Chính sách cho nghệ nhân: Đừng để quá muộn…

Thứ Sáu, 25/09/2015, 16:20
Theo dự kiến, tháng 9 này sẽ diễn ra lễ công bố, vinh danh hơn 600 Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) cho các nghệ nhân trong lĩnh vực văn hoá phi vật thể. Câu chuyện phong danh đã từng là một chủ đề được nhắc đến khá nhiều này, một lần nữa lại… dậy sóng. Chính sách phong tặng cho mấy trăm nghệ nhân dù chưa được thực hiện song đã diễn ra nhiều cuộc tranh luận bởi tính bất cập và nhiều yếu tố chưa hợp lý cho những nghệ nhân cao tuổi.

Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với một số nghệ nhân cao tuổi cũng như một số nhà chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể.

Chờ phong NNND thì có lẽ tôi… không còn sống trên đời nữa

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ sinh năm 1923 tại Hải Dương trong một gia đình có truyền thống đào đàn, cha là tay đàn nức tiếng và mẹ là ca nương nổi danh cả một vùng. Như một lẽ thường tình, cụ được cha mẹ truyền dạy ca trù từ những năm thơ bé. 10 tuổi, cụ và anh trai của mình đã học đàn, học hát một cách bài bản, trực tiếp từ ông nội là nghệ nhân Nguyễn Phú Tằng và cha là nghệ nhân Nguyễn Phú Quỳnh. Đối với cụ, ca trù không chỉ là mối duyên đơn thuần mà nó là cái nghiệp cần duy trì và phát huy của cả một gia đình, dòng tộc.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ.

Đã ngót 80 năm trong nghề, nên trình độ chơi đàn đáy của cụ là độc nhất vô nhị. Giới chuyên môn và công chúng yêu ca trù phong danh cụ là "Đệ nhất danh cầm", bởi ở cụ có những ngón đàn được công nhận là độc chiêu. Các ngón nhấn, chùn, rung, vấy, chụp... của đàn đáy, cụ Đẹ đã đạt đến độ tuyệt kỹ. Lối đàn "hàng huê" của cụ khiến cho nhiều ca nương phải "rung phách". Cho đến nay, cụ Đẹ là người duy nhất còn có thể đeo đàn đứng hát trong nghi lễ hát ca trù Cửa đình, một lối hát được tổ chức vào những dịp lễ hội kỷ niệm ngày sinh, ngày hóa của các vị thành hoàng làng.

Gần trọn cuộc đời gắn chặt với những thanh âm "tom - chát"... tâm nguyện lớn nhất của cụ là lưu lại được tiếng đàn cho đời và truyền lại được cái "lửa" của ca trù cho thế hệ sau. Một số học trò được cụ truyền dạy như ca nương Phạm Thị Huệ, nghệ nhân Phạm Đình Hoằng, cũng như rất nhiều nghệ nhân ở các vùng miền như Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng... đã bắt đầu có những thành tựu được giới chuyên môn đánh giá cao.

Mấy chục năm gắn bó và truyền dạy, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ được trao tặng danh hiệu NNƯT trong đợt này. Khi được hỏi về danh hiệu này, cụ nói trong âm giọng buồn rầu: "Thành thật mà nói, nếu chỉ là NNƯT thì quá bình thường cô ạ. Không phải là tôi chê, mà hơn 80 năm cầm đàn, dạy học trò, bây giờ gần đất xa trời, mình cũng chỉ bằng học trò của mình thôi. Ngồi ngang chiếu, có nghĩa là cái công sức mình, cái tuổi tác mình nó không có giá trị. Cả một đời tích lũy, điều này có dễ đâu. Nếu được là nghệ nhân nhân dân (NNND), thì là điều an ủi lớn nhất. Mình sống với dân, lớn lên cùng dân, và cũng muốn tồn tại với nhân dân. Tôi năm nay đã 93 tuổi ta, sống được ngày nào hay ngày đó, làm sao mà chờ mấy năm nữa, rồi lại phải tham gia các cuộc thi có huy chương vàng này nọ thì mới được trao tặng danh hiệu NNND, thì quá sức mình. Sợ cũng không sống nổi đến cái ngày ấy.

