“Cha đẻ” của bộ môn bóng rổ phổ biến khắp thế giới

Thứ Sáu, 23/06/2017, 15:13
Bóng rổ đã có bề dày lịch sử gần 1,3 thế kỷ, trở thành bộ môn thể thao thịnh hành nhất trên thế giới chỉ sau bóng đá. Vậy ai là người phát minh ra trò chơi được ưa chuộng ở khắp mọi nơi này?

Đó là tiến sĩ James Naismith (1861-1939) người Mỹ gốc Canada, vị giáo sư khả kính được lịch sử tôn vinh là “cha đẻ” của bộ môn bóng rổ phổ biến khắp hành tinh. Vốn là một giáo viên thể chất giàu kinh nghiệm tại Trường Đại học McGill danh tiếng ở Montreal (Candada), cuối năm 1890 giáo sư J. Naismith được mời sang giảng dạy tại Trường Đào tạo quốc tế (YMCA) ở Springfield (tiểu bang Massachusetts, Mỹ).

Trước đó trong vai trò là một vận động viên tự do, J. Naismith đã tham gia thi đấu và giành được những thứ hạng cao trong các bộ môn thể thao đại chúng như quần vợt, bóng bầu dục, bóng đá và thể dục dụng cụ ở quê nhà Canada.

Vào thời ấy các trò chơi vận động thể chất, cũng như các môn thể thao chủ yếu được thực hiện ngoài trời, nên trong suốt những tháng mùa đông kéo dài các sinh viên không được tập luyện để nâng cao thể lực. Giáo sư Luther Gulick (1865-1918), Trưởng Khoa Giáo dục thể chất của YMCA liền đề nghị tiến sĩ J. Naismith, thầy giáo dạy thể dục duy nhất chưa lập gia đình dành thời gian nghiên cứu tạo ra một môn thể thao nào đó, đáp ứng điều kiện trong nhà khiến sinh viên có thể tập luyện và tham gia thi đấu được.

Tiến sĩ J. Naismith giới thiệu các quy tắc cơ bản của môn thể thao mới trong tháng 1-1892.

Thoạt tiên J. Naismith nghĩ đến việc cải tiến các môn chơi đang thịnh hành như bóng bầu dục, khúc khôn cầu trên cỏ, hay bóng chày... nhưng rồi thấy các trò này đều quá “thô bạo” không phù hợp với không gian trong nhà. Sau một thời gian tìm tòi sáng tạo, đến giữa mùa đông năm 1891 thầy giáo J. Naismith đã giới thiệu bộ môn thể thao mới được ông đặt tên là “basketball” (bóng rổ), mô phỏng trò chơi “Duck On Rock” (vịt trên đá) của trẻ con da đỏ châu Mỹ. Để rồi vào ngày 20-1-1892, trận đấu bóng rổ đầu tiên gồm J. Naismith cùng 9 sinh viên của Trường YMCA, được chia thành 2 đội thi đấu trong nhà với kết quả tỷ số là 1-0 nghiêng về đội của thầy giáo J. Naismith.

Sân bóng rổ trong nhà đầu tiên trên thế giới ở trường YMCA, nay thuộc trường Springfield College.

Trước đó 5 ngày, tiến sĩ J. Naismith đã công bố 13 điều luật cơ bản của trò chơi mới trước toàn thể nhà trường, do ông soạn thảo với những quy định cụ thể như bóng dùng trong các trận tranh tài là loại bóng đá da mềm, giỏ để ném bóng vào ghi điểm là sọt chuyên dụng đựng trái đào vốn phổ biến trong vùng New England phía đông bắc Hoa Kỳ. 

Để tránh sự va chạm tối đa giữa các cầu thủ trên sân, rổ bóng được đặt trên độ cao “khó với” là 10 feets (3,05m) tính từ mặt sân tới cạnh trên của vòng rổ. Độ cao tiêu chuẩn này vẫn được áp dụng cho tới ngày nay.

Bước sang đầu thế kỷ XX, Bộ Giáo dục Mỹ quy định tất cả các trường học trên cả nước, kể từ bậc trung học phổ thông trở lên đều phải có sân bóng rổ trong nhà, tạo điều kiện để trò chơi thể thao này phát triển thành bộ môn thi đấu chuyên nghiệp quy mô toàn quốc.

Bức tượng tôn vinh “cha đẻ” bộ môn bóng rổ J. Naismith tại thị trấn Almonte, thuộc tỉnh Ontario quê hương ông.

Về phần tiến sĩ J. Naismith, ngay lúc sinh thời ông đã có diễm phúc chứng kiến trò chơi thể thao do mình sáng tạo ngày càng thịnh hành trong công chúng. Từ năm 1904,  bóng rổ là một trong những môn thể thao trình diễn tại các kỳ Thế vận hội. Đến dịp Olympic lần thứ XI ở Berlin (Đức) trong năm 1936, bóng rổ đã trở thành bộ môn được đưa vào chương trình thi đấu chính thức. Bản thân “cha đẻ” của bóng rổ J. Naismith lúc ấy đã 74 tuổi, vẫn có mặt tham dự và trao huy chương trong trận chung kết.

Cùng với thời gian, bóng rổ do giáo sư thể dục J. Naismith phát minh ra đã lọt vào danh sách các môn thể thao phổ biến nhất, với hơn 300 triệu người trên hành tinh thường xuyên chơi bóng rổ hằng ngày.

Quang Long (tổng hợp)
.
.