Tin tặc đánh thuê châm ngòi khủng hoảng Vùng Vịnh

Thứ Năm, 15/06/2017, 21:17
Ngay sau khi cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh bùng phát, nhiều luồng ý kiến từ các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng, tin tặc người Nga là thủ phạm cấy tin giả khiến cho chính quyền Arập Xêút và một số đồng minh trong khu vực cắt quan hệ ngoại giao với Qatar. Nhóm tin tặc này không có quan hệ gì với chính phủ Nga, và nhiều khả năng được thuê thực hiện việc châm ngòi khủng hoảng.

Trò chơi bẩn bằng thông tin giả mang dụng ý chính trị

Từ cuối tháng 5-2017, các chuyên gia của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã đến Qatar để phân tích một vụ tấn công mạng, trong đó các tin tặc được cho là đã cấy tin giả vào bản tin của Cơ quan thông tin quốc gia Qatar.

Vụ cấy tin giả đã dẫn đến việc cơ quan thông tấn quốc gia Qatar cho đăng phát trên website một bản tin vào khoảng sau nửa đêm 23-5. Nội dung bản tin được cho là gây sốc, trong đó trích dẫn lời của Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani mô tả quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump đang căng thẳng và tuyên bố rằng ông Trump "sẽ không tại vị được lâu", đồng thời tuyên bố Qatar khuyến khích quan hệ ngoại giao tốt với Iran, ca ngợi các chiến binh phong trào Hồi giáo Hamas và khẳng định "quan hệ tốt" với Israel.

Tin tặc Nga (không có quan hệ gì với chính phủ Nga) bị nghi châm ngòi khủng hoảng Vùng Vịnh

Với nội dung có nhiều điểm mâu thuẫn nhau như thế, nhưng bản tin vẫn được xem như bằng chứng "buộc tội" Qatar. Sáng sớm 24-5, chính quyền Qatar ra tuyên bố phủ nhận nội dung thông tin trong bản tin, bác bỏ những lời lẽ trong bản tin là của Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani. Tuy nhiên, lời phủ nhận của chính quyền Qatar đã quá muộn.

Chỉ 20 phút sau khi đăng phát trên website, bản tin thông tấn Qatar đã được các mạng truyền hình vệ tinh do Arập Xêút và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) kiểm soát đã chộp lấy và thực hiện một loạt phỏng vấn, trao đổi với các nhà bình luận đã được chuẩn bị nội dung sẵn để phát tán thông tin rộng rãi, vùi dập Qatar bằng một trận lụt truyền thông, kể thật chi tiết "tội trạng" của nước này.

Trong lời biện hộ của mình, chính phủ Qatar thông báo: Website của Cơ quan thông tấn quốc gia đã bị tin tặc tấn công. FBI, với sự phối hợp của tình báo Anh, đã tiến hành điều tra, phân tích dữ liệu tấn công mạng và đã xác nhận thông báo của chính phủ Qatar là đúng sự thật. Ngày 8-6, một báo cáo điều tra của FBI đã kết luận các tin tặc người Nga chính là thủ phạm cấy tin giả vào bản tin của Cơ quan thông tấn Qatar. Báo cáo cũng cho rằng, không có bằng chứng các tin tặc liên quan đến chính phủ Nga tham gia vụ này, chủ yếu là các tin tặc hoạt động tự do, không có tổ chức.

Tin tặc tự do có thể gây ra những kiểu tấn công cài thông tin giả, nhưng không nhằm chủ đích chính trị nào, thường là vô thưởng vô phạt. Trong trường hợp này, thông tin giả có dụng ý chính trị, và đã gây hậu quả nghiêm trọng là cuộc khủng hoảng chính trị, ngoại giao Vùng Vịnh ngày càng leo thang.

FBI đưa ra giả thuyết nghi vấn về khả năng các tin tặc này đã được ai đó bỏ tiền ra thuê chúng cấy tin giả để châm ngòi cho khủng hoảng. Các chuyên gia FBI cho biết, trong rất nhiều cuộc điều tra phản gián của cơ quan này, tin tặc đánh thuê được phát hiện thường xuyên.

Màn chơi bẩn dường như chưa dừng lại, kể cả khi khủng hoảng Vùng Vịnh đang diễn biến ngày càng trầm trọng. Ngày 8-6, mạng truyền hình Al-Jazeera của Qatar thông báo lại bị tin tặc tấn công nhưng đã kịp thời ngăn chặn. Tuy nhiên, vài giờ sau, Al-Jazeera tiếp tục ra thông báo đã cho đóng cửa Website vì lý do an ninh sau vụ tấn công bất thành. Al-Jazeera là mạng truyền hình lớn nhất của Qatar, và người ta nghi ngờ kênh truyền hình này cũng đang bị vạ lây.

Thế giới tình báo chuyển hướng mạnh trong chiến tranh mạng

Những vụ tấn công mạng như thế đang làm nổi rõ lên một bức tranh phức tạp về chiến tranh mạng ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là giữa Qatar và UAE. Tình báo thế giới nói chung, khu vực Trung Đông nói riêng đang cho thấy một sự chuyển hướng hoạt động rất rõ nét. Và những vụ tấn công mạng kết hợp với cài cấy thông tin giả không còn là mảng "độc quyền" của tin tặc Nga, như phương Tây nhìn nhận, mà nó đã trở thành cuộc chơi chung, với cái giá cực rẻ so với hoạt động tình báo truyền thống. Và cuộc chiến tranh mạng này không chỉ mới xảy ra mà đã diễn ra từ vài năm trước.

