Bức tranh “Ivan bạo chúa” và 70 năm lưu lạc trên đất Mỹ

Thứ Tư, 02/01/2019, 15:51
Ngày 20-12, công tố viên thuộc Văn phòng Chưởng lý quận Columbia (bang Washington) công bố thông báo tịch thu chính thức bức tranh “Chuyến khởi hành bí mật của Ivan khủng khiếp trước Oprichina”. Thông báo này chấm dứt hành trình lưu lạc hơn 70 năm trên nước Mỹ của tác phẩm nghệ thuật vẽ về vị sa hoàng nổi tiếng tàn ác của nước Nga Ivan IV Vasilyevich, (bị đánh cắp từ Chiến tranh Thế giới thứ II), để trao trả cho quốc gia Ukraine.

Minh chứng tình bạn và tình yêu

Trong hơn 30 năm, một bức tranh sơn dầu lớn cao hơn 7ft (khoảng 2,2m) và rộng hơn 8ft (khoảng 2,5m) vẽ một vị Nga hoàng rời khỏi Điện Kremlin trên lưng ngựa được treo trong nhà của ông David Tracy.

Bức tranh này đã thuộc quyền sở hữu của ông Tracy khi nó được bán cùng ngôi nhà mà ông này mua ở Ridgefield, bang Connecticut vào năm 1987, qua sự môi giới của một người bạn, bà Gabby.

Bốn năm sau, khi David và Gabby kết hôn và chuyển đến một ngôi nhà khác, cặp vợ chồng đã không thể bỏ lại bức tranh yêu quý. Gabby cho biết họ đã chi 37.000 USD để xây một khu vực trưng bày bức tranh vẽ về vị Sa hoàng Nga trong ngôi nhà mới .

Nữ chủ nhân, giờ đã 84 tuổi, nói rằng, tại nhiều thời điểm, vợ chồng bà có thể đã bán bức tranh nhưng cuối cùng vẫn quyết định giữ lại nó. “Trông Sa hoàng có vẻ buồn và con ngựa bước đi trong tư thế cúi đầu, nhưng chúng tôi đã học cách yêu ông ấy (ám chỉ nhân vật trong bức tranh – Sa hoàng Ivan IV)”, bà Gabby tâm sự với CNN trong cuộc phỏng vấn hôm 24-12 vừa qua.

Bà Gabby cho biết, trong cuộc đoàn tụ gia đình hay các buổi họp mặt đông người, bất cứ ai bước vào căn nhà cũng đều bị cuốn hút bởi bức tranh sơn dầu cỡ lớn này. Còn vợ chồng bà sẽ lại kể cho mọi người nghe về những kỷ niệm đã có với bức tranh, từ khi hai người còn là những người bạn thân cho đến khi đã về sống chung một nhà. Bức tranh đã chứng kiến 30 năm hạnh phúc của cặp đôi.

Bức tranh “Chuyến khởi hành bí mật của Ivan khủng khiếp trước Oprichina” được treo trong nhà của ông bà Tracy tại bang Connecticut, Hoa Kỳ.

Và chỉ tới khi, ông David, một chuyên gia phân tích tài chính cùng bà Gabby, một giáo viên trung học, nghỉ hưu và quyết định dọn tới một căn chung cư nhỏ ở tiểu bang Maine năm 2017, cặp vợ chồng mới quyết định bán tác phẩm yêu quý và biết được gốc tích thực sự của bức tranh.

Cặp vợ chồng hy vọng sẽ kiếm được tiền từ bức tranh (được công ty đấu giá thẩm định ở mức khoảng 5.000 USD) như một khoản hưu trí của họ. Nhưng một nhà nghiên cứu tại Công ty đấu giá Potomack ở thành phố Alexandria thuộc tiểu bang Virginia đã phát hiện ra rằng bức tranh đã bị đánh cắp từ một bảo tàng ở Ukraine khi Đức Quốc xã chiếm đóng năm 1941, trong Thế chiến II.

Hóa ra bức tranh sơn dầu vẫn được treo trong nhà của ông bà Tracy là bức tranh gốc, vẽ năm 1911, của họa sĩ nổi tiếng Mikhail Panin người Nga, có tựa đề “Chuyến khởi hành bí mật của Ivan khủng khiếp trước Oprichina” – đã biến mất khỏi Bảo tàng Nghệ thuật Dnepropetrovsk tại Ukraine trong Thế chiến II, theo thông cáo báo chí từ Văn phòng Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ tại Washington.

Bảo tàng tại Ukraine đã gửi một email khẩn cấp cho công ty Potomack vào ngày 17-11-2017, một ngày trước khi cuộc đấu giá đã được lên lịch: “Xin vui lòng ngừng bán bức tranh này tại cuộc đấu giá”. Tới thời điểm này, ông bà Tracy mới được thông báo về gốc tích của bức tranh.

“Đây quả là một cú sốc lớn. Ban đầu, tôi nghĩ rằng bức tranh chỉ là một bản sao chép”, bà Gabby Tracy nói với phóng viên Laura Ly của CNN.

