Gia đình nhà văn Bùi Bình Thi và họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ:

Hạnh phúc cùng những sáng tạo

Thứ Năm, 24/03/2016, 10:00
Căn nhà ấm áp của hai vợ chồng nhà văn Bùi Bình Thi và họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ ở ngoại thành Hà Nội. Họ có hai căn nhà ở cạnh nhau, một căn làm xưởng vẽ của bà và phòng viết văn của ông. Một căn như một gallery triển lãm những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ. Những tác phẩm hội họa vẽ cỏ cây, hoa lá, như có cả một góc trời ngập hương hoa.

Khắp trong gian phòng, ngoài những bức tranh, những cuốn sách của hai ông bà, là những tấm hình kỷ niệm của gia đình hai người con: Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và Họa sĩ Bùi Thanh Thủy. Những người con nổi tiếng không kém bố mẹ trong các lĩnh vực hoạt động nghệ thuật.

Mối duyên thiên định

Nhắc về người vợ đảm đang, tháo vát của mình, nhà văn Bùi Bình Thi vẫn không giấu được niềm vui, ông cười viên mãn nhớ lại quãng thời gian tuổi trẻ của hai ông bà. Ông kể: "Tôi lấy được bà nhà tôi cũng là từ duyên thiên định. Hôm ấy tôi cùng nhà văn Đỗ Chu đang đi xe đạp chở nhau trên vỉa hè phố Đường Thành thì Đỗ Chu nhìn thấy cô bạn là người quen đang đi bộ, bèn dừng xe lại nói chuyện. Những ngày sau đó, tôi rất ấn tượng vì cô ấy có mái tóc dài, da trắng, nói năng thùy mị kiểu con gái Hà Nội xưa. Lúc chào nhau ra về thì Đỗ Chu bảo: "Hay, mày lấy con bé này đi!".

Vợ chồng nhà văn Bùi Bình Thi và họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ thời còn trẻ.

Trong bụng tôi cũng ưng rồi. Tối hôm ấy, tôi rủ Đỗ Chu đến nhà cô ấy ở Hàng Đào chơi. Hồi đó, cô ấy ở cùng mẹ và người anh trai đã lập gia đình, đang có con nhỏ. Tôi ngồi nhìn cô ấy chăm cháu và trong lòng chỉ có một mong muốn duy nhất là cô ấy sẽ sai mình đi lấy hộ… cái tã cho em bé! Đến chơi lần thứ ba thì cuối cùng cô ấy cũng nhờ tôi đi lấy tã cho em bé thật. Tôi vui quá, chạy ra dây phơi lấy luôn cái tã còn… ẩm mang vào! Một tuần sau thì tôi bảo: "Mỹ ơi, thôi mình lấy nhau đi!". Cô ấy chỉ cười mà không trả lời. Ba ngày sau, cô ấy bảo: "Em đã hiểu gì về anh đâu mà lấy!". Tôi bảo: "Tớ cũng đơn giản, dễ hiểu thôi mà!". Vậy là một tháng sau chúng tôi cưới nhau và năm sau thì có Bùi Thạc Chuyên, mấy năm sau nữa thì có thêm một cô con gái".

Nhà văn Bùi Bình Thi vừa nhớ lại vừa cười giòn tan: “Tôi đón dâu bằng một cái xe đạp. Đám cưới cũng chẳng có cỗ bàn gì to tát ngoài một thùng trà, kẹo lạc. Cha tôi còn phải hát văn nghệ cơ mà. Nhưng vui lắm, ấn tượng ấy không bao giờ quên trong cuộc đời của mỗi chúng tôi. Bây giờ kể lại với các con cháu, tôi vẫn bảo rằng, thật may mắn vì ông lấy được bà. Bà là con gái quê gốc Đình Bảng, Bắc Ninh, đảm đang tháo vát. Tôi với bản tính của nhà văn suốt ngày chỉ bầu bạn, rồi đi khắp nơi thực tế sáng tác, bà ở nhà nuôi hai con nhỏ, Chuyên sinh 1968, Thủy sinh 1971, mà vẫn dung hòa được 7 anh chị em trong gia đình chồng, nội ngoại tươm tất... Các con tôi học hành, trưởng thành được là nhờ cả vào vợ”.

