Bộ sưu tập tranh “khủng” của nữ diễn viên Elizabeth Taylor

Thứ Ba, 10/04/2018, 07:56
Bên cạnh sự nổi tiếng bởi tài năng diễn xuất, Elizabeth Taylor còn được biết đến như một nhà sưu tập nữ trang và các bức tranh của những bậc thầy hội họa như Van Gogh, Edgar Degas, Camille Pissarro, Renoir...

Ngày 23-3-2011, nữ diễn viên điện ảnh lừng danh người Mỹ Elizabeth Taylor qua đời ở tuổi 79 vì chứng suy tim. Trong sự nghiệp của mình, với hơn 60 bộ phim, bà đã để lại những dấu ấn trong vai Nữ hoàng Cleopatra (phim “Cleopatra”), vai cô gái gọi (phim “Butterfield 8”), vai Rebecca (phim sử thi “Ivanhoe”)... Ngoài 2 lần nhận giải Academy Award, Elizabeth Taylor còn giành được giải Quả Cầu vàng cũng như giải Oscar cho nữ diễn viên xuất sắc nhất.

Bên cạnh sự nổi tiếng bởi tài năng diễn xuất, Elizabeth Taylor còn được biết đến như một nhà sưu tập nữ trang và các bức tranh của những bậc thầy hội họa như Van Gogh, Edgar Degas, Camille Pissarro, Renoir... Nhưng chỉ đến khi nhà đấu giá Christie's ở London đem ra đấu giá những bức tranh trong bộ sưu tập của Elizabeth Taylor thì công chúng  mới biết tường tận về “kho báu” mà bà sở hữu. Tất cả số tiền thu được từ việc bán tranh đều đã chuyển cho Quỹ Elizabeth Taylor - là quỹ chăm sóc những người nhiễm HIV do bà lập ra năm 1991.

1. Bức tranh đầu tiên mà Elizabeth có được trong đời là một bức vẽ phong cảnh của danh họa Auguste Renoir, do cha cô - ông Francis Taylor - một nhà môi giới và buôn bán các tác phẩm hội họa, tặng Elizabeth nhân dịp Elizabeth tròn 11 tuổi. Sau này, trong một lần trò chuyện với tờ Vanity Fair - một tạp chí chuyên về nghệ thuật, Elizabeth nói: “Quê quán gia đình tôi ở London, Anh quốc, nhưng trong Thế chiến 2, cha tôi chuyển nhà đến Hollywood, bang California, là kinh đô của nền điện ảnh Mỹ. Tại đó, cha tôi mở một phòng trưng bày tranh trong khách sạn Beverley Hills. Cũng tại nơi này, tôi đã được gặp những diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ là Hedda Hopper và Greta Garbo khi họ đến xem tranh...”.

Elizabeth Taylor và cha là Francis Taylor khi ông mua tặng bà bức tranh “Quang cảnh bệnh viện tâm thần và nhà nguyện Saint-Rémy”.

Chịu ảnh hưởng bởi sự đam mê nghệ thuật của người cha, khi đã nổi tiếng trong lĩnh vực điện ảnh và khi đã giàu (chỉ riêng vai nữ hoàng Cleopatra trong bộ phim cùng tên ra mắt năm 1963, đã mang về cho bà 1 triệu USD thù lao thời điểm đó), Elizabeth bắt đầu tìm kiếm, sưu tập những bức tranh của những họa sĩ nổi tiếng thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 như Van Gogh, Georges Rouault, Pierre Bonnard, Kees van Dongen, Henri de Toulouse-Lautrec, Auguste Renoir, Edgar Degas và Claude Pissarro..., mà trong đó, đáng nói nhất là bức “Quang cảnh bệnh viện tâm thần và nhà nguyện Saint-Rémy” được Van Gogh vẽ năm 1889.

Ông Francis Taylor, cha của Elizabeth mua bức tranh này trong một cuộc bán đấu giá vào năm 1963 với giá 92.000 bảng Anh (tương đương khoảng 96.000USD lúc ấy) rồi tặng cho bà. Khi Elizabeth phải vào bệnh viện điều trị bệnh tim năm 1968, bức “Quang cảnh bệnh viện tâm thần và nhà nguyện Saint-Rémy” cùng 2 bức tranh khác - 1 của Monet và 1 của Franz Hals đã được đem vào, treo trên bức tường trong phòng bệnh của bà.

Trò chuyện với tờ Vanity Fair, bà nói: “Trong những năm thập niên 1960 và 1970, những người yêu hội họa có xu hướng thích những bức tranh của Van Gogh mang màu sắc sinh động chứ không thích một Van Gogh u ám. Thế nhưng bức “Quang cảnh bệnh viện tâm thần và nhà nguyện Saint-Rémy” lại hàm chứa một yếu tố bi thảm dữ dội vì đó là tác phẩm mà Van Gogh vẽ 6 tháng trước khi từ giã cõi đời”.

