Tạm biệt Yahoo - “người khổng lồ Internet... chân đất sét”

Thứ Ba, 20/06/2017, 16:51
Thế giới World Wide Web (WWW) trong tương lai gần sẽ vắng Yahoo - một trong những “người khổng lồ Internet” quen thuộc với cả tỷ người dùng trên toàn cầu. Được nhà mạng viễn thông Verizon mua lại với giá 4,48 tỷ USD, “người khổng lồ” sẽ thu mình lại dưới tên gọi Altaba, để chỉ có thể ngồi ôn lại một thời huy hoàng trong tiếc nuối và chiêm nghiệm những những bước đi sai lầm trên con đường giăng mắc quá nhiều những nỗ lực nửa vời.

Những cơ hội vuột mất

“Đứa con chung mang trí tuệ thời đại” của 2 chàng sinh viên Đại học Stanford là Jerry Yang và David Filo “ra đời” vào năm 1994 lớn nhanh như thổi trong những năm đầu đời,  là tiêu điểm lựa chọn của nhiều người khi lần đầu bước vào thế giới World Wide Web.

Yahoo từng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phổ cập Internet tới người dùng bình dân, hướng dẫn họ cách lướt net để đọc những tin tức mới nhất xảy ra ở hầu như mọi ngóc ngách trên thế giới, theo dõi những trận thi đấu thể thao và nhiều loại hình giải trí khác. Nhưng chàng khổng lồ Yahoo dường như quá tự phụ hay vì không chịu ngoái lại nhìn những “kẻ sinh sau” như Google và Facebook kiên trì bám đuổi theo từng bước chân của mình mà nhanh chóng suy yếu và tụt hậu để rồi mất danh hiệu là “website được truy cập nhiều nhất” vào tay Google vào năm 2011. Từng là công cụ quảng cáo trực tuyến lớn nhất thế giới, Yahoo hiện hoàn toàn bị Google và Facebook lấn lướt.

Thật ra, quá trình “tự đeo đá” vào chân mình trên con đường vô tận của thế giới phẳng của Yahoo với đỉnh điểm là thương vụ “bán mình” cho nhà mạng Verizon với giá trị chỉ 4,48 tỷ USD vào tuần qua đã kéo dài trong vòng hơn 1 thập kỷ. Phần lớn các nhà quản lý cũ của Yahoo, những người hiện đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại các công ty đặt tại Thung lũng công nghệ Silicon, khi được hãng Reuters phỏng vấn đều có chung một nhận định rằng, sự lụi tàn của Yahoo đã khởi sự từ những lựa chọn sai lầm của các lãnh đạo cao cấp được đưa ra khi chàng khổng lồ này vẫn còn đang trong thời kỳ phong độ nhất từ giữa thập niên 2000.

Jerry Yang và David Filo sáng lập Yahoo năm 1994. Ảnh AP.

Năm 2002, Yahoo đã từ chối mua Google với giá “chỉ” 3 tỷ USD. Năm 2006, Yahoo tiếp tục bỏ lỡ cơ hội mua Facebook với giá cũng chỉ 1 tỷ USD. Những cơ hội thâu tóm YouTube và Skype lần lượt bị bỏ lỡ. Tờ Telegragh của Anh từng liệt kê những quyết định sai lầm của hàng lãnh đạo Yahoo, từ đó, người khổng lồ Internet đã tự lắp cho mình đôi chân bằng... đất sét:

Năm 2002, Yahoo đã từng có cơ hội thâu tóm Google khi 2 nhà đồng sáng lập của cỗ máy tìm kiếm lớn nhất thế giới ngày nay là Sergey Brin và Larry Page nói họ sẽ bán Google với giá 1 tỷ USD. Nhưng khi Giám đốc Điều hành Yahoo lúc đó là Terry Semel còn do dự, Google đã nâng giá bán lên 3 tỷ USD. Cú nâng giá này khiến Terry Semel... lắc đầu vì Yahoo khi đó không coi chức năng “tìm kiếm” là một phần quan trọng trong việc kinh doanh của mình.

