Nhà báo Mỹ viết về hồi ức Việt Nam

Thứ Hai, 29/07/2019, 17:00
Nhà văn kiêm nhà báo người Mỹ David Martin đã kể về những tội ác dã man của quân đội Mỹ trong chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Và trong những cuộc điều tra của mình, David Martin đã không đơn độc. Dưới đây là một trong số các bài viết của David Martin vào năm 2015.

Trong cuốn sách của mình có tên “Giết tất cả những gì đang chuyển động, nhà báo Nick Ters khẳng định rằng các nhà chức trách Mỹ đều đã nhận thức được những vụ đổ máu tương tự như vậy và hơn thế thường được cho phép làm điều này.

Những kẻ đã giết người bằng bom tấn thì trong nhiều trường hợp không bao giờ nhìn thấy những nạn nhân của mình. Phần lớn những viên sỹ quan đi oanh kích không bị bất cứ một sự cách chức hoặc sa thải nào cả. Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ. Đã có những hồi ức về điều này được tìm thấy trong một cuốn sách ít được biết đến đã xuất bản ở vùng ngoại ô Nash County.

Một chiếc B-52 đang cắt bom trong chiến tranh Việt Nam.

Mary Lewis Dean là nữ nhà văn đã sinh ra ở Nash County. Năm 1996 bà đã công bố cuốn sách “Chào các cựu chiến binh: những câu chuyện kể của các cựu binh về người thân của mình”. Một trong số những câu chuyện làm cho tôi chú ý là chuyện “Mục tiêu không thể chấp nhận”, trong đó cựu binh này thú nhận rằng đã có một trong số những nhiệm vụ vẫn mãi còn lưu lại trong ký ức của ông ta.

Người đó là James Hildreth, thiếu tá nghỉ hưu, trước đây từng là trung úy. Ông kể đã nhận lệnh đi tiêu hủy những ngôi làng Việt Nam, nơi có hơn 1.000 người sinh sống. “Tôi đã dẫn đầu chuyến bay trinh sát vũ trang gồm hai chiếc A-1E và ngay sau khi cất cánh, chúng tôi được hướng dẫn đến mục tiêu trên bờ biển phía bắc của miền Nam Việt Nam. Khi đến khu vực quy định, chúng tôi đã liên lạc với điều phối viên, là người chỉ dẫn mục tiêu cho chúng tôi. Đây thực ra là một khu dân cư lớn với khoảng 300 - 400 ngôi nhà, có từ 1.200 - 1.500 người đang sống tại đó. Tôi đã hỏi vì sao ngôi làng này lại là mục tiêu. Điều phối viên trả lời:

“Đó là ngôi làng của Việt cộng”.

“Do đâu mà ông biết điều này?”

“Chúng tôi đã nhìn thấy ở đó có ba tên Việt cộng. Bọn họ đã chạy từ ngoài cánh đồng vào trong làng”.

“Và ông muốn chúng tôi hủy diệt cả làng vì ba người Việt cộng sao? Ông có chắc rằng họ đúng là Việt cộng không? Họ có vũ khí không?”

“Họ mặc bộ pijama màu đen”.

Tất cả những người nông dân đã làm việc trên đồng thì đều mặc bộ pijama như vậy cả. Đó là trang phục thường ngày của họ và dĩ nhiên những người nông dân đều có những chiếc cào và cuốc”. Người điều phối nói thêm rằng những người này bị tình nghi là có vũ trang. Tôi hỏi:

“Ông có chắc chắn rằng đó là vũ khí, chứ không phải là cào và cuốc chứ?”.

“Đừng tranh cãi nữa. Ngồi bên cạnh tôi đây là ông tỉnh trưởng và ông ta nói rằng đó là làng của những người Việt cộng”.

“Được, tôi sẽ hạ thấp hơn và xem là có khai hỏa được không”.