2. Ngày 8-5-1889, Van Gogh phải vào Bệnh viện tâm thần Saint Paul de Mausole để điều trị chứng trầm cảm mà nguyên nhân là sự tan vỡ tình bạn giữa ông và danh họa Paul Gauguin. Sự trầm cảm nặng đến nỗi Van Gogh đã tự cắt đứt vành tai bên trái của mình.

Năm 2011, bức “Quang cảnh bệnh viện tâm thần và nhà nguyện Saint-Rémy” của Van Gogh được bán với giá 10.121.250 bảng Anh.

Nằm cách biệt với khu dân cư thị trấn Sant Rémy bằng những  những cánh đồng ngô, nho và ô-liu, các phòng bệnh cũng như phong cảnh bên ngoài bệnh viện đã trở thành chủ đề chính trong những bức phác thảo của Van Gogh. Dù phải điều trị cách ly nhưng dưới sự tác động của người em ruột với ban giám đốc, Van Gogh được bác sĩ giám đốc là ông Théophile Peyron cho phép họa sĩ có quyền vẽ tranh trong phòng.

Bên cạnh đó, Van Gogh còn được phép ra ngoài đi dạo và kết quả là ngoài bức “Quang cảnh bệnh viện tâm thần và nhà nguyện Saint-Rémy” thì còn có những bức khác ra đời và cũng nổi tiếng không kém như “Đêm đầy sao”, “Những cây ô-liu với núi non phía sau”, “Những cây bách”, “Cánh đồng ngô và những cây bách”, “Đường làng Provence trong đêm”.

Ngồn gốc về sự ra đời của bức “Quang cảnh bệnh viện tâm thần và nhà nguyện Saint-Rémy” được Van Gogh kể lại trong một bức thư gửi cho người em ruột như sau: “Một buổi chiều giữa tháng 10-1889, khi ánh nắng cuối thu chỉ còn thoi thóp và những áng mây ửng lên một màu hồng bởi những tia sáng cuối cùng trong ngày, anh đặt giá vẽ trên cánh đồng bên ngoài thị trấn Saint-Rémy. Trước mắt anh là ngôi nhà nguyện được xây dựng từ thế kỷ XII, nay được dùng làm bệnh viện tâm thần. Cảm xúc của anh thật mãnh liệt và anh tin rằng nếu không vẽ ngay lúc ấy, anh sẽ không bao giờ còn có thể vẽ nó được nữa...”.

3. Sinh ngày 27-2-1932, Elizabeth Taylor bước vào điện ảnh năm 10 tuổi với vai diễn phụ trong phim “There's One Born Every Minute” do Hãng Universal sản xuất. 2 năm sau, khi ký hợp đồng với Hãng Metro-Goldwyn-Mayer, Elizabeth trở thành diễn viên tuổi teen được yêu thích nhất trong phim National Velvet.

Bức “Những cây táo ở Eragny” của Claude Pissarro được bán với giá 2.953.250 bảng Anh cũng trong năm 2011.

Năm 1950, lúc đã 18 tuổi, Elizabeth bắt đầu đóng những vai trưởng thành, khởi đầu bằng phim truyền hình sử thi “Giant” cùng những phim khác như “Tennessee Williams”, “Cat on a Hot Tin Roof”, “Suddenly” và “Last Summer”... những phim này đều thành công về mặt thương mại.

Năm 1960, Elizabeth giành giải Quả cầu vàng cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim “Butterfield”. Năm 1963, bà giành tiếp giải Oscar cũng cho cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim “Cleopatra”. Sau phim này, bà kết hôn cùng Richard Burton - là diễn viên đóng chung phim “Cleopatra” với bà.

Ngoài 2 giải thưởng nêu trên, Elizabeth còn giành được giải của Hội Phê bình phim New York cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, giải của Ban Quốc gia xem xét phim điện ảnh cho nữ diễn viên xuất sắc nhất, giải Jean Hersholt Humanitarian, giải Quả cầu vàng Cecil B. DeMille, giải Thành tựu trọn đời, giải Cống hiến trọn đời của Nghiệp đoàn Diễn viên điện ảnh và giải Academy Fellowship. Bà kết hôn 8 lần với 7 người đàn ông - trong đó bà với diễn viên Richard Burton sau một thờI gian li dị thì tái hợp.

Năm 1968, sau bộ phim “Secret Ceremony”, Elizabeth chính thức giã từ điện ảnh vì lý do sức khỏe. Bà bị chấn thương cột sống trong lúc quay bộ phim “National Velvet” hồi năm 1944 nhưng không được phát hiện mặc dù bà luôn bị đau lưng. Những năm cuối đời, không những nghiện rượu, Elizabethe còn nghiện cả thuốc lá nên phải nhập viện nhiều lần.

