Những vụ bê bối trong thế giới điện ảnh Bollywood

Thứ Tư, 11/04/2018, 15:36
Trong 5 năm qua, những cảnh báo và báo cáo về loại tội phạm tình dục chống phụ nữ tăng cao trong xã hội Ấn Độ và dĩ nhiên nền công nghiệp điện ảnh cũng hứng chịu không ít tai tiếng.


Siêu sao mang án tù vì săn giết động vật quý hiếm

Siêu sao Bollywood Salman Khan được coi là nhân vật bất trị của nền công nghiệp điện ảnh Ấn Độ do không ít lần vi phạm luật pháp nước này. Năm 2002, Salman Khan bị buộc tội lái xe trong tình trạng say rượu dẫn đến việc cán chết 1 người đàn ông vô gia cư ở Mumbai. Salman Khan còn bị buộc tội tấn công vài bạn gái và nhiều người nghi ngờ ông mắc chứng gọi là “misogynistic” (thù ghét phụ nữ).

Salman Khan chuẩn bị bước vào phiên tòa xét xử vụ săn giết linh dương hôm 5-4-2018.

Các vụ săn bắn trái phép và giết chết loài linh dương quý hiếm của Ấn Độ năm 1998 ở bang Rajasthan miền tây nước này khi đang quay bộ phim “Hum Saath Saath Hain” tại địa phương là vụ dính líu đầu tiên đến luật pháp của siêu sao Salman Khan. Bishnois, một bộ tộc Rajasthani được xem là những người bảo vệ động vật hoang dã của khu vực này đã đệ đơn kiện chống lại các diễn viên của đoàn làm phim.

Tuy nhiên, trên thực tế Salman Khan chỉ bị giam chưa đến 1 tuần trước khi được thả do đóng tiền bảo lãnh. Ngày 5-4-2018, vụ án săn giết linh dương được xét xử lại và mặc dù không nhận tội song Salman Khan vẫn bị tòa án đưa ra mức án 5 năm tù đồng thời phải nộp phạt 10.000 rupi (khoảng 155 USD).

Salman Khan là một trong những ngôi sao có quyền lực nhất của ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Độ cho nên chính quyền phải huy động hàng trăm cảnh sát triển khai phía bên ngoài phiên tòa nhằm kiểm soát lượng người hâm mộ quá đông đảo của nam diễn viên. Luật sư của siêu sao cho biết ông cùng thân chủ đang chống án lên Tòa án Tối cao Ấn Độ. Salman Khan bị buộc tội theo Luật Bảo vệ đời sống hoang dã Ấn Độ, trong đó quy định cấm săn bắn hàng trăm loài được bảo vệ nghiêm ngặt khác nhau bao gồm: hươu đen, hổ, sư tử, báo, voi, tê giác và linh dương Tây Tạng v.v...

Mức án phạt cho lần phạm tội đầu tiên là ngồi tù 7 năm hay phạt tiền đến 25.000 rupi (khoảng 386 USD) hoặc phải chịu cả 2 hình phạt. Theo số liệu từ Cục Tội phạm Ấn Độ, 148 vụ buộc tội vi phạm luật diễn ra vào năm 2016. Theo báo cáo hằng năm của Trung tâm Khoa học và Môi trường Ấn Độ, loại tội phạm săn trộm động vật hoang dã tăng 52% vào giữa các năm 2014 và 2016 với hơn 30.382 vụ được ghi nhận. Salman Khan cũng dính líu đến nhiều vụ bê bối liên quan đến phụ nữ.

Trong một vụ việc tai tiếng, Salman Khan đập vỏ chai nước ngọt lên đầu bạn gái trong nhà hàng trong cơn giận dữ không kìm chế. Salman Khan cũng bị chỉ trích có hành động vũ phu với ngôi sao nữ và cựu Hoa hậu Thế giới Aishawarya Rai - vụ việc mà ông luôn phủ nhận. Trong vài năm qua, Salman Khan luôn thường xuyên bị giới truyền thông Ấn Độ chỉ trích là “chàng trai xấu”.

Tuy nhiên, siêu sao cũng có tiếng là người hay giúp đỡ bạn bè và cả người lạ. Cách đây vài năm, Salman Khan thành lập tổ chức từ thiện Being Human để giúp đỡ người nghèo qua hệ thống giáo dục và y tế. Tổ chức bán áo thun và các sản phẩm khác trên Internet và trong một chuỗi cửa hàng để thu tiền làm từ thiện.

Sau khi Salman Khan chia tay với nữ diễn viên Katrna Kaif, hai người vẫn duy trì mối quan hệ bạn bè và đóng chung trong 2 bộ phim “Tiger Zinda Hai” và “Ek Tha Tiger”. Salman Khan thích hút thuốc lá, uống rượu và cà phê nhưng ngoại trừ... phụ nữ.

Salman Khan trong bộ phim “Ek Tha Tiger”.

