Khi tỉ phú làm từ thiện: Không chỉ là cho đi

Thứ Ba, 05/06/2018, 14:33
Trong thế giới ngày nay, ngày càng xuất hiện thêm nhiều tỉ phú giàu có, nhưng đồng thời cũng ngày càng có thêm nhiều tỉ phú cho đi những số tiền mà họ kiếm được thông qua hoạt động kinh doanh. Nhìn bề ngoài, đó có vẻ như là hành động cao cả của những người giàu nhất thế giới, mang tiền của cho đi vì mục đích tốt đẹp với đời.

Thế nhưng, giới bình luận không nghĩ vậy. Họ cho rằng việc làm từ thiện đó thường là để góp phần sửa chữa những vấn đề xã hội do chính công ty của họ góp phần gây ra.

Từ lời cam kết của Mark Zuckerberg...

Tháng 2-2017, nhà sáng lập mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg trở thành “người của báo chí” vì hoạt động từ thiện. Đó là dịp tổ chức từ thiện mang tên Chan Zuckerberg Initiative do Zuckerberg và vợ là Priscilla Chan sáng lập, đã trao tặng số tiền 3 triệu USD để hỗ trợ thành phố San Francisco giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở trong Thung lũng Silicon do giá nhà tăng quá cao, vượt tầm với của phần lớn cư dân địa phương. Nhưng đây cũng chỉ là một phần đóng góp nhỏ bé để giải quyết một vấn đề lớn được tạo ra từ sự thành công của ngành công nghệ mà ông là một phần trong đó.

Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan tại lễ công bố quỹ từ thiện Chan Zuckerberg Initiative.

Đồng thời, số tiền đó được trích ra từ “đế chế từ thiện” của vợ chồng Zuckerberg. Chan Zuckerberg Initiative đã cam kết dùng hàng chục tỉ USD cho các dự án từ thiện nhằm mục đích giải quyết các vấn đề xã hội, đặt trọng tâm vào khoa học, nghiên cứu y khoa và giáo dục.

Sự ra đời của quỹ từ thiện khổng lồ này xuất phát từ một bức thư của vợ chồng Zuckerberg viết cho con trai mới sinh tên Max vào tháng 12-2015 và được công bố rộng rãi trên truyền thông. Nội dung bức thư bao gồm lời cam kết của vợ chồng ông chủ Facebook rằng trong cuộc đời mình họ sẽ hiến tặng 99% giá trị cổ phần trong Công ty Facebook (vào thời điểm đó trị giá khoảng 45 tỉ USD) cho sứ mệnh “phát huy tiềm năng con người và thúc đẩy công bằng xã hội”.

Và vụ việc đóng góp tiền hỗ trợ giải quyết khủng hoảng nhà ở là một ví dụ cụ thể cho mục tiêu này.

Sự hào phóng trong lời cam kết 45 tỉ USD làm từ thiện của vợ chồng Zuckerberg dễ làm người ta nghĩ rằng ông là một dạng “người hùng” trong giới doanh nhân giàu có - từ một cậu bé tầm thường, nhờ có tài năng về công nghệ đã gia nhập hàng ngũ những người giàu nhất hành tinh, và rồi đi đến quyết định “cho đi” khối tài sản đó để mang lại lợi ích cho người khác. Hình ảnh đẹp đẽ ông tạo nên chất chứa đầy lòng trắc ẩn không bị hoen ố bởi lợi ích cá nhân.

Thế nhưng, bên trong hình ảnh cao đẹp đó là cả một khối phức tạp những vấn đề còn hơn cả lòng trắc ẩn kia. Ngay từ đầu, bất chấp cả thế giới tung hô tấm lòng hào hiệp của Zuckerberg, những người phê bình công việc từ thiện của giới tỉ phú đã đặt ra những câu hỏi xung quanh sự hào phóng bất ngờ của ông.

Ngôn từ trong bức thư năm 2015 của Zuckerberg rất dễ khiến người ta nghĩ rằng ông cam kết “hiến tặng” hoàn toàn 45 tỉ USD cho mục đích từ thiện, được sử dụng thông qua sáng kiến Chan Zuckerberg Initiative (CZI). Có điều ít ai ngờ, như nhà báo điều tra Jesse Eisinger vạch rõ rằng sáng kiến CZI không phải là một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận, mà là một công ty trách nhiệm hữu hạn.