Cuối cùng, ngày 23-3-2011, bà qua đời tại Bệnh viện Cedars-Sinai Medical Center, Los Angeles, bang California, sau 6 tuần điều trị chứng suy tim sung huyết. Đám tang của bà phải chậm lại 15 phút so với lịch trình định sẵn vì xe chở quan tài bà đến trễ, đã khiến nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng David Tharkeray nói một câu như sau: “Elizabeth Taylor thậm chí vẫn muốn đến trễ trong chính đám tang của mình”. Tài sản của bà để lại được ước tính vào khoảng 2,5 tỉ USD.

4. Ngày 17-1-2011, hai tháng trước khi Elizabeth qua đời, nhà Christies đã tiến hành bán đấu giá một số bức tranh trong bộ sưu tập của Elizabet Taylor để lấy tiền ủng hộ Quỹ Elizabeth Taylor trong việc chăm sóc những người nhiễm HIV.

Ngay buổi đấu giá đầu tiên, 3 bức họa của Van Gogh, Edgar Degas và Claude Pissarro đã thu về 13.787.750 bảng Anh, gấp đôi dự tính của Christies là 6,2 triệu bảng, trong đó bức “Quang cảnh bệnh viện tâm thần và nhà nguyện Saint-Rémy” của Van Gogh được bán với giá 10.121.250 bảng Anh cho một người không rõ danh tính, trả giá dứt điểm qua điện thoại chỉ trong 4 phút.

Hai bức còn lại là bức “Chân dung tự họa” của Edgar Degas được bán với giá 713.250 bảng và bức “Những cây táo ở Eragny” của Claude Pissarro được bán với giá 2.953.250 bảng Anh. Marc Porter, Giám đốc Văn phòng châu Mỹ của nhà đấu giá Christies nói: “Cái giá cao ngất ngưởng đối với 3 kiệt tác của Van Gogh, Degas và Pissarro đã chứng minh con mắt thẩm mỹ của Elizabeth Taylor khi bà quyết định đưa nó vào bộ sưu tập của mình. Đó là những viên ngọc quý, là đỉnh cao của sự sáng tạo nghệ thuật”.

Hôm sau, ngày 18-1, nhà Christies tiếp tục đưa ra đấu giá các bức tranh của Pierre-Auguste Renoir, Maurice Utrillo và Kees Van Dongen cùng một số bức tranh theo phong cách hiện đại của họa sĩ Augustus John, cũng nằm trong bộ sưu tập của Elizabeth, thu về 9,3 triệu bảng Anh. Còn nếu tính cả tranh và các món đồ trang sức của Elizabeth, cuộc bán đấu giá đã thu được tổng cộng 103 triệu bảng Anh. Giovanna Bertazzoni, chuyên gia thẩm định tranh của nhà Christies giải thích: “Sự tinh tế của Elizabeth Taylor đã thể hiện qua những bức tranh và những đồ trang sức nằm trong bộ sưu tập của bà. Năm 1954, ít ai nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn nơi bức họa “Cô gái vũ ballet” của họa sĩ Degas nhưng bây giờ, nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng triệu bảng Anh để sở hữu nó”.

Câu chuyện về bộ sư tập của Elizabeth Taylor vẫn chưa dừng lại đó. Đầu tháng 1-2018, nhân vật nặc danh đã mua bức tranh “Quang cảnh bệnh viện tâm thần và nhà nguyện Saint-Rémy” của Van Gogh với giá 10.121.250 bảng Anh đột nhiên liên lạc với nhà Christie”s để nhờ... bán lại! 

Theo dự kiến, vào giữa tháng 5-2018, văn phòng chi nhánh của nhà Christies ở New York sẽ tổ chức đấu giá bức danh họa này. Đây là lần thứ hai, “Quang cảnh bệnh viện tâm thần và nhà nguyện Saint-Rémy” của Van Gogh lên sàn và theo ước tính của các chuyên gia nghệ thuật, giá nó sẽ không dưới 20 triệu bảng Anh.

Vẫn theo Giovanna Bertazzoni, chuyên gia thẩm định tranh của nhà Christies: “Những bức danh họa không bao giờ mất giá vì theo thời gian, nó càng trở nên quý vì chỉ có 1 không 2. Rất nhiều những nhà giàu trên thế giới đều ao ước sở hữu nó trong bộ sưu tập riêng của mình. Tôi cũng như tất cả những người yêu hội họa đều mong muốn được nhìn ngắm nó nhưng nếu một “đại gia” nào đó mua rồi không hề có ý định trưng bày nó trong viện bảo tàng hay trong những cuộc triển lãm công khai thì chúng ta chỉ còn có thể thấy nó qua những ảnh chụp lại...”.

Vũ Cao (theo Vanity Fair)
.
.