Cũng qua đây tôi mong muốn nhà nước động viên không chỉ tinh thần mà hỗ trợ thêm vài đồng. Chứ bây giờ, tôi có ba người con thì đều làm nông nghiệp, con cái mình nó nuôi thân đã khó, giờ còn nuôi cả thân già như mình, cũng tội lắm. Tôi ở với con gái út, may nhà gần đường, mở cái hiệu tạp hóa bán rau cỏ, bim bim cho trẻ con, lãi được dăm trăm, một nghìn đồng cũng là may, còn có việc làm kiếm đồng ra đồng vào, thôi thì mình cũng còn có ích cho chúng nó. Đời sống, chả có gì đòi hỏi đâu, ăn uống giờ tôi cũng chả thiết gì, rau cỏ cũng xong, tằn tiện thì cũng đủ chi tiêu trong 180 nghìn đồng tiền tuổi cao được hỗ trợ cho các cụ, giờ mà được thêm vài đồng tiền hỗ trợ từ nghề ca trù cả đời mình đeo đuổi thì cũng có cái vui, cái hạnh phúc mà đỡ mang tiếng sống ăn bám con. Cái đời sống nghĩ lắm lúc cực quá. Mình cũng cố gắng mà giữ được di sản của ông cha từ trước nhưng cực, bởi vậy mà con cái của tôi không ai đi theo được nghề cả, không đủ ăn.

Điều may mắn và hạnh phúc là thỉnh thoảng học trò ở xa về cho dăm ba đồng tiêu vặt, cho đi đây đi đó. Bây giờ tôi vẫn còn chơi đàn được, chỉ bảo được nên nhiều học trò vẫn tranh thủ về học thêm thầy. Đợt vừa rồi, các học trò có nói chuyện tôi được phong tặng NNƯT đợt này, vui thì vui thật, cơ mà niềm vui không trọn vẹn. Nếu được đặc cách cho lên NNND thì tôi sung sướng lắm, cũng an nhiên mà về cõi với tổ tiên. Chứ chờ đến năm này qua năm khác, nó mỏi mòn, mà tuổi già thì biết thế nào, đành phó thác cho số phận thôi chứ cũng không biết làm thế nào cả”.

"Chúng tôi bị bỏ quên rồi?"

Sau một năm nghệ thuật hát ca trù ở nước ta được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới thì bất ngờ người ta phát hiện ra ở Chanh Thôn thuộc xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên cũng đã có phường hát ca trù từ trước Cách mạng tháng Tám. Có thuở số ca nương ở đây khá đông, tới 32 người, cùng với đó là 17 kép đàn rất điêu luyện. Vậy mà số nghệ sĩ này rơi rụng dần, sau 60 năm chìm lấp trong chiến tranh và sự hối hả của cuộc mưu sinh...

Nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu và bằng chứng nhận Nghệ nhân dân gian của bà Khướu.

Và, câu lạc bộ ca trù (CLB) của làng Chanh Thôn ra đời từ đó, với 3 nghệ nhân dân gian được cấp giấy chứng nhận và làng trở thành một địa chỉ hát ca trù để mọi người tìm đến. Càng bất ngờ hơn, vào năm 2009 làng cử 4 nghệ nhân đi dự hội diễn thì cả 4 đều đoạt Huy chương Vàng và một bằng khen cho tập thể CLB.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh vui mừng nói rằng, ca trù Chanh Thôn là vật báu quốc gia. Ở đây các nghệ sĩ còn giữ được nguyên bản vốn ca trù cổ. Họ là một pho sử sống, bảo tàng sống về văn hóa dân gian. Nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu, hiện là người dạy hát chính cho lớp con cháu tham gia CLB. Chính bà là ca nương xinh đẹp đã rời ca quán, tham gia chiến đấu và trở thành cô du kích hết sức gan dạ.

