Nguyên mẫu của tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới dành cho tuổi thần tiên:

Đời thực không rực rỡ như trang sách

Thứ Hai, 23/04/2018, 22:10
Hào quang rực rỡ của tác phẩm “Alice ở xứ sở thần tiên” đã che mờ đi số phận bi kịch của cô tiểu thư Alice Liddell Hargreaves - nguyên mẫu cho nhân vật Alice, cũng như những bí mật đen tối của nhà văn kiêm nhà toán học Lewis Carroll.


Cuộc sống không thần tiên của nguyên mẫu “Alice ở xứ sở thần tiên”

“Alice ở xứ sở thần tiên” là một trong những tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng và có sức ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Cuốn sách được yêu mến bởi cả những độc giả nhí và những người trưởng thành kể về cuộc phiêu lưu kì ảo tới thế giới song song của cô bé Alice hiếu động.

153 năm đã trôi qua kể từ ngày nhà văn Lewis Carroll cho ra mắt “Alice ở xứ sở thần tiên” nhưng tác phẩm của ông vẫn tiếp tục để lại những dấu ấn không thể xóa nhòa trong cả lĩnh vực văn học và điện ảnh. Tuy nhiên, hào quang rực rỡ của tác phẩm này đã che mờ đi số phận bi kịch của cô tiểu thư Alice Liddell Hargreaves - nguyên mẫu cho nhân vật Alice, cũng như những bí mật đen tối của nhà văn kiêm nhà toán học Lewis Carroll.

Nhà văn L.Carroll, tác giả “Alice ở xứ sở thần tiên”.

Cô bé Alice Liddell chào đời năm 1852 và là con thứ 3 trong gia đình có 10 đứa con của cặp vợ chồng quý tộc Henry và Lorina Liddell. Năm 1855, ông Henry, lúc bấy giờ đang là hiệu trưởng của trường nội trú quý tộc Westminster, được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường Christ Church - một phần của Đại học Oxford danh tiếng. Ngay lập tức, gia đình nhà Liddell chuyển về sống tại biệt thự được cấp cho ông Henry tại Oxford. Gia đình cô bé Alice nhanh chóng trở thành ngôi sao của giới quý tộc Oxford thời đó.

Sinh trưởng trong một gia đình trí thức, cô bé Alice cùng những người anh chị em sớm được cha mẹ cổ vũ đọc sách để trau dồi kiến thức và tập tham gia vào những buổi gặp mặt của tầng lớp thượng lưu. Phu nhân Liddell - người thường xuyên bị móc mỉa bằng biệt danh “Nữ hoàng chài lưới” luôn mong các cô con gái của mình được gả vào những gia đình danh giá, chính vì vậy, bà huấn luyện các con những kĩ năng mềm từ rất sớm. Kết quả là từ khi còn nhỏ, Alice đã có thể giao tiếp với người lớn một cách rất bạo dạn và chững chạc.

Dù có sắc sảo đến mấy thì Alice cùng các chị em cũng chỉ là những cô bé. Cô và hai người chị em thân thiết nhất là Edith và Lorina thường xuyên chơi đùa và tìm mọi cách qua mặt người nhũ mẫu nghiêm khắc cùng đội quân gia nhân hùng hậu của gia đình Liddell. Chính trong một cuộc dạo chơi như thế, cô bé Alice đã gặp gỡ nhà văn Lewis Carroll, lúc này mới có 24 tuổi. Nhật kí của nhà văn đánh dấu ngày hai người gặp gỡ - 25/4/1856.

Nhà văn Lewis Carroll, tên thật là Charles Dodgson, vốn nổi tiếng vì yêu trẻ em. Điều này được chính ông thừa nhận trong cuốn nhật kí của mình: “Tôi vô cùng thích trẻ em (trừ các bé trai)”.

Ảnh 3 chị em Alice do nhà văn L.Carroll
chụp.

