Nữ võ sư và những bài quyền từ ghế, chổi, cuốc, xẻng…

Thứ Sáu, 20/11/2015, 10:00
Khi bạn bè cùng trang lứa hứng thú với múa hát văn nghệ, chị đi những đường quyền. Đồ chơi của tuổi học trò là quả cầu, quả bóng, chị lại chọn kiếm, đao. Gần 30 năm trước tập tễnh bước chân vào làng võ, nay võ sư Nguyễn Thị Thanh Tâm đã có được vinh dự cùng ngồi “chiếu trên” với nhiều cao thủ giới võ thuật Hải Phòng và cả nước.

Thanh Tâm cũng là nữ võ sư duy nhất của miền Bắc, Trưởng môn sáng lập phái võ Uy Long môn danh chấn đất Cảng.

14 tuổi đoạt Huy chương Bạc Quốc gia

Kể từ khi được công nhận võ sư năm 2008 đến nay, Thanh Tâm vẫn là nữ võ sư duy nhất của miền Bắc. Chặng đường gần 10 năm qua với vô số đổi khác nhưng võ sư Thanh Tâm vẫn giữ cho mình phong thái lạc quan, khoáng đạt, nhẹ nhàng. Ở chị, hiếm thấy nét hườm hườm, nghiêm cẩn, lên gân trịnh trọng của người theo đòi nghề võ, dù là khi chị sang sảng trước hàng trăm môn sinh hay giữa buổi trao đổi kinh nghiệm trong giới võ thuật.

Ngồi với nữ võ sư giữa trưa Hải Phòng nắng nhạt, từng mảng ký ức của người đàn bà mạnh mẽ lúng liếng trở về. Sinh năm 1976 trong một gia đình không có bất cứ ai theo nghề võ nhưng sẵn cá tính mạnh mẽ, Thanh Tâm hình thành đam mê lúc nào không hay.

Năm 13 tuổi, trong dịp nghỉ hè, Thanh Tâm cùng bạn bè đến Cung Văn hóa Thiếu nhi thành phố Hải Phòng để tìm học thêm môn năng khiếu, trong khi bạn bè chọn múa, hát, vẽ… thì Thanh Tâm lại bị hấp dẫn bởi sự mạnh mẽ, linh hoạt của karate.

Mối duyên với võ thuật được bắt đầu một cách hết sức tình cờ đó đã đặt nền móng cho nghiệp võ của võ sư Thanh Tâm sau này. Sau 3 tháng học võ karate, Thanh Tâm chuyển sang học võ cổ truyền bởi sự uyển chuyển, nhanh nhẹn và đặc biệt phù hợp với thể trạng của người Việt. Từ đây, năng khiếu võ thuật của chị được phát huy trọn vẹn.

Nhận ra thiên hướng và tư chất của học trò, huấn luyện viên Nguyễn Đình Hòa tận tâm chỉ dạy nên chẳng mấy chốc Thanh Tâm đã nhuần nhuyễn các bài quyền, sớm nổi trội trong số tất cả môn sinh đồng lứa thời bấy giờ.

Chỉ sau một năm làm quen với võ và miệt mài tập luyện với sự say mê, Thanh Tâm đã đem về chiếc Huy chương Bạc Giải Võ thuật cổ truyền toàn quốc năm 1992 tại Hà Nội về cho Hải Phòng, khi đó cô mới 16 tuổi. Nhắc lại kỷ niệm đó, nữ võ sư không giấu được niềm tự hào. Chị tâm sự, ban đầu đến với võ thuật chỉ đơn giản nghĩ rằng luyện võ sẽ khiến bản thân khỏe mạnh hơn, linh hoạt hơn, có thể chủ động được trong những tình huống bất trắc trên đường phố.

Tuy nhiên, càng được dạy nhiều về chiêu thức cũng như triết lý võ thuật, chị cảm thấy võ thuật đem lại cho con người tính kiên trì, điềm tĩnh, sự rộng lượng, nhẫn nhịn và luôn khát khao vượt lên chính mình. “Hiếm khi thấy người giỏi võ đánh nhau, trong đám đông, cao thủ thật sự luôn điềm tĩnh, không bắt nạt kẻ yếu và sẵn sàng tha thứ cho những người đã nôn nóng gây sự với mình” – võ sư Thanh Tâm đúc kết một cách nhẹ nhàng.

Tấm Huy chương Bạc năm 1992 không làm Thanh Tâm ngủ quên trên chiến thắng mà trái lại, càng khiến chị nỗ lực và tin tưởng hơn vào con đường võ thuật mình lựa chọn. Tiếp tục tầm sư học đạo và miệt mài tập luyện, sau 5 năm luyện võ, Thanh Tâm bắt đầu lập ra cơ sở riêng của mình. Khó khăn chồng chất nhưng không quản gian lao, luôn tin tưởng vào con đường mình đã chọn, chị đã thu hút được nhiều học trò bằng chính những phương pháp tập luyện mà chị đã sáng tạo và cải tiến.

