Liên hoan NTSK về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”: Chuyện của những nhà tổ chức

Thứ Hai, 20/07/2015, 18:05
Liên hoan nghệ thuật sân khấu về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” đã đi được hơn nửa chặng đường, 15 vở đã được công diễn vào các buổi sáng và tối tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội với những hàng ghế chật kín người xem. Có những giọt nước mắt đồng cảm đã rơi xuống, có những tiếng cười giòn tan như hòa cùng hạnh phúc, có những tràng vỗ tay dài mãi không dứt sau những cảnh diễn đầy nội tâm, đầy thăng hoa, đầy nghĩa tình trên sân khấu với hình ảnh những người chiến sĩ CAND.

Có thể khẳng định rằng, Liên hoan đã mang đến cho khán giả một diện mạo đầy đủ và toàn vẹn về hình tượng Người chiến sĩ CAND với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Và đã hơn nửa chặng đường đi qua, nhưng ít ai biết rằng, để có được thành công của các vở diễn, là sự kết hợp tài tình và đầy sự thấu hiểu giữa Ban Tổ chức (BTC) và các Nhà hát, các Đoàn nghệ thuật tham gia Liên hoan…

NSƯT Đinh Minh Mẫn (Trưởng Đoàn văn công Đồng Tháp): 2.000km hạnh phúc

Đây là lần thứ hai chúng tôi được vinh dự mang tác phẩm cải lương "Cũng là tình yêu" đến với Liên hoan Sân khấu toàn quốc về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”. Đây là vở cải lương kể về sự sai lầm, sa ngã của một cô gái hành nghề mại dâm. Trải qua rất nhiều những sóng gió, cuối cùng bằng sự giáo dục cải tạo của các chiến sĩ công an, cô nhận ra được sai lầm của mình. Vở cải lương đề cao lòng nhân ái, bao dung, nói về một niềm tin tốt đẹp, hướng vào chân, thiện, mỹ và tình yêu giữa con người và con người.

Điều đặc biệt là trong vở cải lương này, hầu hết có sự tham gia của nhiều diễn viên trẻ, trong đó có nghệ sĩ Minh Trường vừa đoạt Huy chương Vàng vọng cổ năm 2014, nghệ sĩ Mỹ Vân đoạt Huy chương Vàng xuất sắc giải Trần Hữu Trang.

Một cảnh trong vở “Phía sau tội ác”.

Thực ra, ngay khi nhận được thông báo của BTC, chúng tôi đã đăng ký tham gia, mặc dù biết chắc rằng, với số tiền hỗ trợ 150 triệu đồng cho vở diễn và 70 triệu cho ăn ở đi lại với 45 con người thì không đủ. Nhưng tôi vẫn nói vui với anh em, Đoàn Văn công Đồng Tháp vốn đã tồn tại trên 50 năm và trước đây đi biểu diễn nhiều lần ở Hà Nội còn phải mang võng theo để giữa đường mắc ngủ.

Đường đi đúng 2.000 km, chúng tôi phải mất 3 ngày 3 đêm mới đến nên đợt liên hoan này, hai ôtô của chúng tôi xuất phát và chỉ dừng lại để nghỉ ngơi ăn uống chứ không rề rà để đến kịp biểu diễn. Thực ra thì số tiền của BTC hỗ trợ không đủ để chi phí cho cả đoàn đâu, dù là chúng tôi tiết kiệm tối đa, chỉ đi bằng ôtô chứ không đi bằng máy bay như các đoàn khác. Dù vậy chúng tôi vẫn tiếp tục tham gia vì trước đó đã dự Liên hoan Sân khấu của Lực lượng Công an, và tôi thực sự cảm thấy có một niềm say mê.

Không chỉ thế, các diễn viên của đoàn chúng tôi cũng đã hào hứng tập hơn 2 tháng trời nay để đi biểu diễn. Thực sự, cũng là một đoàn chịu khó tham gia các cuộc thi, các chương trình liên quan đến cải lương, nhưng tôi cảm nhận rằng Liên hoan nghệ thuật sân khấu về “Hình tượng Người chiến sĩ Công an” do Bộ Công an tổ chức rất chu đáo, cho nên dù xa xôi chúng tôi vẫn đăng ký tham gia.