Chẳng hạn, vào năm 2015, một người môi giới Arập có quan hệ với Qatar đã cung cấp cho tờ báo New York Times của Mỹ những email nội bộ của Bộ Ngoại giao UAE, trong đó một email đề ngày 4-8-2015 của nhà ngoại giao UAE Ahmed al-Qasimi tiết lộ UAE đã cố tình vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ vận chuyển vũ khí cho các phiến quân Libya. Ngoài ra, còn nhiều email có nội dung liên quan đến các giao dịch giữa Libya với CHDCND Triều Tiên cũng được công bố trên các website có quan hệ với Qatar và trên báo The Guardian.

Trong vụ tin tặc cấy tin giả ở Qatar, nhiều chuyên gia nghi ngờ chính Arập Xêút và UAE đã thuê tin tặc cấy tin giả, tạo ra cái cớ nhằm "trừng trị" Qatar vì những lý do "tài trợ khủng bố", "phản bội cộng đồng Arập", như báo chí đã thông tin. Sự nghi ngờ này hoàn toàn có cơ sở.

Một báo cáo công bố hôm 9-6 của hai nhà nghiên cứu an ninh mạng độc lập Collin Andrson và Claudio Guarnieri kết luận rằng, có ít nhất 1 nhóm tin tặc tự do đang hợp tác với một số quốc gia Vùng Vịnh, và rằng các phương pháp tấn công rất giống với vụ tấn công email Đại sứ UAE ở Mỹ.

Hai nhà nghiên cứu đặt cho nhóm tin tặc này biệt danh là Bahamut, đánh giá đây có vẻ là nhóm tin tặc đánh thuê chuyên nghiệp, phục vụ nhu cầu của tất cả đối tượng khách hàng. Phương thức tấn công của nhóm này thường là sử dụng công cụ email lừa đảo bên trong chứa mã độc để nhử con mồi. Anderson và Gaurnieri cho rằng, nhóm này đã từng tấn công một số nhà ngoại giao UAE cũng như các nhân vật chính trị khác ở Vùng Vịnh.

Ngoài nhóm Bahamut nêu trên, gần đây các cơ quan truyền thông còn nhận được các email lấy trộm từ UAE của một nhóm tin tặc khác tự xưng là GlobalLeaks, sử dụng địa chỉ email tên miền quốc gia ".ru". Đây là tên miền quốc gia của Nga, có nghĩa là nhóm tin tặc này có thể là người Nga hoặc người nước khác giả làm người Nga.

Vài ngày sau vụ tấn công tin giả ở Qatar, email của Đại sứ UAE ở Washington Yousef al-Otaiba cũng bị tin tặc tấn công và nội dung email đã được tung lên truyền thông phương Tây và trên mạng truyền hình cáp Al-Jazeera của Qatar.

Người ta được biết Đại sứ Otaiba đã nhiều lần cố gắng thuyết phục các cơ quan nghiên cứu và quan chức chính phủ Mỹ rằng, Qatar đe dọa sự ổn định của khu vực thông qua hành động hoan nghênh cuộc nổi dậy Mùa xuân Ảrập năm 2011, và đặc biệt là hành động ủng hộ tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, vốn bị Arập Xêút, UAE và Ai Cập liệt vào danh sách cấm hoạt động.

Là người dễ thu phục người khác, nói tiếng Anh như người bản xứ, Otaiba có mối quan hệ khá gần gũi với chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ông từng là "gia sư" cho con rể ông Trump là cố vấn đặc biệt Jared Kushner về các vấn đề chính trị tại Trung Đông. Các email của Đại sứ Otaiba mới bị tiết lộ cuối tháng 5-2017 đã chứng minh những điều trên đây là xác thực.

Một email đề ngày 10-2-2015 có nội dung trao đổi giữa ông Otaiba với ông Elliott Abrams, một cựu quan chức Nhà Trắng thuộc đảng Cộng hòa, trong đó tiết lộ những ý kiến của hai ông về việc UAE từng ủng hộ cuộc đảo chính của quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi do Qatar hậu thuẫn. Một email rò rỉ khác có nội dung cựu quan chức Nhà Trắng John Hannah (hiện làm việc cho một tổ chức thân Israel) than phiền với ông Otaiba về việc một khách sạn của UAE tại Doha, thủ đô Qatar, để cho người của Hamas tổ chức họp báo.

Hôm 8-6, chính phủ Qatar thông báo vụ tấn công tin tặc cấy thông tin giả tại cơ quan thông tấn nước này là vụ mới nhất trong hàng loạt vụ tấn công trước đó, và là một hành động nằm trong một chiến dịch lớn nhằm gây ảnh hưởng dư luận công chúng đã được phát động trên các tờ báo và trong các cuộc hội nghị do các tổ chức nghiên cứu ở Mỹ tổ chức.

Chính quyền Qatar đã cung cấp cho các cơ quan truyền thông một danh sách 14 bài bình luận, xã luận bất ngờ được đăng dồn dập trên nhiều tờ báo Mỹ, bắt đầu từ cuối tháng 4-2017, trong đó tất cả đều "bêu danh" Qatar ủng hộ các phiến quân Hồi giáo hoặc các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Loạt bài báo này đã được Tổng thống Mỹ Trump nhắc đến trong cuộc hội đàm với Vua Arập Xêút trong chuyến thăm từ ngày 20-5, trong đó ông Trump nói rằng "chúng ta phải hợp tác với nhau để ngăn chặn việc tài trợ cho các nhóm cực đoan trong khu vực", và ông nhắc đến "mỗi khi đọc báo là tôi đều thấy nêu tên Qatar và Saudi".

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.