Địa vị pháp lý này tạo ra những hệ lụy đáng kể trong thực tiễn, đặc biệt là đối với vấn đề thuế khóa. Với tư cách là một công ty, CZI hoàn toàn có quyền làm nhiều thứ khác hơn hoạt động từ thiện, chẳng hạn như đầu tư vào các doanh nghiệp khác hoặc tài trợ chính trị. Với tư cách là ông chủ công ty, hẳn Zuckerberg không bị hạn chế trong việc quyết định làm gì với đồng tiền của mình. Hơn nữa, hoạt động đầu tư còn mang lại một khoản lợi nhuận khá lớn.

Zuckerberg kiểm soát và điều khiển các khoản đầu tư của công ty tùy theo ý muốn của mình, thâu tóm thêm những khoản lợi lớn về thương mại, thuế và chính trị. Tất cả những lợi ích hữu hình và vô hình này hoàn toàn không có hàm nghĩa nào của sự hào phóng như đã cam kết, càng không có liên quan gì đến sự “tiến bộ và công bằng” của xã hội.

Tuy nhiên, nói đến sự “cho đi” theo cách của các tỉ phú - chủ doanh nghiệp, có nghĩa là không phải cho đi một cách thuần túy, vô tư. Các ông chủ giàu có vẫn muốn nắm quyền kiểm soát đối với cái đã cho đi, họ vẫn mong muốn thu hoạch lợi ích nhất định. Kiểm soát và tư lợi là hai khía cạnh mới trong khái niệm “lòng hào hiệp” của giới tỉ phú - chủ doanh nghiệp hiện đại.

Tỉ phú David Rockefeller, cháu nội của “vua dầu mỏ” John D. Rockefeller.

...đến Chiến dịch “Cam kết cho đi”

Thật ra thì Zuckerberg cũng không phải là CEO (giám đốc điều hành) doanh nghiệp đầu tiên cam kết “cho đi” phần lớn khối tài sản kiếm được cho mục đích mà họ cho là tốt đẹp. Trong thế giới các CEO tỉ phú, việc tạo ra một phương tiện để “cho đi” tài sản giống như một tấm huy chương danh dự dành cho những người giàu nhất thế giới. Và điều này đã trở thành định hướng chung cho chiến dịch từ thiện toàn cầu mang tên “Cam kết cho đi” (The Giving Pledge) do các tỉ phú Warren Buffett và Bill Gates đồng sáng lập vào năm 2010.

Chiến dịch nhắm đến các tỉ phú khắp thế giới, khuyến khích, vận động họ “cho đi” phần lớn khối tài sản kiếm được. Chiến dịch không ràng buộc các tỉ phú phải cho ngay hoặc di chúc sau khi qua đời, cũng không bắt buộc sử dụng tài sản cho đi vào mục đích cụ thể nào, chỉ nói chung là “vì lợi ích công cộng”.

Bởi thế, đã có một danh sách dài gần 180 tỉ phú trên thế giới tham gia cam kết, trong đó bên cạnh vợ chồng Zuckerberg và 2 tỉ phú sáng lập chiến dịch còn có những cái tên khá quen thuộc khác như vợ chồng Richard và Joan Branson, Michael Bloomberg, Barron Hilton và David Rockefeller.

Sự bùng nổ số lượng tỉ phú tham gia chiến dịch “Cam kết cho đi” với khối lượng tài sản trị giá hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỉ USD khiến 2 nhà địa lý nhân văn Iain Hay và Samantha Muller phải thốt lên rằng đây là “thời hoàng kim của công tác từ thiện!”.

Những nhà từ thiện mới này mang đến cho công tác từ thiện khái niệm mới về việc sử dụng quỹ từ thiện tùy theo ý mình, và đặc biệt là sự kết hợp một cách kỳ lạ giữa từ thiện và tư bản chủ nghĩa, với tham vọng thay thế nhà nước thực hiện những việc cần đến kinh phí phúc lợi lớn. Hay và Samantha gọi sự kết hợp này là “chủ nghĩa tư bản từ thiện”.

Theo đó, các quỹ từ thiện đã dịch chuyển từ khu vực công sang tư, được quản lý một cách bài bản bởi những nhà quản lý doanh nghiệp. Trong giới chủ doanh nghiệp ngày nay không còn bàn cãi về vấn đề “có làm từ thiện hay không” nữa mà đã chuyển sang đề tài sử dụng tiền từ thiện như thế nào để củng cố hệ thống kinh tế chính trị nhằm tạo điều kiện cho một số ít người tích lũy những khối tài sản khổng lồ không kể xiết.