Bức ảnh được cung cấp cho cơ quan công tố Mỹ cho thấy bức tranh của họa sĩ Mikhail N. Panin được trưng bày năm 1929 tại Bảo tàng nghệ thuật Dnepropetrovsk ở Ukraine.

Hành trình của bức tranh “Bạo chúa Ivan”

Trợ lý giám đốc phụ trách Văn phòng Washington của FBI, bà Richard McNamara, cho rằng tác phẩm nghệ thuật này quan trọng không chỉ vì giá trị tiền bạc mà còn vì vị trí của nó trong thế giới nghệ thuật và văn hóa.

Họa sĩ Mikhail Nikitich Panin (1877-1963) là một nghệ sĩ danh dự của Liên Xô (cũ) và là thành viên của Liên minh Nghệ sĩ Liên Xô. Ông cũng là người sáng lập một trường nghệ thuật ở Yekaterinoslav (nay là Dnepropetrovsk, một thành phố của Ukraine) và giảng dạy về hội họa tại đây từ năm 1925 tới 1958, giúp phát triển nhiều nghệ sĩ tài năng sau này.

Người họa sĩ này đã mô tả lại cảnh vị sa hoàng đầu tiên của Nga và những người trung thành với ông bí mật rời Điện Kremlin đến một thành phố khác của Nga năm 1564. Vị Nga hoàng nổi tiếng là người có năng lực và tài trí, nhưng cũng là một bạo chúa đã giết hại nhiều người trong cơn thịnh nộ của mình, bao gồm cả con trai cả của ông, Hoàng tử Ivan Ivanovich. Chính vì vậy, Ivan IV được đặt biệt danh là Ivan Grozny (Grozny dịch sang tiếng Anh tương đương terrible) hay còn được gọi là Ivan khủng khiếp hoặc Ivan bạo chúa.

Tuy nhiên, cho tới nay, ông vẫn là một trong những vị lãnh đạo gây tranh cãi nhất nước Nga, bởi trong 37 năm cầm quyền, Ivan IV đã đạt được nhiều thành quả cho đất nước. Còn trong văn học dân gian Nga, vị Sa hoàng này không phải là bạo chúa mà là hiện thân của chính nghĩa, của người bảo vệ dân chúng khỏi bè lũ quý tộc quan lại thối nát.

Theo trang Russiapedia của Hãng tin Nga RT, hành trình rời Moscow của vua Ivan bạo chúa khởi nguồn từ những nghi ngờ của nhà vua về việc các nhà quý tộc Nga đầu độc người vợ yêu quý của ông, bà Anastasia và âm mưu lật đổ ngai vàng. Sau khi rời Moscow vào mùa đông năm 1564, Ivan IV đột ngột tuyên bố muốn thoái vị. Người dân nước Nga lo sợ và kêu gọi ông trở lại. Sau những cuộc đàm phán kéo dài, Ivan IV đồng ý quay về nhưng với điều kiện, yêu cầu quyền tuyệt đối được trừng phạt bất cứ ai ông cho là không trung thành.

Kể từ đó, vị sa hoàng này đã thành lập công cụ mới nhằm kiểm soát quyền lực, một hệ thống được gọi là Oprichnina mà trong đó, những thành viên của Oprichnina (hay còn gọi là đội cận vệ của Ivan) có thể được coi như lực lượng cảnh sát đầu tiên của Nga.

Mặc quần áo đen và cưỡi ngựa đen, đội cận vệ này lan tỏa nỗi kinh hoàng đối với giới quý tộc trên khắp nước Nga, hành quyết bất cứ ai không hài lòng với Sa hoàng Ivan IV, đồng thời tịch thu đất đai và của cải của họ. Chính những ghi chép sử này là nguồn cảm hứng để họa sĩ Mikhail Panin vẽ nên bức tranh tuyệt vời nêu trên.

Bà Elizabeth Haynie Wainstein, chủ sở hữu của Công ty đấu giá Potomack, cho biết lịch sử của bức tranh gần như chưa được biết tới tại phương Tây. Do đó, công ty bà đã gặp khó khăn trong việc xác định tác phẩm nghệ thuật đến từ đâu. Sau đó, một nhà nghiên cứu đã tìm thấy một tài liệu tham khảo về bức tranh trong một ấn phẩm cũ của Nga nói rằng bức tranh đã bị phá hủy. Tác phẩm này không được liệt kê là bị đánh cắp trên sổ đăng ký lưu giữ trong thế giới nghệ thuật.

Các nhà nghiên cứu đã đưa hình bức tranh lên Internet để thăm dò ý kiến từ các chuyên gia trên toàn cầu và từ đó nhận được phản hồi từ một bảo tàng ở Ukraine, nơi cung cấp thông tin về bức tranh được treo trong một cuộc triển lãm tại thành phố Dnepropetrovsk vào năm 1929 (khi đó là Bảo tàng nghệ thuật Thành phố Ekaterinoslav). Bức tranh cũng được liệt kê trong danh sách các tác phẩm nghệ thuật của bảo tàng thành phố được đưa đến Đức bởi quân đội của Hitler.

