Những bộ phim dự báo về đại dịch khủng khiếp

Thứ Ba, 16/06/2020, 21:05
Cả thế giới đang điên đảo và mất ngủ vì COVID-19, ít ai biết rằng, trước đó đã có rất nhiều tác phẩm điện ảnh lấy "virus gieo họa cho nhân loại làm nhân vật chính". Cho tới năm 2020 có khoảng 20 phim về virus chết chóc, là những tác phẩm điện ảnh thuộc thể loại kinh dị, giả tưởng, hiện thực và người máy…

"Corona" là tác phẩm mới nhất (sản xuất năm 2020) không chỉ rất phù hợp với tình hình hiện tại, mà còn cho bất cứ ai phải đối mặt với phân biệt chủng tộc, cũng như sự kì thị trong cuộc sống. Phim được quay từ tháng 2, chọn bối cảnh ngột ngạt trong thang máy khi một người châu Á ho không ngừng và ngay lập tức bị phân biệt đối xử và coi như người mang mầm bệnh.

Nỗi sợ là một loại virus

Đáng nói hơn, đạo diễn người Canada Mostafa Keshvari vừa là người viết kịch bản, đạo diễn, đồng thời kiêm luôn vai trò nhà sản xuất. Ông bắt đầu viết kịch bản cho bộ phim khi SARS-CoV-2 mới xuất hiện, chưa bị xem là đại dịch toàn cầu. Phim vạch trần vấn nạn bài ngoại và nỗi sợ hãi đang lan rộng khắp thế giới - có lẽ nhanh hơn cả tốc độ lây lan của virus, đúng với câu slogan quảng cáo của phim: "Fear Is A Virus" (tạm dịch: Nỗi sợ là một loại virus).

Cảnh trong  "The Last Man on Earth" (1964).

Trả lời tờ The Hollywood Reporter, Keshvari cho biết ý tưởng về bộ phim nảy sinh khi ông đứng trong thang máy đọc được thông tin về một du khách Trung Quốc bị tấn công vì đến từ đất nước đầu tiên có COVID-19.

Để bộc lộ chân thật nhất nỗi sợ hãi, "Corona" được quay bằng kỹ thuật one shot của camera cầm tay - một cú máy duy nhất kéo dài suốt thời lượng phim, không cảnh nào bị cắt bỏ. "Người xem sẽ thấy được cảm xúc thật sự của các nhân vật trong phim. Họ sẽ liên tục trải qua sự căng thẳng và nỗi sợ sẽ rất chân thực", Mostafa Keshvari chia sẻ.

Đạo diễn Keshvari đã khuyến khích các diễn viên của mình ứng biến tình huống vượt khỏi khuôn khổ kịch bản để cho thấy sự sợ hãi của họ khi bị kẹt trong thang máy cùng nỗi lo hoàn toàn có thể bị nhiễm virus corona. Chính vì vậy khán giả cảm nhận được rằng nỗi sợ hãi của các nhân vật như được quay từ thực tế chứ không còn là diễn xuất.

Khi bộ phim được quay, Keshvari không thể nghĩ rằng sự lây lan của dịch COVID-19 lại nhanh đến vậy và giờ nó đã trở thành đại dịch toàn cầu, nhấn chìm cả Bắc Mỹ. "Ban đầu nó được biết đến như là virus đến từ Trung Quốc nhưng giờ ai cũng có thể nhiễm bệnh và loài người đang trong cuộc chạy đua để đánh bại virus chết người này. Virus ấy không phân biệt đối xử thì tại sao chúng ta lại làm như vậy?

Nỗi sợ hãi có thể mất đi người mình yêu thương cũng được truyền tải vào bộ phim được làm rất vội này", đạo diễn Keshvari nói. Thời điểm hiện tại, COVID-19 vẫn đang là nỗi khiếp sợ lớn nhất trên toàn cầu, khi số ca nhiễm và người tử vong tăng lên từng ngày. Trong khi nền điện ảnh thế giới đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, hàng loạt tác phẩm hoãn ra rạp vô thời hạn, nhiều dự án đã hoặc dự kiến đi vào thực hiện đồng loạt tạm dừng.