Tỉ phú Warren Buffett (bên phải) thông báo khoản đóng góp 30 tỉ USD cho quỹ từ thiện Bill and Melinda Gates Foundation vào năm 2006. Buffett và Bill Gates là 2 đồng sáng lập chiến dịch “Cam kết cho đi” năm 2010.

Nói cách khác, từ thiện không còn là việc cho đi thuần túy. Từ thiện đã được chuyển đổi thành một mô hình kinh doanh và tổ chức làm từ thiện là một doanh nghiệp có lợi nhuận, được quản lý như doanh nghiệp và hoạt động theo nguyên tắc thị trường, lấy hiệu quả kinh tế, tư lợi làm thước đo giá trị. Hoạt động của quỹ từ thiện được tài trợ trực tiếp bởi các tỉ phú sáng lập ra nó và những người khác có cùng mục tiêu, chí hướng.

Hoạt động từ thiện đẻ ra khái niệm “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (CSR). Điều này làm phát sinh tranh cãi trong dư luận xã hội. Người ta không đồng tình vì cho rằng từ thiện khoác lên mình tư bản chủ nghĩa chiếc “áo” nhân đạo, để che mắt xã hội những mặt trái của nó. Trên con đường kinh doanh, làm giàu, các doanh nghiệp đã không ngừng bóc lột sức lao động của con người và gây ra những hệ lụy, những hậu quả làm tổn hại xã hội, đời sống con người.

Một ví dụ điển hình là ngành công nghệ cao trong đó Facebook đóng vai trò rất quan trọng, đã tạo ra cuộc khủng hoảng nhà ở tại Vịnh San Francisco do góp phần đẩy giá nhà ở tăng gấp bội chỉ trong vòng 5 năm (2012-2017). Và số tiền 3 triệu USD mà Zickerberg bỏ ra để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng đó thực ra chẳng giải quyết được nhiều, bởi giá mỗi căn nhà bình thường đã lên đến 2 triệu USD!

Giới nghiên cứu cũng cho rằng, hoạt động từ thiện của doanh nghiệp là một dạng “thuế thiện nguyện” của các ông chủ giàu có, tức nhóm người chỉ chiếm 1% dân số thế giới nhưng nắm đến trên 50% khối tài sản của nhân loại. Gọi là “thuế” vì họ coi như nộp lại cho xã hội một phần lợi nhuận kiếm được từ xã hội. Nhưng cách “nộp thuế” của họ cũng còn mang nặng tính đổi chác, “tay này cho đi, tay kia lấy lại”.

Chẳng hạn, ông chủ mang tiền “từ thiện” đến tài trợ cho các chương trình trợ giúp người nghèo, bệnh tật ở những quốc gia nghèo, đang phát triển và được ca ngợi vì có “tấm lòng vàng”. Đổi lại, doanh nghiệp của ông ta được tự do chào bán cho các quốc gia nghèo, đang phát triển đó những sản phẩm, thậm chí có sản phẩm độc hại, gây ra những hệ lụy về môi trường và sức khỏe con người của các quốc gia đó, mà người mua lại không thể từ chối vì bất cứ lý do gì.

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã rút ra một kết luận rằng, hoạt động từ thiện nhằm thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngày nay không chỉ bị kiểm soát bởi các doanh nghiệp lớn, giàu có, mà nó còn phát triển lên một bước cao hơn. Đó là “trách nhiệm xã hội - chính trị”, một sự lồng ghép giữa hoạt động từ thiện xã hội với sự can thiệp hay “bắt tay” với hệ thống chính trị để giải quyết các vấn đề xã hội lớn lao chung.

Vụ cháy nổ giàn khoan dầu Deepwater Horizon (Vịnh Mexico) tháng 4-2010 đã gây ra thảm họa môi trường trong vùng vịnh này một thời gian dài.

Các doanh nghiệp ngày nay phối hợp, hợp tác với các chính phủ, các định chế, tổ chức quốc tế để cùng giải quyết những vấn đề trong phạm vị quốc gia, toàn cầu. Lợi ích của doanh nghiệp đôi khi được đặt nặng hơn, đến mức mà các quốc gia sẵn sàng phớt lờ một số bê bối của doanh nghiệp, như việc bóc lột lao động trẻ em, gây thảm họa chết nhiều người,..

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.