Bà hồ hởi tâm sự, bà cũng không hiểu sao từ ngày đó phường ca trù của làng bị tan rã. Mới ngày nào còn là các ca nương ở tuổi đôi mươi, giờ đây đã lên ông lên bà, nhưng vẫn nhớ các làn điệu ca trù. Thỉnh thoảng mấy người rủ nhau hát cho đỡ quên và tự an ủi vì một thời đã nổi đình nổi đám hát ca. Thật là may sau khi CLB thành lập, bà Khướu cùng với bà Vượn và kép đàn duy nhất còn lại là ông Khoái được mời đến truyền dạy cho các con cháu để giữ lấy cái vốn ca trù và cũng là vốn quý của ông cha để lại. Năm 2007, CLB được thành lập, các nghệ nhân cũng đều đã ở tuổi cập kề 80. Ai cũng say sưa hát và truyền dạy cho con cháu.

Thậm chí nghệ nhân Khướu đã vận động cả cháu nội tham gia CLB để mong có người nối nghiệp. Bà nhớ gia đình mình đã năm đời theo nghiệp ca trù, từ bà nội đến cha đều là những nghệ nhân nổi tiếng cả một vùng. Ca nương Nguyễn Thị Khướu ngày ấy rất tự hào vì có bà nội đã đạt nhiều giải thưởng và được mời vào Huế hát cho vua quan nghe. Kể đến đó đôi mắt nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu thoáng buồn.

Bà chỉ lên bằng chứng nhận "Nghệ nhân Dân gian" nói, cùng với bà giờ chỉ còn nghệ nhân Nguyễn Thị Vượn nhưng tuổi đã cao, yếu lắm rồi. Cả hai đều đã ở tuổi 90. Nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu sinh năm 1928, không biết còn truyền dạy con cháu được bao năm. Nói đến chuyện Nhà nước vừa qua đã xét phong tặng danh hiệu NNƯT và NNND, đôi mắt bà Khướu bỗng trở nên nặng trĩu.

Bà nói giọng buồn buồn: "Cách đây mươi năm, nào giáo sư nọ, nhạc sĩ kia đến làng coi trọng chúng tôi là những kho báu quốc gia. Ai cũng hứa nào chế độ, nào danh hiệu nhưng rồi tất cả đều rơi vào quên lãng. Mà cũng phải thôi, họ bận những công to việc lớn mà. Chúng tôi chỉ là con đào con hát ngày xưa cổ giả lắm rồi. Bà nói dỗi và rơm rớm nước mắt. Sau đó bà bất ngờ bộc bạch: "Mà họ đánh giá chúng tôi là một kho báu đấy chứ. Nhưng báu với bở gì đâu. Chả có gì thì thôi, nhưng lo giữ gìn và bảo vệ cái kho báu ấy, thì họ cũng thờ ơ lắm. Chúng tôi bị bỏ quên rồi...".

Khi tôi đem chuyện các cụ ở Chanh Thôn được phong tặng NNƯT đợt này, ánh mắt cụ Khướu lóe lên hy vọng: "Thế là cùng với bằng NNND (do Hội Văn nghệ Dân gian trao tặng - PV), giờ tôi có thêm bằng NNƯT, thế là cái nào to hơn cái nào hả cô? Cũng mong Nhà nước ưu tiên cho, chứ tuổi già chẳng biết thế nào mà lần, sớm nắng chiều mưa, trời gọi đi lúc nào thì biết lúc ấy thôi...".

Chính sách cho nghệ nhân, chuyện đã quá muộn...

Nhà nghiên cứu cổ nhạc Bùi Trọng Hiền, một người dành tất cả tâm huyết cho việc giữ gìn vốn cổ của các nghệ nhân đã chia sẻ: Chính sách là do người làm luật, và tôi cho rằng, bản thân người làm luật cũng không hiểu hết tầm quan trọng của vấn đề bảo tồn và phát huy di sản của nghệ nhân để lại. Bởi thế đã gây nên những bất cập, bất công trong việc phong tặng danh hiệu, thầy bằng trò.

