Sự tan rã của The Beatles dưới góc nhìn một nhà báo

Thứ Ba, 31/01/2017, 11:35
Ray Connolly là một nhà báo người Anh gần gũi nhất với nhóm nhạc huyền thoại The Beatles. Ông đã được ca sĩ chính của nhóm là John Lennon thông báo quyết định sẽ rời nhóm The Beatles. Trong cuốn sách mới "The Ray Connolly Beatles Archive" (Ký ức về Beatles của Ray Connolly), ông đã kể lại quá trình và phân tích nguyên nhân tan rã của The Beatles.

Thông tin chấn động

Ngay trước Giáng sinh năm 1969 vài hôm, John đã thảo luận về lời bài hát của The Beatles trên điện thoại với Ray, rồi mời anh đi cùng vợ chồng John tới gặp Thủ tướng Canada Pierre Trudeau.

Ray nhanh chóng lái xe tới căn nhà của ca sĩ nhạc rock Ronnie Hawkins, nơi mà John và vợ Yoko đang ở tại Canada. Ngay khi tới nơi, John đề nghị Ray theo anh và vợ vào phòng riêng của họ để nói chuyện cho kín đáo. Sau đó, cười khúc khích vui vẻ, John thông báo việc anh vừa phá hủy nhóm nhạc nổi tiếng nhất thế giới: "Tôi đã rời The Beatles".

Nhà báo Ray Connolly.

Ray không tin nổi vào tai mình và không nói được lời nào. Tại thời điểm đó, The Beatles hoàn toàn thống trị thế giới văn hóa đại chúng. Album mới nhất của họ là Abbey Road vẫn đứng số một trong các bảng xếp hạng mọi nơi. 

Tại sao một người tâm trí bình thường lại quyết định hủy hoại nhóm nhạc giải trí nổi tiếng nhất mà thế giới từng biết? Với Ray, điều này không có lý. Nhưng anh không chỉ sửng sốt mà còn chán nản vì anh cũng là một người hâm mộ cuồng nhiệt The Beatles như bất kỳ ai. Với tư cách là một nhà báo, Ray biết còn có điều gì đó đằng sau sự tan rã của The Beatles - sự kiện lớn nhất mà Ray từng gặp trong đời.

John không quên dặn Ray: "Đừng nói cho ai biết vội. Tôi sẽ cho anh biết khi nào anh có thể viết về điều này. Allen Klein (quản lý mới của nhóm The Beatles khi đó) không muốn tôi thông báo cho tới khi bộ phim Let It Be ra mắt vào năm tới".

Sau khi Ray và vợ chồng John rời phòng ngủ, John rất hài lòng với những gì vừa thông báo với Ray. Tuy nhiên, Ray vẫn nuôi hi vọng rằng John sẽ thay đổi ý định cho dù không phải là không nhìn thấy những vấn đề đang xảy ra với The Beatles.

Là một người thường xuyên tới trụ sở của Hãng Apple ở London, Ray đã có mặt ở đó vào một buổi chiều mới đây. Ray chợt nghe thấy tiếng cửa đập mạnh và tiếng người chạy lên xuống cầu thang. Một cuộc họp của The Beatles vừa kết thúc trong gay gắt và thất bại. Không ai ở Apple bình luận gì cả nhưng dấu hiệu thì rõ là điềm xấu.

Không lâu sau sự cố ở trụ sở Apple, Ray đã viết một tin cho tờ London Evening Standard với cái tít "Ngày The Beatles chết" để "lấy đà" trước khi đưa thông tin chấn động John rời nhóm. Bài báo nói một cách ẩn dụ về việc tình bạn của bốn chàng trai đã tan rã sau khi họ hoàn thành chuyến lưu diễn cách đây ba năm.

Ngày hôm sau, một bông hồng trắng trong hộp nhựa trong suốt đã được gửi tới bàn làm việc của Ray với một tấm bưu thiếp có dòng chữ: "Thân tặng từ John và Yoko". Thông điệp ẩn đằng sau đó không thể rõ hơn. Ray biết là mình đang viết đúng hướng.

