xôi trong vũ trụ.

Tàu Falcon của Mỹ trong năm 2016 liên tiếp gặt hái nhiều thành công (ảnh: NASA).

Tuy nhiên trong bối cảnh đối thủ tới từ Mỹ đang gặt hái nhiều thành công với con át chủ bài là các công ty sản xuất tên lửa tư nhân và Nga hiện đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế do giá dầu giảm sút và các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Rất có thể các dự án sẽ không tới đích đủ nhanh như Nga mong muốn.

Khác với Nga, ngay sau khi thừa nhận thất bại trong các dự án liên quan đến tàu con thoi, Tổng thống Barack Obama đã đưa ra một số thay đổi trong dự án chế tạo tàu vũ trụ thế hệ mới, theo đó thu hẹp quy mô dự án và chuyển sang tư nhân hóa ngành du hành vũ trụ. Cơ quan Quản lý hàng không Mỹ khi đó được yêu cầu làm việc chặt chẽ với các công ty tư nhân để đưa ra các quy định nghiêm ngặt về an toàn cho ngành hàng không vũ trụ tư nhân này và hỗ trợ tài chính để các công ty này có thể sớm sản xuất ra những con tàu của chính nước Mỹ và đủ khả cạnh tranh với các đối thủ tới từ Nga.

Chỉ 3-4 năm sau khi được đầu tư và hỗ trợ, tới năm 2015 và 2016, các công ty tư nhân Mỹ liên tiếp công bố thành công vượt bậc trong các phi vụ chinh phục không gian. Cách đây không lâu CEO Amazon Jeff Bezos tuyên bố Amazon đã phóng và hạ cánh thành công tên lửa tái sử dụng New Shepard với độ cao hơn 100km.

SpaceX với Falcon thậm chí còn mang lại cho Mỹ những thành quả ngoài mong đợi: SpaceX đến nay liên tiếp  hạ cánh thành công tên lửa tái sử dụng Falcon 9, sự kiện này được mô tả là thành công lớn của ngành công nghiệp thương mại không gian. Bởi trước đây, các hãng cung cấp dịch vụ bay không gian luôn phải chấp nhận việc mất các các tên lửa hiện đại sau mỗi lần phóng lên quỹ đạo.

Trên thực tế, mặc dù những thành công của Mỹ và Falcon mới chỉ là bước đầu nhưng  nếu trong tương lai tên lửa đẩy có thể tái sử dụng nhiều lần, chi phí thuê dịch vụ phóng vệ tinh chắc chắn sẽ rẻ đi rất nhiều, khi chi phí đầu tư giảm xuống, sự cạnh tranh tăng lên thì chắc chắn giá các sứ mệnh không gian sẽ giảm và kéo theo nhu cầu tăng vọt. Dự kiến trong vài năm tới thị trường dịch vụ bay không gian sẽ ngày càng có nhiều gương mặt hơn và cạnh tranh cũng sẽ khốc liệt hơn nhiều so với thời điểm trước đó.

Theo tỉ lệ, sẽ không là gì khi so sánh số lượng các phi vụ thất bại với số lượng các phi vụ thành công của Soyuz nhưng nếu xét riêng trên tương quan về số lượng thì 3 vụ trong 2 năm với thiệt hại mỗi vụ không dưới 50 triệu USD thì nó sẽ ám ảnh người Nga một thời gian dài. Đánh giá sự kiện lần này, nhiều chuyên gia cho rằng nếu không bắt nhịp đủ nhanh Nga rất có thể sẽ mãi phải ngậm ngùi đứng ở vị trí thứ 2 sau NASA trong bảng xếp hạng các cường quốc vũ trụ.

Phùng Nguyễn (tổng hợp)
.
.