Salman Khan xuất hiện trong gần 100 bộ phim nói tiếng Hindu, nổi tiếng trong các vai tình cảm lãng mạn cũng như phim hành động Ấn Độ. Siêu sao 52 tuổi cũng nhận được vài giải thưởng điện ảnh danh giá của Ấn Độ và là diễn viên hiếm hoi có được lượng người hâm mộ khổng lồ trong nước từ tầng lớp thượng lưu đến dân nghèo ở khu ổ chuột. Những bộ phim của Salman Khan thường được công chiếu trùng với những lễ hội lớn trong năm như là Eid của người Hồi giáo hay Giáng sinh.

Mỗi bộ phim có Salman Khan tham gia diễn xuất đều thu hút đông đảo người xem tại hàng ngàn rạp chiếu phim. Người hâm mộ đặc biệt mê say những vũ điệu của siêu sao trên màn ảnh. Bất chấp việc hứng chịu nhiều chỉ trích và buộc tội của tòa án, người hâm mộ vẫn luôn trung thành với Salman Khan và những bộ phim của ông luôn đứng đầu bảng doanh thu phòng vé ở Ấn Độ.

Vài bộ phim mới nhất của ông: “Ek Tha Tiger”, “Sultan”, “Prem Ratan Dhan Payo”, “Bajrangi Bhaijaan”, “Dabangg” và “Dabangg 2” được đánh giá là bom tấn của điện ảnh Ấn Độ. Salman Khan - con trai cả trong số 3 con trai của nhà viết kịch bản điện ảnh nổi tiếng Salim Khan - cũng là ngôi sao nổi bật trên các nền tảng xã hội - với 36 triệu người hâm mộ trên trang Facebook và 32,5 triệu người theo dõi trên Twitter.

Những vụ quấy rối tình dục trong thế giới Bollywood

Là người trực tiếp tham gia tuyển lựa diễn viên, giám đốc casting cho các bộ phim truyền hình Sohan Thakur từng bị tố cáo hành vi quấy rối tình dục. Reena Saini, 20 tuổi, tiết lộ cô bị Sohan Thakur đặt tay lên bắp đùi khi đang ngồi trong xe cùng với ông.

Saini kể: “Tôi không biết hành động đó là vô tình hay cố ý. Tôi cảm thấy tê cóng người. Thậm chí, sau khi tôi rời khỏi xe, ông ta còn cảnh báo tôi không nói với bất cứ ai về chuyện này”. Tuy nhiên, Sohan Thakur đã phủ nhận điều đó đồng thời buộc tội Saini cố ý xúc phạm danh dự ông ta.

Swara Bhaskar, nữ diễn viên nổi tiếng trong những bộ phim nói tiếng Hindi, cho biết một đạo diễn có ý đồ xấu với cô: “Ông ta luôn lấy cớ cần bàn luận về cảnh yêu đương trong phim để gặp riêng tôi. Khi tôi đến, ông ta đã có hơi men”. Vào một buổi tối, ông ta còn đến gõ cửa nhà Swara Bhaskar khi đã ngà say và đòi cô ôm ông ta. Sau đó, Swara Bhaskar luôn có thành viên khác trong đoàn làm phim đi kèm mỗi khi gặp đạo diễn.

Nữ diễn viên Swara Bhaskar.

Bhaskar chia sẻ: “Bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao các nữ diễn viên thường có mẹ đi theo mỗi khi đến trường quay”. Những câu chuyện quấy rối và tấn công tình dục đối với nữ diễn viên là chuyện vẫn thường xảy ra trong thế giới điện ảnh Bollywood. Một số người tiết lộ bị đạo diễn gạ gẫm đổi tình dục lấy vai diễn hay để được nổi tiếng nhanh. Anna Vetticad, nữ nhà báo và tác giả về công nghiệp điện ảnh Ấn Độ, bình luận: “Môi trường casting chính là một trong những nơi chứa đựng nhiều bí mật nhất của nền điện ảnh Ấn Độ”.

Bhaskar nhấn mạnh: “Đó là vấn đề tế nhị. Người ta thường hay ám chỉ rằng có đến 10.000 cô gái tham gia cuộc thi tuyển lựa cho 1 vai diễn cho nên vấn đề là họ phải biết làm gì để chiến thắng. Bản thân tôi cũng bị mất nhiều vai diễn. Tôi biết các đạo diễn không thèm trả lời những cuộc gọi của tôi bởi tôi dám nói rõ là không muốn tạo dựng mối quan hệ tình cảm với họ”.

Anna Vetticad nhận định: “Thay vì tố cáo, nhiều phụ nữ thường chấp nhận bị lợi dụng để được đặt chân vào môi trường điện ảnh do nam giới thống trị”. Amit Behl - nam diễn viên đồng thời là thư ký Hiệp hội Nghệ sĩ điện ảnh và truyền hình ở thành phố Mumbai của Ấn Độ - chua chát khẳng định: “Đây chính là vấn đề. Những cô gái trẻ luôn phải đối mặt với hành vi quấy rối và tấn công tình dục khi rời tỉnh lẻ với giấc mơ trở thành ngôi sao điện ảnh”.

