Kinh doanh hốt bạc ở Đền Hổ, Thái Lan

Thứ Ba, 10/05/2016, 17:00
Đền Hổ nổi tiếng ở miền tây Thái Lan từ lâu bị các chuyên gia bảo tồn tự nhiên và nhà hoạt động quyền động vật buộc tội lạm dụng và khai thác để mua vui cho du khách. Hiện nay, sau hàng loạt vụ kiện cáo về nạn buôn lậu những loài đặc hữu, chính quyền Bangkok đang tìm cách đóng cửa Đền Hổ.

Nhưng, có 2 trở ngại lớn không dễ giải quyết. Thứ nhất, Đền Hổ đang nhờ tòa án can thiệp chống lại lệnh đóng cửa khu du lịch này. Thứ 2, chính quyền phải làm gì đối với gần 150 con hổ đang nuôi nhốt - được coi là bất hợp pháp - ở Đền Hổ.

Đầu năm 2016, chính quyền Thái Lan bắt đầu di chuyển 10 con hổ trong đền Hổ đến nơi khác song sau đó phải ra lệnh ngưng việc này lại do giới trụ trì ngôi đền đưa đơn kiện ra tòa án vào đầu tháng 2. Đền Hổ, nằm ở tỉnh Kanchanaburi gần biên giới với Myanmar, bắt đầu nuôi nhốt hổ từ cách đây 15 năm vì mục đích nhân đạo.

Ban đầu chỉ có vài con hổ được chăm sóc, sau đó số lượng tăng dần lên và du khách cũng bắt đầu xuất hiện - theo Supitpong Pakdjarung, cựu sĩ quan cảnh sát phụ trách ban kinh doanh của đền Hổ. Ngày nay, ngôi đền thu về được 5,7 triệu USD/năm từ việc bán vé tham quan đồng thời nhận được thêm nhiều triệu USD hiến tặng khác từ các nhà hảo tâm.

Hổ nuôi nhốt trong chuồng ở Đền Hổ.

Với giá vé bình thường khoảng 17 USD, du khách được phép tạo dáng chụp ảnh với con hổ đã buộc dây xích. Ngôi đền được quảng bá là nơi sống hài hòa giữa con người và bầy hổ rời xa thiên nhiên. Trong nhiều năm qua, đền Hổ bị chỉ trích đối xử tàn tệ với những con vật. Supitpong thừa nhận nhân viên trong chùa thỉnh thoảng đánh đập những con hổ để ngăn chúng tấn công du khách.

Đền Hổ còn bị buộc tội buôn lậu hổ từ năm 2008, khi đó tổ chức bảo vệ động vật Anh “Care for the Wild” tố cáo ngôi đền buôn hổ bất hợp pháp với một trang trại ở Lào. Năm 2015, bác sĩ thú y làm việc trong đền Hổ từ chức và báo cáo có 3 con hổ biến mất bí ẩn khỏi ngôi đền. Tổ chức từ thiện về môi trường và bảo tồn Australia tuyên bố 281 con hổ chào đời ở đền Hổ trong những năm qua, song hiện nay số lượng hổ tại đây chỉ vào khoảng 138 con.

Bức tượng hổ khổng lồ tại lối vào Đền Hổ.

Hoạt động kinh doanh thành công của đền Hổ thúc đẩy hàng chục vườn thú thành lập bất hợp pháp khác ở Thái Lan mở cửa cho du khách chơi đùa với động vật quý hiếm - theo Edwin Wiek, người sáng lập tổ chức Wildlife Friends Foundation ở Thái Lan. Chính điều đó biến Thái Lan trở thành trung tâm buôn lậu các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu.

Những bộ phận của con hổ được tiêu thụ mạnh ở châu Á, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Xương hổ có giá đến 168 USD/pound (453,5g), còn giá một tô súp dương vật hổ là 320 USD. Tại đền Hổ, chỉ có những con hổ dưới 4 tuổi (gồm 16 con) mới được cho phép tự do chơi đùa với du khách. Những con hổ lớn đều bị nhốt trong chuồng.

Sau báo cáo của bác sĩ thú y đền Hổ, chính quyền Thái Lan ra lệnh thu hồi giấy phép nuôi hổ của ngôi đền. Do ban lãnh đạo đền Hổ không xuất trình được những giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đàn hổ cho nên giới chức bảo vệ đời sống hoang dã cho rằng những con vật này thuộc về chính quyền.

Du khách nước ngoài được phép chụp ảnh.

Supitpong Pakdjarung cho biết phần lớn số tiền do tư nhân hiến tặng được dùng vào kế hoạch xây dựng đền Hổ mới trị giá 29 triệu USD và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022. Đền Hổ là một trong những ngôi đền lớn nhất Thái Lan. Tại Thái Lan, có khoảng 2.000 con hổ bị nuôi nhốt và phần nhiều trong số đó đều lai giống hổ Bengal - phân loài có nhiều nhất ở Bangladesh và Ấn Độ - và hổ Indonesia. Hiện chỉ có khoảng 189 con hổ Indonesia sống tự nhiên trong những khu rừng Thái Lan.

Đối với giới bảo tồn động vật hoang dã, những con hổ lai giống này không có giá trị bảo vệ loài. Những con hổ trong đền Hổ chưa được thuần hóa cho nên khó đoán trước hành vi của chúng và trên thực tế đã có vài vụ hổ tấn công du khách và cả đội ngũ nhân viên của ngôi đền.

Du khách chơi đùa trực tiếp với hổ trong Đền.

Sau khi bắt được 10 con hổ trong đền Hổ, chúng được chở đến Trung tâm Gây giống hoang dã Khao Prathap Chang do chính quyền Thái Lan quản lý. Tanya Erzinclioglu, điều phối viên tình nguyện của trung tâm, bảo đảm: “Ở Thái Lan, đây là nơi tốt nhất dành cho chúng”. Còn giám đốc trung tâm Banpot Maleehuan nhấn mạnh, việc không cho hổ tiếp xúc trực tiếp với con người là điều tốt cho con vật.

Banpot phát biểu: “Sau 2 tháng sống ở đây, chúng đã trở thành những con hổ thực thụ. Hổ là hổ chớ không là thú cưng. Chúng phải được sống trong môi trường tự nhiên của chúng”.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.