Ai Cập cổ đại – “Cái nôi” của thời trang

Thứ Tư, 18/07/2018, 07:24
Trang phục của người Ai Cập cổ đại qua các thời kỳ khác nhau tuy không giống nhau, nhưng chiếc váy sari ngắn quấn ngang hông vẫn luôn hiện hữu trong tất cả mọi vương triều. Từ các bậc pharaoh quyền uy đến giới bình dân, ai cũng luôn mặc nhiều chiếc sari chồng lên nhau. Đây chính là nét đặc trưng cho sắc dân Ai Cập cổ.

Rồi xuất hiện chiếc váy thứ 3, hay còn gọi là “váy 2 lớp”, với phần sau luôn dài hơn được họ gọi là “schenti”. Nhằm tôn vinh vẻ đẹp cơ thể, người cổ Ai Cập thường mặc schenti kèm với chiếc đai lưng nhỏ. Trong những dịp đặc biệt, các vị pharaoh luôn mang kiểu đai lưng với miếng vàng khối hình tam giác gắn ở đằng trước.

Tới thời Vua Cũ (2686-2181 Tr.CN) Ra - biểu tượng của thần Mặt trời, hay hình chim ưng thường được gắn kèm với các kiểu đai lưng bằng da hoặc bằng len mềm của các pharaoh, song song là những viên đá quý gắn lẫn các sợi len xanh đỏ sặc sỡ trang trí.

Quốc phục của phụ nữ Ai Cập cổ được gọi là “kalasiris”, thứ trang phục sau này cũng được cả giới đàn ông Ai Cập sử dụng. Kalasiris phủ kín toàn thân lên tới ngực, cấu thành từ những tấm vải dệt liền nhau hoặc chắp nối với nhau. Lúc đầu giới vương giả thường mặc các kiểu kalasiris quấn chặt cứng ngang vai, còn giới bình dân được phân biệt qua các kiểu kalasiris rộng hơn. Trong trường hợp tang lễ, người Ai Cập thường mặc những phục sức dài đến gót chân, còn bên trên lại để trần - theo tín ngưỡng của họ.

Qua thời Vua Mới (1600-1100 Tr.CN) ảnh hưởng từ phục sức Á châu đã làm phong phú thêm các kiểu trang phục Ai Cập truyền thống, người ta bắt đầu dùng những thứ vải đắt tiền và đa dạng hơn.

Phục sức của các triều đại Pharaoh nhiều nghìn năm trước.

Vũ nữ và đám gia nô phục vụ trong các gia đình quyền quý thời cổ thường không mặc quần áo, nhưng dọc cơ thể họ luôn được tô điểm bằng rất nhiều kiểu trang sức đa dạng. Sự phát triển cực thịnh của thời Vua Giữa (2050-1800 Tr.CN) đã mở đường cho kỹ nghệ làm đồ trang sức, xuất hiện nhiều kiểu trang sức bằng vàng hoặc bạc, cũng như hợp kim giữa vàng với bạc...

Trong lăng mộ của Nữ hoàng Hetepheres I (2600 Tr.CN) người ta tìm thấy nhiều vòng bạc khối, được trang trí bằng những miếng khảm tinh xảo màu thiên thanh.

Cánh đàn ông thuộc giới thượng lưu Ai Cập thường mặc kalasiris 1 lớp, hoặc 2 lớp bó chặt toàn thân. Đến thời Vua Mới phổ biến thêm chiếc áo khoác nhỏ, được dùng như một món trang sức với những hình vẽ sặc sỡ, trang điểm thêm các sợi dây bằng kim loại hoặc len bện, cùng các hạt cườm nhỏ đính kèm.

Chỉ có những người giàu mới đi giày. Với đế bằng da hoặc giấy chỉ thảo đem nén chặt thành nhiều lớp, được “đeo” vào chân qua các kẽ ngón chân với nhiều sợi len bện rộng hẹp khác nhau. Trên đầu cánh đàn ông là những tấm khăn quấn một màu, được làm bằng da, vải bông, hoặc len. Phụ nữ thì đội những tấm khăn tối màu hơn. Giới vương quyền thường đội khăn phân biệt rõ ràng với giới bình dân.

