Tiết lộ chương trình huấn luyện cá voi trắng làm gián điệp của Nga

Thứ Ba, 07/05/2019, 11:52
Một con cá voi trắng được phát hiện ở ngoài khơi biển Na Uy, nó được gắn nhãn có nội dung: “Thiết bị của St. Petersburg”. Về phần mình, Nga phủ nhận mọi cáo buộc họ có liên quan và mặc dù loài động vật có vú này có thể được huấn luyện dùng cho các sứ mạng gián điệp. Thực hư của chuyện này là như thế nào?


Căn cứ luyện cá voi trắng ở Crimea

Không thể phủ nhận một sự thật rằng, cá voi trắng là loài thú hết sức đáng yêu, nhưng không ai tưởng tượng được rằng loài động vật này lại có thể mang thiết bị quân sự của Nga. Ngư dân ở thành phố Inga (miền Bắc Na Uy) đã phát hiện một chú cá voi thân thiện, đã được thuần hóa, lưng có đeo “thiết bị của St. Petersburg” với giá đỡ máy quay phim GoPro. 

Có chuyên gia hàng hải Na Uy quả quyết rằng họ có lý do xác đáng để tin rằng cá voi trắng do Hải quân Nga đào tạo. Đây hoàn toàn không phải chuyện bông đùa, khi mà động vật dùng trong quân đội không phải là chuyện mới. 

Hải quân Mỹ huấn luyện cá heo dùng trong các hoạt động dò mìn, tìm kiếm thiết bị thất lạc và theo dõi những kẻ xâm nhập thuộc Chương trình thú có vú đại dương (MMP).  Ảnh nguồn: Dvidshub.

Bên cạnh việc dùng lừa và ngựa để thồ các kiện hàng hóa quá khổ, chim bồ câu dùng để đưa thư và thả bom trúng các mục tiêu, chó dùng để đánh hơi mìn và mang vật liệu nổ; thì trong thời kỳ diễn ra Đại chiến tranh thế giới thứ II (ĐCTGII), dơi đã được thử nghiệm để rải bom gây cháy tại các thành phố trên đất Nhật, các thử nghiệm dơi như vậy đã diễn ra tại một phòng thí nghiệm quân sự song đều gặp thất bại khi ứng dụng vào thực tế.

Ít nhất kể từ thập niên 1960, quân đội ở cả 2 phía Nga và Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã dùng cá heo cho các sứ mạng quân sự, bao gồm cả lời đồn đại chưa được kiểm chứng liên quan đến huấn luyện cá heo để giết người. Hay gần đây hơn cả Nga và Mỹ đều chung các chương trình huấn luyện, liên quan đến các đề xuất dùng cá heo cho các trận thủy chiến. 

Hải quân Mỹ phủ nhận những trận thủy chiến có bao gồm cá heo. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ đã huấn luyện hải sư và cá heo tìm kiếm thiết bị thất lạc, dò mìn và theo dõi những kẻ xâm nhập như một phần của Chương trình thú có vú đại dương (MMP) ở San Diego (California). 

Liên Xô được biết đến bởi các chương trình huấn luyện cá heo dùng cho những mục đích quân sự, và theo một nguồn tin rò rỉ thì Bộ Quốc phòng Nga đã mua 5 con cá heo vào năm 2016. 

Trước đó, năm 2014, các lực lượng Nga ở Crimea đã dùng “cá heo chiến đấu” từ thành phố bị vây hãm Sevastopol; phía Ukraine sau đó tuyên bố rằng cá heo đã bị chết khi chúng khước từ thay đổi lòng trung thành với chủ.

Năm 2017, đài truyền hình Nga đã báo cáo về các nỗ lực tại Viện nghiên cứu sinh học biển Murmansk, nơi chuyên huấn luyện cá voi trắng, cá heo và hải cẩu cho các sứ mạng như canh gác các căn cứ hải quân, hỗ trợ thợ lặn bằng cách mang theo dụng cụ, dò mìn và các vật liệu nổ. 

Mặc dù việc dùng các loài động vật có vú trong quân đội là khá phổ biến, nhưng nhu cầu sử dụng cá voi trắng lại rất đáng ngạc nhiên khi các nhà nghiên cứu tại Murmansk gần đây đã báo cáo về việc cá voi trắng “thiếu tính chuyên nghiệp cao” như hải cẩu.

Theo báo cáo, con cá voi trắng có gắn thiết bị quân sự mà phía Na Uy phát hiện được cho là “kẻ đào tẩu” hơn là đang thực hiện nhiệm vụ. 

Ông Danny Groves, phát ngôn viên của Tổ chức Bảo tồn cá voi & cá heo (W&DC), phát biểu: “Mặc dù việc sử dụng cá voi trắng ít phổ biến hơn cá heo, và chúng có lẽ ít chuyên nghiệp hơn hải cẩu, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên khi cá voi trắng được giữ số lượng lớn trên khắp thế giới, và cùng với cá heo, chúng cũng dễ dàng được huấn luyện”.

