Khắc họa biểu tượng đẹp trong lòng dân

Thứ Bảy, 18/07/2015, 08:30
Những vở kịch đã vượt ra ngoài khuôn khổ Liên hoan của Lực lượng Công an, trở thành một điểm hẹn thường kỳ của nhiều Nhà hát, nhiều Đoàn kịch trên toàn quốc. Liên hoan đã và đang trở thành một hoạt động sân khấu có ý nghĩa của nền sân khấu nghệ thuật nước nhà...

Đã gần một tuần diễn ra Liên hoan nghệ thuật sân khấu (NTSK) toàn quốc về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống cand Việt Nam (19/8/1945-19/8/2015) và 10 năm Ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (19/8/2005-19/8/2015).

Trong những ngày qua, những vở kịch về hình tượng Người chiến sĩ Công an nhân dân trên sân khấu Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội đã thu hút không chỉ đông đảo các khán giả trên địa bàn Hà Nội đến rạp mà cả các nghệ sĩ, diễn viên ở các Nhà hát, các đoàn kịch đã tới xem, chia vui, cổ vũ cho các đoàn bạn.

Những vở kịch đã vượt ra ngoài khuôn khổ Liên hoan của Lực lượng Công an, trở thành một điểm hẹn thường kỳ của nhiều Nhà hát, nhiều Đoàn kịch trên toàn quốc. Liên hoan đã và đang trở thành một hoạt động sân khấu có ý nghĩa của nền sân khấu nghệ thuật nước nhà...

NSND Hồng Vân (Công ty CP sân khấu và điện ảnh Vân Tuấn): Chúng tôi muốn nói lời tri ân với các chiến sĩ CAND

Chúng tôi tham gia Liên hoan lần thứ 3 về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” với hai vở kịch: Vở thứ nhất là "Chuyên án 292" đạo diễn Diệp Tiên, vở thứ hai là "Người đàn bà uống rượu" tác giả Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, đạo diễn Quốc Thảo. Thú thật là cả hai kịch bản này, chúng tôi làm trước hết là vì niềm đam mê. Bản thân đoàn kịch chúng tôi như các bạn biết, là một đoàn kịch xã hội hóa, làm để diễn và tự nuôi nhau, bởi vậy, làm ra vở nào là để đến với khán giả. Tôi cũng rất bất ngờ là với ý nghĩ ban đầu, các diễn viên trẻ của mình chỉ thích các đề tài trẻ trung hoặc về các vấn đề khác của đời sống, chứ sẽ ít thích kiểu chuyên án này nọ.

Nhưng tôi hoàn toàn bất ngờ, khi đưa kịch bản thì hầu hết các diễn viên trẻ của chúng tôi rất thích, cho đến khi được tập vở về đề tài công an thì các em đều rất hào hứng, mê say, tập nhiệt tình. Không những thế, chẳng hạn cái "Chuyên án 292" khi đưa ra khán giả thì bất ngờ nhất là khán giả lại rất thích và diễn cực kỳ ăn khách. Tôi, với vai trò là một tác giả kịch bản của vở này đã không làm theo hướng tuyên truyền hoặc giáo điều mà làm theo kiểu chuyên án đương đại, xét ở trong hoàn cảnh đấy thì người chiến sĩ công an nghĩ gì, cư xử như thế nào, bộc lộ và biểu hiện tình người thế nào với con người xung quanh cũng như hoàn cảnh phải đối mặt, cách khai thác về tâm lý. Vừa có kết cấu căng thẳng nghiệp vụ bên công an, hình sự, mà vừa có tính giải trí. Nhìn các diễn viên trẻ tập ngày tập đêm, vé lại bán được nên cũng tôi sung sướng lắm.

Một cảnh trong vở “Người đàn bà uống rượu”.