Flickr là một trang chia sẻ hình ảnh được Yahoo mua lại năm 2005, trước khi xuất hiện Facebook, Instagram và Google Photo. Thời điểm đó, nhóm làm Flickr có kế hoạch biến trang này thành một trang mạng xã hội, nhưng Yahoo đã bỏ lỡ cơ hội này và sự sai lầm trong điều hành khiến Flickr hoạt động kém hiệu quả. Sai lầm còn lặp lại khi Yahoo hành xử tương tự với các trang GeoCities, Delicious và Tumblr sau này.

Năm 2006, Yahoo đề nghị mua lại Facebook với giá 1 tỷ USD. Người sáng lập Mark Zukerberg khi đó đã từ chối lời đề nghị, nhưng giới báo chí cho biết ban lãnh đạo Facebook sẽ ép Mark phải bán nếu Yahoo nâng mức đề nghị lên 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, CEO của Yahoo lúc đó là Semel cũng lại... keo kiệt không chịu nhả thêm 100 triệu USD.

Năm 2008, Yahoo đã bác bỏ lời đề nghị mua lại của hãng Microsoft với giá 44,6 tỷ USD. Giám đốc Điều hành Microsoft khi đó là Steve Ballmer đã thuyết phục Yahoo bán lại, nhưng ban lãnh đạo Yahoo cho rằng, thương hiệu của mình có giá hơn nhiều! Năm sau, Yahoo từ bỏ nỗ lực xây dựng một cỗ máy tìm kiếm của riêng mình và ký thỏa thuận sử dụng công cụ Bing của Microsoft.

Năm 2001, khi vừa kết thúc nhiệm kỳ đầy thành công tại studio phim Warner Bros, Terry Semel chính thức trở thành CEO của Yahoo. Trong nhiều năm, định hướng tập trung vào mảng truyền thông đã tỏ ra đúng đắn khi các công ty quảng cáo truyền thống, vốn đang thèm muốn được tham gia lĩnh vực Internet mới mẻ, đổ xô tới mảnh đất Yahoo đầy màu mỡ. Doanh thu của Yahoo năm 2001 chỉ đạt mức 717 triệu USD. 6 năm sau, con số này tăng lên thành 7 tỷ USD.

Được Verizon mua lại, “người khổng lồ internet một thời” sẽ thu mình dưới tên gọi Altaba.

Nhưng sự kiêu ngạo và những khoản doanh thu khổng lồ từ những bản hợp đồng quảng cáo màu mỡ đã trở thành cái bẫy khiến Yahoo vấp ngã. Yahoo đã không thể thoát ra khỏi tư tưởng “quảng cáo truyền thông” trong khi đó rõ ràng không phải là chìa khóa nắm giữ tương lai.

Theo Paul Graham, nhà đồng sáng lập của công ty đầu tư công nghệ Y-Combinator: “Hậu quả lớn nhất của định hướng truyền thông là ở chỗ họ không coi trọng vấn đề lập trình. Microsoft, Google và Facebook đều xây dựng văn hóa tập đoàn theo kiểu hacker. Nhưng Yahoo chỉ coi lập trình là một thứ tầm thường”. Từ đó, Terry Semel cứ trượt dài đến khi phải chia tay Yahoo.

Tiếp theo là bà Carol Bartz tai tiếng với những cơn giận khó kiểm soát, còn ông Scott Thompson phải từ chức do cáo buộc gian dối trong bản khai về lý lịch. Marissa Mayer - một “siêu nhân” cũ của Google - cũng không tài nào xoay chuyển được tình thế để đưa Yahoo tới một tương lai tươi sáng hơn sau khi bà được bổ nhiệm làm CEO từ năm 2012.

Dù đã thâu tóm trang blog xã hội Tumblr, tuyển dụng một loạt phóng viên đẳng cấp và thay đổi văn hóa làm việc, lợi nhuận của Yahoo vẫn tiếp tục... giảm dần đều.