Ngồi cạnh chồng, họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ chỉ cười, bà kể thêm: “Thời đó còn chiến tranh, có những đêm chạy máy bay giặc, một tay bế con gái mới vài tháng, một tay xách đồ. Chuyên (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) mới có 3 tuổi mà không ai bế, phải nắm lấy gấu quần mẹ mà chạy theo suốt mười mấy cây. Vậy mà Chuyên không hề khóc, lại còn hỏi mẹ có mệt không”.

Hai mẹ con họa sĩ – Hai người bạn

Họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ Sau khi học hết Trung cấp Mỹ thuật, tiếp tục thi vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Ra trường, sau khi kết hôn với nhà văn Bùi Bình Thi bà đi làm tuyên truyền quảng cáo cho các cơ quan ngoại thương chuyên vẽ pano quảng cáo, vẽ lịch, vẽ ở các hội chợ… Nhưng, khi đêm xuống, công việc đã tươm tất, các con đã ngủ say, bà lại lặng lẽ căng toan màu trong căn nhà 15m² chật chội, vẽ tranh nghệ thuật, một phần vì đam mê, một phần vì để gửi đến phòng tranh là nhà riêng của họa sĩ Trần Văn Đôn trên phố Hai Bà Trưng để bán lấy tiền nuôi con.

Họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ (tranh sơn dầu của con gái, họa sĩ Bùi Thanh Thủy).

Năm 1998, bà và gia đình chuyển sang Gia Lâm, nơi có một mảnh vườn rộng, tự tay bà trồng, chăm sóc các loài hoa để sau đó, tất cả đã trở thành “nhân vật” trong tác phẩm của bà. Họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ chia sẻ: “Trồng cây, trồng hoa khiến mình thấy thanh thản. Đó cũng là thời gian tôi vẽ nhiều nhất. Không gánh nặng kinh tế, không áp lực công việc. Trong 10 năm sống ở Gia Lâm, tôi mở được 4 triển lãm, thời gian đó rất yên bình”.

Hầu hết những bức tranh của bà như một sự ám ảnh tận cùng của tình yêu thiên nhiên, tuổi ấu thơ với những hoài niệm khôn nguôi. Bà chia sẻ rằng, mỗi khi nhìn thấy hoa, trong người bà tan dần mệt nhọc. Ngồi lâu ngắm hoa thấy mình đang tụ thiền, người nhẹ lên hư không... Bà nhận ra hoa không vô tri, hoa có hồn quê, hoa gợi về tuổi thơ, về thời con gái, về tất cả những gì là thanh tân, khi vẽ bà cảm thấy như đang trò chuyện với hoa.

Phong cách hội họa của mẹ đã truyền cho con gái, chị Bùi Thanh Thủy. Chị hiện đang định cư tại Mỹ và cuối năm vừa rồi, chị trở về Việt Nam mở một cuộc triển lãm tranh mang tên “Miên du” gây được tiếng vang lớn. Chị từng chia sẻ: “Tất cả những việc mẹ làm để nuôi gia đình đều liên quan đến mỹ thuật, từ vẽ áp phích ở cơ quan cho đến vẽ bưu thiếp để thêm thu nhập cho gia đình... Ngay từ bé, tôi đã bị ảnh hưởng bởi những bức tranh ấy. Vì thế, khi học ở trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, tôi đã tìm ra cách tốt nhất để biểu lộ chính xác nhất những cảm xúc của mình”.

Hai mẹ con, hai họa sĩ dù ở hai phương trời xa, nhưng hằng ngày, có tác phẩm mới đều trao đổi với nhau qua email, trò chuyện. Có hôm, nửa đêm mẹ đã đi ngủ rồi, nhưng vẽ được một bức tranh mới, chị Thủy lại gọi về cho mẹ, để cùng chia sẻ với mẹ. Hai mẹ con, hai người nghệ sĩ dù ở hai thế hệ nhưng đã truyền cảm hứng cho nhau một cách trọn vẹn.

