Nữ ca sĩ từng ám ảnh tiểu thuyết gia Turgenev

Thứ Ba, 15/10/2019, 21:43
Tuy sắc đẹp khiêm tốn nhưng với giọng hát tuyệt diệu, nữ ca sĩ Pauline Viardot, người Pháp, đã khiến tiểu thuyết gia người Nga nổi tiếng Ivan Turgenev mê đắm ngay từ lần đầu gặp.

Hàng chục nghìn người tập trung ở ga tàu hỏa tại các thành phố nhỏ ở Nga năm 1883 để bày tỏ sự kính trọng với Ivan Turgenev khi đoàn tàu chở thi hài ông tiến về thành phố St Petersburg. Ở Pháp, nơi tiểu thuyết gia nổi tiếng Turgenev đã sống nhiều năm, Pauline Viardot - người tình cũ và là bạn của ông suốt 40 năm - đã tự tử bất thành khi nhảy khỏi cửa sổ. Bà cũng vừa mất chồng cách đó vài tháng. Con cái bà đã theo dõi, đề phòng bà tự tử.

Những chi tiết trên được đưa ra trong cuốn sách mới đáng chú ý của tác giả Orlando Figes. Cuốn sách nói về cuộc sống phức tạp, dằn vặt của tiểu thuyết gia Turgenev và vợ chồng Viardot cũng như mối quan hệ của họ với thế giới văn hóa châu Âu thế kỷ 19.

Thời nay, không mấy ai nhớ và biết Pauline Viardot là ai nhưng bà từng là một trong những phụ nữ nổi tiếng nhất giới nghệ thuật. Theo nhà soạn nhạc Liszt, bà sinh ra trong một gia đình mà thiên tài dường như có tính di truyền. Cha bà, ông Manuel Garcia là một trong những ca sĩ vĩ đại nhất thời ông. Chị gái bà là Maria Malibran cũng ra mắt giới nghệ thuật khi 14 tuổi và nhanh chóng trở thành một siêu sao opera quốc tế.

Maria chết sớm khi bị đột quỵ lúc lưu diễn ở Manchester (Anh), để lại sân khấu và ánh hào quang cho em gái Pauline. Pauline có thể sánh với tài năng của Maria. Một nhà phê bình đã nhận xét khi Pauline thực hiện buổi hòa nhạc ra mắt ở Paris (Pháp): “Như thể chị gái cô ấy sống lại lần nữa”.

Theo những bức chân dung trong cuốn sách “The Europeans: Three lives and the making of a cosmopolitan culture” (Người châu Âu: Ba cuộc đời và sự hình thành văn hóa thế giới), Pauline không phải là một phụ nữ sắc nước hương trời. Một người ngưỡng mộ Pauline đương thời còn mô tả ca sĩ là “xấu hết mức”. Tuy nhiên, bà hiện diện và làm chủ sân khấu với một giọng ca tuyệt diệu.

Thời Pauline sống là thời đại mà những người biểu diễn âm nhạc cổ điển vĩ đại nhất được đối xử như ngôi sao nhạc rock ngày nay. Nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ dương cầm bậc thầy Liszt có những buổi hòa nhạc mà khán giả nữ ngồi kín các hàng ghế đầu, tranh giành nhau nhặt chiếc khăn tay mà ông cố tình đánh rơi một cách duyên dáng khi ngồi vào chỗ cạnh chiếc đàn dương cầm. Thời Pauline trong độ tuổi 20, bà đã gần nổi tiếng và được kính trọng như Liszt.

Pauline Viardot.

Năm 1843, lần ra mắt của bà tại nhà hát Bolshoi ở St Petersburg là đề tài bàn luận của cả thành phố. Một tờ báo đăng bài viết bình luận về buổi biểu diễn của bà và mô tả về tiếng vỗ tay vang dội mà khán giả dành cho bà. Bài báo đó đăng 2 ngày trước buổi biểu diễn. Khi Pauline lên sân khấu, tác giả bài báo dường như chứng tỏ có khả năng tiên tri. Pauline nhận được 9 lần vỗ tay mời ra hát lần nữa và khán giả đứng dậy tung hô bà suốt cả tiếng đồng hồ.

Người ngưỡng mộ Pauline mãnh liệt nhất ở Nga là Ivan Turgenev, khi đó là một quý tộc 25 tuổi và sắp bắt tay vào sự nghiệp viết lách. Mẹ của Turgenev là một chủ đất giàu có với 5.000 nông nô. Bà là một người độc ác, từng cho hai nông nô đi đày hình sự ở Siberia vì họ không ngả mũ chào một cách tôn kính phù hợp. Turgenev rất sợ mẹ.