Tác giả của “Alice ở xứ sở thần tiên” cũng là một nhiếp ảnh gia; ông đầu tư xây dựng một studio gần Tom Tower với đủ thứ đồ chơi cho trẻ em để chúng không giận dỗi, quấy khóc hay sợ hãi khi ông chụp ảnh và những bộ trang phục đủ loại cho chúng mặc. Lewis thường xuyên chụp ảnh cô bé Alice và 2 trong số những tấm ảnh đó trở nên khá nổi tiếng: một tấm chụp cô bé hóa trang thành một em bé ăn xin, mặc bộ đồ rách rưới và đi chân trần. Tấm còn lại là hình Alice tạo dáng trong một bộ trang phục châu Á. Chính tình yêu có phần thái quá của Lewis dành cho trẻ em đã khiến nhiều nhà sử học, nhà phê bình, cũng như người hâm mộ có phần nghi ngại tình bạn giữa ông với cô bé 4 tuổi Alice Liddell.

Những cô bé không chỉ mê mẩn chiếc máy ảnh của Lewis, mà còn rất thích đi chơi với nhà văn. Lewis thường xuyên đưa Alice, Edith và Lorina đi chèo thuyền và đi thăm thú những viện bảo tàng xung quanh Đại học Oxford để ngắm những mẫu vật lạ lùng như những mẫu côn trùng, những bộ xương khủng long và những con thú đã được nhồi bông. Con vật Alice thích nhất là loài chim Dodo và vì Lewis bị nói lắp đến mức đôi khi ông không thể phát âm được họ của mình là Dogdson, cô bé Alice đã trìu mến gọi ông là Dodo.

Trong những chuyến dã ngoại này, Lewis thường xuyên kể cho các cô bé nghe những câu chuyện về những cuộc phiêu lưu rất lạ lùng. Tình tiết và tạo hình các nhân vật của Lewis rất mới mẻ, cuốn hút với trẻ nhỏ nhờ vào một khiếm khuyết thần kinh đặc biệt của ông: ông không nhìn thấy các sự vật với kích cỡ đúng của chúng.

Vào ngày 4-7-1862, trong một lần chèo thuyền từ Oxford tới thị trấn Godstow, cô bé Alice Liddell 10 tuổi đã đòi nhà văn Lewis Carroll kể cho mình và hai người chị em một câu chuyện mới. Nhường mái chèo cho mục sư Robinson Ducksworth, Lewis đã kể cho 3 người bạn nhỏ về cuộc phiêu lưu của cô bé Alice - người lạc vào thế giới phía bên kia hang thỏ bí ẩn trong vườn nhà. 

Dù câu chuyện này không có gì khác biệt so với những gì cô bé từng được nghe “Dodo” kể, Alice vẫn khăng khăng muốn một bản thảo viết tay để cô có thể đọc lại. Cho dù đã hứa với người bạn nhỏ, nhưng phải tới tận 3 năm sau, tác phẩm mới được xuất bản với cái tên “Alice ở xứ sở thần tiên”.

Đáng buồn là tình bạn giữa nhà văn và đám trẻ đã đột ngột chấm dứt vào năm 1863. Sau này, trong một trang nhật kí được viết cùng năm, nhà văn Lewis cho rằng Alice đã “thay đổi quá nhiều” và không còn là cô bé hồn nhiên ngày xưa. Chính sự trưởng thành của Alice đã khiến “Dodo” không thể yêu quý cô như ngày nào được nữa.

Cuộc sống của Alice sau này cũng không hề thần tiên như những trang sách năm nào. Ở tuổi trưởng thành, Alice xinh đẹp và thông minh đã khiến hoàng tử Leopold - con trai đầu lòng của nữ hoàng Victoria - mê mẩn. Đôi trẻ yêu nhau say đắm nhưng sớm phải chia ly vì nữ hoàng không chấp nhận một cô con dâu không phải là công chúa.