Tôn trọng tự do trong sáng tác của nhau

Nhà văn Bùi Bình Thi là một trong những nhà văn có nhiều đầu sách dày dặn, bút lực của ông dồi dào khi viết tiểu thuyết lịch sử, ký sự chiến tranh... Một số đầu sách của ông đã để lại những dư âm trong lòng độc giả, góp một tiếng nói không nhỏ nhận diện một thế hệ nhà văn đi qua chiến tranh. Đặc biệt, cuốn tiểu thuyết "Xiêng Khoảng mù sương" của ông đã đoạt giải cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (2006-2010).

Gia đình nhà văn Bùi Bình Thi.

Nhà văn Bùi Bình Thi kể rằng, những năm tháng xa xưa ấy, ngoài giờ học, kiếm sống ra, ông có được đồng nào là để dành mua sách. Ông hay đọc sách về ban đêm mặc dù sáng ra phải đi làm sớm. Nhiều khi ông thức thâu đêm để đọc vì tìm được cuốn sách hay. Ông cho rằng, văn học dẫu có nói bất cứ điều gì về con người và mối quan hệ giữa con người với con người cũng chẳng mấy quan trọng. Chỉ có tình yêu thương là cái đáng nói nhất và nói mãi cũng chẳng bao giờ đủ.

Nếu văn học làm cho con người thêm vui, thêm ham sống, và làm cho mỗi người trong một ngày nhìn thấy được cái đẹp, cái thiện... thì nó hoàn toàn đã đúng với cuộc đời ông. Những trang văn kim cổ với tinh thần ấy đã khơi dậy, thúc giục bản năng văn chương của cậu bé Bùi Bình Thi trong suốt cả thời niên thiếu cho đến lúc trưởng thành.

Có được chặng đường văn như ngày hôm nay, nhà văn Bùi Bình Thi tâm sự, ông phải cảm ơn những ngày tháng làm biên tập viên Tạp chí Tác phẩm mới và Báo Văn nghệ, cũng như làm Thư ký tòa soạn Tạp chí Tác phẩm Văn học (nay đổi là Tạp chí Nhà văn). Đó là chặng đường mà ông được đọc, được học nhiều nhất từ các nhà văn lớn của Hội Nhà văn.

Ông có lẽ cũng là người duy nhất trụ vững và làm việc với 4 "đời" Tổng biên tập Tạp chí Tác phẩm mới là các cụ Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu và Chế Lan Viên.

Kể lại những câu chuyện thời ấy, ông trầm ngâm: "Mỗi một người cho tôi một kinh nghiệm quý giá. Nhà văn Tô Hoài là người đọc nhiều và đọc bất cứ thứ gì lọt vào tay. Điều đặc biệt là nhà văn Tô Hoài chẳng bao giờ cáu kỉnh với ai, dù thỉnh thoảng ông hơi khe khắt nhưng rất dễ chịu. Điều gì ông cũng coi như chuyện… bình thường xảy ra trong cuộc sống. Có lần, viết xong một truyện ngắn mới, tôi nhờ ông đọc và thẩm định. Ông đọc ngay tại chỗ, rất nhanh, xong ông bảo: "Cái này cậu viết có… 3 chữ mới!", rồi ông chỉ cho tôi những chữ nào, vì sao mới, tôi nghe mà "choáng" luôn vì tài thẩm văn của ông!

Còn với nhà văn Nguyễn Đình Thi, tôi nhớ nhất là những buổi chiều tan sở, tôi thường chở ông trên cái xe Suzuki cũ của mình, mà chúng tôi hay gọi là cái "bình bịch" để đi dạo phố Hà Nội. Ông tâm sự nhiều chuyện và tôi nhận thấy rất rõ sự tinh tế trong cách Nguyễn Đình Thi cảm nhận về cuộc đời, về thiên nhiên. Và đó chính là cái lẽ lớn đã ngấm vào những trang văn xuôi của tôi sau này.

