Mối đe dọa lớn nhất cho Thế vận hội Rio đến từ… internet

Thứ Năm, 11/08/2016, 10:20
Chính quyền Brazil quyết định triển khai trên mọi đường phố Rio de Janeiro 85.000 binh sĩ và cảnh sát vũ trang nhằm bảo đảm an ninh trong suốt thời gian diễn ra sự kiện thể thao lớn nhất hành tinhtừ ngày 5-8 đến ngày 21-8.

Vài báo cáo và phân tích từ các chuyên gia cho thấy một trong những mối đe dọa lớn nhất cho du khách và vận động viên tham dự Thế vận hội Rio lại xuất phát từ Internet. Báo cáo ngày 2-8 vừa qua từ công ty an ninh mạng Fortinet, trụ sở đặt tại Sunnyvale (California, Mỹ), cảnh báo “số lượng những cuộc tấn công lừa đảo qua email (phising) và mã độc ở Brazil đang tăng lên”.

Du khách giàu có là mục tiêu của tội phạm mạng Brazil.

Theo báo cáo từ Fortinet, những URL chứa mã độc tăng đến 83% ở Brazil so với chỉ 16% đối với phần còn lại của thế giới. Những cuộc tấn công lừa đảo qua email cũng tăng 76% từ tháng 4 đến tháng 6 vừa qua ở Brazil. Còn theo điều tra từ công ty bảo mật Nga Kaspersky Lab, Brazil hứng chịu rất nhiều cuộc tấn công lừa đảo kiểu phishing.

Một báo cáo viết về cuộc tấn công IOC (Ủy ban Olympic quốc tế, đặt trụ sở tại Lausanne, Thụy Sĩ) viết: “Hồi tháng 2-2016, chúng tôi phát hiện trên hệ thống giám sát tên miền của chúng tôi một cuộc tấn công rất đáng quan ngại với mục tiêu rõ ràng là IOC bằng cách sử dụng tên miền giả mạo độc hại. Mục đích của bọn tội phạm là đánh cắp thông tin quan trọng từ những nhân viên IOC đang làm nhiệm vụ tại Brazil”.

Tội phạm mạng là mối đe dọa lớn nhất ở Thế vận hội Rio.

Cũng theo các nhà nghiên cứu Kaspersky Lab, một trong 4 điểm truy cập Internet không dây ở Brazil được du khách sử dụng có điểm yếu là rất dễ bị tin tặc tấn công.

Jim Hutton, chuyên gia bảo mật cho dịch vụ cấp cứu On Call International của Mỹ và cựu giám đốc an ninh toàn cầu của tập đoàn hàng hóa tiêu dùng đa quốc gia Mỹ Proctor & Gamble (P&G), nhận định: Các công ty - đặc biệt là công ty tài trợ - khi du hành thường mang theo thông tin độc quyền về những kế hoạch tiếp thị do đó sẽ gặp nguy cơ tấn công rất cao.

Binh sĩ và cảnh sát vũ trang được huy động tối đa bảo vệ Thế vận hội Rio.

Chuyên gia phản gián hàng đầu Mỹ Bill Evanina nói chuyện với tờ USA Today hồi tháng 6-2016 rằng các sự kiện quan trọng (như Thế vận hội) chính là “sân chơi lớn” cho các cơ quan tình báo cũng như bọn tội phạm mạng và do đó Thế vận hội Rio ở Brazil không ngoại lệ. Bill Evanina cũng khuyên du khách đến Brazil tham dự sự kiện thể thao không nên mang theo bên mình những thiết bị điện tử chứa đựng thông tin nhạy cảm.

Theo đánh giá của Hội đồng Cố vấn An ninh hải ngoại (OSAC) trực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ được công bố hồi đầu năm 2016, chính quyền Brazil thất thu mỗi năm hàng tỷ USD do tội phạm lừa đảo trực tuyến. Báo cáo viết: “Brazil tiếp tục được xếp hạng là một trong những môi trường mà tội phạm mạng lan tràn mạnh bậc nhất thế giới bất chấp mọi nỗ lực trấn áp của chính quyền”.

Mới đây, Jens Monra - chuyên gia an ninh số công ty bảo mật FireEye (FEYE) đặt trụ sở tại Milpitas (California, Mỹ) - cũng khẳng định: các nhóm tội phạm từ những phần khác của thế giới đang cố gắng liên kết với tội phạm mạng hoạt động ở Brazil và Thế vận hội Rio - với hàng trăm ngàn du khách quốc tế giàu có đổ về tham dự - sẽ là cơ hội kiếm tiền cực kỳ béo bở cho bọn chúng.

Thông thường, bọn tội phạm sẽ lợi dụng hệ thống an ninh mạng yếu kém của chính quyền Brazil để đánh cắp dữ liệu cá nhân như chi tiết tài khoản ngân hàng có thể được sử dụng để làm thẻ tín dụng giả.

Chính quyền Brazil cũng thông báo con số những vụ tấn công mạng xảy ra ở nước này đã tăng vọt lên gần 200% năm 2014 so với năm trước đó. Giới chức Công ty IBM phân tích: “Các nhóm tội phạm mạng có kỹ năng nhất ở Brazil sử dụng mã độc nổi tiếng Panda Banker từng được sử dụng để tấn công các hệ thống ngân hàng ở Bắc Mỹ và châu Âu”.

Chuyên gia an ninh mạng IBM Limor Kessem phát biểu với tờ The Australian Financial Review rằng, bọn tội phạm rất chuộng những sự kiện quốc tế như Thế vận hội hay World Cup. Các số liệu thống kê cho thấy trong sự kiện Thế vận hội Bắc Kinh 2008 có đến hơn 12 triệu cuộc tấn công mạng xảy ra trong một ngày.

Tại Thế vận hội London 2012, đội chuyên gia an ninh mạng phục vụ bảo vệ sự kiện ngăn chặn được 212 triệu âm mưu kết nối hiểm độc. Theo Jens Monrad, rất có thể những khoản tiền lớn đánh cắp được từ du khách quốc tế đến tham dự Thế vận hội Rio sẽ được bọn tội phạm sử dụng để mua những công cụ hack mạnh và mới nhất trong thế giới hacker mũ đen nhằm giúp nâng cao kỹ năng và tăng cường những cuộc tấn công sau này.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.