Thảm họa môi trường từ rác thải điện tử

Thứ Sáu, 08/09/2017, 17:23
Mỗi năm, hàng triệu tấn hàng điện tử đã qua sử dụng vẫn thường xuyên được xuất khẩu sang các nước đang phát triển. Step Initiative, một tổ chức của Liên Hiệp Quốc được thành lập nhằm khắc phục cơn khủng hoảng rác thải điện tử trên toàn thế giới. Step Initiative cảnh báo lượng chất thải điện tử trên toàn cầu được dự đoán sẽ tăng thêm đến 33% trong vài năm tới.


Xuất khẩu rác điện tử sang các nước nghèo

Tổng Thư ký của Step Initiative, Ruediger Kuehr, cho biết: "Giáng sinh là mùa mua sắm trên toàn thế giới và kèm theo đó sẽ là… rác. Sự bùng nổ này xảy ra là do sự phát triển quá nhanh chóng của công nghệ. Tivi, điện thoại di động và máy vi tính đang được mọi người thay mới thường xuyên. Tuổi thọ của các thiết bị này từ đó cũng ngày càng giảm đi”.

Theo báo cáo của Step Initiative, rác thải điện tử của hàng loạt sản phẩm từ tủ lạnh cũ cho đến đồ chơi và thậm chí cả bàn chải đánh răng tự động, chính là loại rác có tốc độ gia tăng nhanh nhất hiện nay trên toàn thế giới. Năm 2012, Trung Quốc  đứng đầu thế giới với 11,1 triệu tấn rác điện tử, theo sau đó là Mỹ với 10 triệu tấn. Tuy nhiên, sẽ có sự chênh lệch rất đáng kể khi tính khối lượng rác bình quân theo đầu người, cụ thể là, trung bình mỗi người dân Mỹ thải ra 29,5kg rác điện tử trong năm 2012 và con số này ở Trung Quốc lên đến gần 50kg.

Theo Ruediger Kuehr, lượng thiết bị điện tử đã hết giá trị sử dụng trong năm 2017 có thể lấp đầy các xe container loại 40 tấn và xếp thành một hàng dài khoảng 24.140km. 

Một dòng sông bị ô nhiễm nặng nề ở vùng ngoại ô Agbogbloshie.

Tính riêng ở châu Âu, Đức là quốc gia có lượng rác thải điện tử cao nhất, trong khi đó Na Uy và Liechtenstein (một quốc gia ở miền trung châu Âu, nằm giữa Thụy Sĩ và Áo) lại có lượng rác bình quân trên đầu người cao hơn. Nước Anh đang đứng thứ 7 trên thế giới với tổng cộng 1,37 triệu tấn rác, trung bình mỗi người thải ra 21kg rác. Tuy nhiên, chính phủ hay các ngành vẫn không có bất kỳ số liệu cụ thể nào về số lượng rác thải điện tử được vận chuyển sang nước ngoài.

Việc xuất khẩu hàng hóa cũ sang các nước nghèo là hợp pháp nếu như những sản phẩm này vẫn còn giá trị sử dụng. Tuy nhiên, đa số hàng hóa được đưa sang châu Phi hay châu Á dưới dạng hàng cũ thật ra đều không thể tiếp tục sử dụng. Việc ngụy tạo này giúp những đơn vị xuất khẩu có thể tránh được một khoản phí tái chế theo luật định. Một lượng rác điện tử đáng kể đã được xuất khẩu sang các nước bên ngoài châu Âu, trong đó có các nước ở Tây Phi.

Quy trình xử lý rác thải thô sơ, lạc hậu ở những quốc gia này đã gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe của cư dân trong vùng. Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) ước tính mỗi năm có khoảng từ 250.000 đến 1,3 triệu tấn rác điện tử được vận chuyển từ khu vực này sang các nước ở Tây Phi và châu Á, song, hầu như các quốc gia trong khu vực này chưa thực sự nhận ra tầm nguy hiểm của vấn đề.

Những mẫu điện thoại mới không ngừng tung ra thị trường đã khai tử cho những mẫu điện thoại lỗi thời. Bên cạnh đó, hầu như bên trong tất cả các máy điện thoại đều có kim loại quý, bảng mạch in có chứa đồng, vàng, kẽm, bari và tantali. Lớp vỏ điện thoại thường làm bằng chì và các nhà sản xuất đang ngày càng ưu chuộng loại pin lithium. Nhưng có chưa đến 10% tổng số điện thoại di động được tháo rời và tái sử dụng. Một phần nguyên nhân của tình trạng này chính là do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ.