Xoáy sâu vào vấn nạn căng thẳng chủng tộc

Bối cảnh phim gói gọn trong không gian nhỏ hẹp của thang máy. Tại đó, 6 người hàng xóm sống cùng tòa nhà tại Vancouver bàn luận vui vẻ cho đến khi một phụ nữ người Trung Quốc (Traei Tsai đóng) bước vào. Câu chuyện đi đến cao trào khi thang máy bị kẹt, còn người phụ nữ Trung Quốc bắt đầu ho.

Cảnh trong "Dawn of the Dead" (1978).

Những người còn lại hoảng loạn, la hét, to tiếng và hắt hủi người phụ nữ, thậm chí có người còn rút súng và hét: "Chúng ta sẽ chết ở đây", vì sợ nhiễm virus. Người phụ nữ không thể giao tiếp càng khiến nỗi sợ hãi dâng cao.

Phim chỉ kéo dài một tiếng đồng hồ, nhưng nỗ lực của 7 diễn viên và đoàn làm phim phải gấp rút rất nhiều lần mới tạo được hiệu quả mong muốn. Phim không chỉ khiến khán giả phải trải nghiệm tình huống một cách chân thực nhất, mà dàn diễn viên cũng phải thực sự sống trong bầu không khí căng thẳng đó.

"Dàn diễn viên - Andrea Stefancikova, Andy Canete, Emy Aneke, Josh Blacker, Richard Lett, Traei Tsai, Zarina Sterling - đã có một màn trình diễn khó tin. Tôi rất háo hức chờ đợi thời khắc phim ra rạp phục vụ khán giả. Tôi rất tự hào về toàn bộ diễn viên và ê-kíp làm phim vì đã tin tưởng vào dự án này", ông nói.

Keshvari dự kiến sẽ đưa tác phẩm tham dự các liên hoan phim, đồng thời hy vọng "Corona" sẽ sớm có mặt trên các nền tảng xem phim trực tuyến. "Bộ phim xoáy sâu vào vấn nạn căng thẳng chủng tộc. Trong khi con virus này không bị giới hạn về biên giới hay chủng tộc. Chúng ta nên tập trung vào việc ngăn chặn sự lây lan của virus, bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, bộc lộ tinh thần đoàn kết và đối xử tốt với nhau", đạo diễn từng tranh giải phim ngắn tại LHP Cannes nhấn mạnh.

Mostafa Keshvari sinh năm 1986, tốt nghiệp Trường điện ảnh Vancouver (Canada). Năm 2015, Keshvari cho ra mắt bộ phim đầu tiên trong sự nghiệp là “I Ran”, được công chiếu tại liên hoan phim Cannes. Các tác phẩm của anh thường lấy đề tài về phụ nữ hoặc các vấn đề trong xã hội. Bên cạnh nghề đạo diễn, Mostafa Keshvari còn là một họa sĩ và nhà thơ chuyên nghiệp thuộc Liên đoàn Nghệ sĩ Canada.

Trước đó, ngay từ những thập niên 60, điện ảnh đã có những thước phim mô tả về một đại dịch do virus càn quét loài người, tuy là trong trí tưởng tượng nhưng cũng khiến cho người xem "lạnh gáy". Đó là "The Last Man on Earth" (1964); "Dawn of the Dead" (1978); Outbreak (1995); Series phim  "Resident Evil" (2002-2017); "28 Days Later" (2003)/"28 Weeks Later" (2007); "Carriers" (2009); "Blindness" (2008); Black Death (2010);  Contagion (2011); Flu (2013); Monkeys (1995); Quarantine (2008); Daybreakers (2009); The Cured (2017). Ngoài ra, còn có, "Rise of the Planet of the Apes" (2011), "World War Z" (2013), HONORABLE MENTION: "Hackers" (1995).

Nguyễn Hoàng-D.T.
.
.