Những mặt tối ở Hpakant, Myanmar

Thứ Tư, 31/05/2017, 14:31
Giấc mơ của Seng Li nhanh chóng tan rã trong những “chợ thuốc phiện” ở Hpakant. Chẳng bao lâu, anh ta cũng như các thợ mỏ khác, làm việc từ sáng đến tối tại những bãi thải cốt chỉ mong kiếm đủ tiền cho bữa ăn hằng ngày và mấy liều “bong” buổi tối. Seng Li nói: “Đôi lúc tôi cũng thấy nhục lắm nhưng biết làm sao được. Tôi coi như đã chết rồi”...


Hpakant - kinh đô ma túy

Đêm ở thị trấn Hpakant khá buồn tẻ. Ngoại trừ những khách sạn sang trọng sáng rực ánh đèn và những tiệm ăn, những quán nhậu, những cửa hàng bách hóa phần lớn do người Trung Quốc làm chủ, còn thì nhà cửa hầu hết chìm trong bóng tối.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, lúc cao điểm Hpakant có khoảng 300.000 lao động đến từ nhiều nơi trên đất nước Myanmar, số ít từ Lào, làm việc trong những mỏ ngọc bích. Gần một nửa trong số này là những người thợ khai thác tự do (gọi là yemase).

Thu nhập ít ỏi của họ ngoài việc bị ăn chặn bởi những kẻ môi giới, nó còn chui vào túi bọn bán lẻ “chuột nhắt” - là tiếng lóng dùng để chỉ những hạt thuốc phiện nguyên chất chưa qua chế biến, giá rất rẻ, có thể dễ dàng tìm mua ở những căn nhà tồi tàn bên lề đường mặc dù từ năm 2011 đến nay, hàng trăm người đã bị xử tù, xử bắn - cả con nghiện lẫn người bán.

Số phận mỉm cười với một yemase khi tìm được khối ngọc đẹp.

Theo nhà báo tự do Mice Spencer, anh may mắn được chứng kiến một buổi hút thuốc phiện tại tiệm hút với lời dặn “không được chụp hình nếu không muốn chết”. Zaw Min, người bán, đặt vào trong một cái thìa bằng đồng mấy “con chuột” rồi hơ nó trên chiếc bếp gas. Giây lát, thuốc phiện tan chảy thành một thứ dung dịch sền sệt, có màu như màu nhớt thải từ xe gắn máy. Tiếp theo, nó được đổ lên một nắm sợi mảnh như sợi chỉ, tước ra từ vỏ chuối đã sấy khô rồi trộn đều. Cuối cùng, Zaw Min chia nó ra thành từng miếng nhỏ, gọi là “bong”.

Mike Spencer viết: “Giá mỗi miếng “bong” là 5 kyat, rẻ hơn rất nhiều so với heroin mà “phê” cũng chẳng kém gì. Hơn nữa, rất nhiều thợ mỏ tin rằng hút “bong” hoặc chích heroin sẽ ngăn chặn được bệnh sốt rét, chứng bệnh giết người nhiều nhất ở Hpakant”.

Hút “bong” cũng giống như hút ống điếu thuốc lào. Dụng cụ dùng để hút gọi là ka-boom. Nhúm sợi vỏ chuối khô tẩm thuốc phiện được đặt vào nõ điếu rồi người hút châm lửa, lấy hết sức hít một hơi dài, nuốt khói vào phổi. Giây lát, mặt anh ta đờ đẫn, mắt như lạc thần, những đầu ngón tay run lẩy bẩy.

Zaw Min cho biết người Kachin đã hút thuốc phiện theo cách này từ nhiều thế kỷ. Seng Li, một thợ mỏ 38 tuổi, bạn của Zaw Min, mặc chiếc áo thun hiệu Tommy Hilfiger rách tơi tả và chiếc sarra (loại váy của đàn ông Myanmar) sọc ca rô trong cơn say thuốc nói lè nhè: “Lúc đang trên đường đến Hpakant, tôi nghĩ mình sẽ thành một ông chủ lớn. Tôi sẽ tìm được những viên ngọc bích tuyệt hảo nhất và những đứa học đại học sẽ phải về làm việc cho tôi. Để giao dịch với người ngoại quốc, tôi đã tự rèn luyện tiếng Anh và học về máy tính”.

Nhưng giấc mơ của Seng Li nhanh chóng tan rã trong những “chợ thuốc phiện” ở Hpakant. Chẳng bao lâu, anh ta cũng như các thợ mỏ khác, làm việc từ sáng đến tối tại những bãi thải cốt chỉ mong kiếm đủ tiền cho bữa ăn hằng ngày và mấy liều “bong” buổi tối. Seng Li nói: “Đôi lúc tôi cũng thấy nhục lắm nhưng biết làm sao được. Tôi coi như đã chết rồi”.

