Thị trường vàng: Liên thông để chấm dứt bất hợp lý

Thứ Ba, 25/08/2020, 20:37
Dòng tiền đầu tư trong dân quay sang vàng nên giá vàng tăng cao đang gây tác động không nhỏ đến nền kinh tế.

Thực tế, nhiều năm nay chuyện giá vàng tăng, giảm đột biến đã không còn là mối bận tâm của số đông người dân. Nhưng giá vàng tăng liên tiếp, lập đỉnh ở mức 62 triệu đồng mỗi lượng rồi liên tiếp đảo chiều, tăng giảm thất thường với biên độ tăng, giảm khá lớn gần đây đã khiến những người quan tâm đến kênh đầu tư này có xu hướng quay trở lại với vàng, nhất là khi giao dịch nhà, đất đang chững lại, đầu tư vào chứng khoán cũng khó kiếm lợi nhuận cao. Dòng tiền đầu tư trong dân quay sang vàng nên giá vàng tăng cao đang gây tác động không nhỏ đến nền kinh tế.

Giám đốc điều hành Asian Holding Nguyễn Văn Hậu nhận định, dòng tiền của nhà đầu tư đổ vào vàng cũng chỉ là hình thức đầu tư ngắn hạn vì về lâu dài giá vàng sẽ giảm chứ không thể tăng mãi. Khi giá vàng giảm, dòng tiền của nhà đầu tư sẽ quay lại thị trường bất động sản và một số kênh đầu tư khác hoặc sản xuất kinh doanh. 

Ông Hậu phân tích, dịch bệnh bùng phát, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán giảm mạnh, lãi suất ngân hàng cũng giảm thấp nên dòng tiền của nhà đầu tư đổi hướng sang bất động sản và vàng, nhất là thời điểm giá vàng liên tục lập đỉnh. Giá vàng tăng cao, dòng tiền đầu tư vào vàng cũng tăng lên, nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, sản xuất kinh doanh sẽ hồi phục, vàng sẽ không phải là kênh đầu tư an toàn và có tỷ lệ sinh lời cao hơn so với những kênh đầu tư khác nếu mua vàng với giá hiện nay.

Giá vàng càng tăng cao, người mua bán vàng càng chịu thiệt kép về giá. Ngoài mức giá cao hơn vài triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, những thời điểm giá vàng lập đỉnh, chênh lệch giữa giá mua vào, bán ra đã được các đầu mối mua bán giãn rộng ở mức gần 2 triệu đồng/lượng. Thực trạng này đã khiến dòng chảy vàng trong giao dịch công khai khá nhỏ.

Thành phố Hồ Chí Minh, nơi ra đời của thương hiệu vàng SJC và cũng là thị trường có sức mua bán, giao dịch lớn đối với mặt hàng này, nhưng theo số liệu từ NHNN Chi nhánh thành phố, những tháng đầu năm nay mỗi ngày bình quân cũng chỉ có gần 3,5 ngàn lượng  vàng được bán ra, mua vào. Số lượng vàng miếng SJC được giao dịch công khai ít ỏi như vậy, nên chủ một tiệm vàng cho rằng chỉ cần vài người dân sau khi bán đất, bán nhà bỏ tiền mua gom vàng để tích trữ, lập tức vàng miếng SJC trở nên khan hiếm ảo. 

Đó là chưa kể các tiệm vàng thường xuyên canh giá để mua gom thời điểm giá vàng biến động để trữ hoặc để giao dịch với khách quen. Ngoài ra chỉ cần một vài nhà đầu tư hạng "cá mập" bỏ tiền mua vét, vàng miếng SJC cũng lập tức khan hiếm tạm thời.

Mãi lực mua bán vàng miếng kiểm soát được ít như vậy đã khiến giao dịch vàng ngầm luôn sôi động khi TP Hồ Chí Minh có đến 480 doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc. Đến bất cứ tiệm vàng lớn nào đặt mua vàng miếng SJC đều được đáp ứng. Những cửa hàng không có ngay số vàng lớn theo yêu cầu của khách cũng chỉ cần hẹn khách trong 1-2 ngày sẽ gom đủ.