Ban đầu các diễn viên trẻ cũng có áp lực, cảm thấy "run" trước các đàn anh, đàn chị là các nhà hát Trung ương, nhưng tôi vẫn nói, chúng ta đi là để giao lưu học hỏi, được giải thì tốt, không thì coi như một cuộc học tập, trao đổi kinh nghiệm. Chúng tôi may mắn là ngoài sự động viên của BTC còn được sự quan tâm hết mức của Sở Công an, Sở Tài chính, UBND tỉnh Đồng Tháp. Trước khi đi, chúng tôi cũng đã có hai đêm diễn phục vụ các chiến sĩ công an cũng như các ban ngành ở tỉnh và thực sự là ai cũng cổ vũ nhiệt tình làm cho chúng tôi cảm thấy được động viên cũng như yên tâm để "mang chuông đi đánh xứ người".

Thực sự mà nói, sau 3 ngày 3 đêm di chuyển, mệt bởi vì suốt 2.000 cây số ngủ trên xe, ăn uống dọc đường, điều kiện sinh hoạt thì tạm bợ, đợt này đường sửa nhiều nên ôtô khó chạy, chậm và vì thế đến Hà Nội lâu hơn dự định. Bản thân tôi, là trưởng đoàn và cũng không còn trẻ nữa, song vẫn quyết định đi cùng anh em cho vui, dù tiêu chuẩn của mình được ưu tiên hơn. Nhưng tôi khẳng định, dù trong liên hoan có được giải hay không, nhưng đoàn chúng tôi sẽ để lại ấn tượng với Ban Giám khảo, BTC, bởi vì chúng tôi có một điều bất ngờ dành cho Liên hoan, điều này thì đến hôm Liên hoan mọi người sẽ biết...

NSƯT Mỹ Uyên (PGĐ Nhà hát kịch sân khấu nhỏ TP HCM): Ban tổ chức trân trọng anh em văn nghệ sĩ

Khác với các nhà hát và đoàn nghệ thuật nhà nước, chúng tôi là các đoàn xã hội hóa bởi vậy khi được BTC mời tham gia, là quyết định tham gia ngay, nhưng trong lòng cũng ngay ngáy một nỗi lo. Nỗi lo trước hết là kinh phí để đưa 24 con người đi lại, ăn ở tại Hà Nội, dù tiền hỗ trợ của BTC so với những cuộc thi, cuộc Liên hoan khác là hơn rất nhiều. Tôi còn nhớ, các đợt liên hoan sân khấu của Hội Sân khấu, bản thân các đoàn xã hội hóa của chúng tôi đều không tham gia, đơn giản bởi vì với số tiền 50 triệu đồng hỗ trợ thì chúng tôi phải tự bỏ tiền ra để làm mọi việc khác.

Thực tế thì với số tiền bán vé hàng đêm, chúng tôi chỉ đủ chi trả các hoạt động thường ngày, còn muốn có "một cục" để dành thì tuyệt nhiên chỉ là mơ ước. Ai cũng biết rằng, thời buổi này, sân khấu rất khó khăn mới bán được vé, dù yêu nghề và rất trọng nghề, song nếu không có kinh phí thì không làm gì được, mà chúng tôi thì không biết xin ai, đi vay thì phải trả, mà với số tiền bán vé xem kịch thì ngay một lúc có đủ để trả?

Nói như vậy không phải tôi kêu ca mà cũng không phải than nghèo kể khổ, nhưng với Sân khấu 5B Võ Văn Tần của chúng tôi, ngay khi được thông báo của BTC cuộc Liên hoan Sân khấu về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” đã khẳng định rằng, mình sẽ tham gia. Tôi thấy mình may mắn vì được các anh, các chú rất thương, hỗ trợ hết mức cho đoàn để có thể ra Hà Nội biểu diễn. Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Đại tá Đặng Văn Lân đã ủng hộ chúng tôi hết sức, động viên tinh thần, dù ban đầu tôi e ngại vì không biết có kham nổi liên hoan này không.