Từ đó, Ray có một nguồn tin ngay trong The Beatles. Đó không ai khác chính là John Lennon. Tại cuộc gặp ở Canada, John đã kể lại cuộc họp nhóm giận dữ giữa các thành viên The Beatles ở trụ sở Apple tại London. Trong đó, Paul McCartney đề xuất rằng do nhóm không còn hòa hợp như trước đây nên có lẽ cần đi lưu diễn cùng nhau và lại chơi nhạc trong các câu lạc bộ nhỏ. John trả lời: "Tôi nghĩ anh mất trí rồi Paul ạ. Tôi sẽ rời The Beatles. Tôi muốn một cuộc chia tay".

Khi nghe John kể tại Canada, Ray đã không viết ngay mẩu tin chấn động đó và đã hứa không viết cho đến khi nào được John đồng ý. Sau này nghĩ lại, Ray đôi khi tự hỏi không biết John có ý muốn anh công bố quyết định rời The Beatles hay không khi nói thông tin chấn động này với một nhà báo và đoán rằng anh ta không thể giữ bí mật. Vậy nhưng, Ray đã giữ được bí mật chấn động đó. Ngoài ra, anh cũng hoàn toàn không muốn The Bealtes tan rã như bất kỳ ai, ngoại trừ John và có lẽ cả Yoko.

Lúc đó, cho dù John có giải thích rằng các thành viên khác của The Beatles đối xử với Yoko không ra gì, rằng John muốn tự do làm việc với các nhạc sĩ khác, nhưng Ray không thể tiếp thu những điều đó. Anh cho rằng không ai làm đối tác âm nhạc của John tốt hơn Paul McCartney. Các sự kiện sau này cũng chứng minh điều đó.

Sau khi được nghe một bí mật động trời, Ray đón Giáng sinh năm 1969 tới với tâm thế phải giữ một bí mật lớn, chờ một cái gật đầu để đưa mẩu tin độc quyền tầm cỡ thế giới. Đến tháng 4-1970, khi đĩa đơn Let It Be của The Bealtes đứng ở vị trí số 1 trên toàn thế giới, Ray nhận được một bản sao tài liệu hỏi đáp mà Paul McCartney sẽ công bố ngày hôm sau, trùng với ngày ra mắt một album solo của anh. Trong đó, anh cho biết không có kế hoạch ghi âm với The Beatles nhưng không biết thời gian gián đoạn sẽ là tạm thời hay vĩnh viễn. Đây là lối trả lời đặc trưng của Paul - người vốn rất thận trọng.

Ray hiểu rằng Paul vẫn đang chờ John, hi vọng rằng anh bạn cũ có thể thay đổi ý định và hủy cuộc chia tay với nhóm. Nhưng khi một tờ báo không "nhịn" nổi đã công bố thông tin về Paul trước khi được phép với dòng tít trên trang nhất "Paul bỏ Beatles", chỉ trong vòng vài giờ, anh đã trở thành người bị căm ghét nhất thế giới. Thật mỉa mai khi Paul chính là người đã giữ cho các thành viên trụ lại sau cái chết của quản lý Brian Epstein trước đó gần ba năm, một người hâm mộ The Bealtes cuồng nhiệt nhất trong các thành viên nhóm, giờ lại bị chỉ trích vì làm tan rã nhóm.

Tuy vậy, John không hài lòng khi Paul công bố thông tin. Trong mắt John, kể từ khi anh bắt đầu nhóm The Beatles, anh muốn mình là người kết thúc nhóm. John đã hỏi Ray khi Ray gọi điện ngày hôm đó: "Tại sao anh không viết tin khi tôi kể cho anh nghe ở Canada?". Ray trả lời: "Anh đã bảo tôi không công bố mà" và nhận được một câu trả lời khinh miệt: "Anh là nhà báo cơ mà, Connolly, không phải tôi". Ray hiểu đôi khi không thể thắng được John.