Myanmar là quốc gia sản xuất thuốc phiện lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Afghanistan. Cây anh túc - nguồn nguyên liệu không thể thiếu trong việc điều chế chất ma túy heroin - được trồng ở bang Kachin và bang Shan nằm kế cận. Nó là nguồn cung cấp tài chính cho các nhóm vũ trang chống Chính phủ Myanmar. Tuy nhiên, ở các tỉnh trung tâm và đồng bằng phía nam, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng Myanmar, việc buôn bán, sử dụng ma túy được coi như trọng tội. Nếu bị bắt với 3gram heroin trong người, có thể lĩnh án tù 10 năm. Nhiều hơn nữa thì cầm chắc án tử hình.

Nhưng ở Hpakant thì khác, nhiều người nghiện ma túy được phỏng vấn bởi tổ chức Global Witness (Nhân chứng toàn cầu) đã cho thấy hơn một nửa số thợ mỏ ở Hpakant sử dụng heroin hoặc hút “bong” thường xuyên, và tìm ra một người không nghiện cả hai thứ này khó hơn tìm kim đáy biển.

Maung Aye nói: “Heroin được nạp sẵn trong những chiếc bơm tiêm với giá chỉ 1 USD. Cứ một hộp 10 bơm tiêm với nhãn hiệu “Năm ngôi chùa” - tiếng Myanmar gọi là “taing na lone” có giá 10 USD nhưng sau khi chích xong, anh phải trả lại kim và bơm tiêm cho người bán”. Còn nếu không trả lại thì coi như lần sau chẳng ai bán cho anh nữa.

Việc chia sẻ 1 cây kim cho mỗi lần chích heroin là việc chẳng có gì lạ ở Hpakant. Marip, một con nghiện nói: “8 người chúng tôi thường dùng chung 1 bơm tiêm và 1 cây kim. Trước khi chích, chúng tôi tiểu vào nó để ngăn ngừa HIV (?!)”.

Một yemase vác hòn đá nghi là có ngọc trèo lên bãi thải với sự trợ giúp của đồng nghiệp.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Myitkyina, thành phố lớn nhất của bang Kachin, có khoảng 1/3 số người nghiện heroin nhiễm HIV còn ở Hpakant, con số này theo giả định, lớn hơn nhiều. La Htoi, người môi giới mua bán ngọc bích ở Hpakant, được chẩn đoán mắc bệnh AIDS nói: “Tôi không nhận ra là tôi đã nhiễm HIV cho đến khi tôi bỏ chích heroin. Suốt nhiều năm, tôi dùng chung kim tiêm với nhiều người và heroin đã che giấu các triệu chứng của bệnh AIDS”.

Một nhân viên của một tổ chức phi chính phủ phương Tây - được cho là nhà cung cấp kim tiêm sạch duy nhất ở Hpakant nói với trang web Global Witness: “Mỗi năm chúng tôi cung cấp cho các con nghiện ở Hpakant hàng triệu cây kim sạch”.

Khun Hpaung, một thợ khai thác ngọc 38 tuổi cho biết: “Có vẻ như các thợ mỏ nghiện heroin bắt đầu nhận ra sự nguy hiểm của bệnh AIDS. Họ đang cố gắng để không bị lây nhiễm bằng cách đăng ký để nhận kim sạch”.

Chợ heroin ở Hpakant gồm những ngôi nhà tồi tàn, làm bằng ván với những cọc tre, mái lợp lá hoặc những mảnh nylon. Đây cũng là nơi hoạt động của gái mại dâm với giá 5 USD cho mỗi lần “đi khách”. Nhiều người trong số này nhiễm HIV vì ngoài việc quan hệ tình dục không an toàn, họ còn là đệ tử của ma túy.

Lat, một gái mại dâm 18 tuổi cho biết mỗi ngày cô phải chích 4 “taing na lone”, mất 4 USD. Theo lời thợ mỏ Maung Aye, Lat sinh ra trong một gia đình khá giả, cha cô là người môi giới mua bán ngọc bích. Thế nhưng nghiện ngập đã khiến những đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi.

Lat nói: “Đầu tiên tôi bán chiếc xe máy của  tôi. Sau đó, đến cái tivi, cái máy may của gia đình và cuối cùng là chén, đĩa, muỗng. Khi không còn gì để bán, tôi bán thân xác tôi để có tiền chích. Nhìn vào căn nhà trống rỗng, mẹ tôi khóc suốt cả ngày”.

Bên cạnh ma túy, cờ bạc cũng là món hàng ăn khách ở Hpakant. Mỗi đêm, có cả trăm thợ mỏ dán mắt vào viên bi lăn trên chiếc bàn tròn in hình những con số - một kiểu chơi roulette, đến nỗi đã có người gọi đây là “một Las vegas thu nhỏ” và hầu hết đều trắng tay.

Maung Aye cho biết càng thua càng “khát nước”, hôm sau họ làm quần quật cả ngày cốt chỉ kiếm được 2 hoặc 3 USD, 1 dành cho ma túy, 1 cho ăn uống và đồng đôla cuối cùng thì đem dâng cho thần đỏ đen.

Cuộc chiến ngọc bích

Như đã nói ở trên, đại đa số các thợ mỏ tự do (yemase) mưu sinh bằng cách đào bới, tìm kiếm ngọc bích còn sót lại trong các bãi thải do những công ty khai thác đổ ra nhưng việc này là bất hợp pháp, thậm chí còn bị coi là ăn cắp bởi lẽ về mặt nguyên tắc, dù là thải loại nhưng nó vẫn thuộc quyền sở hữu của các công ty.