Mỗi năm, hàng chục ngàn cô gái trẻ tìm đến những trung tâm điện ảnh lớn như ở Mumbai với hy vọng cạnh tranh với các siêu sao như Deepika Padukone hay Aamir Khan.

Trong 5 năm qua, những cảnh báo và báo cáo về loại tội phạm tình dục chống phụ nữ tăng cao trong xã hội Ấn Độ và dĩ nhiên nền công nghiệp điện ảnh cũng hứng chịu không ít tai tiếng. Amit Behl báo cáo: “Ngày càng có nhiều phụ nữ sẵn sàng công khai về chuyện mình bị quấy rối tình dục trên mạng xã hội hay thậm chí trình báo với cảnh sát”. Ví dụ như trong 2 năm qua, tổ chức của Behl nhận được gần 50 đơn kiện chính thức về hành vi quấy rối tình dục so với chỉ 12 đơn kiện trong 3 năm trước đó.

Trường hợp như nhà sản xuất phim Hollywood Harvey Weinstein bị buộc tội cưỡng bức nhiều phụ nữ cũng tồn tại ở môi trường điện ảnh Ấn Độ. Thậm chí, Swara Bhaskar biết rõ tên của khoảng chục nhân vật Bollywood bị coi là “những kẻ quấy rối tình dục hàng loạt” và cho rằng họ sẽ bị lột mặt nạ trong thời gian không xa.

Năm 2017, bộ phim sử thi Padmavati của đạo diễn Sanjay Leela Bhansali bị chỉ trích dữ dội vì cho rằng có nội dung khiêu dâm. Trong một động thái hiếm hoi, nữ Bộ trưởng Phát triển cho phụ nữ và trẻ em Ấn Độ Maneka Gandhi lên tiếng cảnh báo Bollywood cũng như ngành điện ảnh nước này nói chung cần có những biện pháp quyết liệt để chống lại nạn quấy rối tình dục sau vụ bê bối của Harvey Weinstein bị phanh phui trước dư luận thế giới.

Mukesh Bhatt - đồng lãnh đạo nhà sản suất phim Vishesh Films - phát biểu: “Chúng ta có thể làm gì? Chúng ta không thể sử dụng những cảnh sát đạo đức canh gác bên ngoài mỗi văn phòng phim để bảo đảm không có cô gái nào bị lợi dụng thân xác”.

Nữ diễn viên Kalki Koechlin.

Để hưởng ứng phong trào tố cáo quấy rối tình dục #MeToo trên thế giới sau vụ bê bối Harvey Weinstein, các nữ diễn viên Ấn Độ như Kalki Koechlin và Richa Chadha kêu gọi Bollywood cần bảo vệ các nạn nhân của quấy rối tình dục. Kalki gây sốc làng giải trí Ấn Độ khi tiết lộ bị lạm dụng từ năm 9 tuổi. Nữ diễn viên sinh năm 1984 cho biết không kể ra vụ tai nạn để đòi hỏi sự chú ý và cảm thông nhưng để truyền cảm hứng cho những cô gái khác mạnh dạn tìm trợ giúp.

Cô thổ lộ: “Lúc 9 tuổi tôi không biết nó là cái gì và tôi tất căm giận bản thân vì đã giấu kín chuyện đó nhiều năm qua”. 

Tháng 2-2017, người dân Ấn Độ hết sức căm phẫn trước vụ nữ diễn viên Bhavana bị 7 gã đàn ông cưỡng hiếp trên chính ôtô của cô. Bhavana tên thật là Karthika Menon, sinh năm 1986, chính thức bước chân vào làng giải trí Ấn Độ khi mới 16 tuổi và nhanh chóng thành công nhờ vai diễn trong bộ phim “Nammai”.

Bhavana trở thành ngôi sao hạng A của kinh đô điện ảnh Bollywood nhờ ngoại hình xinh đẹp và tài năng nổi trội. Trong suốt 15 năm làm nghệ thuật, nữ diễn viên xinh đẹp đã gặt hái được khoảng 10 giải thưởng lớn nhỏ và tham gia khoảng 75 phim. Kể từ sau vụ cưỡng bức tập thể, Bhavana rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần trầm trọng, cô ngập chìm trong đau khổ và bế tắc nên không dám tiếp xúc với bất cứ ai.

Luật về quấy rối tình dục ở Ấn Độ được thông qua năm 2013 sau vụ một nữ sinh viên y khoa 23 tuổi bị cưỡng bức tập thể trong chiếc xe buýt ở Dalhi năm 2012. Tháng 11-2017, Maneka Gandhi mở một hộp thư điện tử gọi là SHe-Box để tiếp nhận những đơn kiện quấy rối tình dục của phụ nữ. Bà cũng yêu cầu các giám đốc công ty điện ảnh báo cáo những vụ quấy rối tình dục. Trong khi đó, các nhà hoạt động nhân quyền phụ nữ Ấn Độ cho rằng nhiều nạn nhân không dám lên tiếng tố cáo do sợ tương lai nghề nghiệp bị ảnh hưởng.

Diên San (tổng hợp)
.
.