Rạn nứt không thể hàn gắn

Hai tuần liền, Paul hứng chịu búa rìu dư luận từ người hâm mộ The Beatles trên toàn thế giới. Họ coi hành động của anh là sự phản bội kinh khủng. Sau đó, một sáng nọ, Paul gọi điện và đề nghị Ray phỏng vấn mình để người hâm mộ có thể nghe câu chuyện từ lời kể của Paul. Ray cùng vợ chồng Paul gặp nhau trong bữa ăn trưa tại một nhà hàng ở khu Soho ở London. Paul kể: "Tất cả là hiểu lầm".

Trong hơn hai tiếng sau đó, Paul đã kể lại những cuộc cãi vã, bất đồng và hiểu lầm giữa bốn chàng trai trẻ từng một thời tự hào là luôn hành động thống nhất. Trước tiên là chuyện Ringo Starr đã bỏ đi khi đang ghi âm cách đây 18 tháng vì chán các cuộc cãi nhau, rồi lại quay lại vài ngày sau đó. Rồi chuyện George Harrison hờn dỗi bỏ đi vì anh cảm thấy những bài hát của anh không được các thành viên khác tôn trọng. Rồi George cũng quay trở lại. Tiếp tục tới lúc John đề nghị rời nhóm. Lúc đó, anh là thành viên Beatles duy nhất chưa từng bỏ đi.

Trong cuộc phỏng vấn, Paul cũng nói về những khó khăn khi hợp tác viết bài hát với John vì Yoko lúc nào cũng kè kè cạnh John - tình huống mà Paul cảm thấy khó mà thoải mái sáng tạo. Paul thậm chí còn không hòa âm cùng John trong các buổi ghi âm của The Beatles như trước đây vì trước mặt Yoko, Paul cảm thấy không thoải mái.

John Lennon (trái) và Paul McCartney là hai thành viên có ảnh hưởng nhất của The Beatles.

Đỉnh điểm của bất hòa là về chuyện quản lý nhóm. Paul muốn bố vợ là Luật sư Lee Eastman ở New York làm quản lý, còn John và hai thành viên còn lại muốn Allen Klein - người mà Paul không hề thích và tin cậy. Bất đồng cứ thế chất chồng ngày càng cao.

Một lần, Paul thấy rấc tiếc khi đã nổi giận với Ringo khi tay trống này được John và George chọn làm "sứ thần hòa giải". Rồi có lần Paul nổi giận khi nhà sản xuất Phil Spector được John gọi đến hòa âm lại toàn bộ album Let It Be, đồng thời thêm một đoạn hợp xướng giọng nữ vào một trong số các bài hát mới của Paul (The long and winding road) mà không được anh cho phép. Điều đó đã khiến Paul nổi giận.

Khi đọc bài báo sau đó mà Ray viết, John đã nói: "Tất cả chỉ thế này thôi à? Paul phải cảm ơn Spector vì những thứ ông đã làm để bản nhạc có thể phát hành. Không thành viên The Beatles nào muốn làm gì với bản nhạc cả. Ngay cả những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất cũng không thể ngồi suốt 6 tuần khổ sở để làm phim Let It Be. Đó là nhiệm vụ đau khổ nhất quả đất, âm nhạc đau khổ nhất cứ phát đi phát lại, còn mọi người thì được kỳ vọng phải ngoác miệng cười".

Lý do Paul đề nghị phỏng vấn (một điều hiếm hoi ngoại lệ với bất kỳ ngôi sao nào) không chỉ là vì anh muốn giải thích quan điểm với người hâm mộ The Beatles. Anh còn muốn giải thích với ba thành viên còn lại. Tuy nhiên, mối bất hòa không bao giờ được hàn gắn.

Các luật sư của hai bên được triệu tới và bốn thành viên The Beatles không bao giờ ghi âm cùng nhau nữa. George Harrison ngay lập tức tỏ ra vui mừng vì thoát khỏi nhóm để tập trung vào công việc riêng. Ringo cũng tiếp tục sự nghiệp solo. John và Paul cũng tương tự. Liệu có bao giờ họ hối tiếc vì đã khởi đầu tốt đẹp đến vậy nhưng lại kết thúc trong bi kịch? Theo Ray, hẳn là họ có hối tiếc.

