Thêm bí ẩn về xác ướp cổ Ai Cập

Thứ Bảy, 10/10/2020, 10:09
Việc phát hiện ra các xác ướp Ai Cập cổ đại - những người mà lúc sinh thời được cho là hút thuốc rất nhiều - đang dấy lên câu hỏi. Câu chuyện bên dưới đây được bắt đầu từ năm 1976 khi Tiến sĩ Michelle Lescott (Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở Paris, Pháp) đang tìm kiếm các mẫu vật được các đơn vị gửi cho bà, và kỳ thực chúng là những phần hài cốt của Hoàng đế Ai Cập cổ đại Ramses II (hoặc danh xưng khác là Ramses Đại đế).


Bí ẩn những sợi thuốc lá trên vải liệm

Một phân tích toàn diện đã được thực hiện xong trên các mẫu, tuy nhiên có thứ gì đó mà bà Lescott không nghĩ là có thể nhìn thấy nó. Số là trong lúc đang quan sát dưới kính hiển vi điện tử về một số mẫu vải lấy từ vải liệm thì bà Lescott bất giác thấy có một số hạt lá thuốc lá bám trên các sợi vải. 

Chuyện gì ở đây, lẽ nào các Pharaoh cũng hút thuốc lá? Nhưng lạ chưa, thời đại của các vua Ai Cập cổ đại, người Ai Cập khi đó làm gì đã biết về sự tồn tại của nó, và cũng không ai hay biết về nó cho đến khi người Châu Âu đến Châu Mỹ vào năm 1492 và khám phá ra loài thực vật này. 

Tiến sĩ Svetla Balabanova của Viện y học pháp y, Đại học bệnh viện Ulm, Đức bên một xác ướp.

Vậy tại sao thuốc lá lại "đậu" trên mình các xác ướp Ai Cập? Tại thời điểm phát hiện này đã gây sự tò mò mà một phần cũng do các học giả khác lên tiếng chế giễu. Họ đổ lỗi cho sự hiện diện của thuốc lá là do hành động bất cẩn của người phụ trách bảo tàng hay một nhà khảo cổ học nào đó. Mãi một thập niên sau đó "hiện tượng độc, lạ" mới được đưa ra ánh đèn sân khấu.

Khoảng năm 1992, một nhà Độc chất học người Đức là Tiến sĩ Svetla Balabanova (công tác tại Viện y học pháp y tại Đại học Bệnh viện Ulm, Đức) đã có một cách nhìn khác về xác ướp của Ramses II. Bà bị thu hút bởi phát hiện gần như bị lãng quên của Tiến sĩ Michelle Lescott và hết sức tò mò vì những khả năng đứng đằng sau nó, lần này bà Balabanova đã loại bỏ các mối hoài nghi "bất cẩn" của những người khác bằng cách lấy thêm các mẫu nằm sâu hơn bên trong mô. 

Cuối cùng, bà Balabanova đã trích xuất một số mẫu từ chính đường ruột của xác ướp, qua phân tích kỹ càng, nữ khoa học gia đã bất ngờ trước các phát hiện mới mẻ trong đó bản thân các tế bào cũng chứa một lượng kha khá tinh chất cần sa, ca cao và thuốc lá (loại cây bản địa của Tân Thế Giới và người Ai Cập được biết tới vốn chưa từng buôn bán gì về loài cây này). 

Nhằm loại trừ các yếu tố có thể bị xem là giả mạo hoặc "bất cẩn", Tiến sĩ Balabanova đã tiến hành một số xét nghiệm lại và cùng cho ra những kết quả tương tự, trước khi bà quan tâm tới những xác ướp khác thuộc giai tầng cai trị.