Để ngăn chặn, nhiều công ty thành lập những đội bảo vệ, sẵn sàng đánh đập những yemase mỗi khi thấy họ xuất hiện tại bãi thải. Tuy nhiên, đã từng có người tìm được một viên ngọc bích trị giá hơn 50.000 USD - một số tiền đủ để thay đổi cuộc sống nên bất chấp mọi nguy hiểm, những “yemase” không đào bới được vào ban ngày thì bằng những chiếc đèn pin, họ chuyển sang làm vào ban đêm.

Điều này đồng nghĩa với thảm họa lở đá cũng tăng lên do không thể quan sát tường tận những vị trí có khả năng sụt lở. Bên cạnh đó, theo thợ mỏ Maung Aye, bóng tối cũng là đồng minh của các nhân viên bảo vệ. Chia nhỏ thành từng nhóm, họ tấn công những thợ mỏ đào bới đơn độc.

Các yemase ngồi nghỉ sau khi trèo lên đỉnh của một bãi thải.

Không chỉ với những nhân viên bảo vệ của các công ty khai thác mỏ, những yemase còn phải đối phó với đám môi giới kiêm thẩm định chất lượng ngọc. Với kinh nghiệm và kỹ năng đặc biệt, chỉ cần quan sát một lát là họ biết ngay hòn đá đó có ngọc hay không mà chẳng cần phải cắt nó ra. Từ ưu thế này, đám môi giới ép giá thợ mỏ.

Myo Aung, một yemase 24 tuổi nói: “Hòn đá làm cho bạn trở thành triệu phú và hòn đá khiến bạn phải quẳng nó đi chẳng có gì khác nhau nếu nhìn từ bên ngoài. Hãy suy nghĩ về nó như một cô gái bẩn thỉu, ăn mặc xấu xí. Muốn biết cô ấy có đẹp không thì bạn phải tắm cho cô ấy nhưng chúng tôi không có bí quyết”.

Giới yemase ở Hpakant vẫn truyền cho nhau nghe câu chuyện về thợ mỏ Mala, tìm được viên đá trị giá 100.000 USD nhưng khi đến tay người môi giới, Mala chỉ nhận được đúng 1.200 USD.

Theo Thượng nghị sĩ bang Kachin là ông Khat Htein Nan thì ông đã trình một dự luật cho Quốc hội Myanmar, nội dung kiểm soát việc khai thác ngọc bích ở Hpakant. Ông nói: “Dự luật có cơ hội được thông qua. Các công ty thường đào những hố sâu từ 120 đến 240m để lấy ngọc. Nhiều ngọn núi trở thành những thung lũng.

Khi ngọc bích bị lấy hết, thung lũng biến thành hồ chỉ sau một mùa mưa, làng mạc sẽ phải di chuyển. Những gì tôi yêu cầu là bảo vệ đất đai và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Tôi đã thảo luận về sông Uru ở Thượng viện. Bây giờ, sông Uru giống như một con lạch do các bãi thải của các công ty và điều tương tự sẽ xảy ra với ngọc bích. Nó sẽ cạn kiệt trong 25 hoặc 30 năm tới...”.

Vẫn theo Thượng nghị sĩ Khat Htein Nan, việc khai thác phải có hệ thống, ngọc bích bán cho nước ngoài phải là những sản phẩm đã được chế tác chứ không phải chỉ bán thô. Ông cũng cảnh báo rằng trước đây, các công ty khai thác sử dụng máy đào công suất 500 vòng/phút thì bây giờ, họ đã tăng lên đến 3.500 vòng/phút.

Ông nói: “Việc đổ  đất đá thải loại bất hợp pháp của các công ty khai thác mỏ vào sông Uru và các nhánh của nó đã khiến thị trấn Hpakant và các làng xung quanh bị đe dọa bởi lũ lụt trong 10 năm qua. Khoảng 50 ngọn núi gần như bị san bằng hoàn toàn và con sông đang co lại. Một số làng gần Hpakant thậm chí cũng đã biến mất bởi những hậu quả này”.

Còn với nhà địa chất học, Tiến sĩ Aung Naing Thu, giảng viên Đại học Myitkyina, bang Kachin thì: “Có hai loại ngọc bích, được gọi là nephrite và jadeite. Jadeite ở Hpakant là loại ngọc tốt nhất thế giới. Chất lượng ngọc không phụ thuộc vào số năm hình thành nên nó, mà nó phụ thuộc vào nhiệt độ và áp suất.

Các chuyên gia cho biết ngọc bích sẽ không xuất hiện ở đây thêm một lần nào nữa. Vì thế, tôi luôn nói với các sinh viên của tôi rằng nguồn tài nguyên ở Hpakant không phải là vô tận. Cần phải sử dụng nó thật hợp lý trước khi chúng ta chỉ còn nhìn thấy nó trong tủ kính của các tiệm kim hoàn...”.

Vũ Cao (theo Global Withness - Jadeite in Hpakant)
.
.