Chúng tôi đã hạ thấp độ cao và chậm rãi bay vòng quanh khu vực ở độ cao thấp. Trên sân là những đứa trẻ, chúng mỉm cười và vẫy tay với chúng tôi. Ngôi làng này đã có ở đó nhiều năm và chiến tranh đã bỏ qua nó. Tôi quay trở lại vị trí ban đầu và liên lạc với điều phối viên, yêu cầu ông ta chỉ đạo. “Gió thổi từ biển - ông ta nói - Vì vậy bom napalm sẽ đốt hết dãy nhà đầu tiên rồi nhờ có gió mà ngọn lửa sẽ lan rộng sang khắp làng” . “Được rồi” - tôi trả lời.

Tôi quay lại và nói viên phi công trên chiếc máy bay đi cùng rẽ vào một phía rồi cùng lúc đó sẽ tấn công sang phía khác. Tôi đã vọt máy bay thẳng lên ngay trên góc của ngôi nhà tranh đầu tiên, trong khi đó người cộng sự thả bom napalm xuống. Khi tôi bay gần đến điểm thả bom thì từ trong ngôi nhà có một người phụ nữ cõng một đứa bé trên lưng đang chạy ra, tay còn dắt theo một đứa trẻ khác khoảng 3-4 tuổi. Tôi đã bay ra ngoài và thả quả bom xuống một con mương bên đường.

Điều phối viên đã rất tức giận và mắng nhiếc tôi - ngồi bên cạnh ông ta là viên tỉnh trưởng. “Tôi sẽ viết một báo cáo về ông!” - ông ta đe dọa tôi. “Đừng vội - tôi trả lời - Tôi sẽ tiếp đất sớm hơn các ông và chính tôi sẽ viết báo cáo!”.

Khi tôi hạ cánh, người phi công đi kèm của tôi đã bước đến chỗ tôi và nói: “Thưa ông, tôi có ba đứa cháu nhỏ, và tôi sẽ không bao giờ có thể nhìn vào mắt chúng nếu như tôi thực hiện mệnh lệnh này”. Ông nói thêm rằng ông không muốn thực hiện các chuyến bay chiến đấu nữa. Sau này tôi đã điều chuyển ông ta vào đội lính dù.

Trong khi nói chuyện với người chỉ huy đội bay đã từng cùng hoạt động với chúng tôi vài năm trước, tôi có kể với ông ta chuyện đã xảy ra trong chuyến bay. Ông ta liền nổi xung: “Chết tiệt, chẳng lẽ cậu không hiểu điều gì xảy ra sao? Đó là ngôi làng đã không nộp thuế! Tay tỉnh trưởng là một trung tá, hắn chỉ muốn dạy cho họ một bài học thôi!”.

Vài ngày sau chúng tôi bay qua ngôi làng đó. Nó đã hoàn toàn bị tiêu hủy, chỉ còn lại một đống tro tàn lớn. Tất cả các ngôi nhà đã bị phá hủy, có 1.200 người đã thiệt mạng.

Bản thân tôi cũng là một người ông, và tôi không thể bình thản nhìn các cháu của mình khi chơi với chúng bởi tôi luôn nhớ lại ngôi làng ở Việt Nam”.

Tôi đã kể câu chuyện này trên trang mạng của mình vào tháng 6-1998, nhưng cho đến ngày nay thì không có một phương tiện thông tin lớn nào của Mỹ tỏ ra có bất cứ sự quan tâm nào về việc này. Mùa hè năm 2010 người bạn gái của tôi là Turley đã có được một cuộc phỏng vấn với James Hildreth. Trong bài báo “Người phía sau và ngôi làng” đã không viết toàn bộ câu chuyện của họ, chẳng hạn như việc Hildredth đã không nói ra ai chính là người đưa ra lệnh hủy diệt ngôi làng: “Cho đến nay tôi vẫn còn có những người bạn ở Lầu Năm Góc” - viên thiếu tá về hưu nói vậy.

Tuy nhiên, Hildreth đã trả lời một câu hỏi khác. Khi Turley hỏi là ông ta có hủy diệt ngôi làng đó không nếu như bay trên đó không phải là chiếc A-1E mà là một chiếc máy bay tiêm kích ném bom siêu âm F-105 thì viên cựu phi công máu lạnh đã trả lời: “Có. Bởi vì tôi đã không nhìn thấy những người ở phía dưới”.

(David Martin, 2015) 

Bích Nguyễn (Theo Pravda)
.
.