Internet đã giúp đưa những bức tranh bị đánh cắp như vậy ra ánh sáng, tạo điều kiện cho chúng được trở về quê hương. Khi các nghệ thuật đang được tìm thấy ở các khu vực, điều quan trọng là chúng được trả lại vị trí cũ, bà Wainstein cho biết.

FBI vào cuộc

Nhiệm vụ tiếp theo trong việc xác minh bức tranh có thực sự thuộc về Ukraine hay không thuộc về các đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI).

Theo hồ sơ của văn phòng Tư pháp quận Columbia (bang Washington), các đặc vụ liên bang đã xác định rằng một cựu thành viên của quân đội Thụy Sĩ trước đây đã sở hữu ngôi nhà ở Ridgefield mà ông Tracy mua năm 1987. Người đàn ông này (được giấu tên) đã di cư sang Hoa Kỳ năm 1947 và sau đó bán ngôi nhà kèm bức tranh cho một cặp vợ chồng năm 1962. Cặp vợ chồng này cuối cùng đã chuyển tới Arizona và để lại bức tranh cho David Tracy. Trong khi đó, người đàn ông Thụy Sĩ đã chết năm 1986 mà không có con cháu.

Tranh vẽ chân dung Sa hoàng Nga Ivan IV Vasilyevich.

Chưởng lý quận Columbia, bà Jessie K. Liu nói với CNN rằng, sự phục hồi tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp trong Thế chiến II đã cho thấy cam kết của cơ quan tư pháp trong việc theo đuổi công lý cho các nạn nhân trong các vụ án tại Mỹ cũng như ở nước ngoài. “Việc cướp bóc di sản văn hóa trong Thế chiến II rất bi thảm, và chúng tôi rất vui khi có thể hỗ trợ việc trả lại những tác phẩm đó cho chủ sở hữu hợp pháp của chúng”, bà Liu cho biết.

Biết được về gốc tích bức tranh, Gabby Tracy không thể không thắc mắc liệu người cựu sĩ quan Thụy Sĩ có nhận được bức tranh như một phần thưởng cho việc đưa một số binh lính phát xít qua Thụy Sĩ (một quốc gia trung lập trong Thế chiến II)?; cũng như cách ông ta vận chuyển bức tranh với kích thước rất lớn.

Bà Gabby Tracy nói rằng, tiểu sử của bức tranh liên quan đến Đức quốc xã đã khiến bà không khỏi xót xa khi chính bản thân cũng là một người sống sót sau thảm họa diệt chủng. Bà Gabby sinh ra ở Slovakia và được đưa đến một khu ổ chuột Do Thái ở Budapest (thủ đô của Hungary) khi mới khoảng 9 tuổi. Cha của bà, Samuel Weiss, đã chết trong trại tập trung còn bà may mắn được giải phóng vào cuối Chiến tranh thế giới thứ II (năm 1945).

Tuy nhiên, một điều đáng ghi nhận hơn cả, ông bà Tracy đã không tranh chấp việc chính quyền Hoa Kỳ tịch thu bức tranh theo luật định để trao trả cho Ukraine. Cặp đôi người Mỹ còn hy vọng sẽ có dịp đến thăm bức tranh gắn bó với họ 30 năm qua vào một ngày nào đó tại Ukraine.

“Đây chưa bao giờ là một điều lăn tăn trong tâm trí chúng tôi bởi việc trả lại là một việc làm yêu nước đúng đắn. Thực tế là bức tranh đã bị đánh cắp từ một tổ chức hợp pháp, chúng tôi rất vui khi làm điều đúng đắn”, bà Gabby Tracy khẳng định.

Cuối cùng, công tố viên thuộc Văn phòng Chưởng lý Mỹ của quận Columbia ngày 20-12 vừa qua công bố thông báo tịch thu chính thức bức tranh để đảm bảo không ai khác tuyên bố quyền sở hữu trước khi FBI trao lại bức tranh cho Ukraine.

Trong một tuyên bố bằng văn bản, Đại sứ quán Ukraine cảm ơn cặp vợ chồng Tracy và các quan chức Hoa Kỳ đã giúp phục hồi bức tranh và cho rằng, việc hồi hương bức tranh là ví dụ đầu tiên về thành tựu hợp tác Mỹ-Ukraine ở cấp chính thức trong việc trả lại các vật thể văn hóa bị đánh cắp.

Ông Valeriy Chaly, Đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ, cũng bày tỏ lòng biết ơn đến ông bà Tracy trong một bài đăng trên Facebook, mô tả việc họ sẵn sàng trả lại bức tranh như một minh chứng sống động về tình hữu nghị giữa người Mỹ và người dân Ukraine và là ví dụ hoàn hảo cho việc thiện chí và nghệ thuật sẽ giúp xây dựng những cây cầu vững chắc hơn giữa các quốc gia.

Thùy Dương
.
.