Một trong những quyết định lớn của bà Mayer khi làm CEO của Yahoo là thâu tóm Tumblr với giá 1,1 tỷ bảng Anh vào năm 2013. Lúc đó Tumblr vẫn chưa có lợi nhuận và bà Mayer có kế hoạch biến trang mạng xã hội này thành cỗ máy in tiền dựa vào quảng cáo.

Có vẻ Yahoo đã đánh giá quá cao Tumblr khi cho rằng nó có thể kéo về nguồn thu hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên số người người dùng và doanh thu tăng trưởng chậm hơn dự kiến cùng với việc thiết kế lại của Tumblr đã gây ra nghi ngại về tương lai của trang mạng này.

Giậm chân tại chỗ mà cứ nghĩ mình đang tiến!

Một trong những điểm yếu nhất của Yahoo trong hơn 2 thập kỷ qua chính là không định hình được rõ ràng sứ mệnh của mình. Trong 24 năm qua, Yahoo có tới 24 bảng mô tả sứ mệnh hoạt động khác nhau, chủ yếu lẫn lộn giữa việc xác định là một tập đoàn công nghệ hay là một tập đoàn truyền thông lớn.

Ngoài các thương vụ bị bỏ lỡ, văn hóa công ty quá quan liêu và tập trung vào hình thức quảng cáo truyền thống, trong bối cảnh công nghệ biến đổi nhanh chóng, cũng là một nguyên nhân. Tệ nhất là, khi Google bắt đầu định hướng chiến lược để trở thành công cụ tìm kiếm số một trên Internet, Yahoo vẫn không thể quyết định được mình sẽ phải xây dựng chính sách phát triển theo hướng nào. Nhân viên cũ của Yahoo khẳng định họ phải ngập chìm trong vô số những buổi họp nội bộ vô nghĩa. Mục tiêu của Yahoo liên tục thay đổi.

Theo lời kể của cựu giám đốc sản phẩm cao cấp Greg Cohn, nỗ lực biến Yahoo thành một nền tảng mở cho các ứng dụng của bên thứ ba - tập trung vào các lĩnh vực chuyên biệt, ví dụ như dung lượng - đã bị các nhà quản lý phụ trách sản phẩm nội bộ của Yahoo dập tắt. Cuối cùng, tiền vốn của Yahoo bị tiêu tốn cho quá nhiều các nỗ lực nửa vời mà không mang lại kết quả tích cực nào cả.

Nhiều ý kiến cho rằng, Yahoo đã gặp xui rủi khi bị hacker nhắm vào, nhưng đó chỉ là một phần. Một giả thiết được đặt ra là nếu hãng từ bỏ công nghệ mã hóa dữ liệu MD5 sớm hơn, đội ngũ hacker đã khó mà tấn công được người khổng lồ này trên nhiều phương diện. Yahoo đã tỏ ra lạc hậu khi giới hacker và các chuyên gia bảo mật đã nắm rõ những điểm yếu của MD5 rất lâu trước đó.

Năm 2008, tức 5 năm trước khi dự án tăng cường bảo mật của Yahoo ra mắt, Viện Kỹ sư phần mềm của Trường Carnegie Mellon đã cho phát đi một khuyến cáo rằng “MD5 nên được xem là công nghệ mã hóa đã hết thời và không còn phù hợp để sử dụng”.

“Trước thời điểm năm 2013 một thời gian dài, MD5 đã bị giới chuyên gia bảo mật khai tử. Hầu hết các doanh nghiệp trước đó đã chuyển qua dùng các thuật toán an toàn hơn” - David Kennedy, CEO của hãng bảo mật TrustedSec LLC cho biết.

Yahoo không còn, CEO Marissa Mayer cũng phải ra đi.