Trong khi đó, John và Paul vẫn không nói chuyện với nhau. Nhưng 18 tháng sau, trong một thoáng chốc, Ray nghĩ rằng có thể có khả năng John và Paul đã nối lại quan hệ đôi chút. Khi đó, Ray đang ở New York cùng vợ chồng John thì anh được đề nghị thay mặt John liên lạc với Paul khi về London. John muốn nhờ Ray chuyển cho Paul một lời nhắn về chuyện làm ăn liên quan đến cả hai. John giải thích: "Tôi không muốn nhờ Apple, luật sư, Klein và Eastman. Và nếu tôi gọi điện cho Paul, chúng tôi sẽ bắt đầu la hét với nhau ngay thôi. Nếu anh không phiền, có lẽ anh có thể làm trung gian và bảo anh ấy gọi cho tôi để chúng tôi có thể nói chuyện".

Khi về London, Ray không thể liên lạc với Paul nên đã dán tin nhắn lên hộp thư trên cổng nhà Paul. Vài ngày sau, bố của Paul kể với Ray rằng mọi chuyện đã khác rồi. Quá muộn để hàn gắn.

Vậy tại sao The Beatles lại tan rã? Không có một câu trả lời nào cả. Rõ ràng, sau khi quản lý của nhóm là Brian Epstein chết năm 1967, họ đã thiếu sự kết dính và hướng dẫn mà ông đã mang lại cho cả nhóm. Ngoài ra, Allen Klein cũng không phải là một quản lý tốt. Rồi thực tế là bộ tứ The Beatles đơn giản là phải lớn lên, kết hôn và cần có cuộc sống riêng bên ngoài nhóm nhạc mà họ đã tạo ra.

Tuy nhiên, đối với Ray, lý do lớn nhất chính là tất cả bọn họ đã hoàn toàn kiệt sức về thể xác lẫn tinh thần sau khi trải qua 7 năm ròng rã với hoạt động sáng tạo âm nhạc phi thường: 12 album, 21 đĩa đơn và hơn 250 bài hát đã được sáng tác và thu âm. Ngoài ra, sự căng thẳng khi chứng kiến cơn cuồng nhiệt của đám đông mỗi lần họ đi lưu diễn toàn thế giới, rồi trách nhiệm là thủ lĩnh văn hóa toàn cầu đè nặng lên vai họ, khiến họ rã rời.

Bị áp lực, lúc nào cũng cảm thấy phải đứng đầu mọi thứ vì người hâm mộ kỳ vọng quá lớn, họ đã bất hòa trong nội bộ khi gặp khó khăn trong sáng tạo. Họ cần phải ra khỏi đoàn tàu mất kiểm soát The Beatles. Khi xem bộ phim tài liệu mới "The Beatles: Eight Days A Week" (The Beatles: 8 ngày một tuần), chúng ta mới sốc khi chứng kiến cuộc sống thường nhật của họ mệt mỏi, bất khả thi như thế nào khi mà họ ở độ tuổi quá trẻ, để rồi những chàng trai đầy nhiệt huyết năm 1963 đã trở thành những hình tượng không hạnh phúc năm 1969.

Sự kỳ vọng của khán giả và nỗi sợ thường trực trong The Beatles là không đáp ứng được kỳ vọng của khán giả chắc chắn là điều không thể chịu nổi. John chưa đầy 30 tuổi nhưng anh trông như 40. Anh đã làm tan vỡ triệu triệu trái tim con người, đặc biệt là Paul McCartney, khi chia tay The Beatles.

Bản thân nhà báo Ray cũng nghĩ rằng John đã mắc sai lầm. Sau này, như tất cả mọi người khác, Ray cho rằng hành động "đập phá thánh tượng" của John là cố ý, hay nói cách khác đó là một kiểu "thiên tài điên rồ". Khi giết chết mọi thứ vào cuối thập kỷ 60, John Lennon đã đóng băng The Beatles kịp thời, đảm bảo rằng họ sẽ không bao giờ khiến khán giả thất vọng - điều không thể tránh khỏi nếu họ còn ở cạnh nhau. Phải chăng đó cũng là lý do tại sao người ta vẫn làm phim và viết sách về họ và tại sao âm nhạc của họ vẫn quanh chúng ta.

Nhật Minh
.
.