Vở thứ hai là vở "Người đàn bà uống rượu" chính tôi đọc thấy hay và gọi điện xin anh Hữu Ước được dựng vở. Đây là một vở kịch đầy dư âm với đủ cảnh huống khóc cười, hạnh phúc đau khổ. Thực ra ban đầu tôi dựng cho các học sinh của mình thi tốt nghiệp, đến khi thấy khán giả thích quá nên đã đưa vào chương trình kịch chính thức của đoàn. Khi đăng ký tham dự liên hoan về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” thì tôi thay đổi ba nhân vật chính là ba diễn viên nổi tiếng Minh Nhí, Hòa Hiệp, Kim Huyền

Trên tinh thần cùng học hỏi, giao lưu nên chúng tôi một đoàn kịch sẵn sàng tham gia bất kỳ hội diễn nào. Có cơ hội thì sẽ tham gia, không phải cho riêng mình mà giúp các diễn viên trẻ của tôi có cơ hội tiếp xúc với bên ngoài. Từ "cái giếng" nhà của mình, nhìn ra xung quanh và các bạn có huy chương thì tốt quá. Thông qua các liên hoan thế này, các diễn viên của tôi lớn lên rất nhiều.

Thực ra, có tham gia Liên hoan “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” mới thấy các anh chị ở Ban tổ chức quá chu đáo. Ngoài việc có những kịch bản như ý, tôi được đón nhận những tình cảm quá nồng ấm. Thực sự, ngoài việc cảm thấy rất vui vì một phần kinh phí được hỗ trợ cho anh em ăn ở, đi lại, nhưng tôi cảm thấy mình nợ ân tình, cảm thấy có sự quan tâm chu đáo dành cho những người nghệ sĩ chúng tôi, nên thay vì việc đi tìm huy chương, đi tìm sự tồn tại của mình để chứng minh mình không thua kém bất cứ ai, thì chúng tôi đi với tình cảm tri ân.

Chính điều này khiến chúng tôi tập, rồi diễn cũng tốt hơn, có sức lan tỏa hơn, một người có ấn tượng tốt sẽ mang cái đó khơi gợi lên trong lòng khán giả để khán giả thấy được lực lượng Công an thực sự là đóng vai trò nòng cốt của xã hội.

Chúng tôi đang gấp rút để mấy ngày nữa sẽ ra Hà Nội diễn. Tôi tin chắc rằng, với những nỗ lực của mình, khán giả sẽ được thấy cách tôn vinh, cách ca ngợi hình tượng Người chiến sĩ CAND của chúng tôi, đó không phải là những lời nói, những khẩu hiệu tuyên truyền mà nó là cách chúng tôi tri ân với các anh. Dù đây là lần đầu tiên tham gia Liên hoan nhưng tôi cố gắng sẽ tạo đà cho những lần tiếp theo, bởi vì không chỉ diễn để tham gia Liên hoan mà còn để phục vụ khán giả yêu quý của chúng tôi nữa...

NSƯT, Đại tá Đỗ Minh Hằng (Nhà hát kịch nói Quân đội): Liên hoan đã tạo ra được một sân chơi bổ ích

Khi bắt đầu có thông báo về Liên hoan NTSK về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”, bản thân tôi trong một cuộc gặp gỡ các lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Chính trị CAND... đã được sự khích lệ, động viên trực tiếp từ Trung tướng, nhà văn Hữu Ước về vấn đề gửi tác phẩm tham dự Liên hoan.

Ngay khi nhận được công văn mời Nhà hát kịch Quân đội tham gia, chúng tôi đã rất hào hứng đăng ký vở diễn "Những người lính trận", tác giả: nhà văn Hà Đình Cẩn, Đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang. Thực ra đây là một vở diễn không nói nhiều đến công an mà chủ yếu nói về người lính bộ đội Cụ Hồ. Nội dung của vở diễn là ca ngợi hình ảnh người lính Việt Nam, họ là những người đã dũng cảm hy sinh quên mình để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân... Tôi thiết nghĩ rằng, tinh thần này, đã là một nếp sống, nếp nghĩ của người lính, mà chúng ta không nên phân biệt họ có là công an hay bộ đội.

Vì hơn bao giờ hết, những người lính luôn sống, cống hiến cho dân tộc, cho đồng bào của mình. Đây cũng là vở diễn tập trung nhiều diễn viên trẻ của Nhà hát kịch nói Quân đội tham gia như Hồ Huy Linh, Huyền Sâm, Đinh Thắng, Minh Tuấn... nên với tư cách là một người làm nghề thì tôi thấy đây là một hoạt động cực kỳ có ý nghĩa, tổ chức với quy mô lớn, thu hút được đông đảo các đoàn từ Nam ra Bắc, đây trước hết về mặt tổ chức đã là một điều thành công vang dội.