Ông Danny Groves nói thêm: “Huấn luyện quân sự cũng dùng theo cách như khi cá voi và cá heo làm trò giải trí thì chúng sẽ được cho thức ăn”. 

Nguồn tin nói rằng việc con cá voi trắng được phát hiện gần đây là phía Nga đã gắn thiết bị lên mình chúng nhằm ghi lại các hoạt động quanh nó. 

Đại tá Nga-Viktor Baranets đã lên tiếng phủ nhận những lời cáo buộc trong một cuộc phỏng vấn với phát thanh viên Govorit Moskva, ông Baranets khẳng định: “Nếu chúng tôi dùng loài thú này để gián điệp thì quý vị có nghĩ rằng chúng tôi sẽ gắn một con số điện thoại di động kèm thông điệp đại loại như “Làm ơn gọi tới số này” không?”. 

Đại tá Baranets quả quyết rằng Nga không che đậy nhu cầu dùng cá heo quân sự, ông nhấn mạnh: “Ở Sevastopol (thuộc Crimea) chúng tôi có một trung tâm dùng để huấn luyện cá heo quân sự, đào tạo chúng để xử lý nhiều sứ mạng khác nhau, từ phân tích đáy biển để bảo vệ một dải nước, tiêu diệt các thợ lặn nước ngoài, gắn mìn lên vỏ tàu nước ngoài”. 

Những tranh cãi về phúc lợi động vật

Bên cạnh việc sử dụng các loài kình ngư dùng trong quân sự thì vẫn có nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng chỉ nên dùng chúng ở các công viên giải trí. Ông Danny Groves giải thích: “Cá voi và cá heo quân sự đang bị giam cầm, việc này sẽ làm trầm cảm thể chất và tinh thần của chúng, và khi mà những con cá heo khác được giữ trong các công viên hải dương và các thủy cung cá heo trên khắp thế giới thì tuổi thọ của chúng sẽ ngắn hơn so với người anh em sống trong hoang dã.

Cá voi và cá heo thường bơi xa đến 100 hải lý mỗi ngày, nhưng khi chúng bị giữ trong môi trường nuôi nhốt thì không thể thực hiện được điều này. Cuối cùng, những loài thú thông minh tuyệt đỉnh này sẽ không được tuyển thẳng vào quân đội. Chúng thường bị thương khi vận tải xa hàng ngàn hải lý, và dễ bị chết trong các chiến dịch và thao diễn quân sự”. 

Nghiên cứu cho thấy rằng siêu âm quân sự có thể là một trong những căn nguyên gây ra hiện tượng mắc kẹt hàng loạt, như những sự cố xảy ra gần các cuộc tập trận quân sự, và có thể khiến chúng ngừng kiếm ăn như bình thường.

Trở lại năm 2002, Hải quân Mỹ thừa nhận đã giết 6 con cá voi sau khi cơ chế siêu âm của chúng đã gây nhầm lẫn cho các sinh vật khác, khiến chúng dễ gặp rủi ro với các loài thú ăn thịt và bị mắc kẹt, trong khi những con cá voi khác bị chảy máu tai. 

Còn có những thách thức kỳ lạ khác. Con cá voi trắng bị phát hiện ở ngoài khơi phía Bắc Na Uy là nơi có những tàu đánh cá, và ngư dân thường quẳng thức ăn cho nó, đó có thể giải thích tại sao con vật lại hay tìm kiếm các tàu cá. 

Hãng tin AP dẫn lời ông Audun Rikardsen của Đại học Bắc Cực (Na Uy) cho biết: “Câu hỏi hiện tại là con cá voi trắng có thể sống sót bằng cách tự nó tìm kiếm thức ăn hay không. Chúng tôi đã nhìn thấy những trường hợp cá voi trắng Nga “sổng chuồng” đã hoạt động rất tốt”.

Ông Philip Hoare, một phát thanh viên kiêm nhà văn, trong một bài tiểu luận đăng trên báo The New York Times đã viết rằng: “Đưa động vật vào làm việc không nhất thiết sẽ gây tổn hại cho chúng vì sự khác biệt có thể ở trí tuệ của cá heo và nhận thức tương đồng của con người chúng ta. 

Chúng tôi chấp nhận sự phục vụ ở các loài động vật được thuần hóa, nhưng không nên áp dụng với các loài kình ngư và vượn, vì bộ gene của chúng gần với con người, vì vậy cần phải có sự tôn trọng. Sau tất cả, không cần đụng tới huấn luyện quân sự, loài cá heo cũng gánh chịu bạo lực như thường. Vấn đề sức khỏe các loài kình ngư cũng đang được quan tâm. 

Giới chức Nga ra tuyên bố họ đã thả gần 100 con cá heo và cá voi trắng từng được giữ trong các bể lộ thiên ở khu vực Viễn Đông để bán cho các công viên động vật của Trung Quốc, sau khi vấp phải ý kiến chỉ trích của nhà hàng hải nổi tiếng Jean-Michel Cousteau.

Ông Danny Groves kết luận: “Những cá nhân thú biển đặc biệt thông minh này không nên làm trò mua vui cho con người, hay lạm dụng chúng trong các cuộc chiến tranh”.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.