Ghế, chổi, cuốc, xẻng… đều là vũ khí

Khẽ trầm giọng, Thanh Tâm nhớ  lại thời thanh niên chỉ biết có võ thuật. Sau gần 20 năm theo nghiệp võ, 32 tuổi chị đạt cấp võ sư Bạch đai (18/18) trở thành nữ võ sư duy nhất miền Bắc. Bằng những kiến thức võ học tích lũy được trong những năm tầm sư học đạo, võ sư Thanh Tâm đã đúc kết, vận dụng một cách sáng tạo và lồng ghép vào những cải tiến của bản thân mình để cho ra đời nhiều chiêu võ mới lạ, độc đáo. Chị  nghĩ ra cách dùng ghế, dùng chổi, cuốc , xẻng, cọc rào… đánh thành thế võ hiệu quả, ít rườm rà. Những vật dụng thông thường, tưởng chừng không là gì lại được chị biến tấu thành vũ khí hết sức thuần thục và linh hoạt.

Theo võ sư Thanh Tâm, với cao thủ thì bất cứ thứ gì cũng có thể trở thành vũ khí, thậm chí là tay không nhưng không phải lúc nào người luyện võ cũng có thể giành chiến thắng khi gặp chuyện. Thời nay, càng không thể lúc nào cũng kè kè binh khí bên mình nên khi gặp sự cố, bất cứ thứ gì vớ được cũng dùng tự vệ được. Nếu đánh đúng chiêu thức và phương pháp thì sẽ tiết kiệm được sức lực và tăng tính hiệu quả. Nhưng võ sư khuyến cáo rằng, tốt nhất là không nên đánh nhau theo kiểu bản năng. Nếu có chẳng may vướng xung đột thì ưu tiên thoát thân thay vì đối đầu và luôn phải đề cao tinh thần thượng tôn luật pháp mới được.

Võ sư Nguyễn Thị Thanh Tâm trong bài võ đao Siêu xung thiên.

Còn một lý do nữa khiến võ sư Thanh Tâm ứng dụng những vật dụng đời thường vào võ thuật, đó xuất phát từ truyền thống chống ngoại xâm từ xa xưa của dân tộc. Theo võ sư, xưa kia, những thế hệ ông cha đã dùng cả những vật dụng rất đỗi quen thuộc như cuốc, thuổng, gậy, ghế, liềm… để đánh giặc và nay võ sư muốn tái hiện lại nhằm hoài niệm quá khứ, nhắc nhớ những truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam và thực cũng muốn chứng tỏ với mọi người rằng, đó là những vật không hề vô dụng một khi hữu sự.

Ngoài những kiến thức võ học truyền thống, võ sư Thanh Tâm cũng liên tục mở rộng đào tạo những nội dung như ngoại công, tự vệ nữ, đối kháng, những bài tập gần gũi và thực tế hơn để người tập có thể ứng dụng dễ dàng và nhanh chóng trong cuộc sống, thoát hiểm nhanh nhất.

Sáng lập võ phái Uy Long môn

Từng đi khắp trong Nam ngoài Bắc tham vấn các môn phái khác nhau cả về võ công lẫn cách quản lý môn phái, võ sư Thanh Tâm khai sinh môn phái Uy Long vào tháng 7/2009 tại Cung Văn hóa thể thao Thanh niên Hải Phòng. Uy Long vừa là hình ảnh Rồng mạnh mẽ, đầy uy lực nhưng cũng là tên của cậu con trai của người sáng lập ra võ đường. Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng Uy Long môn là phái võ quy mô nhất của đất Cảng hiện nay.

Nói về ý tưởng lập phái, võ sư cho hay, mỗi người học võ lại có cách ứng dụng khác nhau và biến tấu, sáng tạo để mang màu sắc của mình, hoàn thiện hơn cho chiêu thức, phù hợp với thể trạng từng người. Cùng gốc võ học nhưng mỗi nhánh có đặc trưng và thế mạnh khác nhau.

Tốt nghiệp Đại học Thể dục - Thể thao, lại vững chuyên môn, tìm hiểu kinh nghiệm lập môn của nhiều võ phái nhưng khi thành lập Uy Long môn, nữ võ sư cũng vật lộn với không ít khó khăn. Vấn đề có được bản sắc riêng và chỗ đứng trong một giới võ thuật vốn đã rất phát triển là không hề đơn giản, hơn nữa hiện nay lại có nhiều môn phái võ của nước ngoài được du nhập vào.

Song song với cơ sở tại Cung Văn hóa thể thao Thanh niên Hải Phòng do chị tự đứng lớp huấn luyện, võ sư Thanh Tâm tiếp tục liên hệ đưa võ phái của mình vào những trường tiểu học, trung học thông qua mô hình giáo dục thể chất.

