Ứng dụng smartphone quảng bá hình ảnh ứng cử viên đến giới trẻ

Thứ Ba, 30/08/2016, 15:20
Giới trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 35 chiếm khoảng 31% dân số tham gia bỏ phiếu bầu cử ở Mỹ, và không bao lâu nữa họ sẽ là nhóm cử tri chủ lực định đoạt số phận của các ứng cử viên tổng thống nước này.

Họ cũng là nhóm người thường xuyên bàn luận về chính trị trên Internet. Đó là động cơ thúc đẩy các nhà phát triển công nghệ giới thiệu một loạt các ứng dụng smartphone mới nhắm mục tiêu vào nhóm cử tri trong độ tuổi này.

Ứng dụng Voter.

Các ứng dụng di động như Voter được xây dựng nhằm giới thiệu với người dùng về chân dung hoặc cập nhật phần tự giới thiệu của những ứng cử viên. Được tạo bởi nhà phát triển web 26 tuổi Hunter Scarborough, Voter cho phép người dùng vuốt màn hình ứng dụng sang phải hoặc trái để tìm kiếm hình ảnh ứng cử viên mà mình ủng hộ. Scarborough nảy sinh ý tưởng tạo ra ứng dụng Voter sau khi nhận thấy còn thiếu các nguồn thông tin về ứng cử viên có thể tin tưởng được.

Anh nói: "Tôi không muốn bỏ phiếu bầu cho một ứng cử viên mà chỉ căn cứ vào bình luận của giới truyền thông hay từ một thành viên gia đình. Tôi bắt đầu tìm kiếm dữ liệu chính trị còn chưa được xử lý và nhận thức được rằng có cách nhanh hơn đồng thời chính xác hơn để nhận thông tin".

Scarborough tin rằng các ứng dụng di động giống như Voter có thể tác động tích cực đến suy nghĩ của giới trẻ. Scarborough lập luận: "Nếu một người có một con ngựa thì chắc chắn người này sẽ tham gia cuộc đua ngựa. Nếu một người dùng sử dụng một ứng dụng và hoàn toàn tin tưởng vào cử tri mình chọn thì chắc chắn người này sẽ có mặt tại địa điểm bỏ phiếu trong những ngày sắp tới".

Không giống như Voter, ứng dụng Brigade - được xây dựng trên kiểu mẫu Facebook để khích lệ mọi người tham gia bàn luận chính trị công khai trên Internet - không cho phép người dùng chia sẻ thông tin chính trị với những người khác. Nói chung, Brigade đưa ra một loạt những câu hỏi về chính trị và người dùng sẽ đánh dấu "đồng ý", "không đồng ý" hay "không chắc".

Sau đó, người dùng sẽ nhìn thấy kết quả đối chiếu với đánh dấu trả lời của những người khác. Nhà phát triển Brigade Group Inc. nhìn thấy "tiềm năng  khổng lồ" của các ứng dụng giúp giới cử tri trẻ tuổi quan tâm đến chính trị nhưng cũng không dám đảm bảo họ có thật sự tin tưởng vào các nền tảng xã hội hay không.

Ứng dụng Unidos.

Theo điều tra của Trung tâm Nghiên cứu Pew đặt trụ sở tại Washington DC. (Mỹ), khoảng 11,9% cử tri có đủ tư cách tham gia bầu cử năm 2016 ở Mỹ, trong đó sẽ chiếm một lượng không nhỏ là người Mỹ gốc Latinh - do đó, ứng dụng Unidos được phát triển với mục đích huy động nhóm tiềm năng người này. Unidos được phát hành bởi Feet in 2 Worlds (Fi2W) - dự án truyền thông của Trường New York ở New York City.

Undos cung cấp cho người dùng newsfeed với những đường liên kết đến các đề mục có liên quan, hướng dẫn bỏ phiếu, biểu tượng cảm xúc và những đường liên kết đến các nền tảng xã hội khác.

Tuy nhiên theo các chuyên gia phân tích, mặc dù một loạt những ứng dụng smartphone có thể khích lệ mọi người quan tâm đến tình hình chính trị đất nước song có lẽ cũng chỉ tác động hiệu quả đến những người trong độ tuổi từ 18 đến 35. Một chuyên gia còn phát đi cảnh báo rằng mọi ứng dụng di động cũng chỉ chủ yếu hấp dẫn thanh niên thực sự "quan tâm rất cao đến chính trị" và đang tìm kiếm phương thức để kết nối với những người khác trên Internet.

Và dĩ nhiên, còn lại là những thanh niên chỉ quan tâm đến sự tiếp xúc thực tế với chiến dịch tranh cử của ứng cử viên - theo Kei Kawashima-Ginsberg, nữ Giám đốc Trung tâm thông tin và nghiên cứu về nhận thức công dân và sự đáp ứng (CIRCLE) thuộc Đại học Tisch ở Medfort bang Massachusetts (Mỹ).

Kawashima-Ginsberg cho rằng chỉ riêng những ứng dụng di động không thôi vẫn chưa thể làm nên sự khác biệt mà cần phải có thêm nhiều chiến lược để thu hút sự quan tâm của giới trẻ đến bối cảnh chính trị đất nước và khuyến khích họ tham gia bầu chọn ứng cử viên một cách đúng đắn nhất. Dĩ nhiên, bà nhấn mạnh rằng những ứng dụng không thể hoàn toàn thay thế được sự tiếp xúc mặt đối mặt giữa cử tri với ứng cử viên trong chiến dịch tranh cử.

Bà lập luận: "Các ứng cử viên cần tiếp xúc đối đầu với cử tri ngoài đời, lắng nghe những gì họ nói thay vì chỉ dựa vào sự tiện lợi của ứng dụng smartphone mà quảng bá hình ảnh để lôi kéo cử tri".

Di An (tổng hợp)
.
.