Số liệu nhập khẩu vàng những năm qua cho thấy lượng vàng tích trữ trong dân còn rất lớn, song những tháng đầu năm nay thời điểm giá vàng đã tăng cao, NHNN Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh vẫn phải cấp đến 5 giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để phục vụ gia công, chế tác. Lẽ ra vàng trữ trong dân phải được huy động để phục vụ gia công, xuất khẩu thời điểm giá vàng tăng cao, nhưng thị trường vàng lại đang đi ngược lại xu thế của kinh tế thị trường.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do thị trường vàng trong nước không được liên thông với thị trường vàng thế giới. "Một mình một chợ" nên các đầu mối kinh doanh vàng miếng SJC mặc sức bắt chẹt người mua, bán vàng. Trong khi mức chênh giá mua vào, bán ra trên thị trường vàng thế giới chỉ là vài USD mỗi ounce, tức vài chục ngàn đồng/lượng, thì chênh lệch giá mua vào, bán ra trong nước ít nhất cũng ở mức vài trăm ngàn, cao nhất lên tới gần 2 triệu đồng/lượng những ngày gần đây.

Giá vàng càng tăng cao, các đầu mối mua bán vàng càng lấy cớ để đồng loạt tự nới rộng giá mua vào, bán ra ở mức cao để hạn chế rủi ro trong kinh doanh, để khỏi phải ôm lượng vàng lớn thời điểm giá lập đỉnh. Nhưng tình trạng này đã dẫn đến việc hạn chế người bán vàng, hạn chế lãi cho người đầu tư vàng và ngăn dòng chảy vàng tích trữ trong dân vào thị trường giao dịch, đầu tư vào nền kinh tế. 

So với giá bán ra được các đầu mối kinh doanh vàng niêm yết, những người mua vàng thời điểm giá lập đỉnh hiện đã lỗ ngay vài triệu đồng/lượng. Trên thực tế nếu đem bán ra, người dân còn lỗ thêm khoản chênh lệch do giá mua vào quá thấp.

 Ông Nguyễn Hữu Quang, một chuyên gia về đầu tư tài chính cho rằng, giá vàng đang tăng giảm đột biến một cách khó lường, nên nếu mua vàng thời điểm này, nhà đầu tư sẽ đối mặt với nguy cơ thua lỗ nặng. Bởi khi vắc-xin phòng ngừa dịch COVID-19 được bán đại trà, kinh tế sẽ hồi phục, giá vàng thế giới sẽ giảm kéo vàng trong nước giảm sâu.

Hầu như suốt thời gian tăng giá gần đây, giá vàng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới vài triệu đồng, có thời điểm lên gần 5 triệu đồng/lượng. Phân tích về tình trạng này, một chuyên gia về thị trường vàng cho rằng, giá vàng trong nước tăng giảm là do ảnh hưởng bởi thị trường vàng thế giới. Tuy nhiên, do thị trường vàng trong nước và thế giới không liên thông dẫn đến một số đơn vị kinh doanh vàng thiếu nguồn cung, khiến giá vàng tăng giảm bất thường và chênh lệch giá mua vào, bán ra quá lớn.

Một nguyên nhân khác, từ khi Nghị định 24/2012 có hiệu lực đến nay, NHNN không nhập thêm vàng và Công ty SJC cũng không được dập thêm vàng mới mà chỉ gia công lại số vàng móp méo. Điều này có nghĩa số lượng vàng miếng SJC không tăng; lượng vàng miếng đưa vào giao dịch trên thị trường có hạn nên khi người dân đồng loạt mua vào, các doanh nghiệp sẽ đẩy giá bán lên cao. 

Cùng lúc, những cơ sở kinh doanh vàng lớn sẽ áp đạt, khống chế giá mua vào, đẩy số đông nhà đầu tư vàng đối mặt với chuyện từ lỗ nhẹ đến lỗ nặng. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như những lần vàng sốt giá trước đây, những ngày qua động thái của NHNN cũng vẫn chỉ là theo sát diễn biến của thị trường vàng để có biện pháp điều chỉnh, can thiệp khi cần thiết.

Để chấm dứt tình trạng người trữ vàng thiệt đơn thiệt kép do luôn phải mua vào với giá cao, bán ra với giá thấp và cũng là để huy động được lượng vàng lớn dự trữ trong dân đầu tư vào nền kinh tế thời điểm giá vàng tăng cao, thì cần thiết phải có chính sách liên thông giữa thị trường vàng trong nước với thị trường vàng thế giới. Đây là mấu chốt để giải quyết những bất hợp lý đã và đang tồn tại ở thị trường vàng trong nước nhất là về giá vàng miếng SJC. 

Đ.Thắng
.
.