Riêng nhà thơ Xuân Diệu thì có một cách duyệt bài rất lạ. Có nhiều hôm, đọc duyệt nhiều bài vở mệt quá, ông gọi tôi đến, nằm trên ghế và bảo: "Em đọc cho ta nghe". Tôi đọc một lát sau thấy ông nhắm mắt và có tiếng ngáy nhỏ. Tôi dừng lại vì nghĩ ông ngủ. Ông thấy tôi dừng thì nhắc nhở: "Ấy, em đọc đi chứ!". Tôi đọc tiếp, ông vẫn nhắm mắt và ngáy, đến một câu tôi đọc sai chính tả chữ "S" thành "X", ông nhắc ngay là tôi đọc sai chính tả. Đọc xong, bài nào thấy được là ông nhổm dậy ký ngay để duyệt in.

Vốn là lính, lại là một người khá ồn ào, bộc trực, thẳng thắn, nhà văn Bùi Bình Thi khác hẳn tính hiền lành, dịu dàng của người vợ họa sĩ. Dù thế, họ lại có thể “chịu nhau” tới mấy chục năm nay. Nói về điều này, ông cười chia sẻ: “Tôi viết xong thường đưa cho bà nhà tôi đọc, bà tôi vẽ xong thì tôi vẫn là người bên cạnh đầu tiên được ngắm tranh của bà. Bùi Thạc Chuyên ra mắt phim, cả nhà chúng tôi đi xem phim, Thủy ra mắt triển lãm, chúng tôi cũng cùng tham dự. Nhưng trong gia đình chúng tôi có một nguyên tắc, luôn dõi theo nhau, nhưng sẽ tránh bình luận, nhận xét về nhau. Tôn trọng tuyệt đối cá tính sáng tạo của nhau. Đó là một cách giải quyết ổn thỏa để cả một gia đình nghệ thuật, mỗi người một lĩnh vực, nhưng cha mẹ con cái đều thuận hòa và vui vẻ với nhau”.

Họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ lặng lẽ sắp xếp lại từng khung tranh trong ngôi nhà. Ông trời khéo sắp đặt cho họ ở cạnh nhau, bù trừ cho nhau. Bà là người phụ nữ quá đỗi nhẹ nhàng, dù ở tuổi ngoài 70 nhưng ở bà vẫn toát lên vẻ đẹp thanh thoát.

Bà nói vui: “Tôi đọc hết sách của nhà tôi. Nhưng ngày xưa, mỗi lần ông ấy ra sách là tôi sợ lắm. Sợ là sẽ phải bù tiền để cho ông ấy khao bạn bè. Nhà tôi thì nhỏ nhưng lúc nào cũng như có hội, các bạn văn của ông ấy đến thường xuyên, có hôm đàm đạo văn chương từ đêm đến sáng. Được cái nhà tôi sống cũng vô tư nên chẳng suy nghĩ gì. Các con học lớp mấy đôi khi cũng chẳng nhớ. Việc duy nhất ông ấy làm được cho các con là chở con đi thi đại học (vì tôi không biết đi xe máy). Nhưng tôi biết, sự thành công của các con khiến ông ấy tự hào. Cho đến nay, tôi vẫn cảm thấy mình có lãi vì đã có hai đứa con ngoan ngoãn, chịu khó, chín chắn và yêu thương gia đình. Là người phụ nữ, tôi chỉ cần có thế!”.

Rời căn nhà của hai vợ chồng nhà văn Bùi Bình Thi và họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ, ra khỏi căn nhà đầy hoa lá của họ là một con đường đông đúc, ồn ào, nhưng nỗi ám ảnh của tôi đằng sau những bức tranh, những cuốn tiểu thuyết, những bộ phim... là rất nhiều câu chuyện được chia sẻ mà trong khuôn khổ một bài báo không thể nói hết.

Họ là gia đình hiếm hoi thành công ở nhiều lĩnh vực, họ thành công trong công việc mà vẫn vẹn toàn bên gia đình. Bỏ lại đằng sau tất cả những ồn ã, họ lại trở về sống trọn vẹn trong những sáng tạo của riêng mình để mang đến cho đời những tác phẩm đích thực...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.