Đầu mùa hè năm 2013, Yahoo mới giới thiệu một dự án nhằm giúp đảm bảo an toàn hơn cho mật khẩu người dùng bằng việc loại bỏ công nghệ mã hóa dữ liệu MD5. Thế nhưng, mọi chuyện đã là quá trễ với Yahoo. Vào tháng 8 cùng năm, hacker đã nắm được hơn 1 tỷ tài khoản người dùng của công ty, đánh cắp mật khẩu và các thông tin khác. Đây được đánh giá là vụ hack lớn nhất trong lịch sử.

Phải tới gần đây, Yahoo mới phát hiện ra sự việc và cho công bố. Sự chậm chạp của Yahoo trong việc loại bỏ MD5 là một ví dụ cho thấy Yahoo gặp phải nhiều vấn đề về hoạt động bảo mật vào thời điểm hãng đang phải vật lộn với hàng loạt khó khăn trong kinh doanh.

Mặc dù thừa nhận vẫn đang dùng MD5 ở thời điểm bị tấn công, nhưng lãnh đạo Yahoo vẫn chống chế trước các luồng quan điểm đổ lỗi và chỉ trích rằng hãng lơ là chuyện bảo mật: “Trong hơn 20 năm lịch sử, Yahoo đều tập trung và đầu tư vào các chương trình bảo mật để bảo vệ người dùng của mình. Chúng tôi đã đầu tư hơn 250 triệu USD cho các dự án bảo mật từ năm 2012”.

Tuy nhiên, một cựu nhân viên làm ở mảng bảo mật của Yahoo tiết lộ rằng, đội bảo mật của công ty nhiều lần bị từ chối khi yêu cầu công ty đầu tư các công cụ và tính năng mới phục vụ công việc - như bảo vệ mật mã tăng cường. Lý do được Yahoo đưa ra để trả lời cho các từ chối này là “chúng tốn quá nhiều tiền, quá phức tạp” hay đơn giản là chẳng ai trong hàng “ăn trên ngồi trước” nhận ra tầm quan trọng của vấn đề.

Theo một cựu nhân viên bảo mật khác của Yahoo, ngay cả khi công ty đang trong giai đoạn phát triển, bảo mật đôi khi vẫn không được coi trọng bởi công ty tập trung vào các mảng giúp giữ đà tăng trưởng. Thời điểm kinh doanh bị đình trệ, các nhân viên bảo mật cấp cao rời Yahoo để chuyển qua nơi khác làm việc, các yêu cầu về chi phí cho nâng cấp bảo mật lại ngày càng bị xao lãng.

Các cựu nhân viên Yahoo nói rằng, các vấn đề về bảo mật của công ty đã xuất hiện ngay cả ở thời điểm trước khi Marissa Mayer về làm CEO công ty năm 2012 rồi tiếp diễn cả về sau. 2 cựu nhân viên công ty tiết lộ: Yahoo đã phải chịu các cuộc tấn công từ hacker Nga trong nhiều năm.

Vào tháng 9-2015, Yahoo tiết lộ một vụ tấn công xảy ra năm 2014 làm ảnh hưởng ít nhất 500 triệu người dùng. Cùng với việc công bố 1 tỷ tài khoản bị ảnh hưởng trong đợt tấn công xảy ra năm 2013, các cơ quan quản lý điều tra phải vào cuộc tổng rà soát lại hoạt động của Yahoo và đây là “gót chân” của người khổng lồ bị nhà mạng Verizon tận dụng để đàm phán lại việc mua Yahoo với số tiền từng công bố hồi tháng 7-2016 là 4,8 tỷ USD. Và thế là toàn bộ các mảng chính của Yahoo bao gồm tìm kiếm, email và công cụ nhắn tin Yahoo Messenger được định giá thấp hơn - 4,48 tỷ USD.

Sau khi thỏa thuận với Verizon hoàn tất, Yahoo sẽ đổi tên thành Altaba, tài sản chủ yếu là cổ phần tại Tập đoàn Alibaba Group và 35,5% cổ phần tại Yahoo Nhật Bản. Yahoo cũng sẽ được kết hợp với AOL, thuộc sở hữu của Verizon, để tạo thành liên doanh mới mang tên Oath.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.