Virus Ebola đang quay trở lại?

Thứ Năm, 05/11/2015, 08:20
Hai nghiên cứu mới tìm thấy virus Ebola có thể sống trong tinh dịch nam giới suốt 9 tháng, và một người đàn ông châu Phi lây nhiễm nó cho bạn tình sau khi đã khỏi bệnh nhiều tháng. Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện "hội chứng hậu Ebola".

Nữ y tá Anh 39 tuổi Pauline Cafferkey bị nhiễm Ebola cách đây 9 tháng ở Tây Phi và được điều trị khỏi bệnh hồi tháng 1/2015, nhưng đến ngày 6/10 chị lại nhập viện trong tình trạng viêm màng não do virus còn khu trú trong cơ thể hoạt động trở lại. Bác sĩ Mike Jacobs - cố vấn về các bệnh nhiễm trùng tại Bệnh viện Royal Free ở London - cho biết, Cafferkey bị tái nhiễm Ebola do virus còn sống "ẩn dật" trong não bộ dẫn đến chứng viêm màng não.
Nữ y tá Pauline Cafferkey.

Jacobs giải thích: "Virus hoạt động trở lại xung quanh não bộ và cột sống gây viêm màng não. Cafferkey cũng bị một số biến chứng thần kinh nghiêm trọng". Pauline Cafferkey nhiễm Ebola khi đang làm việc tại Sierra Leone và được điều trị bằng thuốc kháng virus GS5734 do Công ty dược Gilead Sciences của Mỹ nghiên cứu phát triển. Theo bác sĩ Jacobs, Cafferkey thể hiện các triệu chứng thường thấy của viêm màng não như sốt và đau đầu cho nên bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm dịch tủy, máu. Kết quả cho thấy "mức độ virus rất thấp" giống như ở những bệnh nhân mới vừa phục hồi. Bác sĩ Jacobs cũng báo cáo cho biết hệ miễn dịch của Cafferkey cuối cùng đã chiến thắng và loại trừ hoàn toàn virus Ebola.

Tháng 9/2014, bác sĩ, người Mỹ Ian Crozier bị nhiễm Ebola và được chuyển về nước điều trị tại Bệnh viện Đại học Emory. Nhưng chỉ 2 tháng sau khi được chữa khỏi, Crozier bị nhiễm trùng mắt trái làm biến đổi màu mắt và xét nghiệm phát hiện còn virus Ebola. Điều bất ngờ đối với các bác sĩ là virus còn sống sót trong dịch mắt của Crozier; trong khi nước mắt, máu, các mô màng kết hoàn toàn không có sát thủ đáng sợ này.

Mắt trái của bác sĩ Ian Crozier bị đổi màu vì virus Ebola còn sống sót.

Hiện nay, với khoảng 17.000 người sống sót, các nhà nghiên cứu đang phát hiện nhiều điều chưa biết về virus Ebola. Ilhem Messaoudi - nhà miễn dịch học virus và là nữ giáo sư Khoa Y sinh Đại học California ở Riverside (Mỹ), hiện đang nghiên cứu về hoạt động của virus Ebola trong cơ thể người - nhận định: "Nó là con virus dễ bùng nổ. Nó sao chép với tốc độ kinh hoàng và hủy hiệt mọi thứ trên đường đi của nó".

Nghiên cứu 19 người sống sót sau trận dịch năm 1995 ở Kikwit (Cộng hòa Congo) cho thấy phần lớn bệnh nhân bị đau khớp và có các vấn đề về mắt sau khi nhiễm virus, trong đó một người bị mất thị lực. Các nghiên cứu từ thập niên 70 và 80 thế kỷ trước - cũng giống như nghiên cứu mới đây - tìm thấy virus sống dai dẳng trong tinh dịch và mắt của những người sống sót. Nhóm nhà nghiên cứu theo dõi 49 người sống sót sau trận bùng phát Ebola năm 2007 ở Uganda phát hiện - thậm chí 2 năm sau khi nhiễm bệnh - họ có một số vấn đề về mắt như là viêm và mờ mắt cũng như đau khớp, khó ngủ, khó nuốt và thậm chí mất thính lực, mất trí nhớ, đầu óc nhầm lẫn.

Nghiên cứu thứ 3 đối với 105 người sống sót sau trận dịch 2014-2015 ở Guinea tiết lộ khoảng 90% bị đau khớp mạn tính và 98% ăn không ngon hay chán ăn. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị đau đầu, mất ngủ, chóng mặt, đau bụng, táo bón, rối loạn tình dục.

Giáo sư Ilhem Messaoudi.

"Rõ ràng có hiện tượng gọi là hội chứng hậu Ebola", David Bausch khẳng định. Bausch là một trong những chuyên gia hàng đầu về virus và bệnh nhiễm trùng ở Đại học Tulane, đồng thời là cố vấn cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Virus Ebola cũng giấu mình trong tử cung phụ nữ Bausch giải thích, đó là vì hệ miễn dịch có thể tống khứ virus Ebola ra khỏi máu song không thể tiêu diệt được chúng ở mọi ngóc ngách cơ thể!

Tình trạng viêm sinh ra do hoạt động của hệ miễn dịch có thể gây tổn hại nghiêm trọng tại một số bộ phận cơ thể như: mắt, não bộ, nhau thai, phô thai, tinh hoàn, khớp và cả hệ thần kinh trung ương. Messaoudi so sánh các thành viên hệ miễn dịch cơ thể giống như là Đội Đặc nhiệm Hải quân SEAL của quân đội Mỹ!

Bà giải thích: "Chúng là những sát thủ được huấn luyện tốt, cho nên nếu chúng có mặt không đúng chỗ và hiểu sai mệnh lệnh thì điều đó có thể dẫn đến sự thiệt hại vô cùng lớn". Do đó, khi hệ miễn dịch không có mặt trong mọi ngóc ngách cơ thể thì virus có nhiều cơ hội để ẩn thân. Đó là trường hợp của các virus viêm gan B hay herpes giấu mình trong các tế bào thần kinh (neuron) suốt nhiều năm dài chờ cơ hội hành động.

Để nhận biết virus Ebola có khả năng sống dai dẳng trong cơ thể người trong thời gian bao lâu, Viện Dị ứng và Các bệnh nhiễm trùng Mỹ (NIAID) và Bộ Y tế Liberia đã triển khai dự án kéo dài 5 năm theo dõi những người sống sót sau dịch bệnh Ebola cùng với những mối tiếp xúc gần của họ. Tất cả những đối tượng này sẽ được giám sát chặt chẽ những vấn đề sức khỏe, chức năng cơ quan và mắt và có thể kể cả thành phần dịch cơ thể. Dự án phối hợp giữa Mỹ và Liberia sẽ là công trình nghiên cứu kiểm soát những bệnh nhân Ebola sống sót quy mô nhất từ trước đến nay.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.