Hoàng tử Leopold nghe lời mẹ và kết hôn với một công chúa, nhưng chỉ sau khi Alice đã kết hôn với Reginald Hargreaves vào năm 1880. Hoàng tử đã đau lòng đến mức không thể tới dự đám cưới như lời hứa. Sau đó, ngài đã lập gia đình với công chúa nước Đức và đặt tên con gái đầu lòng theo tên mối tình đầu: Alice. Alice cũng đặt tên con trai thứ 2 của mình là Leopold, như một cách để mãi mãi lưu giữ kỉ niệm về một mối tình thật đẹp.

Những tưởng cuộc đời Alice sẽ có thể mãi êm đẹp, vì cuộc hôn nhân của cô dù không có tình yêu nhưng lại rất yên ả thì tai hoạ lại kéo đến: 2 cậu con trai của Alice cùng hy sinh trong Thế chiến 1 và chồng cô ngay sau đó cũng qua đời vì tiếc thương. Không còn nguồn thu nhập của người chồng quý tộc, cô tiểu thư ngày nào nhanh chóng sa vào cảnh bần hàn và buộc phải bán đi kỉ niệm tuổi thơ cô trân trọng nhất là cuốn bản thảo gốc của “Alice ở xứ sở thần tiên” chỉ để giữ lại căn nhà.

Năm 1932, nhân dịp kỉ niệm ngày sinh của nhà văn Lewis Carroll, bà Alice đã được Đại học Columbia mời tới New York để tham dự một triển lãm vinh danh nhà văn. Sự kiện này đã một lần nữa đưa Alice vào tầm ngắm của nhiều người hâm mộ cuồng nhiệt và những phóng viên tò mò. Họ theo Alice về tận Anh quốc và chính sự xâm phạm của họ vào cuộc đời Alice đã khiến bà vô cùng căng thẳng, dẫn đến suy kiệt, và qua đời chỉ 2 năm sau đó.

Nguyên mẫu “Peter Pan”: 5 cậu bé sớm lâm vào cảnh mồ côi

Một nguyên mẫu khác với cái kết không có hậu có thể kể đến là Michael Llewelyn Davies - nguồn cảm hứng cho đại văn hào J.M. Barrie xây dựng nên hình tượng cậu bé không bao giờ lớn Peter Pan.

Tuy là cha đẻ của tác phẩm “Peter Pan”, nhưng nhà văn J.M. Barrie luôn cho rằng nhân vật này không thể nào tồn tại trên đời nếu như ông không gặp 5 anh em nhà Davies: George, John, Peter, Michael và Nicholas Llewelyn Davies.

Nhà văn J.M. Barrie, tác giả “Peter Pan”.

Barrie gặp Georgle và Jack lần đầu tiên vào năm 1898, trong một lần dạo chơi quanh Kensington Gardens. Nhờ quen biết với các cậu bé, nhà văn dần dần kết thân với mẹ của 5 anh em là bà Sylvia Davies, tuy nhiên người cha là ông Arthur thì lại không ưa gì nhà văn. Barrie bắt đầu mời cả gia đình Davies tới điền trang của ông để tham quan và chính trong những lần chơi đùa với 5 cậu bé nhà Davies, ông đã tìm được cảm hứng để sáng tác “Peter Pan”. Cho dù đứa con tinh thần huyền thoại của Barrie trùng tên với cậu bé Peter Llewelyn Davies, nhưng gần gũi nhất với ông lại là George và Michael.

Khác với người đồng nghiệp Lewis Carroll, tình bạn đẹp của Barrie và 5 cậu bé chưa bao giờ chấm dứt. Cho tới tận năm 1928, ông vẫn dành trọn đoạn mở đầu của vở kịch “Peter Pan” cho những người bạn nhỏ của mình: “Chắc là các cháu cũng biết ta tạo ra Peter Pan dựa trên hình tượng của các cháu rồi nhỉ? Cậu ấy thực ra còn hơn cả thế cơ. Peter Pan chính là những tia sáng tuyệt đẹp ta tìm thấy ở các cháu”.