Mọi người vẫn thản nhiên làm việc trong làn khói cực độc.

Ngày nay, các linh kiện của máy tính, điện thoại hay các thiết bị công nghệ khác ngày càng phức tạp hơn và được thu nhỏ hết mức có thể. Sự thất bại trong việc tái chế các sản phẩm này cũng dẫn đến sự thiếu hụt các loại khoáng sản quý cần thiết cho quá trình sản xuất các thiết bị điện tử trong tương lai.

Bãi rác thải điện tử khổng lồ ở Ghana

Tại vùng ngoại ô Agbogbloshie của thủ đô Accra (Ghana), những người trẻ tuổi phải lục lọi trong bãi rác giữa làn khói mịt mù từ những đám nhựa cháy chỉ để thu nhặt những mảnh vụn kim loại. Mặc cho những nguy hại cho sức khỏe, số tiền kiếm được khiến họ khó lòng cưỡng lại. 

Các linh kiện điện tử được thu gom tại E-Parisara, một nhà máy tái chế rác thải điện tử tại Dobbspet, cách Bangalore 45km.

Karim, 29 tuổi, đến từ miền bắc Ghana, đã thu gom và buôn bán phế liệu từ 10 năm qua, cho biết: "Rác thải điện tử được đưa đến đây từ khắp nơi trên thế giới, nhưng chủ yếu là từ châu Âu. Chúng tôi mang đủ thứ bệnh tật trong người nhưng vẫn phải chịu đựng để mưu sinh. Đây không phải là nơi tốt đẹp gì để sống nhưng tôi vẫn không muốn châu Âu và các nơi khác ngừng đưa rác về đây. Vì nơi đây chính là nồi cơm của chúng tôi và chúng tôi nuôi sống gia đình nhờ vào nó”. Agbogbloshie trông hỗn độn với những bãi rác rộng lớn, hoang tàn là thế, nhưng bên cạnh đó, còn có những nhóm các cậu bé và thanh niên len lỏi giữa hàng đống rác thải điện tử để thu gom các ổ cứng máy tính, dây điện, máy lạnh và cả bàn ủi. 

Abdoullaye, 19 tuổi , với chiếc quần jean đã sờn và áo thun lấm lem bụi bẩn đang cùng các bạn tháo dỡ các thiết bị điện tử chỉ với những chiếc đục, kìm và bằng tay trần rồi bỏ đồng và nhôm vào bên trong những tủ đông lạnh đã hoen gỉ, chờ những người thu mua phế liệu đến mua.

Abdoullaye chia sẻ: "Tôi đến đây từ Tamale 5 năm trước. Một ngày tôi kiếm được từ 2 đến 5 cedis (khoảng từ 0,5 đến 1,3 euro) và cứ mỗi tháng lại gửi về cho gia đình 50 cedis (khoảng 13 euro). Tôi muốn trở về nhà, nhưng gia đình thì lại rất cần tiền nên tôi đành phải ở lại. Những người có công việc như tôi gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe, đôi lúc tôi cũng phải đến bệnh viện. Công việc này không an toàn cho chúng tôi”.

Nhìn vào trung tâm của bãi rác, những đám khói lớn bốc lên - do việc đốt các thiết bị để loại trừ nhựa để thu kim loại - mang đủ mùi hôi thối nhưng dường như họ không hề quan tâm, tất cả phụ nữ, đàn ông và thậm chí những đứa trẻ vẫn hối hả, tấp nập ra vào trong làn khói cực kỳ độc hại. Vai trò của mỗi người được phân chia rõ ràng. Phụ nữ thì làm những công việc nhẹ nhàng như đi vòng quanh các bãi rác để tìm kiếm thức ăn thừa, vỏ chai nước và nấu ăn. Một số còn quấn vải địu con nhỏ trên lưng, để mặc cho chúng hít phải khói độc. Trẻ em cũng được phân công thu gom những mảnh kim loại nhỏ còn sót lại bằng những chiếc nam châm được buộc vào cuối sợi dây.

Bên cạnh những người đang làm việc, còn có một nhóm đang đá bóng để giải trí. Có thể nói, Agbogbloshie không chỉ đơn thuần là một bãi rác tấp nập những người thu gom và buôn bán phế liệu mà đây còn là nhà của hàng nghìn người, những con người khắc khổ phải mưu sinh và nuôi sống con cái giữa những bãi thức ăn thừa và khói bụi.