Sau nhiều thời gian thuyết phục thì cũng nhận được sự đồng ý của ban giám hiệu các trường. Qua một thời gian luyện võ, nhiều học sinh cứng cáp, khỏe mạnh, chín chắn hơn khiến ngày càng nhiều phụ huynh tìm đến võ sư Thanh Tâm gửi con.

Uy Long môn Hải Phòng tổ chức lễ khai giảng.

Nhiều trường tiểu học trên địa bàn quận Lê Chân và quận Ngô Quyền mời võ sư của võ đường Uy Long môn về giảng dạy. Những cháu có năng khiếu và yêu thích cũng được phụ huynh tin tưởng đưa tới Cung Văn hóa thể thao Thanh niên theo học Uy Long môn.

Võ sư Thanh Tâm cho hay, ban đầu nhiều phụ huynh cũng ngại ngần, vì con cái học hành cả ngày vất vả, chiều đến lại tập võ thì không có sức để tối ôn bài. Chị phải nhẹ nhàng nói cho họ hiểu, rằng việc mệt nhọc giữa học hành và tập võ khác hẳn nhau. Tập võ mệt lúc tập nhưng tăng cường sức khỏe, khi khỏe mạnh thì có thể làm được nhiều việc, một tinh thần phấn chấn, hào hứng chỉ có thể có ở một thân thể khỏe mạnh, nhiều sức sống chứ không thể ngược lại.

Dù hiện nay, võ sư Thanh Tâm có nhiều đệ tử đủ bản lĩnh đứng lớp huấn luyện thay nhưng chị vẫn thường xuyên thị phạm những bài quyền khó, chỉnh sửa cho môn sinh từng động tác nhỏ.

Võ công song hành Võ đức

Khi mới thành lập được một năm, võ phái Uy Long của võ sư Thanh Tâm được Hội Võ thuật cổ truyền Hà Nội mời tham dự biểu diễn phục vụ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội và đạt 3 Huy chương Vàng cho đoàn thể thao Hải Phòng. Tháng 1/2012, võ phái đã tham gia Giải Võ thuật Hà Nội mở rộng và giành 4 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 11 Huy chương Đồng, đứng thứ 3/64 đoàn tham dự, trong đó có nhiều đoàn nước ngoài.

Đến năm 2013, Uy Long môn tham gia các giải võ thuật và giành được 23 huy chương các loại (33 - 55 - 15). Năm 2011, Uy Long môn được Liên đoàn Võ thuật Việt Nam chính thức công nhận là phái võ cổ truyền dân tộc.

Bên cạnh đó, Uy Long môn dù là tên tuổi mới nhưng thường xuyên được mời đi giao lưu võ thuật. Tháng 8/2012, Uy Long môn tham gia giao lưu biểu diễn với nhiều đoàn nước ngoài, trong đó có Festival võ thuật quốc tế tại Bình Định. Võ sư Nguyễn Thị Thanh Tâm còn được mời tham dự giao lưu võ thuật ở nhiều nước như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…

Mới đây, năm 2015, Uy Long môn cũng tham gia Đại hội Quốc tế võ cổ truyền và gây được nhiều ấn tượng.

Trong đời võ, không ít lần chị chạm mặt với dân “anh chị” đất Hải Phòng nhưng khi biết đến chị, tất cả lại bắt tay giảng hòa và ứng xử với nhau khá lịch sự. Nhiều thanh niên mới lớn, chưa hiểu chuyện đời đã được võ sư Thanh Tâm nhận vào võ đường và trở thành người tốt. Võ sư Thanh Tâm và võ đường Uy Long môn cũng được Công an Hải Phòng mời đến cùng tập huấn võ thuật cho cán bộ chiến sĩ.

Là nữ, lại luyện võ nhưng bàn tay võ sư Thanh Tâm vẫn khá mềm mại. Võ sư cho hay, có những bí quyết để vừa luyện được sức mạnh, vừa giữ được đôi tay. Là võ sư nhưng chị cũng là phụ nữ, ngoài giờ luyện võ cũng có nhu cầu làm đẹp, cũng phải hoàn thành nhiệm vụ của người mẹ, người vợ trong gia đình. Nhiều lần tập luyện, thi đấu bị chấn thương, võ sư Thanh Tâm lại dùng những kiến thức được thầy truyền dạy để nắn khớp, đắp thuốc tự điều trị cho mình kịp thời.

Nữ võ sư cho hay, võ công phải song hành với “võ đức” và luôn phải có tinh thần thượng võ, nhẫn nại, kiên trì và bao dung trong cuộc sống. “Tôi cảm thấy may mắn vì được chồng ủng hộ hết mình dù anh không theo nghiệp võ. Được sống với đam mê, được sự ủng hộ của gia đình và bạn bè, tôi tin Uy Long môn sẽ đưa võ thuật cổ truyền Việt Nam đi xa hơn nữa” – Võ sư Thanh Tâm tâm sự.

Bùi Trí Lâm
.
.