Chúng ta cần lưu ý rằng, đàn ông Ai Cập cổ đại, cũng như bây giờ thường tết tóc mình thành những sợi đuôi sam nhỏ hoặc cạo nhẵn đầu và dùng tóc giả. Tóc giả của họ thường có kích cỡ lớn với những lọn tóc dài rủ xuống, thi thoảng lại có người dùng tới 2 lớp tóc giả cùng một lúc. Phụ nữ cũng cạo đầu và đội tóc giả.

Nô lệ và nông dân thường đội món tóc giả nhỏ dưới những chiếc mũ bằng len đan; còn phụ nữ quý tộc đội những món tóc dài, tết thành nhiều sợi đuôi sam nhỏ hoặc xoăn tít. Đàn ông thường cạo đám râu cằm lởm chởm và thay vào bằng những bộ râu giả làm từ lông cừu, với những sợi len gắn lên vành tai như người ta đeo kính bây giờ. Những nhân vật quyền thế cũng ăn mặc giống giới giàu có.

Đặc biệt các quan đại thần cùng giới quân sự cấp cao thường đội những chiếc khăn khác biệt trên đầu, với những sợi dây dài bằng vàng rủ xuống vai có gắn những viên ngọc quý.

Giới chiêm tinh Ai Cập cổ hàng đầu được phân biệt qua một miếng da báo dài, vắt qua lưng và gắn vào một bên vai giống như dải băng của những người đoạt danh hiệu hoa hậu ngày nay. Mũ của giới chiêm tinh và những người phò trợ họ được trang điểm bằng rất nhiều vật trang sức mang tính biểu tượng, cũng như các viên ngọc và những miếng bạch kim hình lá sen. Trên những cái đầu đã cạo trọc của các nhà chiêm tinh, cũng như trên mũ của họ luôn gắn chiếc sừng bò - biểu tượng của thiên hà, hay sức mạnh của mặt trăng.

Mũ miện vua chúa Ai Cập có hình vành khuyên thường được làm bằng kim loại. Khái niệm “mũ miện” xuất hiện ở Ai Cập trong thời họ bị người La Mã thống trị, khi các hoàng đế La Mã thường đeo những chiếc vòng vàng bao quanh phần trên trán. Ở Ai Cập có 2 loại mũ miện nổi tiếng: màu đỏ cho vùng Hạ Ai Cập và màu trắng cho vùng Thượng Ai Cập.

Nữ hoàng Cleopatra (69-30 Tr.CN) - biểu tượng của sắc đẹp Ai Cập cổ đại.

Sau khi lãnh thổ Ai Cập được thống nhất dưới một chính thể, thì mũ miện chung được kết hợp giữa 2 loại trên, trở nên lớn hơn: phần dưới của mũ miện là 2 chiếc răng biểu tượng cho thần Sandi, còn phần trên khắc họa hình con chó núi. Vua chúa thường đeo vương miện vàng, với một chiếc mũ lông nhỏ có đỉnh nhô lên như hình đài sen.

Với những công chúa lấy chồng không xứng “môn đăng hộ đối”, người ta thường thêm vào trên vương miện một thứ đồ trang sức của đàn ông: râu giả. Trên đầu con cái vua là các vương miện có hình con rắn đang cuộn mình lại.

Quân đội Ai Cập cổ đại có thứ trang phục khác hẳn mọi người. Lục quân mặc những chiếc sari bình thường bằng len mỏng, với một chiếc “lá chắn” đặc biệt bảo vệ bụng - cấu thành bởi những lớp da động vật được trang trí khác nhau. Các vị chỉ huy thì mặc “áo giáp” làm bằng da cá sấu, hoặc từ những tấm vải len dày.

Phụ nữ Ai Cập cổ thường trang điểm sao cho da của họ trông “ngả vàng” nhiều hơn. Họ cũng dùng màu đen tô đậm lông mày và lông mi của mình, khiến cặp mắt trông to hơn, tạo ra những cái nhìn “sâu thăm thẳm” dễ cuốn hút cánh mày râu. Nam giới Ai Cập cổ đại lại bôi lông mi bằng màu xanh; còn móng chân và móng tay - qua sự pha trộn giữa hai màu vàng và đỏ.

Trần Quang Long (theo Elle)
.
.