Hệ lụy từ “Thung lũng Silicon” của Ấn Độ

Với dân số lên đến 8 triệu người, thành phố Bangalore ở miền Nam Ấn Độ nổi tiếng là trung tâm viễn thông và công nghệ toàn cầu, gánh vác 40% nền công nghiệp công nghệ thông tin của Ấn Độ.

Là kết quả của quá trình mở rộng tự do nền kinh tế của Ấn Độ vào thập niên 1990, nhiều công ty lớn như Infosys, Intel và Microsoft đã tìm đến kèm theo gần 3.000 công ty phần mềm, 35 nhà máy sản xuất phần cứng và hàng trăm công ty nhỏ khác, biến nơi từng là đất nông nghiệp màu mỡ này thành Thung lũng Silicon của Ấn Độ. Kéo theo từ sự phát triển này, Liên đoàn các phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (Assocham) thống kê: hàng năm Bangalore thải ra 20.000 tấn rác điện tử và con số này đang trong đà tăng lên 20% mỗi năm. Dự đoán đến năm 2020 lượng rác thải điện tử tại đây có thể tăng đến 500%.

Công nhân tháo dỡ các thiết bị điện tử tại nhà máy E-Parisara.

Ủy ban Kiểm soát tình trạng ô nhiễm Karnataka (KSPCB) đã thiết lập một hệ thống chuyên tái chế rác thải điện tử nhằm giải quyết lượng rác thải công nghệ tăng cao ở Bangalore. Tuy nhiên, quy trình quản lý và quy tắc xử lý loại rác đặc biệt này vẫn còn rất kém. Có đến 90% rác điện tử vẫn được xử lý tại những khu vưc không chuyên biệt - chủ yếu được thực hiện bởi những công ty thuê công nhân với giá rẻ và yêu cầu họ thực hiện tất cả các bước xử lý.

Những người làm công việc này lại không hề nhận thức được những biện pháp an toàn cần thiết mà họ phải có. Những quy trình thủ công thiếu chuyên nghiệp này đã làm chì, thủy ngân và nhiều chất độc phát tán vào không khí và thậm chí những độc tố này sẽ ngấm dần vào mạch nước ngầm trong lòng đất. Bên cạnh đó, chuỗi các trung tâm tái chế rác thải điện tử Karma Recycling đang được mở rộng ra toàn Ấn Độ và dự kiến sẽ đặt một trung tâm tại Bangalore. Mục tiêu mà Karma nhắm đến là người dùng cuối cùng và người mua.

Đa số người dân Ấn Độ đã được tiếp cận những thiết bị công nghệ cơ bản như điện thoại di động, tivi và radio. Trong một thời gian ngắn, những người dân thuộc tầng lớp trung lưu cũng có thể sở hữu máy tính và các thiết bị khác. Nay, nếu bạn muốn bán thiết bị điện tử của mình, bạn có thể giao dịch trực tuyến thông qua Karma. Karma sẽ mua lại đồ dùng điện tử, tân trang hoặc rã máy ra để bán từng bộ phận.

Akshat Ghiya, đồng sáng lập của Karma Recycling.

Akshat Ghiya, đồng sáng lập của Karma Recycling cho biết: "Rác thải điện tử là một trong những loại rác được thải loại nhanh nhất trên thế giới. Nếu chúng không được tái chế một cách khoa học sẽ là sự lãng phí tài nguyên thiên nhiên, gây ra những tổn hại không thể sửa chữa cho môi trường cũng như sức khỏe của những người làm công việc này”.

Đã có luật quy định rác thải điện tử phải được thu gom, vận chuyển và xử lý một cách an toàn. Mọi hành vi mua bán rác điện tử với các thương nhân không có giấy phép, dù với quy mô lớn hay nhỏ, đều bị coi là phạm pháp.

Tuy nhiên, dường như những quy định này cũng không ảnh hưởng mấy đến hoạt động mua bán này. Thậm chí, những nơi tái chế không chuyên còn thường xuyên thuê trẻ em tháo dỡ các thiết bị điện tử. Chính vì thế, báo cáo của Assocham mạnh mẽ chủ trương xây dựng luật ngăn cấm trẻ em tham gia vào thị trường lao động này. Báo cáo này cũng đồng thời chỉ ra rằng không đến 5% rác thải điện tử của Ấn Độ được tái chế.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.