Ông từng viết: “Tôi không có ký ức hạnh phúc nào về thời thơ ấu. Tôi sợ mẹ tôi như lửa. Bà phạt tôi chẳng vì lý do gì, đối xử với tôi như lính mới trong quân đội. Hiếm ngày nào trôi qua mà không bị đòn roi...”.

Tác giả Figes viết trong cuốn sách “Từ lần đầu gặp Pauline, Turgenev đã yêu”. Turgenev xem mọi buổi biểu diễn của Pauline tại nhà hát Bolshoi và vỗ tay to tới mức khiến những khán giả ngồi cạnh khó chịu. Chỉ có một cản trở duy nhất với niềm mê đắm của chàng trai trẻ người Nga: Pauline đã kết hôn với Louis Viardot, người hơn cô 20 tuổi. Louis Viardot ngày nay thậm chí còn vô danh hơn cả vợ mình nhưng thời đó, ông là nhà sưu tập và chuyên gia nghệ thuật, nhà văn, nhà biên dịch và giám đốc nhà hát.

Tuy vậy, tình trạng hôn nhân của Pauline không phải là vấn đề và bà đã trở thành tình nhân của Turgenev. Mối quan hệ thể xác của họ kéo dài bao lâu không ai rõ, chỉ biết con thứ tư của Pauline rất có thể là con của Turgenev và họ gần gũi cho đến hết phần đời còn lại. Khi danh tiếng tiểu thuyết gia của Turgenev lớn dần, ông bắt đầu đi khắp châu Âu theo dấu chân của tình nhân và chồng - người mà ông cũng có tình bạn rất trân trọng.

Ban đầu, Louis không biết về cuộc tình của vợ với người Nga nọ vì Turgenev viết phần lớn những bức thư mùi mẫn cho Pauline bằng tiếng Đức mà Louis không hiểu. Về sau, Louis cũng biết về mối quan hệ của họ nhưng nhắm mắt làm ngơ. Thỉnh thoảng, Turgenev cố gắng giải thoát khỏi nỗi ám ảnh với Pauline. Ông biết mình yêu Pauline nhiều hơn là bà yêu mình. Ông kể với một người bạn: “Tôi cảm thấy mình như một cọng rác mà họ quên quét đi”.

Tuy nhiên, không nhìn hay gặp Pauline khiến Turgenev khổ sở. Nhà văn Nga Lev Tolstoy chứng kiến nỗi khổ sở đó và nói: “Nhìn Turgenev thật đáng thương. Tôi không nghĩ là anh ấy có thể yêu tới nhường ấy”. Lúc nào Turgenev cũng quay lại với vợ chồng Viardot. Có lần ông ở trong phòng gác mái tại căn nhà của họ ở Paris.

Có lần ông cùng họ tới London trong một chuyến đi ngắn. Mối quan hệ của Turgenev với vợ chồng Viardot khiến ông trả giá đắt. Ông không bao giờ lấy vợ. Ông phải cam chịu với việc không bao giờ có được tình yêu ông muốn từ Pauline. Ông nói: “Tôi đã lỡ phần thưởng chính trong xổ số cuộc đời”.

Trong thế giới văn hóa, nghệ thuật châu Âu, Turgenev và vợ chồng Viardot quen biết tất cả mọi người. Turgenev quen các nhà văn khắp châu Âu, từ các nhà văn đồng hương Nga như Tolstoy và Dostoyevsky cho tới các nhà văn Pháp, Đức. Pauline thì làm việc với nhiều nhà soạn nhạc vĩ đại thế kỷ 19. Bà có quan hệ tình cảm với ít nhất hai người: Berlioz và Gounod “quái vật” - tên mà Tergenev ghen tức đặt cho người này.

Pauline là ca sĩ nổi tiếng tới mức nhà văn Charles Dickens đã đi từ London tới Paris để gặp bà. Turgenev mô tả khi ông quan sát nhà văn Anh xem Pauline biểu diễn: “Hai cánh tay ông ôm chặt ngực và mặt ông đẫm nước mắt”.

Tuy nhiên, Pauline lại là một người rất hám lợi. Nguyên tắc của bà là đòi “cát-sê” cao hết mức có thể. Phương châm của bà là “không bao giờ hát không cho ai”. Tại đám tang bạn thân là Chopin, tiền mà người ta phải trả bà lên tới một nửa chi phí đám tang.

Thùy Dương
.
.