Bản thân sự thẩm định cũng không chuẩn xác, không chuẩn xác từ khâu dưới, có người xứng đáng, người không xứng đáng, thực tế là những người trong hội đồng cấp cao cũng không thẩm định được hết, vì họ có đi sâu, đi sát đâu mà biết. Tất cả là từ giấy tờ ở cấp cơ sở mang lên và xét là xét trên giấy tờ. Mà đôi khi có những nghệ nhân, phải đi sâu mày mò trong dân mới biết, mới tìm thấy họ. Điều này gây ra những bất cập. Mới đây tôi nhận được tin nhắn của một người, không hiểu sao mà biết điện thoại nhắn tin, gọi điện cho tôi, xưng là Đinh Thị Kiều Dung, NNND ở Hòa Bình, bà muốn đề nghị xem lại giúp hồ sơ của tôi đề nghị xét tặng NNƯT.

NSND Lê Tiến Thọ.

Bà chia sẻ là xét cấp Bộ của bị loại có lẽ chưa thoả đáng vì đã mở rất nhiều lớp truyền day cồng chiêng, và hát dân ca Mường, tự nguyện từ năm 2004, còn có thành tích huy chương vàng của Trung ương có đến vài chiếc, vậy tiêu chuẩn của bà phải cống hiến như thế nào mới xứng đáng được xét? Bà cũng mong được các cấp dành thời gian về quê hương bà nghe những người dân họ chia sẻ về những người có tâm huyết giữ gìn bản sắc văn hóa Mường ở Hòa Bình để họ được có những nghệ nhân được phong tặng. Đấy chỉ là một trong số những lời "kêu cầu" vì những điều chưa thỏa đáng trong việc phong tặng. Đó là những người ở gần Hà Nội, có thông tin, còn những người ở vùng sâu vùng xa thì sao?

Ngoài ra cũng không có đặc cách cho những người đã cao tuổi được hưởng danh hiệu cao nhất, bởi vì những người như cụ Nguyễn Phú Đẹ, đã ngoài 90 tuổi, kép đàn nhà nghề cuối cùng còn sót lại của thế kỷ XX mà hiện vẫn thực hành di sản trong giới nghề, còn ai xứng đáng NNND hơn nữa? Hay như cụ Lưu Hữu Thi, người cuối cùng của âm nhạc cung đình Huế, đã ngót 100 tuổi. Hay nghệ nhân chỉnh chiêng xuất sắc nhất của cồng chiêng Tây Nguyên Rơ-Chăm-Uất cũng gần 90 tuổi rồi. Họ tuổi cao chờ đến bao giờ mới được phong tặng NNND. Bởi vì từ NNƯT lên NNND phải có ít nhất 2 huy chương vàng, vậy, ai sẽ là người chấm huy chương cho họ, những người có đẳng cấp cao nhất trong nghề, để phong tặng họ? Ngoài ra, tôi nghĩ nên có bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội hoặc phải có lương cho nhưng nghệ nhân cao tuổi, để được an ủi tuổi già và để họ còn cảm thấy được ưu ái vào những tháng năm cuối đời vì những cống hiến cho nghệ thuật.

Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, một người từng nắm giữ những trọng trách trong ngành văn hóa, khi nói về chính sách cho nghệ nhân đã khẳng định: Tất cả mọi điều luật đều do con người xây dựng nên, và khi xã hội cần thì phải điều chỉnh trên cơ sở thực tế xã hội. Cái gì chưa làm được thì rút kinh nghiệm để hoàn thiện, tôi nghĩ điều này cũng là để giải quyết thỏa đáng những quyền lợi chính đáng cho các nghệ nhân dân gian, những báu vật sống của nhân loại mà không phải thời nào cũng có được.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.