Thực ra, bản thân những người nghệ sĩ mong muốn được làm nghề như chúng tôi, về mặt nghề nghiệp luôn muốn có những hoạt động liên quan đến nghề nghiệp như thế này để cùng tham gia. Một phần là được cọ xát, trao đổi học hỏi kinh nghiệm, một phần là nếu có giải thưởng, có huy chương thì cũng là một trong những điều kiện để xét các chức danh nghệ sĩ ưu tú cho các diễn viên trẻ.

Riêng với tôi, một người cũng đã có trên 40 năm làm nghề, rồi lên làm quản lý, tôi cho rằng, Bộ Công an đã tổ chức được một hoạt động định kỳ chuyên nghiệp để biểu dương hình tượng Người chiến sĩ CAND là một thành công. Bởi vì dù biết rằng, những khó khăn gian khổ thậm chí cả hy sinh của các anh là có thật, nhưng người nghệ sĩ cần thiết phải thể hiện được một cách chân thực, sống động và đưa các anh trở thành một hình tượng điển hình trong đời sống là cả một trách nhiệm nặng nề và cao cả, mà bất cứ người diễn viên nào cũng cần cố gắng và nỗ lực để thực hiện cho thật tốt.

NSƯT Hoàng Lan (Đoàn kịch Công an nhân dân)

Đây là lần thứ 2 tôi tham gia Liên hoan, lần này tôi tham gia một vai phụ trong vở "Quyết đấu giữa sương mù". Đối với tôi cũng như nhiều nghệ sĩ trẻ của đoàn, Liên hoan sân khấu về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” đã trở thành một dấu ấn khó phai mờ.

Trước hết, dù chúng tôi được khoác trên mình bộ quân phục, song với vai trò là một người làm nghề thực sự, để đưa hình tượng Người chiến sĩ CAND đến với công chúng thực sự là một điều không dễ dàng. Đề tài về Công an luôn rất hay, nhưng thể hiện được cái hay, cái đẹp của họ trên mọi mặt trận thì không đơn giản. Liên hoan này đã làm được một điều không phải bộ, ngành nào cũng làm được, đó là tạo ra được một góc nhìn về hình tượng của người chiến sĩ CAND với những công việc đặc thù, với cuộc sống đời thường và những hy sinh gian khổ vất vả của họ...

Với tôi, nghề công an như là một cái duyên định sẵn, bố tôi là người trong lực lượng nên ngay từ bé tôi đã hiểu được tâm tư tình cảm, hiểu công việc của người lính và tôi muốn nối nghiệp bố. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác tự hào khi được khoác trên mình bộ quân phục.

Khi đi diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ ở các tỉnh, các địa phương thì thấy các chiến sĩ công an vất vả, họ có những nhiệm vụ đầy gian khó... và thấy rằng, tất cả những gì mình thể hiện đôi khi chưa thể nào lột tả hết được hình tượng Người chiến sĩ CAND và càng ngày càng phải trau dồi để có thể thể hiện vai diễn và cống hiến cho khán giả tốt hơn nữa. Đợt liên hoan này, tôi có theo dõi các vở diễn của các đoàn, tôi nhận thấy rằng, trong bối cảnh xã hội bây giờ, hầu hết các tác giả, các đạo diễn xây dựng hình tượng công an gần gũi với dân hơn, được nhân dân tin yêu và tin tưởng, ngược lại hình ảnh công an cũng đã đi vào đời sống, trở thành một biểu tượng đẹp trong lòng dân.

Điều quan trọng nhất là Liên hoan đã mở ra một hướng tiếp cận là tiếp thu tất cả mọi góc nhìn về người chiến sĩ công an, nhìn trong một cái nhìn toàn cảnh. Và ở góc nhìn nào, thì hình ảnh Người chiến sĩ công an luôn công minh, luôn là điểm tựa của dân, được dân tin yêu... Và có lẽ đó cũng là mục đích mà những chiến sĩ công an đang ngày ngày hướng tới.

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.