Nếu đây chỉ là một sự giả tạo hay "sự ô nhiễm bên ngoài" thì phải chăng những vết tích tương tự sẽ không thể nhìn thấy ở các xác ướp khác, đúng không? Những bất ngờ cứ liên tiếp. TS Balabanova đã mang 9 xác ướp đem đi phân tích bằng xét nghiệm miễn dịch phóng xạ và hệ thống sắc ký khí ghép khối phổ, tất cả 9 xác ướp đều có niên đại từ năm 1000 trước Công nguyên, lúc sinh thời họ là các nhà tu tế và ca kỹ làm việc tại đền Henut Taui (thờ thần Amun ở Thebes). 

Trong tất cả các trường hợp, TS Balabanova đều tìm thấy vết tích của cocaine, nhựa cần sa và nicotine trong các mẫu tóc, mô mềm và xương cũng như dấu vết của quá trình trao đổi chất cocaine và nicotine mà chỉ có thể đi vào cơ thể thông qua sử dụng chúng, và tại thời điểm đó nữ khoa học quả quyết rằng các phát hiện rõ ràng là vượt xa sự trùng hợp.

Tranh luận về hấp thụ nicotin, cocaine

Nảy ra một hàm ý là người Ai Cập cổ đại từng du hành đến Tân Thế Giới từ 3000 năm trước, một thời gian rất dài trước khi nhà thám hiểm Christopher Columbus thực sự nhìn thấy bờ biển lục địa Châu Mỹ, và bà Balabanova đã viết công trình nghiên cứu về các phát hiện của mình mang tên là "Nhận dạng đầu tiên về thuốc gây nghiện trên các xác ướp Ai Cập". 

Công trình khoa học của bà Balabanova tiếp tục nhận không ít "gạch đá" của những học giả khác, họ cho rằng bà làm quá vấn đề, nhưng cũng có một nhóm nghiên cứu khác khẳng định rằng các chất gây nghiện có thể được hít vào (nicotin) và thông qua uống/ ăn (cocaine). TS Balabanova tiếp tục nghiên cứu trên một số xác ướp và khám phá ra 78% dấu vết cocaine trong các xác, và cũng nhận thấy rằng các nạn nhân chết trẻ do cơ thể bị đầu độc nặng bởi ma túy.

Một số học giả tranh luận rằng các xét nghiệm của TS Balabanova đã cho thấy dấu vết của những chất khác nhau mà bị nhầm lẫn cho rằng chúng là dương tính giả đối với cocaine và nicotine. Lấy ví dụ như có một chất kiềm có trong các loài cây thuộc họ Cà (Solanaceae) và một loài cây khác là cà độc dược (Belladonna) có thể sản sinh ra cùng hoạt động trao đổi chất gọi là Metabolite; cũng như loài cây ca cao; cả hai loài thực vật này được dùng phổ biến đối với người Ai Cập cổ đại. 

Ngoài ra cũng có những loài cây cùng chi với loài cây ca cao ở Phi Châu mà khi tiêu thụ vào cơ thể cũng gây tạo ra dương tính giả. Đối với nicotine, loài cây thuốc lá không phải là cây thảo mộc duy nhất có chứa nicotine, mà chất này còn có thể tìm thấy một lượng nhỏ ở cà chua và cà tím cũng như những loài cây khác.

Trong trường hợp của xác ướp Ai Cập, chất nicotine có thể đến từ một loài cây gọi là Nicotiana africa vốn chỉ mọc ở Phi Châu và chiếm trung bình 2% nicotine (một lượng mà có nếu dùng nhiều thì sẽ cho ra xét nghiệm kiểu dương tính). Cũng có khả năng là nicotine được đặt trên xác ướp theo một số cách, hoặc ai đó hút thuốc nhiều và phả khói lên xác, hoặc một cách dùng nicotine có trên thứ thuốc trừ sâu xịt trên và xung quanh xác ướp. 

Có những giả thuyết tranh luận rằng người Ai Cập vào thời xa xưa đó không thể có đủ trình độ công nghệ để đóng tàu đi tới tận Tân Thế Giới, cũng như không tìm thấy bằng chứng nào về một con tàu hiện đại như thế. Một chuyến hải hành xuyên đại dương nghe có vẻ không tưởng!

Văn Chương (Tổng hợp)
.
.