Ôtô không người lái và mối đe dọa bảo mật dữ liệu

Thứ Bảy, 28/05/2016, 07:40
Hồi đầu tháng 1-2016, mọi cột điện trong thành phố StraTford thuộc tỉnh Ontario miền nam Canada đều được lắp router phát wifi và nơi đây được chọn là trung tâm thử nghiệm những chiếc ôtô tự hành (không người lái) trên đường đầu tiên của nước này.

Nếu thành công, Stratford có thể là một phần trong cuộc chạy đua hoàn thiện ôtô tự hành hiện nay trên thế giới. Tuy nhiên, nếu Stratford sở hữu được công nghệ ôtô tự hành thì người dân cũng phải đối mặt với mối lo ngại về an toàn giao thông khi không có tài xế cũng như bảo mật dữ liệu cá nhân.

Những chiếc ôtô tự hành Lexus của Google năm 2014.

Ôtô tự hành thu thập dữ liệu về mọi sự di chuyển của chúng ta và những nơi chúng ta đến. Những công ty xử lý dữ liệu ôtô tự hành cũng như bất cứ ai có kỹ năng đánh cắp nó sẽ đặt mối đe dọa cho thế giới riêng tư của chúng ta và thậm chí có thể gây nguy hiểm cho chúng ta khi di chuyển trên đường.

Dĩ nhiên, các công ty đang nỗ lực biến ôtô tự hành thành hiện thực cam đoan bảo đảm an ninh cho dữ liệu cá nhân người dùng song liệu điều đó có chắc chắn. Barrie Kirk, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn về ôtô tự hành CAVCOE của Canada, nhận định: "Có một cơ hội lớn cho những công ty sở hữu dữ liệu để kiếm tiền".

Trong cuộc chạy đua công nghệ sử dụng trên ôtô tự hành có sự góp mặt của những ông lớn như Amazon.com, MicrosoftCorp và thậm chí Apple Inc. Con người sử dụng giác quan để thu thập thông tin về môi trường xung quanh và sau đó não bộ xử lý chúng. Tương tự, ôtô tự hành sử dụng thông tin gom góp lại từ nhiều nguồn khác nhau - bao gồm radar, công nghệ cảm biến laser gọi là lidar giúp ôtô vận hành an toàn - để liên tục đưa ra những quyết định cho phép chiếc xe di chuyển thông suốt mà không có nguy cơ va đụng.

Máy tính ôtô cũng cần kết nối wifi để truyền dữ liệu về môi trường xung quanh chiếc xe. Dữ liệu này cũng có thể được truyền đến một trung tâm xử lý ở nơi khác. Vần đế mấu chốt là hoạt động thu thập dữ liệu và xử lý nó phải được liên tục. Do đó, vấn đề an ninh dữ liệu cũng được đặt ra khi có mối lo ngại nó được bán cho bên thứ 3 hay bị hacker tội phạm khai thác để kiểm soát hoàn toàn chiếc xe phục vụ cho mục đích xấu.

Những chiếc ôtô tự hành nguyên mẫu đã tạo ra khối lượng dữ liệu khổng lồ đến mức khó tin nổi. Ví dụ, một chiếc ôtô tự hành nguyên mẫu của Alphabet Inc. - công ty mẹ của Google - thu thập khoảng 1 gigabyte dữ liệu trong 1 giây. Nhà chiến lược Big Data Mark van Rijmenam ước tính mỗi chiếc xe sẽ tạo ra trung bình 2 petabyte (2 triệu gigabyte) dữ liệu mỗi năm.

Cuộc chiến về quyền sở hữu và kiểm soát nguồn dữ liệu này đang bắt đầu. Mọi dữ liệu được thu thập và truyền tải đều có thể bao gồm nhiều thông tin cá nhân nhạy cảm. Ví dụ như hồi tháng 4-2016, một nhóm nhà nghiên cứu Trường Công nghệ Cornell Tech thuộc Đại học Cornell ở New York City (Mỹ), phát hiện một lỗ hổng bảo mật cho phép họ tìm thấy những người cùng chia sẻ Google Maps tìm đường đến các bệnh viện phá thai và trung tâm cai nghiện ma túy.

Barrie Kirk.

Đó chỉ là một phần nhỏ của thông tin cá nhân mà mọt chiếc ôtô tự hành có thể thu thập. Người dùng cũng lo ngại về an ninh dữ liệu hơn nữa khi ngày càng có thêm nhiều công nghệ mới được ứng dụng cho ôtô. Mùa hè năm 2015, 2 hacker tuyên bố họ dễ dàng xâm nhập hệ thống điều khiển của một chiếc Jeep Cherokee do một phóng viên lái và chiếm quyền điều khiển từ xa để kiểm soát mọi thứ - từ máy lạnh cho đến radio. Cuộc biểu diễn đã buộc nhà sản xuất thu hồi 1,4 triệu chiếc xe để khắc phục lỗi.

Barrie Kirk cũng cảnh báo về dữ liệu mà ôtô thu thập có thể được khai thác để bán cho bên thứ 3 như là công ty bảo hiểm, nhà quảng cáo hay bất cứ cá nhân nào khác bởi vì "chiếc xe biết quá nhiều về chúng ta".

Mọi dữ liệu cũng cần được truyền tải với tốc độ cực nhanh cho nên cần những mạng tốt hơn. Khi mà ôtô tự hành và hệ thống kết nối mọi vật gọi là Internet of Things phát triển rộng rãi, một lượng khổng lồ những vật thể sẽ gửi và nhận thông tin không dây qua Internet. Vấn đề sẽ liên quan đến sự sống và cái chết nếu như có sự can thiệp nào đó từ kẻ giấu mặt khiến cho chuỗi gửi và nhận thông tin phản hồi này bị chậm trễ hay gián đoạn nửa chừng.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.