Với tôi, lần liên hoan trước đã đoạt Huy chương Vàng, và điều này rất có ý nghĩa với bản thân tôi, đó là một trong những điều kiện giúp tôi trở thành NSƯT. Bởi vậy Liên hoan lần này, ngoài sự cọ xát, tôi mong rằng các diễn viên trẻ ở đoàn chúng tôi sẽ có giải thưởng, trước là để vì màu cờ sắc áo, sau là vì chính bản thân các em ấy, có thành quả thì sẽ được ghi nhận danh hiệu, và đó là một trong những động lực giúp chúng tôi phấn đấu có một đêm diễn tốt…

Ông Vũ Tiến Thêm (Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa): Chúng tôi luôn chờ đợi các kỳ liên hoan của Lực lượng CAND

Chúng tôi tham gia hầu hết các Liên hoan Sân khấu về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”, trước hết là vì chúng tôi cảm nhận được các anh chị rất quan tâm đến anh em văn nghệ sĩ tham gia. Với số tiền 230 triệu đồng của BTC, chúng tôi xin thêm ở tỉnh và đủ cho 44 người ra Hà Nội tham gia Liên hoan. Không có tiền thì không làm việc gì, nhưng vừa có tiền, lại vừa được làm nghề thì không có điều gì mong muốn hơn.

Một cảnh trong vở “Cũng là tình yêu”.

Liên hoan về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” của Lực lượng Công an, nhưng thực tế, đó là một cuộc liên hoan chuyên nghiệp mang tầm vóc toàn quốc vì bản thân uy tín, danh hiệu của Liên hoan không khác gì các cuộc liên hoan sân khấu toàn quốc, giải thưởng, các huy chương vẫn đủ để trở thành một trong các tiêu chí đánh giá chức danh của nghệ sĩ.

Tôi mong rằng, nếu có một tiêu chí cụ thể, cũng như có một tiền lệ rõ ràng, thì chúng tôi sẽ có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ, để sẽ có những vở diễn tốt, kịch bản hay, để tham gia Liên hoan cho những lần sau. Bởi vì với sự quan tâm ưu ái của Lực lượng Công an, thể hiện và tái hiện lại phần nào những công việc, những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các anh là nhiệm vụ của người nghệ sĩ.

Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng Biên tập Báo CAND: Báo CAND vinh dự là Cơ quan thường trực cho cuộc Liên hoan này

Nói về Liên hoan Sân khấu về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" lần thứ III- năm 2015, tiếp theo Liên hoan lần thứ I (2005) và lần thứ II (2010), năm nay các đoàn nghệ thuật trong cả nước đăng ký đông hơn với nhiều loại hình nghệ thuật. Đã có 20 đoàn với 27 vở diễn với các loại hình từ kịch nói, thể nghiệm, dân ca, chèo, cải lương của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; đặc biệt Liên hoan lần này khác với hai lần trước là có các đoàn xã hội hóa ở TP HCM tham gia. Đoàn xa nhất là Đoàn Văn công Đồng Tháp, miền Trung có Nhà hát Nghệ thuật Ca Kịch Huế và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa. 27 vở diễn tham gia lần này, BTC cho phép các đoàn dựng lại vở cũ, nhưng chỉ có 4 vở dựng lại, còn 23 vở mới.

Báo CAND - Cơ quan thường trực của Liên hoan sân khấu, đã tham mưu cho Tổng cục Chính trị CAND để tổ chức thực hiện. BTC đã mời Hội đồng Giám khảo là các tên tuổi gạo cội như Giáo sư Tất Thắng, NSND Lê Hùng, NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Hoàng Cúc…, họ là những người có uy tín trong ngành Sân khấu với sự công tâm sẽ lựa chọn ra những vở diễn xuất sắc về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”.

Tôi cũng nhận thấy, các đoàn, các diễn viên tham gia lần này hồ hởi với các vai diễn công an. Hình ảnh các chiến sĩ Công an trên sân khấu đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân. Bởi qua xem các vở diễn dù với loại hình nghệ thuật nào, các tác giả và đạo diễn luôn tạo ra những mâu thuẫn đỉnh cao, xung đột trong tình cảm riêng tư của mỗi con người nhưng luôn có lối mở để khán giả thấy những người chiến sĩ CAND họ cũng là con người bằng xương bằng thịt và để giữ tròn phẩm giá, để đấu tranh giữa cái tôi và cái ta thì hình tượng Người chiến sĩ CAND luôn giữ vững bản chất, tác phong của mình, gác lại cái thiệt thòi của bản thân để giữ bình yên cho cuộc sống.

Thiên Kim
.
.