Khác với những vở kịch và những cuốn tiểu thuyết, các cậu bé nhà Llewelyn Davies không có Wendy hiếu động hay Tinker Bell xinh đẹp nào ở bên và những cuộc phiêu lưu của các cậu ngoài đời cũng không hề có bột tiên trợ giúp, hay một kết thúc giản đơn và có hậu với cảnh lão thuyền trưởng Hook bị đánh bại.

Ngoài đời, 5 anh em sớm lâm vào cảnh mồ côi cha khi cậu cả George mới 14 tuổi, và cậu út Nicholas mới 4 tuổi. Bà Sylvia mắc bệng ung thư và qua đời 3 năm sau đó, vào năm 1910.

Trong bản di chúc bà để lại và sau đó được J.M Barie chép tay, bà Sylvia chỉ định nhà văn J.M. Barrie trở thành cha đỡ đầu của các con mình: “Tôi muốn Jimmy cùng Mary chăm sóc 5 đứa con của tôi”. (Jimmy là biệt danh của nhà văn, còn Mary là bảo mẫu của 5 cậu bé).

Đúng như bản di chúc đề đạt, Barrie chăm sóc 5 anh em tới khi trưởng thành. Rất nhiều năm sau đó, nhà sử học Andrew Birkin đã tìm ra bản di chúc viết tay của bà Sylvia và biết được nguyện vọng thực sự của bà: “Tôi muốn Jenny cùng Mary chăm sóc 5 đứa con của tôi”. (Jenny là tên chị gái của cô bảo mẫu Mary). Liệu J.M. Barrie đã chép sai bản di chúc của người quá cố hay ông cố tình thay đổi nó theo ý muốn của mình? Bí ẩn này, có lẽ chỉ Peter Pan mới biết.

Có vẻ như sự can thiệp của J.M Barrie đã mang đến vận xui cho 5 cậu bé mà ông hết lòng yêu mến - như những gì nhà phê bình văn học D. H. Lawrence viết: “J.M đã đặt một lời nguyền lên tất cả những người ông thương yêu: họ đều chết cả”. George Llewelyn Davies hy sinh trong Thế chiến thứ nhất ở tuổi 22. 6 năm sau, cậu thanh niên Michael Llewelyn Davies chết đuối ngay trước sinh nhật tuổi 21 bên người tình đồng tính Rupert Buxton, trên sông Thames.

John Llewelyn Davies qua đời năm 1959 vì mắc bệnh phổi. Còn Peter Llewelyn Davies - người bị trêu chọc suốt thời niên thiếu vì trùng tên với Peter Pan, đồng thời cũng là người công khai gọi “Peter Pan” là “một kiệt tác kinh hoàng” - tự tử ở tuổi 63 bằng cách lao đầu vào một đoàn tàu hỏa vào ngày 5/4/1960 - chỉ vài tuần trước kỉ niệm ngày sinh thứ 100 của nhà văn J. M. Barrie. Chỉ có Nicholas Llewelyn Davies, người luôn trìu mến gọi J.M. Barrie là “chú Jim” và luôn cho rằng “chú Jim” là “người lớn trong sáng nhất trên đời” là qua đời trong yên bình năm 1980, hưởng thọ 77 tuổi.

Barrie qua đời năm 1937, ở tuổi 77, nhưng ông đã suy kiệt từ rất lâu sau cái chết của George và Michael - 2 đứa trẻ mà ông yêu mến nhất. Vào những năm cuối đời, J. M. Barrie không còn nhìn nhận “Peter Pan” như là cách ông vinh danh sự hồn nhiên của 5 người bạn nhỏ. Ông cho rằng “Peter Pan” là câu chuyện về chính ông - một người “dù cho muốn đến mấy cũng không bao giờ có thể lớn lên được nữa” - như những gì ông viết trong nhật kí của mình.

Thi San
.
.